ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
33/2009/QĐ-UBND
|
Mỹ
Tho, ngày 24 tháng 12 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC MẠNG TIN HỌC DIỆN
RỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công
nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý và khai
thác mạng tin học diện rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Điều 2.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở,
ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 01/1999/QĐ.UB ngày 15/01/1999 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Tiền Giang về ban hành Quy định tạm thời về quản lý, khai thác bảo vệ
mạng diện rộng (WAN) của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân liên
quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phòng
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH TIỀN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 33 /2009/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2009 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về việc quản
lý và khai thác tài nguyên trên mạng tin học diện rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh
Tiền Giang; áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia quản lý, khai
thác và sử dụng mạng tin học diện rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Điều 2.
Khai thác, quản lý mạng tin học diện rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
1. Mạng tin học diện rộng của Ủy
ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là mạng diện rộng của tỉnh) được dùng để
khai thác phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và điều hành tác nghiệp của các
đơn vị, cá nhân có liên quan. Đảm bảo hiệu quả đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật
trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (gọi tắt là CNTT) và truyền thông, góp
phần phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị và cá nhân thuộc các cơ quan
nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thông qua việc quản lý và khai thác tài
nguyên mạng diện rộng của tỉnh.
2. Các đơn vị, cá nhân tham gia
hệ thống mạng diện rộng của tỉnh có trách nhiệm quản lý mạng nội bộ, các trang
thiết bị tin học, các phần mềm, các cơ sở dữ liệu và thông tin trong mạng nội bộ
thuộc đơn vị đảm bảo cho hoạt động chung của toàn bộ hệ thống được đồng bộ, thống
nhất và an toàn.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các thuật ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Mạng cục bộ (LAN - Local
Area Network): là một hệ thống mạng bao gồm các máy tính và các thiết bị
ngoại vi được kết nối với nhau thông qua các thiết bị mạng để chia sẻ tài
nguyên như thông tin, dữ liệu, phần mềm và các thiết bị ngoại vi.
2. Mạng diện rộng (WAN - Wide
Area Network): là một hệ thống mạng được thiết lập để kết nối hai hay nhiều
mạng máy tính có khoảng cách xa về mặt địa lý thông qua mạng riêng của các tổ
chức hoặc hạ tầng mạng của các nhà cung cấp dịch vụ.
3. Dịch vụ mạng: là dịch
vụ được thực hiện trên môi trường mạng máy tính nhằm giúp người sử dụng truy nhập
và sử dụng chung các tài nguyên trên mạng.
4. Tài khoản (account) người
dùng: bao gồm tên tài khoản (user name) và mật khẩu (password) dùng để định
danh và xác định quyền hạn của người sử dụng trên các dịch vụ mạng.
5. Cơ sở dữ liệu (database): là
tập hợp các dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập
nhật thông qua phương tiện điện tử.
6. Phần mềm gián điệp
(Spyware).
7. Thông số trên mạng diện rộng
của tỉnh: là các thông số do Sở Thông tin và Truyền thông quy định nhằm đảm
bảo sự thống nhất trong việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên mạng diện
rộng của tỉnh.
8. Mạng diện rộng của tỉnh gồm:
tất cả mạng nội bộ LAN, đường truyền và các kết nối mạng diện rộng của tỉnh
(WAN) do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
9. Tài nguyên mạng diện rộng
của tỉnh bao gồm:
- Hệ thống địa chỉ sử dụng để
giao tiếp trên mạng bao gồm: địa chỉ IP công cộng (public IP) để giao tiếp với
mạng ngoài, mạng Internet; địa chỉ IP dùng riêng (private IP) để giao tiếp giữa
các máy tính trong mạng cục bộ và các máy tính trong hệ thống mạng diện rộng của
tỉnh.
- Hệ thống tên miền bao gồm: tên
miền tiengiang.gov.vn; các tên miền cấp con (subdomain) tên miền
tiengiang.gov.vn và các tên miền các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đăng
ký bảo vệ.
- Các kết nối hệ thống mạng nội
bộ LAN tại cơ quan trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh; kết nối mạng diện rộng của tỉnh,
kết nối mạng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và các kết nối tới các nhà
cung cấp dịch vụ Internet.
- Các trang thiết bị CNTT trên mạng
diện rộng của tỉnh bao gồm: máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị phụ
trợ và các thiết bị mạng do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
- Hệ thống thư điện tử của tỉnh.
- Các cơ sở dữ liệu được lưu trữ
trên mạng diện rộng của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh
(Portal) và các cổng thông tin điện tử con (Subportal), website của các cơ quan
nhà nước trên địa bàn tỉnh đang được lưu trữ trên máy chủ tại Trung tâm Tích hợp
dữ liệu của tỉnh (Hosting).
