QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN
THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2006 của
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
điều chỉnh
Quy định này quy định cụ thể về chế độ thông
tin, báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là UBND
thành phố); được áp dụng đối với các sở, ban ngành trực thuộc UBND thành phố
(sau đây gọi chung là sở, ban ngành) và Ủy ban nhân dân quận, huyện (sau đây gọi
tắt là UBND quận, huyện) trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ và các cơ quan Trung
ương đóng trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Việc ban hành Quy định này nhằm giúp UBND thành phố có được
thông tin kịp thời, chính xác; khai thác có hiệu quả việc trao đổi thông tin
báo cáo qua mạng tin học diện rộng của thành phố, đảm bảo yêu cầu phục vụ công
tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố.
Chương II
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
VÀ THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG
Mục 1. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO VỚI CHỦ TỊCH UBND
THÀNH PHỐ
Điều 3. Chế độ thông tin với
Chủ tịch UBND thành phố
Các Sở, Ban, ngành và UBND quận, huyện có trách
nhiệm báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố (thông qua Văn phòng UBND thành phố)
những báo cáo như sau:
1. Báo cáo tuần:
Báo cáo tập trung nêu những công
việc trọng tâm, nổi bật đã thực hiện trong tuần; có nhận xét, đánh giá và những
kiến nghị của đơn vị. Riêng báo cáo về các lĩnh vực kinh tế, thu chi ngân sách,
trật tự an toàn xã hội, phải có đầy đủ số liệu thực hiện trong tuần. Thời điểm
báo cáo tuần là từ Thứ Tư tuần trước đến Thứ Ba của tuần sau (tuần báo cáo).
Ngoại
trừ báo cáo có nội dung bí mật nhà nước được quy định, báo cáo tuần của sở, ban
ngành, địa phương được gửi đến Văn phòng UBND thành phố trước 16 giờ 00
ngày Thứ Ba hàng tuần qua hộp thư điện tử [email protected]
hoặc qua fax, sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản chính thức đến Văn phòng
UBND thành phố trước 10 giờ 00 ngày Thứ Tư trong tuần.
Chánh Văn phòng UBND thành phố có
trách nhiệm tổng hợp, xử lý thông tin và báo cáo kịp thời cho Thường trực UBND
thành phố.
2. Báo cáo tháng: áp dụng đối với các tháng trong năm, trừ tháng cuối của mỗi quý, nội
dung phải phản ảnh được:
- Đánh giá việc thực hiện các nhiệm
vụ kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiệm vụ công tác chuyên môn
thuộc ngành, địa phương.
- Tình
hình và kết quả thực hiện chương trình công tác, các quyết định, chỉ thị, kết
luận chỉ đạo của UBND thành phố ban hành trong tháng.
- Phương hướng, nhiệm vụ của tháng
tiếp theo.
Báo cáo phải cụ thể, có số liệu ước
thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước trong tháng, báo cáo tháng sau phải có
số liệu luỹ kế của tháng trước và có so sánh với kế hoạch, với tháng trước và
cùng kỳ; đánh giá những mặt đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân và những
kiến nghị với UBND thành phố, Bộ ngành Trung ương, Chính phủ.
Báo cáo tháng của Sở, Ban, ngành và địa phương
được gửi bằng văn bản đến Văn phòng UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục
Thống kê thành phố trước ngày 18 hàng tháng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước
hàng tháng, gửi văn bản báo cáo đến Văn phòng UBND thành phố chậm nhất
vào ngày 20 hàng tháng và có trách nhiệm trình tại phiên họp thường kỳ
tháng của UBND thành phố.
Chánh Văn phòng UBND thành phố có
trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về sự chỉ đạo, điều hành trong tháng
của UBND thành phố và chương trình công tác của UBND thành phố
tháng tiếp theo, trình tại phiên họp thường kỳ tháng của UBND thành phố.
3. Báo cáo quý (3 tháng, 6
tháng, 9 tháng):
- Đánh giá kết quả thực hiện các
nhiệm vụ kế hoạch, thu chi ngân sách nhà nước của ngành, lĩnh vực; những chương
trình, dự án của ngành, địa phương; thực hiện các công việc nêu trong chương
trình công tác của UBND thành phố thuộc lĩnh vực được giao; các chương trình trọng
điểm về phát triển kinh tế - xã hội, về nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ
mà ngành được giao chủ trì tổ chức thực hiện.
- Đánh giá việc thực hiện chức
năng quản lý ngành và địa phương, những kết quả đạt được, thiếu sót tồn tại,
nguyên nhân.
- Dự kiến nhiệm vụ chủ yếu của
ngành, địa phương trong quý tới và những giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm
vụ của ngành, địa phương; những kiến nghị với UBND thành phố, Bộ ngành Trung
ương, Chính phủ.
Riêng báo cáo 6 tháng đầu năm phải
tập trung kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết HĐND thành phố.
