BỘ
Y TẾ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số:
4495/QĐ-BYT
|
Hà Nội,
ngày 30 tháng 10 năm
2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG NỘI QUY AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN TRONG
CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày
31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày
10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ
quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 53/2014/TT-BYT
ngày 29/12/2014 của Bộ Y tế quy định điều kiện hoạt
động y tế trên môi trường mạng;
Căn cứ Quyết định số 4159/QĐ-BYT
ngày 13/10/2014 của Bộ Y tế ban hành Quy định về đảm
bảo an toàn thông tin y tế điện tử tại các đơn vị trong ngành y tế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Công
nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Hướng dẫn xây dựng nội quy
an toàn, an ninh thông tin trong các đơn vị trong ngành y tế”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ
trưởng các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế và các tổ chức liên quan chịu trách
nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ
đạo);
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, CNTT (2).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Quang Cường
|
HƯỚNG DẪN
XÂY DỰNG NỘI QUY AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN TRONG CÁC ĐƠN VỊ TRONG
NGÀNH Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4495/QĐ-BYT
ngày 30 tháng 10 năm 2015
của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. Phạm vi áp dụng và đối tượng
áp dụng
1. Văn bản này hướng dẫn xây dựng các
nội dung về nội quy đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động y tế trên
môi trường mạng tại các đơn vị trong ngành y tế.
2. Hướng dẫn này áp dụng đối với các đơn
vị, tổ chức trong ngành y tế khi áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
của đơn vị.
II. Giải thích từ ngữ
1. Bên thứ ba: là các tổ chức, cá nhân có chuyên môn được đơn vị
thuê hoặc hợp tác với đơn vị nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông
tin.
2. Tài sản công nghệ thông tin (gọi
tắt là tài sản): là các trang thiết bị, thông tin,
dịch vụ thuộc hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị, bao
gồm:
a) Tài sản vật lý: là các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông và các thiết
bị phục vụ cho hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin;
b) Tài sản thông tin: là các dữ liệu, tài liệu liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin. Tài sản thông tin được thể hiện bằng
văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử;
c) Tài sản phần mềm: bao gồm các chương trình ứng dụng, phần mềm hệ thống, cơ sở dữ liệu và công cụ phát
triển;
d) Dịch vụ: là các dịch vụ công nghệ thông tin thuê bên thứ ba cung cấp.
III. Các quy định trong nội quy
an toàn, an ninh thông tin
1. Quy định về kiểm soát truy
cập vật lý
Quy định này nhằm ngăn cản các truy nhập
vật lý không được phép và giảm thiểu thiệt hại đối với các thông tin y tế quan
trọng của đơn vị.
a) Những tài sản quan trọng (như máy chủ
chạy các ứng dụng quan trọng, các thiết bị lưu trữ thông tin
bảo mật) cần được đặt tại các phòng riêng có quy định chế độ bảo mật cao như
khóa, hệ thống xác thực cá nhân và các hệ thống kiểm soát truy cập khác.
b) Quy định những cá nhân nào được phép
vào phòng quản lý các tài sản quan trọng và quy định về thủ tục xác thực các cá
nhân được phép truy cập, cụ thể như ghi nhận và kiểm tra danh sách truy nhập
vào phòng định kỳ.
c) Quy định việc mang vào hoặc đem ra
các thiết bị lưu trữ và thiết bị điện tử (ổ đĩa, thiết bị
USB, hoặc các sao chép vật lý đối với dữ liệu) đối với các
phòng quản lý các tài sản quan trọng nhằm tránh việc lây nhiễm các phần mềm độc
hại cho các hệ thống này và tránh rò rỉ các thông tin quan trọng ra ngoài. Xây dựng
các thủ tục khai báo và kiểm tra việc mang vào hoặc đem ra đối với các thiết bị
trước khi vào hoặc rời phòng.
d) Quy định việc kiểm soát công tác gỡ
bỏ các dữ liệu bảo mật và các phần mềm quan trọng khi hủy bỏ hoặc không sử dụng
các thiết bị lưu trữ vật lý.
đ) Quy định về môi trường làm việc cho
phòng quản lý các thiết bị quan trọng bao gồm nhiệt độ, nguồn điện, phòng cháy
chữa cháy.
2. Quy định về quản lý, vận
hành hệ thống thông tin
Quy định này đảm bảo tránh việc rò rỉ, mất mát thông tin khi quản lý vận hành hệ thống trang thiết bị công nghệ
thông tin và mạng máy tính.
a) Hệ thống máy chủ:
- Quản lý an toàn hệ thống: thủ tục cài
đặt, kiểm tra và loại bỏ các dịch vụ không cần thiết trên máy chủ; quy định về
các cá nhân được phép truy nhập vào máy chủ; thủ tục đặt và thay đổi mật khẩu đối với hệ thống máy chủ.
