BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
39/2014/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 07 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH KỸ THUẬT THÀNH LẬP MÔ HÌNH SỐ ĐỘ CAO BẰNG CÔNG NGHỆ BAY QUÉT LIDAR
Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng
01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP
ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ
Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông
tư quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy
định các yêu cầu kỹ thuật trong việc thành lập mô hình số độ cao bằng
công nghệ bay quét LiDAR.
Trường hợp có
yêu cầu kết hợp chụp ảnh số trong quá trình
bay quét LiDAR, việc thành lập bình đồ ảnh số sẽ thực hiện theo quy định kỹ
thuật tại Thông tư này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà
nước về đo đạc và bản đồ; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đo đạc
và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Laser (Light Amplification by Stimulated Emission
of Radiation): là công nghệ/thiết bị khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích
thích.
2. LiDAR (Light Detection And Ranging): là công
nghệ đo khoảng cách bằng tia laser.
3. DEM (Digital Elevation Model): là mô hình số độ cao,
thể hiện độ cao của bề mặt địa hình.
4. DSM (Digital Surface Model): là mô hình số bề
mặt, thể hiện lớp trên cùng của bề mặt trái đất nhìn được từ trên xuống.
5. Bình đồ ảnh số: là tên gọi chung của sản phẩm
ảnh số đã được hiệu chỉnh ảnh hưởng do chênh cao địa hình, được định vị trong
hệ tọa độ của bản đồ cần thành lập, được lấy mẫu lại phù hợp với tỷ lệ bản đồ
cần thành lập, được cắt, ghép theo mảnh bản đồ và được đặt tên theo phiên hiệu
của mảnh bản đồ tương ứng.
6. EGM2008 (Earth Gravitational Model 2008): là mô hình
trọng lực Trái đất năm 2008 do Mỹ công bố, thường hay được gọi là mô hình geoid
toàn cầu 2008.
7. IMU (Inertial Measurement Unit): là bộ đo quán tính,
gồm cụm thiết bị đo gia tốc và góc xoay trong không gian.
8. GNSS (Global Navigation Satellite System): là tên
dùng chung cho các hệ thống định vị toàn cầu sử dụng vệ tinh như GPS (Mỹ), hệ
thống định vị Galileo (Liên minh châu Âu) và GLONASS (Liên bang Nga), Beidou (Trung
Quốc)...
9. PDOP (Position Dilution Of Precision): là chỉ số
suy giảm độ chính xác, thể hiện một chỉ số của độ chính xác định vị 3 chiều do kết
quả của vị trí tương đối của các vệ tinh GPS/GNSS tương đối với một máy thu
GPS/GNSS.
10. WGS-84 (World Geodetic System 1984): là hệ Trắc
địa Thế giới 1984, bao gồm các số liệu về khung tham chiếu tọa độ Trái đất, ellipsoid
tham chiếu, mặt geoid được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 1984.
11. GRID: là định dạng đặc biệt dùng để lưu trữ mô hình
số độ cao và mô hình số bề mặt ở dạng lưới ô vuông, có thể ở dạng file mã nhị
phân (binary), hoặc file mã ASCII (American Standard Code for Information Interchange
- Mã chuẩn Mỹ về trao đổi thông tin).
12. GeoTIFF: là định dạng đặc biệt dùng để lưu trữ dữ
liệu ảnh số kèm theo các thông tin định vị địa lý của tấm ảnh.
13. GNSS Base station: là trạm GNSS cơ sở, một máy thu
GNSS đặt tại một điểm đã biết tọa độ chính xác, được sử dụng để phân phối thông
tin cải chính cho các máy thu GNSS di động xung quanh với phạm vi nhất định trong
các phép đo GNSS phân sai xử lý sau (Post Processing Differential GNSS) hoặc đo
GNSS phân sai theo thời gian thực (Real Time DGNSS).