Báo cáo quý của Sở, Ban, ngành và địa phương
phải được gửi bằng văn bản đến Văn phòng UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Cục Thống kê thành phố trước ngày 18 tháng cuối quý, riêng báo
cáo 6 tháng đầu năm phải được gửi đến Văn phòng UBND thành phố, Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Cục Thống kê thành phố trước ngày 15 tháng 6.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước
trong quý, phương hướng nhiệm vụ của quý tiếp theo, gửi văn bản báo cáo đến Văn
phòng UBND thành phố chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối quý và
có trách nhiệm trình tại phiên họp thường kỳ của UBND thành phố.
Chánh Văn phòng UBND thành phố có
trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành
phố trong quý và chương trình công tác của UBND thành phố quý tiếp theo và
trình tại phiên họp thường kỳ quý của UBND thành phố.
4. Báo cáo năm:
Có nội dung như báo cáo 6 tháng đầu
năm nhưng phải kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ trong cả năm và
nêu lên phương hướng, nhiệm vụ của năm sau. Báo cáo phải có số liệu ước thực hiện
các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước cả năm, có so sánh với kế hoạch (dự toán Trung
ương và dự toán HĐND thành phố) và cùng kỳ; đánh giá những mặt đã làm được và
chưa làm được, nguyên nhân và những kiến nghị với UBND thành phố, Bộ ngành
Trung ương, Chính phủ.
Báo cáo cả năm của Sở, Ban, ngành, địa phương phải
được gửi đến Văn phòng UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê
thành phố trước ngày 15 tháng 11 năm báo cáo.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước
cả năm, gửi báo cáo đến Văn phòng UBND thành phố trước ngày 20 tháng 11 của
năm báo cáo và trình tại phiên họp cuối năm của UBND thành phố.
Chánh Văn phòng UBND thành phố có
trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành
phố thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành
phố trong năm báo cáo và chương trình công tác của UBND thành phố năm tiếp theo
và trình tại phiên họp cuối năm của UBND thành phố.
5. Báo cáo đột xuất (bất thường):
Trong trường hợp có những vấn đề
quan trọng, phát sinh đột xuất cần có sự chỉ đạo của liên ngành hoặc của UBND
thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện phải trực tiếp báo cáo tóm
tắt tình hình diễn biến sự việc, nguyên nhân phát sinh, những biện pháp đã áp dụng
để xử lý, kết quả việc xử lý và những kiến nghị với cấp trên để chỉ đạo chung
việc xử lý vấn đề phát sinh nêu trên.
Báo cáo đột xuất phải gửi đến Văn
phòng UBND thành phố bằng biện pháp nhanh nhất (báo cáo trực tiếp qua điện thoại,
gửi công văn hỏa tốc, gửi fax hoặc email,...), kể cả trong ngày nghỉ, ngày lễ.
6. Báo cáo chuyên đề:
Áp dụng đối với việc báo cáo thực
hiện những chương trình, đề án, nhiệm vụ công tác đặc biệt quan trọng theo yêu
cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Thành ủy, HĐND
thành phố, UBND thành phố. Chánh Văn phòng UBND thành phố sẽ thông báo đến các
cơ quan, địa phương về yêu cầu nội dung, thời gian báo cáo; ngành và địa phương
được yêu cầu báo cáo phải nghiêm túc thực hiện đúng nội dung và thời gian quy định.
7. Các loại báo cáo tổng hợp định
kỳ:
Ngoài các báo cáo nêu trên, các cơ
quan sau đây phải gửi cho Chủ tịch UBND thành phố các báo cáo tổng hợp định kỳ
về các lĩnh vực được phân công:
a) Báo
cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, 6 tháng và cả năm (Cục Thống
kê chủ trì, phối hợp thực hiện).
b) Báo
cáo tổng hợp tình hình thực hiện thu chi ngân sách nhà nước (tháng, quý, năm)
trên cơ sở so sánh với dự toán của Trung ương và dự toán của HĐND thành phố đã
giao; tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất các biện pháp để
thực hiện kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước trong tháng, quý, năm tiếp theo
(Sở Tài chính chủ trì, phối hợp thực hiện).
c) Báo
cáo tình hình thực hiện Quy chế dân chủ của thành phố tháng, quý và cả năm (Sở
Nội vụ chủ trì, phối hợp thực hiện).
d) Báo
cáo công tác chống tham nhũng 6 tháng, cả năm (Thanh tra thành phố chủ trì, phối
hợp thực hiện).
Điều 5. Quy định
về việc ký văn bản báo cáo
1. Chủ
tịch UBND thành phố ký các loại báo cáo: báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng đầu năm,
cả năm) về sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, tình hình kinh tế - xã hội,
an ninh - quốc phòng của UBND thành phố và các báo cáo chuyên đề, đột xuất theo
quy định tại Quy chế làm việc của UBND thành phố (ban hành kèm theo Quyết định
số 68/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2006 của UBND thành phố).