10. Các phần mềm hệ thống, phần
mềm ứng dụng hợp pháp được cài đặt, hoạt động tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.
- Các dịch vụ công hoạt động
trên mạng máy tính của tỉnh.
- Tài khoản người sử dụng, dùng
trong các dịch vụ mạng của tỉnh.
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ
Điều 4.
Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Sở Thông tin và Truyền thông
là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý tài nguyên mạng máy
tính của tỉnh theo các tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu và thông số mạng phù hợp
với các tiêu chuẩn chung về mạng máy tính do Bộ Thông tin và Truyền thông ban
hành.
2. Quản lý mạng diện rộng của tỉnh,
hướng dẫn và hỗ trợ nghiệp vụ cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân khai thác mạng
máy tính của tỉnh.
3. Hướng dẫn kỹ thuật liên quan
đến việc quản lý và khai thác tài nguyên mạng diện rộng của tỉnh.
4. Tham mưu kết nối hệ thống mạng
diện rộng của tỉnh với mạng diện rộng của Chính phủ, mạng diện rộng của Tỉnh ủy
và mạng ngoài khác.
5. Lựa chọn công nghệ và triển
khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho các tài nguyên mạng diện rộng của
tỉnh.
6. Giám sát mạng diện rộng của tỉnh,
phát hiện các hành vi sử dụng mạng trái phép, các lỗi kỹ thuật, tăng cường đảm
bảo tính an toàn, an ninh, tính tin cậy và sẵn sàng hoạt động của mạng diện rộng
của tỉnh.
7. Quản lý và quy hoạch các tài
nguyên trên mạng máy tính của tỉnh, phân bổ và cấp phát các tài nguyên này cho
các đơn vị và cá nhân thuộc tỉnh theo nhu cầu và khả năng đáp ứng.
8. Tiếp nhận thông tin, xử lý
các sự cố và các yêu cầu liên quan đến gia nhập, khai thác tài nguyên mạng máy
tính của các đơn vị và cá nhân thuộc tỉnh, báo cáo lãnh đạo tỉnh và phối hợp với
các đơn vị liên quan để xử lý khi có các sự cố mạng xảy ra.
9. Quy hoạch danh sách người sử
dụng và hệ thống phân quyền truy nhập thông tin.
10. Căn cứ vào kế hoạch hàng năm
và chiến lược phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của tỉnh để lập và trình
lãnh đạo tỉnh các kế hoạch đào tạo, bảo trì, các phương án, dự án mở rộng, thay
thế và nâng cấp tài nguyên mạng diện rộng của tỉnh.
11. Quản lý các phần mềm hệ thống
và phần mềm ứng dụng hợp pháp được cài đặt trên mạng diện rộng của tỉnh; nghiên
cứu, đề xuất, nâng cấp phần mềm theo các quy định và định hướng quản lý của Nhà
nước và của ngành.
12. Thông báo cho người sử dụng
biết khi dừng tạm thời hoạt động của từng loại dịch vụ mạng hoặc của cả mạng
máy tính của tỉnh để nâng cấp mở rộng mạng, khắc phục sự cố hoặc bảo dưỡng định
kỳ.
13. Chủ trì phối hợp với các bên
liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ trên tất cả các máy tính, mạng LAN có tham
gia mạng diện rộng của tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị, cá
nhân vi phạm quy chế hoặc các quy định về khai thác mạng diện rộng của tỉnh,
tùy theo mức độ vi phạm Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tạm ngưng quyền khai
thác của đơn vị, cá nhân và có văn bản báo cáo Thường trực UBND tỉnh xem xét hoặc
đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật hiện hành.
14. Nhắc nhở, tạm ngừng cung cấp
dịch vụ, trường hợp nghiêm trọng có thể thu hồi tài nguyên mạng và báo cáo các
cấp có thẩm quyền để xử lý đối với các đơn vị và cá nhân vi phạm các nguyên tắc
quản lý và khai thác tài nguyên mạng diện rộng của tỉnh.
Điều 5.
Trách nhiệm của Trung tâm Tin học thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Đối với hệ thống và An ninh mạng:
- Quản trị vận hành kỹ thuật hệ
thống Trung tâm Tích hợp dữ liệu, mạng LAN của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông tham mưu xây dựng các giải pháp kỹ thuật tích hợp hệ thống và an ninh mạng.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông giám sát về kỹ thuật các hoạt động trên mạng diện rộng của tỉnh, phát hiện
các hành vi sử dụng mạng không hợp lệ, xử lý các lỗi kỹ thuật, phòng chống
virus, thư rác, tăng cường đảm bảo tính an toàn, an ninh, tính tin cậy và sẵn
sàng hoạt động của mạng diện rộng của tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tấn công hệ thống trái phép.
- Hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ
cho các đơn vị, cá nhân khai thác mạng diện rộng tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông tổ chức quản lý kỹ thuật, xây dựng các cổng thành viên và vận hành
cổng thông tin điện tử của tỉnh,
2. Đối với các dịch vụ mạng:
- Quản trị và vận hành hệ thống
thư điện tử Tiền Giang, phối hợp với các đơn vị thực hiện cung cấp, tạo lập,
xóa, thay đổi, hiệu chỉnh người dùng tham gia sử dụng thư điện tử.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông xây dựng các mô hình cung cấp tổ chức các dịch vụ điều hành tác
nghiệp, dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử hoạt động trong môi trường mạng
diện rộng của tỉnh và Internet.
- Xử lý các sự cố, các yêu cầu
liên quan đến việc gia nhập, khai thác tài nguyên mạng máy tính của các đơn vị
và cá nhân thuộc tỉnh, báo cáo lãnh đạo tỉnh và phối hợp với các đơn vị liên
quan để xử lý khi có các sự cố xảy ra.
- Quản trị hệ thống các cơ sở dữ
liệu trên máy chủ mạng diện rộng của tỉnh bao gồm: bảo vệ, bảo mật dữ liệu, tổ
chức định kỳ sao lưu dữ liệu, phân cấp phân quyền khai thác dữ liệu từ các mạng
LAN thành viên.
- Quản trị các phần mềm hệ thống
và các phần mềm dùng chung trên hệ thống mạng diện rộng của tỉnh.
Điều 6.
Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân tham gia mạng diện rộng của tỉnh
1. Đối với các đơn vị có mạng cục
bộ (LAN) kết nối với mạng diện rộng của tỉnh cần có bộ phận chuyên trách hoặc
bán chuyên trách làm nhiệm vụ quản trị hệ thống, cụ thể bao gồm các nhiệm vụ
sau:
- Quản lý các thiết bị tin học,
quản trị các cơ sở dữ liệu, quản lý các phần mềm, thông tin trên mạng.
- Đảm bảo sự kết nối thông suốt
mạng LAN của đơn vị với mạng diện rộng của tỉnh, đảm bảo an toàn bảo mật các
thông tin truyền dẫn trong mạng.
- Quản lý quyền truy cập của tất
cả người dùng trong mạng cục bộ và phòng chống virus trong mạng.
- Lập kế hoạch bảo trì, thay đổi,
bổ sung các trang thiết bị trên mạng do mình quản lý khi có nhu cầu.
2. Trong quá trình sử dụng các
thiết bị CNTT, nếu phát hiện thấy các vi phạm liên quan đến thiết bị, dữ liệu
hoặc xảy ra các sự cố, các đơn vị và cá nhân phải thông báo ngay cho Sở Thông
tin và Truyền thông để tìm biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.
3. Khi cần sửa chữa, thay thế
linh kiện của các thiết bị CNTT trên mạng máy tính của tỉnh, hủy bỏ kết nối mạng
hoặc thay đổi thông số của các thiết bị (tên, địa chỉ mạng...) thì các đơn vị
và cá nhân phải đề xuất bằng văn bản có sự xác nhận của đơn vị, gửi Sở Thông
tin và Truyền thông.
4. Bảo vệ mạng máy tính của tỉnh,
cảnh giác với những tác hại của Internet (virus, tin tặc, thông tin xấu…); chịu
trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu bao che hoặc cho người khác sử dụng
trang thiết bị, mật khẩu của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật;
tuân thủ những quy định về an toàn, an ninh đối với các thông tin được đưa lên
mạng diện rộng của tỉnh.
5. Thông báo bằng văn bản cho Sở
Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tin học thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
để phối hợp triển khai khi có nhu cầu kết nối máy tính cá nhân hay mạng LAN của
đơn vị mình vào mạng diện rộng của tỉnh.
6. Bảo đảm bí mật các tài khoản
được cấp (để truy nhập vào các máy tính, khai thác các cơ sở dữ liệu, các dịch
vụ và các ứng dụng trên mạng theo chức năng, nhiệm vụ của mình) và chỉ được
khai thác những tài nguyên theo quyền đã cấp.
7. Tuân thủ các biện pháp phòng
chống virus máy tính, thường xuyên cập nhật chương trình diệt virus và quét
virus định kỳ theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, quét diệt virus
trước khi sử dụng các dữ liệu lấy từ các thiết bị lưu trữ bên ngoài và từ
Internet. Trường hợp có nghi ngờ nhiễm virus, spyware phải báo ngay cho Sở
Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý kịp thời. Không được tự ý gỡ bỏ các
phần mềm phòng chống virus, chống spyware..., do Sở Thông tin và Truyền thông
cung cấp và cài đặt.