14. Point cloud: là đám mây điểm, tập hợp các điểm có
tọa độ, độ cao được xác định qua quá trình xử lý dữ liệu quét laser.
15. Ground points: là lớp điểm mặt đất, bao gồm các
điểm nằm trên bề mặt địa hình đã được loại bỏ các đối tượng lớp phủ bề mặt như:
nhà, các công trình kiến trúc, thực phủ...
16. Non-ground points: là lớp điểm không phải mặt
đất, bao gồm các điểm nằm trên bề mặt các đối tượng che phủ mặt đất khi nhìn từ
trên xuống.
17. Metadata: là siêu dữ liệu, bao gồm những thông tin
mô tả các đặc tính của dữ liệu như nội dung, định dạng, chất lượng, điều kiện và
các đặc tính khác nhằm chỉ dẫn về phương thức tiếp cận, cơ quan quản lý, địa chỉ
truy cập, nơi lưu trữ, bảo quản dữ liệu.
18. LAS format: là định dạng thông dụng cho lưu trữ
và chuyển đổi dữ liệu đám mây điểm laser.
19. Intensity: là cường độ phản hồi, được định nghĩa
như tỷ số của độ mạnh của ánh sáng phản xạ và ánh sáng phát xạ, chịu ảnh hưởng
chủ yếu bởi đặc tính phản xạ của của các vật thể phản xạ.
20. Intensity image: là ảnh cường độ phản hồi, thể hiện
tệp tin ảnh số lưu trữ cường độ của tia laser phản hồi được thu lại và mã hóa
theo thang bậc độ xám.
21. First return: là tín hiệu phản hồi đầu tiên.
22. Last return: là tín hiệu phản hồi cuối cùng.
Chương II
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Điều 4. Cơ sở toán học của mô hình
số độ cao
1. Mô hình số độ cao được thành lập theo Hệ quy
chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000, múi chiếu, kinh tuyến trục thực hiện theo
quy định tại Thông tư số 973/2001/TT-TCĐC
ngày 20 tháng 6 năm 2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn áp dụng hệ quy chiếu
và hệ tọa độ quốc gia VN-2000.
2. Hệ độ cao sử dụng trong việc xây dựng mô hình số độ cao là hệ độ cao quốc gia
hiện hành.
3. Mô hình Geoid sử dụng
là mô hình Geoid địa phương có độ chính xác cao nhất hiện có. Trường hợp khu đo
chưa xây dựng được mô hình Geoid địa phương và phạm vi khu đo hẹp (khoảng 50km
x 50km) được phép sử dụng mô hình Geoid toàn cầu EGM2008. Trường hợp khu đo
chưa xây dựng được mô hình Geoid địa phương nhưng có phạm vi rộng hoặc ở khu
vực vùng núi phải xây dựng mô hình Geoid địa phương chính xác cho khu vực đó.
Phương án xây dựng mô hình Geoid địa phương phải được nêu rõ trong Thiết kế Kỹ
thuật - Dự toán.
4. Mô hình số độ cao (DEM) được thành lập bằng công
nghệ LiDAR được thể hiện dưới dạng lưới ô vuông (GRID) hoặc các định dạng khác tùy
theo yêu cầu.
Điều 5. Quy trình thành lập mô hình
số độ cao và bình đồ ảnh số bằng công nghệ bay quét LiDAR
Quy trình thành lập mô hình số độ cao và bình đồ
ảnh số bằng công nghệ bay quét LiDAR gồm các bước công việc chính như sau:
Bước 1. Công tác chuẩn bị.
Bước 2. Bay quét LiDAR và chụp ảnh số.
Bước 3. Xử lý dữ liệu.
Bước 4. Thành lập mô hình số độ cao và bình đồ ảnh số.
Bước 5. Kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm.
Bước 6. Giao nộp dữ liệu, sản phẩm.
Điều 6. Công tác chuẩn bị
1. Lập thiết kế bay quét: thực hiện theo quy định
tại Điều 7 Thông tư này.
