VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
102/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2007
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Ngày 13 tháng 4 năm 2007, tại Bộ
Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với tập thể lãnh đạo
Bộ và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và
Công nghệ. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có đại diện lãnh đạo
các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ,
Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu chính-Viễn thông, Ban
Khoa giáo Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội
đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ
thuật Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ báo cáo tình hình công tác năm 2006, nhiệm vụ và giải pháp phát
triển khoa học và công nghệ năm 2007, kế hoạch đến năm 2010 và ý kiến phát biểu
của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Những kết
quả chủ yếu:
Trong những năm qua, trong điều
kiện nước ta còn nghèo, ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ hạn hẹp,
nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học và của đội ngũ cán bộ quản lý
khoa học và công nghệ các cấp, hoạt động khoa học và công nghệ nước ta đã có những
chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển kinh tế-xã hội,
góp phần tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận thức về tầm quan trọng và
vai trò động lực then chốt của khoa học và công nghệ (cùng với giáo dục và đào
tạo) đối với sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được
nâng lên rõ rệt trong các cấp lãnh đạo, trong đội ngũ cán bộ khoa học và công
nghệ, trong các cấp lãnh đạo, trong đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, trong
các doanh nghiệp cũng như trong xã hội, nhất là trong bối cảnh cơ chế thị trường
ngày càng đi vào chiều sâu, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Đổi mới cơ chế quản lý khoa học
và công nghệ đã được quan tâm và đẩy mạnh hơn, từng bước tiếp cận với cơ chế thị
trường và đồng bộ hơn với đổi mới quản lý kinh tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã
chủ trì cùng với các Bộ, ngành tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng và ban
hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt
động khoa học và công nghệ.
Bước đầu đã có sự đổi mới cơ chế
hoạt động của các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập. Tính tự chủ,
sáng tạo của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đã được nâng
lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gắn kết hơn với
thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Việc tạo lập và phát triển
thị trường khoa học và công nghệ đã có những bước chuyển biến tích cực, bước đầu
hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Các chính sách thuế, tín dụng,
cơ chế tài chính,... đã có những đổi mới nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và
công nghệ gắn kết hơn với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng
hóa.
Nhiệm vụ phát triển tiềm lực
khoa học và công nghệ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ,
hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ, không sử dụng ngân sách nhà nước
được khuyến khích và đẩy mạnh.
Những đổi mới bước đầu cơ chế quản
lý khoa học và công nghệ, việc quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khoa học
và công nghệ trọng điểm gắn với ứng dụng vào thực tiễn đã đem lại những kết quả
tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh
trong một số lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thủy sản, bưu chính,
viễn thông, y tế, bảo vệ môi trường,...
2. Những yếu
kém, bất cập:
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn
còn nhiều yếu kém cần sớm khắc phục để khoa học và công nghệ thực sự là quốc
sách hàng đầu, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: đổi mới cơ chế
quản lý khoa học và công nghệ còn chậm và chưa đồng bộ, việc chỉ đạo triển khai
các cơ chế, chính sách đã ban hành còn chậm và chưa quyết liệt. Cơ chế xây dựng,
thẩm định thông qua, giao nhiệm vụ các chương trình, đề tài, đề án khoa học và
công nghệ vẫn còn bất cập, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc
ít gắn với nhu cầu thực tiễn, hoặc không ứng dụng được vào thực tiễn. Chưa có đủ
tiêu chí và cơ chế đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ;
chưa kịp thời tổng kết, đánh giá hiệu quả thực tế của các chương trình, đề tài
nghiên cứu khoa học. Hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách cho nghiên cứu khoa
học và công nghệ còn thấp. Thị trường khoa học và công nghệ đã được hình thành
nhưng phát triển còn chậm, một mặt, do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, đồng bộ,
mặt khác, do một số cơ chế, chính sách chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh
ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Trình độ công nghệ
nói chung còn lạc hậu, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn hạn chế về
trình độ, bất hợp lý về cơ cấu, thiếu cán bộ đầu đàn, cán bộ chuyên môn, quản
lý giỏi. Nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến chỉ đạo
phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.