- Quản lý tài khoản truy cập: các thủ
tục cấp quyền, thay đổi mật khẩu cũng như hủy bỏ quyền truy cập đối với tài khoản
truy cập máy chủ. Quy định về việc đặt mật khẩu cho các tài khoản truy cập.
- Cập nhật bản vá lỗ hổng hệ điều hành và phần mềm hệ thống: thủ tục kiểm tra và cập nhật thường
xuyên bản vá lỗ hổng hệ điều hành và phần mềm hệ thống.
- Quy định việc cài đặt và cập nhật phiên
bản đối với các phần mềm chống vi rút và mã độc.
- Quy định việc sao lưu và phục hồi đối với hệ thống và dữ liệu máy chủ.
b) Truy cập Internet:
- Xây dựng quy định việc kiểm soát truy
cập trang web. Có chế độ không cho phép truy cập các trang web không được phép.
- Quy định việc cài đặt phần mềm bảo vệ
máy chủ và máy tính cá nhân khi truy cập Internet.
c) Truy cập mạng nội bộ:
- Kiểm soát truy cập mạng LAN: quy định
việc cấp quyền truy nhập các dịch vụ, hệ thống của đơn vị trong mạng nội bộ
theo nhu cầu công việc của từng nhóm người sử dụng.
- Phân tách vùng mạng: Quy định việc phân
tách vùng mạng đối với các nhóm người sử dụng, dịch vụ thông tin, hệ thống thông
tin quan trọng, đòi hỏi ưu tiên băng thông cần được quy
định một cách hợp lý.
- Có quy định việc kết nối vào mạng không
dây nội bộ. Đảm bảo việc truy cập mạng không dây nội bộ chỉ cho phép ở khu vực quy định và sử dụng cho hoạt
động của đơn vị. Có quy định kiểm soát các truy cập không được phép vào mạng
không dây nội bộ của đơn vị.
- Truy cập mạng nội bộ từ xa: có thủ tục
kiểm soát việc xác thực và hoạt động của người sử dụng yêu cầu truy nhập vào
mạng nội bộ từ xa.
d) Thư điện tử:
- Xây dựng các quy
định về việc sử dụng thư điện tử để tránh việc gửi, nhận hoặc làm mất mát các
thông tin quan trọng trong quá trình sử dụng thư điện tử.
- Quy định về lọc thư điện tử để loại
bỏ thư rác và các thư chứa nội dung không mong muốn.
đ) Máy tính cá nhân:
- Quản lý an toàn hệ thống: thủ tục cài
đặt, kiểm tra và loại bỏ các dịch vụ, phần mềm không cần thiết trên máy tính cá
nhân;
- Quản lý quyền truy cập: quy định việc
đặt mật khẩu đối với các máy tính cá nhân và màn hình máy tính cá nhân sử dụng
trong công việc hàng ngày.
- Quản lý an toàn dữ liệu: quy định việc
mã hóa hoặc đặt mật khẩu đối với những dữ liệu, thông tin
bảo mật nằm trong máy tính cá nhân.
- Quy định việc cài đặt và cập nhật phiên
bản đối với phần mềm chống virus và mã độc.
3. Quy định về quản lý tài sản
phần cứng và phần mềm
Quy định việc quản lý tài sản phần cứng
và phần mềm nhằm đảm bảo tránh việc rò rỉ hoặc mất mát
thông tin trên các thiết bị, ứng dụng quản lý, lưu trữ
thông tin.
a) Thủ tục cài đặt, di chuyển hoặc sửa
chữa các thiết bị hay phương tiện lưu trữ thông tin quan
trọng. Đảm bảo các thao tác trên phải được ghi nhận lại và
dữ liệu phải được sao lưu trước khi thực hiện các thao tác
trên.
b) Thủ tục cài đặt hay gỡ bỏ các phần
mềm quan trọng. Đảm bảo phần mềm được khôi phục khi có sự cố và dữ liệu được sao
lưu trước khi thực hiện các thao tác cài đặt hay gỡ bỏ phần mềm.
c) Quy định về tuân thủ các quy trình,
hướng dẫn sử dụng phần mềm chuyên ngành của đơn vị. Quy định về trách nhiệm
phản hồi khi có phát sinh lỗi, vấn đề bảo mật, các yêu cầu về nghiệp vụ khác liên quan đến
phần mềm ứng dụng chuyên ngành tại đơn vị.
4. Quy định về việc quản lý
thông tin
Quy định về quản lý thông tin cần được
xây dựng để ngăn chặn việc rò rỉ, mất mát các thông tin bảo mật và quy định các thông tin được công bố.
a) Có quy định đối với các thông tin được
công bố và cách thức công bố thông tin trên môi trường mạng.
b) Thông tin bảo mật: Là các thông tin
quan trọng được bảo mật theo quy định của đơn vị và của Bộ Y tế.