2. Chuẩn bị đầy đủ về các nguồn lực sẽ được huy
động cho thực hiện nhiệm vụ, dự án.
3. Kiểm định, kiểm tra, lắp đặt hệ thống thiết bị:
a) Hệ thống thiết bị phải được bay kiểm định theo quy
định của nhà sản xuất: chu kỳ thời gian, quy mô khu vực bay kiểm định, số lượng
mốc, quy cách mốc, độ chính xác mặt phẳng, độ cao của các điểm mốc phục vụ cho
bay kiểm định;
b) Công tác bay kiểm tra định kỳ theo mùa vụ, tối thiểu
phải thực hiện 1 lần/năm;
c) Kiểm tra hệ thống thiết bị dưới mặt đất trước khi
lắp đặt lên máy bay;
d) Lắp đặt và kiểm tra hệ thống thiết bị trước khi máy
bay cất cánh.
4. Bố trí, đo nối các trạm GNSS Base station, các
tổ trực thời tiết: thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư
này.
5. Xây dựng các bãi chuẩn hiệu chỉnh: thực hiện theo
quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Điều 7. Lập thiết kế bay quét
1. Khu vực thi công của dự án thành lập mô hình số độ
cao (gọi tắt là khu đo) được phân chia thành các phân khu để đảm bảo thuận lợi cho
việc bố trí các trạm GNSS Base station và cho công tác bay quét LiDAR, chụp ảnh
số.
2. Công tác thiết kế tuyến bay quét LiDAR và chụp
ảnh số theo nguyên tắc cơ bản là phủ kín khu đo, đảm bảo độ chính xác và tiết
kiệm kinh phí nhất.
3. Các thông tin cơ bản cần xác định khi thiết kế tuyến
bay bao gồm: xác định ranh giới phân khu, độ cao bay, hướng bay, độ phủ cho các
tuyến bay quét, tiêu cự máy ảnh, độ phủ dọc và độ phủ ngang cho công tác chụp
ảnh, các tham số cài đặt cho các thiết bị bay quét và chụp ảnh số.
4. Được phép sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thiết
kế tuyến bay.
5. Việc thiết kế các tuyến bay bao gồm:
a) Các tuyến bay chính: độ phủ 2 tuyến quét LiDAR liền
kề (phủ ngang) trung bình là 30%. Chụp ảnh số đảm bảo độ phủ dọc trung bình
60%, độ phủ ngang trung bình 30%. Phạm vi bay phải được phủ trùm ra ngoài ranh
giới khu đo tối thiểu là 1/5 độ rộng tuyến bay. Hướng bay được lựa chọn phụ thuộc
vào hình thể của khu đo, điều kiện địa hình, điều kiện không lưu sao cho thời
gian bay là ngắn nhất;
b) Các tuyến bay chặn được thiết kế đảm bảo cắt qua
các tuyến bay chính (ưu tiên vuông góc với hướng tuyến bay chính) nhằm phát
hiện và làm giảm thiểu các sai số hệ thống, các sai số thô; đảm bảo giãn cách
tối đa giữa các tuyến bay chặn là 50km.
6. Các thông số khác như độ cao bay, tốc độ bay, góc
quét, tần số quét, độ rộng dải quét, mật độ điểm quét, phụ thuộc vào loại thiết
bị LiDAR, loại máy bay, độ chính xác của DEM cần thành lập phải được trình bày
trong Thiết kế Kỹ thuật - Dự toán.
Điều 8. Bố trí và đo nối trạm GNSS
Base station và các tổ trực thời tiết
1. Mỗi phân khu phải được bố trí 2 trạm GNSS Base station.
Khoảng cách từ trạm GNSS Base station đến các ranh giới bay quét không vượt quá
30 km, ưu tiên bố trí vị trí trạm GNSS Base station ở giữa khu đo. Các điểm
chọn làm trạm GNSS Base station phải có độ chính xác về mặt phẳng và về độ cao
cao hơn độ chính xác của DEM cần thành lập là 1,4 lần.