3. Về nhiệm
vụ trong thời gian tới:
Đồng ý về cơ bản với những định
hướng và nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu ra
cho năm 2007 và giai đoạn đến năm 2010. Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung
chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, song cần tập trung vào một số
nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a) Cần quán triệt sâu sắc hơn nữa
vai trò "quốc sách hàng đầu", "động lực" cho sự phát triển,
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của khoa học và công nghệ. Khoa học và
công nghệ phải góp phần quan trọng vào việc khắc phục yếu kém về chất lượng
tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp của sản phẩm hàng hóa, của nền
kinh tế, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của
giai đoạn 2006-2010, bảo vệ môi trường, tăng cường tiềm lực an ninh, quốc
phòng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bảo đảm phát triển toàn diện và bền
vững của đất nước.
b) Tiếp tục đổi mới cơ chế quản
lý khoa học và công nghệ, tập trung nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện
các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chính sách phát triển khoa học và
công nghệ theo tinh thần cải cách hành chính, gắn với thực tiễn, hiệu quả,
trong đó chú trọng một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội
dung, giải pháp đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ đã được phê duyệt.
- Đổi mới và hoàn thiện cơ chế lựa
chọn, xây dựng, thẩm định, giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phải xuất phát
từ các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cụ thể, đặc biệt
là gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, sức cạnh tranh của
các sản phẩm hàng hóa, giải quyết các nhu cầu bức thiết của đất nước và của
nhân dân.
- Đổi mới cơ chế tài chính trong
các hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ cho các tổ chức
khoa học và công nghệ công lập và các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, song
phải gắn các mục tiêu ứng dụng, hiệu quả thực tế.
- Khẩn trương xây dựng và ban
hành tiêu chí và cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, kết quả
các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ, làm cơ sở để bố trí, sử
dụng kinh phí có hiệu quả hơn.
- Hoàn thiện các cơ chế, chính
sách huy động các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khoa học và công nghệ,
huy động các nguồn lực phát triển kkhoa học và công nghệ và phát huy tính năng
động, sáng tạo của các tổ chức, tập thể và cá nhân hoạt động khoa học và công
nghệ. Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khoa học và công nghệ
gắn với ứng dụng vào thực tiễn và cơ chế chính sách đãi ngộ, hưởng thụ xứng
đáng cho những cá nhân, tập thể, đơn vị có kết quả nghiên cứu được ứng dụng và
mang lại kết quả, hiệu quả cao cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Khẩn trương đưa Quỹ phát triển
khoa học và công nghệ quốc gia vào hoạt động.
c) Tập trung chỉ đạo, rà soát,
xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách phát triển thị trường công nghệ,
khuyến khích ứng dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền
kinh tế, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Thực hiện đa dạng các giải
pháp, hình thức phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các giải pháp để
tăng giá trị giao dịch mua bán, chuyển giao công nghệ. Khuyến khích, hỗ trợ các
hoạt động dịch vụ, xúc tiến thị trường công nghệ; cần đặc biệt quan tâm hình
thành các cầu nối thuận tiện, thường xuyên giữa bên "cung" và bên
"cầu" các sản phẩm, kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, đẩy mạnh
nhập khẩu công nghệ tiên tiến gắn liền với giải mã, làm chủ công nghệ, đáp ứng
thiết thực cho nhu cầu phát triển đất nước.
- Tích cực triển khai có hiệu quả
các Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ
chức khoa học và công nghệ công lập và hình thành các doanh nghiệp khoa học và
công nghệ; cuối năm 2007 tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện Nghị định số
115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự
chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động quản
lý, thực thi tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, thực thi pháp luật về sở hữu trí
tuệ, coi đây là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển thị trường công
nghệ.
- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi một
số chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thuế, chính sách đầu tư để thúc đẩy
các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường cho hoạt động khoa học
và công nghệ.
d) Chỉ đạo triển khai kịp thời
và có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo phương hướng, mục tiêu,
nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
trên cơ sở hoàn thiện các cơ chế quản lý, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện các
chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn
2001-2005.