- Có quy định kiểm soát truy cập thông tin bảo mật quy định tại mục 1 và mục 2 của Phần
III.
- Các cá nhân tạo ra hoặc chỉnh sửa các thông tin bảo mật đều phải được ghi lại phần mềm hoặc các văn
bản, tài liệu.
- Quy định việc phân loại và đăng ký đối
với các thông tin bảo mật và xây dựng các thủ tục bảo mật và phân phối nội dung
của các thông tin này. Các biện pháp đưa ra đối với các
văn bản, tài liệu về các thông tin này đảm bảo việc tránh tiết lộ thông tin khi
chưa được phép. Các thông tin được lưu trữ dưới dạng điện tử cần có biện pháp
bảo vệ để tránh rò rỉ, mất mát thông tin bởi mã độc, vi
rút máy tính hay những cá nhân không có thẩm quyền.
- Các nội dung liên quan hoặc bổ sung
của các thông tin bảo mật cũng được bảo vệ giống như đối với các thông tin này.
Đảm bảo việc cung cấp các thông tin quan trọng này cho một
tổ chức, hay cá nhân đều phải được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền.
- Việc thông báo, truyền đưa đối với các
thông tin bảo mật đều phải được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền. Quy định các
biện pháp mã hóa hoặc bảo mật các thông tin bảo mật khi thông báo, truyền đưa
các thông tin này qua môi trường mạng.
- Quy định về bảo mật thông tin dữ liệu
y tế theo phân quyền trong hệ thống thông tin của đơn vị
và theo quy định của Bộ Y tế.
5. Quy định về việc quản lý
bên thứ ba
Quy định về việc quản lý bên thứ ba cần
được xây dựng để ngăn chặn việc rò rỉ hoặc mất mát thông
tin quan trọng cho bên thứ ba.
a) Quy định việc truy cập hệ thống đối
với bên thứ ba.
b) Quy định công tác giám sát việc
đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hoạt động của bên thứ ba.
c) Quy định về việc cam kết của bên thứ
ba trong việc truy cập dữ liệu, phần mềm của đơn vị.
d) Quy định về đảm bảo tính toàn vẹn,
ổn định của các hàng hóa, dịch vụ mà bên thứ ba cung cấp và đảm bảo không gây ảnh
hưởng xấu đến hệ thống công nghệ thông tin hiện có.
6. Quy định về sự chấp
hành, đào tạo và nâng cao nhận thức
Mục tiêu của quy định về sự chấp hành,
đào tạo và nâng cao nhận thức nhằm nâng cao nhận thức liên quan đến an toàn,
bảo mật cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và đảm bảo tính hiệu quả
trong việc triển khai nội quy an toàn, bảo mật trong đơn vị.
a) Quy định chế tài và các biện pháp kỷ
luật đối với việc vi phạm nội quy bảo mật và truy cập thông tin không được
phép.
b) Quy định việc tổ chức đào tạo, nâng
cao nhận thức định kỳ về an toàn, bảo mật thông tin và hậu quả trong việc rò
rỉ, mất mát thông tin.
c) Quy định về việc đào tạo nâng cao trình
độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên trách an
toàn, an ninh thông tin.
IV. Tổ chức thực hiện
Lãnh đạo các đơn vị trong ngành y tế tổ
chức xây dựng, triển khai, cập nhật phổ biến nội quy an toàn
bảo mật của đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức của
đơn vị. Nội dung cơ bản của nội quy bao gồm:
1. Yêu cầu chung
a) Mục tiêu, yêu cầu đối với việc xây dựng nội quy an toàn, bảo mật thông tin của đơn vị.
b) Các khái niệm, tiêu chuẩn, yêu cầu
tuân thủ đối với nội quy an toàn, bảo mật thông tin của đơn vị.
2. Yêu cầu cụ thể
a) Phân loại tài sản, thông tin y tế của
đơn vị.
b) Áp dụng các hướng dẫn tại phần II của
hướng dẫn này để xây dựng nội quy đảm bảo an toàn, an ninh thông tin y tế của đơn vị
c) Các biện pháp kỹ thuật cụ thể đối với
từng nội dung hướng dẫn.
d) Các tiêu chuẩn cần đáp ứng đối với
từng nội dung hướng dẫn.
3. Tổ chức thực hiện
a) Trách nhiệm của lãnh đạo trong việc
ban hành, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Các cam kết hỗ trợ
kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật trong việc triển khai nội quy
an toàn, bảo mật thông tin của đơn vị.
b) Trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật đối
với việc xây dựng, cập nhật, kiểm soát việc thi hành nội quy an toàn, bảo mật
thông tin của đơn vị.
c) Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị trong việc tuân thủ nội quy
an toàn, bảo mật thông tin của đơn vị.
d) Quy định về khen thưởng và kỷ luật
đối với việc chấp hành nội quy đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của đơn vị./.