2. Trong quá trình bay quét LiDAR phải tiến hành
đặt máy thu GNSS 2 tần số, thu tín hiệu liên tục tại các trạm GNSS Base station
với tần suất thu tín hiệu 1 tín hiệu/1 giây trong suốt thời gian bay quét. Máy
thu GNSS phải được bật và thu tín hiệu trước thời điểm máy bay nổ máy và chỉ
được tắt sau khi máy bay dừng, theo lệnh của người phụ trách tổ trực bay.
3. Bố trí các tổ trực theo dõi thời tiết trong suốt
thời gian thi công tại khu đo hoặc tại các phân khu để báo cáo thông tin kịp
thời, có độ tin cậy cao về diễn biến thời tiết khu vực đó cho người phụ trách
tổ trực bay, đảm bảo hiệu quả cho mỗi ca bay.
Điều 9. Xây dựng bãi chuẩn hiệu
chỉnh mặt phẳng và độ cao
1. Số lượng bãi chuẩn hiệu chỉnh: phụ thuộc vào
phạm vi bay quét LiDAR, hình dạng phân khu và đặc điểm địa hình đặc trưng có
trong phân khu để xây dựng bãi chuẩn hiệu chỉnh. Yêu cầu xây dựng tối thiểu hai
(02) bãi chuẩn hiệu chỉnh để phục vụ cho việc hiệu chỉnh mặt phẳng, độ cao và
kiểm tra.
2. Bố trí các bãi chuẩn hiệu chỉnh: các bãi chuẩn hiệu
chỉnh cần được bố trí phù hợp với đặc điểm, địa hình khu đo, không bố trí các
bãi chuẩn hiệu chỉnh gần nhau mà phải ở các vị trí tương đối đều trong khu đo.
3. Lựa chọn khu vực đo đạc bãi chuẩn hiệu chỉnh: các
bãi chuẩn hiệu chỉnh phải được lựa chọn ở các khu vực có địa hình bằng phẳng, dễ
nhận biết, tối ưu cho khả năng chỉ phản hồi xung laser duy nhất. Khi khảo sát
để lựa chọn bãi chuẩn hiệu chỉnh cần ưu tiên chọn tại các khu vực bãi đất trống,
sân vận động, quảng trường, đường lớn.
4. Đo đạc bãi chuẩn hiệu chỉnh:
a) Phải xây dựng lưới khống chế đo vẽ tại bãi chuẩn
hiệu chỉnh trong trường hợp không thể sử dụng trực tiếp các điểm khống chế mặt phẳng,
độ cao cho đo đạc các điểm chi tiết;
b) Tại mỗi bãi chuẩn hiệu chỉnh, sử dụng các thiết bị
đo đạc chính xác như máy toàn đạc điện tử, máy thủy chuẩn, máy thu GNSS xác định
tọa độ, độ cao tối thiểu 50 điểm chi tiết trên mặt đất và tối thiểu 5 đồ hình
địa vật sắc nét có sự tương phản khác biệt lớn với các địa vật xung quanh như:
nhà, sân, bãi cỏ.
5. Sai số xác định tọa độ, độ cao các điểm chi tiết
được quy định tại bảng 1.