8. Thực hiện đúng các thao tác kỹ
thuật quy định đối với các thiết bị CNTT trên mạng diện rộng của tỉnh. Trong
trường hợp để xảy ra hư hỏng do vận hành sai quy định hoặc nguyên nhân chủ quan
thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hư hỏng do các lỗi đó gây ra.
9. Thông báo cho Sở Thông tin và
Truyền thông để phối hợp thực hiện và lựa chọn phương án cài đặt tối ưu khi có
nhu cầu cài đặt các phần mềm ứng dụng có liên quan tới việc khai thác tài
nguyên mạng máy tính của tỉnh nhưng không phải do Sở Thông tin và Truyền thông
cung cấp hoặc phát triển.
10. Khi kết nối với mạng thuộc
ngành dọc, các đơn vị có tham gia mạng diện rộng của tỉnh phải báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh. Trường hợp mạng này có dùng chung cơ sở dữ liệu với mạng diện rộng
của tỉnh tỉnh phải phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Tin học
thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện.
11. Các đơn vị có tham gia mạng
diện rộng của tỉnh khi kết nối với mạng ngoài phải được sự đồng ý của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
12. Các đơn vị, cá nhân tham gia
mạng diện rộng của tỉnh phải có trách nhiệm hợp tác tạo điều kiện cho bộ phận
kiểm tra do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức để bảo đảm cho hoạt động chung
của toàn bộ hệ thống.
Chương III
KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG
TIN TRÊN MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG CỦA TỈNH
Điều 7.
Nguyên tắc khai thác, sử dụng mạng diện rộng của tỉnh
Việc khai thác tài nguyên mạng
diện rộng của tỉnh phải tuân theo các nguyên tắc sau:
1. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân truy
cập trái phép vào hệ thống mạng diện rộng của tỉnh.
2. Không được sử dụng mạng máy
tính của tỉnh để khai thác lưu trữ các chương trình giải trí không lành mạnh,
các thông tin có nội dung xấu, phát tán virus, gửi thư rác, làm công cụ tấn
công máy chủ, máy trạm trong mạng của tỉnh hoặc các mạng khác.
3. Nghiêm cấm sử dụng tài nguyên
mạng máy tính của tỉnh để truyền bá tư tưởng, văn hóa độc hại, đồi trụy, kích động,
chống phá lại các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà
nước.
4. Không được tự ý gỡ bỏ kết nối
mạng, thay đổi thông số của các thiết bị (tên, địa chỉ mạng...) gây xung đột
tài nguyên trên mạng.
5. Nghiêm cấm tự ý tháo, lắp, sửa
chữa hoặc thay thế các linh kiện, thiết bị CNTT trên mạng đã được Sở Thông tin
và Truyền thông bàn giao để quản lý và sử dụng.
6. Chịu trách nhiệm về các hư hỏng
trực tiếp hay gián tiếp gây ra cho các tài nguyên mạng máy tính của tỉnh nếu cố
ý không tuân theo các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và vận hành mạng.
7. Tuân thủ các quy định, văn bản,
hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến việc quản lý và khai thác tài nguyên mạng diện
rộng của tỉnh.
8. Các văn bản thuộc diện mật
theo pháp lụât quy định thì không được phép truyền trên mạng diện rộng của tỉnh.
9. Phối hợp với các cơ quan chức
năng trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra sử dụng, khai thác tài nguyên mạng
diện rộng của tỉnh.
Điều 8. Tính
pháp lý của thông tin trên mạng diện rộng của tỉnh:
1. Văn bản đã được lãnh đạo duyệt,
ký tên, đóng dấu, cho số công văn và lưu gốc tại đơn vị khi được truyền trên hệ
thống mạng diện rộng của tỉnh có giá trị tương đương văn bản gốc.
2. Tất cả các văn bản truyền
trên mạng diện rộng của tỉnh đều phải đảm bảo phải được soạn thảo bằng phần mềm
và chuẩn mã chữ, phông chữ theo quy định hiện hành.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Khen
thưởng, xử lý vi phạm
Các đơn vị và cá nhân có thành
tích trong việc quản lý, khai thác mạng diện rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ
được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành. Các hành vi vi phạm tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; nếu vi phạm
gây thiệt hại đến tài nguyên mạng diện rộng của tỉnh thì phải chịu trách nhiệm
bồi thường vật chất về những thiệt hại đã gây ra.
Điều 10. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Thông tin và
Truyền thông chủ trì và phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn
thực hiện Quy định này và kiểm tra việc thực hiện. Hàng năm tổng kết và đánh
giá báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vấn đề phát sinh mới hoặc khó khăn, vướng mắc thì phản ảnh về Sở Thông tin
và Truyền thông để tập hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp./.