- Đánh giá việc thực hiện chiến
lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010, có những biện pháp cụ thể,
khả thi đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược, đồng thời đề xuất các định hướng, tầm
nhìn cho giai đoạn đến 2020. Chỉ đạo triển khai các chiến lược phát triển các
lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
đ) Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng
công nghệ cao, xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh nhập công nghệ, làm chủ
công nghệ, kết hợp công nghệ nội sinh để nhanh chóng đổi mới và nâng cao trình
độ công nghệ của những ngành có lợi thế cạnh tranh, những ngành chủ lực, then
chốt, có tỷ trọng lớn trong GDP, phục vụ trực tiếp đời sống xã hội, cả trong
công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường,..., khuyến
khích các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển
công nghệ cao.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc như ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy nhanh việc xây dựng các
phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Khẩn trương hoàn thiện và ban hành chính
thức Quy chế tổ chức, hoạt động và đánh giá hiệu quả hoạt động của các phòng
thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trên cơ sở đó đề xuất chủ trương tiêp tục đầu
tư có trọng điểm đối với các phòng thí nghiệm hoạt động có hiệu quả.
e) Phối hợp với Bộ Giáo dục và
Đào tạo để xây dựng cơ chế đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ
sở đào tạo. Xây dựng quy chế gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy với sản xuất,
kinh doanh.
Đổi mới cơ bản phương thức đào tạo
cán bộ khoa học và công nghệ, gắn với mục tiêu sử dụng cụ thể, hình thành các
nhóm, các tập thể khoa học-công nghệ mạnh theo các hướng, các nhiệm vụ khoa học
và công nghệ trọng điểm; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học
và công nghệ trình độ cao trong và ngoài nước, khắc phục sự thiếu hụt các
chuyên gia đầu đàn.
- Xây dựng cơ chế, chính sách
phát huy sự sáng tạo của các nhà khoa học, thu hút cán bộ trẻ, chuyên gia nước
ngoài, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển khoa
học và công nghệ trong nước.
g) Xây dựng cơ chế phối hợp chặt
chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để đổi mới công tác chỉ đạo và nâng cao hiệu
quả hoạt động khoa học và công nghệ.
4. Về các đề
nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Đồng ý về nguyên tắc việc sử
dụng một phần kinh phí khoa học và công nghệ hàng năm để nhập khẩu công nghệ
theo hướng phải gắn với mục tiêu ứng dụng cụ thể, phục vụ trực tiếp cho phát
triển kinh tế và xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng đề án cụ thể,
trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
b) Đồng ý về chủ trương cho sử dụng
một phần kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm để đào tạo cán bộ
khoa học và công nghệ trình độ cao, được tổ chức theo nhóm hoặc theo ê kíp làm
việc. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, cơ quan trực tiếp ứng dụng, sử dụng các
công nghệ, nghiên cứu, xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Về áp dụng thí điểm chính sách
tuyển chọn, sử dụng, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các cán bộ khoa học
và công nghệ có tài năng để thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc
biệt quan trọng của Nhà nước, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
các cơ quan có liên quan xây dựng phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định.
d) Về việc tăng cường mạng lưới
đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài giao Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm
chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ,
ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất phương án, trình Thủ tướng Chính phủ.
đ) Về việc đẩy nhanh tiến độ xây
dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo khẩn
trương thực hiện các quyết định, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng
thời làm việc cụ thể với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng,
Tài chính và các cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp phù hợp để kết hợp
giải phóng mặt bằng với đẩy nhanh xây dựng cơ cở hạ tầng; đẩy mạnh xúc tiến đầu
tư, ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ cao, bảo đảm theo đúng các tiêu chí đã
được ban hành; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết để tạo điều
kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, cán bộ khoa học và công nghệ đến làm việc
tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt
quá thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng , các Phó TTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ; Các Vụ: TH, VX, KTTH, CN, NN, TCCB,
ĐP, V.IV;
- Lưu VT, KG (5b) Hà
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Trần Quốc Toản
|