Bảng 1
Độ chính xác của DEM
cần thành lập
|
Sai số (m)
|
Mặt phẳng
|
Độ cao
|
0,2 m - 0,3 m
|
0,15
|
0,10
|
0,4 m - 0,5 m
|
0,20
|
0,15
|
1,0 m
|
0,30
|
0,20
|
6. Trường hợp không đo đồ hình địa vật sắc nét phải
tiến hành xây dựng dấu mốc theo quy định như sau:
a) Dấu mốc phải được làm tại khu vực có địa hình tương
đối bằng phẳng, không có thực phủ xung quanh. Hình dạng dấu mốc có thể là hình
tròn, hình chữ thập có kích thước phụ thuộc mật độ điểm phản xạ xung laser với
điều kiện các cánh của hình chữ thập (hoặc đường kính của đường tròn) không được
nhỏ hơn hai (02) lần khoảng cách giữa các điểm phản xạ xung laser. Chất liệu phủ
bề mặt của dấu mốc phải đảm bảo có độ phản xạ tốt với các xung laser và màu phải
có độ tương phản cao với địa hình xung quanh;
b) Trường hợp dấu mốc là hình tròn thì tọa độ và độ
cao của tâm dấu mốc phải được xác định chính xác ngoài thực địa. Trường hợp là hình
chữ thập còn phải đo thêm vị trí của 8 điểm góc của 4 cánh hình chữ thập. Sai
số xác định tọa độ, độ cao các điểm theo quy định tại bảng 1.
Điều 10. Bay quét LiDAR và
chụp ảnh số
1. Máy thu GNSS lắp đặt trên máy bay là máy thu GNSS
2 tần số với các tham số được đặt tương tự như trạm GNSS Base station. Việc lựa
chọn thời gian bay ngoài việc phụ thuộc thời tiết, xin lệnh bay còn phụ thuộc vào
đồ hình của vệ tinh GNSS vào thời điểm bay. Chỉ tiến hành bay quét trong khoảng
thời gian đồ hình vệ tinh GNSS có giá trị PDOP < 4,0 và máy thu GNSS đặt
trên máy bay cũng như trạm GNSS Base station thu được tín hiệu đồng thời tối thiểu
từ 5 vệ tinh khỏe.
2. Khi lắp đặt các thiết bị lên máy bay cần chú ý sao
cho góc quét của bộ thu phát laser và góc chụp của máy ảnh số không bị cản trở
bởi thân và sàn của máy bay. Sau khi lắp đặt cần đo chính xác khoảng cách offset
(dX, dY, dZ) giữa tâm của các thiết bị: ăng-ten GNSS, máy chụp ảnh số, máy thu
phát laser và thiết bị đạo hàng IMU với độ chính xác đến cm.
3. Trong quá trình bay quét LiDAR và chụp ảnh số
phải luôn theo dõi hoạt động của các thiết bị, diễn biến của quá trình bay quét
và chụp ảnh, đặc biệt lưu ý đến hoạt động của bộ quét LiDAR, độ phủ giữa các
đường bay, các khu vực không có dữ liệu quét hoặc có dữ liệu nhưng cường độ
yếu, các khu vực ngập nước.... để quyết định có bay bổ sung trực tiếp hay không.
4. Khi hoàn thành các tuyến bay chính và các tuyến bay
chặn phải tiến hành kiểm tra kết quả, trút dữ liệu, sao lưu để phục vụ xử lý và
tính toán. Định dạng dữ liệu phụ thuộc vào từng loại thiết bị bay quét cụ thể.
5. Khi kết thúc ca đo phải tiến hành ngay việc kiểm
tra chất lượng quét LiDAR và chụp ảnh số tại khu vực bay quét bao gồm các công việc
kiểm tra chất lượng bay, tính toán phần diện tích hở, lỗi để có kế hoạch bay
bù.
Điều 11. Xử lý dữ liệu
1. Quá trình xử lý dữ liệu bay quét LiDAR kết hợp chụp ảnh số gồm những công đoạn chính
như sau:
Bước 1. Tính toán quỹ đạo đường bay.
Bước 2. Tạo đám mây điểm theo dải bay và ghép thành
khối.
Bước 3. Tính chuyển dữ liệu đám mây điểm về hệ tọa độ,
độ cao VN-2000 thông qua các thông số tính chuyển và mô hình Geoid.
Bước 4. Kiểm tra và bình sai đám mây điểm theo dữ liệu
đo đạc bãi chuẩn hiệu chỉnh.
Bước 5. Phân loại và lọc điểm.