2. Phó
Chủ tịch UBND thành phố ký các loại báo cáo: báo cáo gửi Bộ ngành Trung ương
thuộc lĩnh vực được Chủ tịch phân công phụ trách; các báo cáo trình HĐND thành
phố được Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền ký.
3. Ủy
viên UBND thành phố ký các loại báo cáo: báo cáo gửi Bộ, ngành Trung ương, HĐND
thành phố được Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền ký.
4.
Chánh Văn phòng UBND thành phố ký các loại báo cáo: báo cáo hàng tuần, hàng
tháng về sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, tình hình kinh tế - xã hội nổi
bật trong tuần, tháng theo sự ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố.
5. Các
Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành thuộc UBND thành phố (gọi chung là
Giám đốc Sở), Chủ tịch UBND quận, huyện ký các báo cáo gửi lên Chủ tịch UBND
thành phố. Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND quận, huyện có thể ủy nhiệm cho cấp phó
ký gửi Chủ tịch UBND thành phố các báo cáo tháng và báo cáo đột xuất và phải chịu
trách nhiệm về báo cáo do cấp phó được ủy quyền ký.
Điều 6. Quy định
việc cập nhật thông tin báo cáo lên mạng
1. Văn phòng UBND thành phố có trách nhiệm
khai thác và phổ biến những thông tin trên mạng tin học diện rộng của thành phố
các báo cáo và các thông tin liên quan khác để phục vụ có hiệu quả công tác điều
hành của lãnh đạo UBND thành phố.
2. Các đơn vị trong mạng tin học của UBND
thành phố phải thực hiện chế độ báo cáo, trao đổi thông
tin qua mạng tin học diện rộng của UBND thành phố theo quy định; thường xuyên
theo dõi thông tin trên mạng tin học để kịp thời nhận văn bản chỉ đạo điều hành
và các thông tin do UBND thành phố gửi để quán triệt và thực hiện.
Mục 2. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG CỦA UBND THÀNH PHỐ
Điều 7. Đối tượng
được nhận thông tin báo cáo
Báo cáo tháng, quý, năm của UBND
thành phố được gửi bằng văn bản đến Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, Ban
Chỉ đạo Tây Nam bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quân khu IX, Đoàn Đại biểu
Quốc hội thành phố, các thành viên UBND thành phố, các sở, ban ngành, đoàn thể
cấp thành phố, UBND quận, huyện. Riêng báo cáo tuần của Văn phòng UBND thành phố
chỉ gửi bằng văn bản đến Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, Ban Chỉ đạo Tây
Nam bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quân khu IX, các thành viên UBND thành
phố và đưa lên mạng tin học diện rộng của thành phố đến các sở, ban ngành, đoàn
thể cấp tỉnh, UBND quận, huyện tại địa chỉ: http://dhtn.cantho.gov.vn.
Điều 8. Thông
tin hoạt động của UBND thành phố cho các cơ quan thông tin đại chúng
Hàng tháng, Chánh Văn phòng UBND
thành phố cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng trong thành phố
về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; hàng quý Chủ tịch UBND
thành phố tổ chức họp báo định kỳ với đại diện các cơ quan thông tin đại chúng
hoạt động trên địa bàn để thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của
thành phố, trao đổi, nắm bắt thông tin từ báo chí để có những phản hồi, điều chỉnh
kịp thời, phù hợp.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 9. Khen
thưởng và xử lý vi phạm
Định kỳ hàng tháng, Chánh Văn
phòng UBND thành phố có trách nhiệm theo dõi, thống kê, kiểm tra và báo cáo với
Chủ tịch UBND thành phố về tiến độ thực hiện chế độ thông tin báo cáo của các Sở,
Ban, ngành và UBND quận, huyện. Tại phiên họp thường kỳ của UBND thành phố, Chủ
tịch UBND thành phố sẽ biểu dương các Sở, Ban, ngành và UBND
quận, huyện chấp hành và thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo;
kết quả này sẽ được ghi nhận vào thành tích thi đua của đơn vị trong năm. Những
đơn vị không chấp hành, thực hiện không tốt chế độ thông tin báo cáo sẽ bị phê
bình, khiển trách và ghi nhận vào kết quả thi đua của đơn vị trong năm.
Điều 10. Giám đốc Sở, Thủ trưởng
cơ quan, Ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện căn cứ Quy định này để chấn chỉnh
hoạt động thông tin, báo cáo tại đơn vị; đồng thời, quy định cụ thể chế độ
thông tin báo cáo trong ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo thực hiện đúng, kịp
thời theo quy định.
Điều 11. Thủ trưởng cơ quan
Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Cần Thơ có trách nhiệm phối hợp thực hiện
Quy định này, định kỳ thông tin, báo cáo cho UBND thành phố để kịp thời chỉ đạo,
xử lý tiếp theo các vấn đề mới phát sinh.
Điều 12. Chánh Văn phòng UBND thành phố có trách nhiệm
hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành Quy định này. Trong quá trình tổ
chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời báo
cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo./.