2. Quỹ đạo đường bay được xác định thông qua việc
xử lý trị đo GNSS giữa máy thu đặt tại trạm GNSS Base station và máy thu đặt
trên máy bay bằng phần mềm kèm theo thiết bị nhằm xác định tọa độ, độ cao tâm ăng-ten,
tâm thu phát laser, tâm máy chụp ảnh đặt trên máy bay tại từng thời điểm thu
tín hiệu GNSS. Sai số trung phương vị trí điểm về mặt phẳng và độ cao trung bình
sau xử lý cho toàn khu đo phải nhỏ hơn 0,1m.
3. Tọa độ và độ cao trong hệ WGS-84 của các điểm thuộc
đám mây dữ liệu được xác định thông qua: tọa độ, độ cao tâm thu phát laser, dữ
liệu đo laser và dữ liệu đo IMU áp dụng phép lọc Kalman.
4. Sai lệch về độ cao của từng điểm phản hồi xung laser
tạo thành đám mây điểm sau xử lý phải nhỏ hơn hoặc bằng 2/3 sai số cho phép của
mô hình DEM cần thành lập.
5. Sử dụng trị đo từ các đường bay chặn để bình sai
giữa các tuyến bay chính và các đường bay chặn.
6. Xử lý bình sai mặt phẳng và độ cao giữa dữ liệu đám
mây điểm và các điểm đo tại các bãi chuẩn hiệu chỉnh được thực hiện theo phần mềm
chuyên dụng dựa trên các giá trị độ lệch được xác định như sau:
a) Các giá trị độ lệch về mặt phẳng được xác định thông
qua các điểm đo tại các bãi chuẩn hiệu chỉnh và các điểm tương ứng trong đám
mây điểm hoặc trên ảnh;
b) Các giá trị độ lệch về độ cao được xác định thông
qua các điểm đo tại các bãi chuẩn hiệu
chỉnh và các điểm tương đồng trong đám mây điểm.
7. Tiến hành phân loại tự động dữ liệu đám mây điểm
thành lớp ground points và non-ground points bằng các phần mềm chuyên dụng trên
cơ sở kết hợp ảnh cường độ phản hồi và
ảnh số chụp được đồng thời phục vụ thành lập mô hình DEM và DSM.
Điều 12. Thành lập mô hình số độ
cao và bình đồ ảnh số
1. Quá trình thành lập mô hình số độ cao và bình đồ
ảnh số bao gồm các công đoạn chính như sau:
Bước 1. Tạo mô hình số bề mặt DSM, mô hình số độ cao,
ảnh cường độ phản hồi (intensity image) theo mảnh bản đồ.
Bước 2. Tính toán các nguyên tố định hướng ngoài
của ảnh.
Bước 3. Chuyển đổi định dạng và tăng cường chất
lượng hình ảnh.
Bước 4. Nắn ảnh, thành lập bình đồ ảnh số.
Bước 5. Chuẩn hóa mô hình số độ cao DEM.
2. Mô hình số độ cao (DEM) được xây dựng từ dữ liệu
phản hồi cuối cùng (Last return). Mô hình số bề mặt (DSM) được xây dựng từ dữ liệu
phản hồi đầu tiên (First return).
3. Ảnh cường độ phản hồi (intensity image) được tạo
ra trong hệ tọa độ VN-2000 trên cơ sở sử dụng dữ liệu cường độ phản hồi (intensity)
của tia laser và được sử dụng trong việc phân loại dữ liệu điểm. Giá trị ô lưới
GRID của ảnh được nội suy từ giá trị cường độ tại các điểm LiDAR rời rạc. Độ
phân giải của ảnh cường độ phản hồi được xác định trên cơ sở khoảng cách trung
bình giữa các điểm phản hồi xung laser.
4. Xác định tham số định hướng ngoài cho ảnh được thực
hiện bằng phần mềm kèm theo thiết bị dựa trên các tham số định hướng ngoài là
dữ liệu đo GNSS, IMU và thời điểm chụp ảnh.
5. Chuyển đổi định dạng ảnh (về định dạng GeoTIFF) và
tăng cường chất lượng hình ảnh từ ảnh gốc bay chụp bằng các phần mềm chuyên dụng.
6. Bình đồ ảnh số được lập trên cơ sở dữ liệu ảnh
số đã được chuyển đổi từ ảnh gốc chụp đồng thời trong quá trình bay quét LiDAR
và được sử dụng làm cơ sở để chuẩn hóa mô hình DEM và phục vụ thành lập bản đồ địa
hình. Độ phân giải của bình đồ ảnh được xác định trên khoảng cách trung bình
giữa các điểm phản hồi xung laser.
7. Chuẩn hóa mô
hình DEM cần sử dụng kết quả khảo sát và các nguồn tư liệu khác, đặc biệt lưu ý
các khu vực có cường độ LiDAR yếu, các khu vực ngập nước tại thời điểm bay
chụp. Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành đo đạc bổ sung tại thực địa.
8. Yêu cầu độ chính xác của mô hình DEM cần thành
lập như sau:
a) Sai số tiếp biên giữa các mảnh DEM khác phân khu
bay quét không được vượt quá 1,5 lần sai số cho phép của DEM theo Thiết kế Kỹ thuật
- Dự toán;
b) Sai số tuyệt đối của DEM được đánh giá thông qua
các điểm đo kiểm tra ở thực địa. Sai số trung phương về độ cao của tập hợp điểm
kiểm tra giữa độ cao đo so với độ cao nội suy từ DEM không được vượt quá độ chính
xác của DEM theo Thiết kế Kỹ thuật - Dự toán. Sai số giới hạn không được vượt
quá 2 lần sai số trung phương. Các sai lệch của các trị đo kiểm tra không được
vượt quá sai số giới hạn, số lượng các trị đo có giá trị nằm trong khoảng (70%
- 100%) sai số giới hạn không được vượt quá 10%.
Điều 13. Kiểm tra, nghiệm thu sản
phẩm
Công tác kiểm tra, nghiệm thu thực hiện theo quy
định tại Thông tư số 02/2007/TT-BTNMT ngày 12
tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kiểm tra,
thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Điều 14. Giao nộp dữ liệu, sản
phẩm
Các dữ liệu, sản phẩm giao nộp gồm:
1. Toàn bộ số liệu gốc từ thiết bị quét laser, IMU,
GNSS, ảnh chụp dạng số và các kết quả tính toán trung gian.
2. Mô hình số độ cao DEM được lưu trữ ở 2 định dạng
GRID nhị phân và ASCII kèm theo siêu dữ liệu (Metadata).
3. File dữ liệu đám mây điểm ở định dạng LAS (LAS
format).
4. Các tệp tin bình đồ ảnh số ở định dạng GeoTIFF.
5. Mô hình số bề mặt DSM được lưu trữ ở 2 định dạng
GRID nhị phân và ASCII kèm theo siêu dữ liệu (Metadata) hoặc ở các định dạng khác
nếu có yêu cầu.
6. Kết quả đo ngoại nghiệp: xây dựng bãi chuẩn hiệu
chỉnh, đo bổ sung (nếu có), đo nối trạm GNSS Base station, xây dựng mô hình Geoid
địa phương (nếu có).
7. Báo cáo tổng kết kỹ thuật: nêu chi tiết thông tin
về trang thiết bị sử dụng, phần mềm xử lý, các thông số bay quét LiDAR, kết quả
bình sai dựa trên dữ liệu từ các tuyến bay chặn và các bãi chuẩn hiệu chỉnh, kết
quả lọc phân loại điểm, đánh giá sai số của các bước xử lý, các thông số kỹ thuật
của DEM.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18
tháng 8 năm 2014.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì cơ
quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem
xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao:
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, PC, KHCN, ĐĐBĐVN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Linh Ngọc
|