QUY CHẾ
PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG
TRỘM CƯỚC VIỄN THÔNG; VẬN CHUYỂN HÀNG LẬU, HÀNG CẤM QUA MẠNG BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN
PHÁT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2009 của
UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp
dụng
Quy chế này quy định về trách nhiệm, cơ chế phối
hợp của liên ngành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong công tác phòng, chống trộm cước
viễn thông; vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính và chuyển phát.
Điều 2. Nội dung phòng, chống tội phạm
Phòng ngừa hành vi trộm cước viễn thông, buôn lậu
hàng cấm qua mạng bưu chính và mạng chuyển phát;
Tuyên truyền các quy định của pháp luật để các tổ
chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng dịch vụ hiểu biết và tự nguyện chấp hành;
Tập huấn nghiệp vụ quản lý chuyên ngành để nâng cao
năng lực quản lý của từng cơ quan Nhà nước, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi
vi phạm pháp luật;
Vận động các tổ chức, cá nhân phát hiện và tố giác
các hành vi phạm tội.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc
kịp thời, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quá trình phối hợp
không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên quan.
2. Trong quá trình phối hợp, việc cung cấp thông
tin về các dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế; kinh doanh trái pháp
luật dịch vụ điện thoại Internet và các loại thẻ điện thoại lậu; gửi, vận chuyển
hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát phải được thực hiện
nhanh chóng, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thông tin
phải được cung cấp bằng văn bản hoặc các hình thức tương đương văn bản (fax)
hoặc văn bản điện tử nhưng phải có chữ ký điện tử xác nhận của thủ trưởng cơ
quan cung cấp.
3. Cơ quan chức năng xử lý các vụ trộm cắp cước viễn
thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển
phát, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện
thoại lậu của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện trên nguyên tắc: Vụ việc
thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì
việc xử lý; các đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung thông
tin, tài liệu và nội dung phối hợp phải đảm bảo bí mật theo qui định của Pháp lệnh
bảo vệ bí mật Nhà nước.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Sở
Công Thương, Chi cục Hải quan và các doanh nghiệp cử người có trách nhiệm phụ
trách việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc phối hợp, giao
nhận tài liệu, số liệu liên quan. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm
bảo bí mật thông tin, kịp thời báo cáo người có thẩm quyền trong việc xử lý thông
tin, chỉ đạo công tác phối hợp.
5. Việc cử người phải được lập thành văn bản có xác
nhận của người đứng đầu cơ quan với đầy đủ các thông tin về họ tên; ngày, tháng,
năm sinh; chức vụ đơn vị công tác, số điện thoại liên hệ trong và ngoài giờ làm
việc của người được giao phụ trách và được gửi về Sở Thông tin và Truyền thông
để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Quy chế này có
hiệu lực. Khi có sự thay đổi về nhân sự phụ trách, cơ quan phải báo cáo bằng
văn bản về UBND tỉnh chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
Chương II
TỔ CHỨC PHỐI HỢP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền
thông
1. Chủ trì hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc
chấp hành các quy định của pháp luật về bưu chính, chuyển phát và viễn thông
của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh, xuất, nhập khẩu
các loại thiết bị viễn thông, sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông,
Internet nếu vi phạm pháp luật tùy theo tính chất, hành vi mà xử lý cho phù
hợp. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì chuyển cho cơ
quan Công an điều tra xử lý. Khi cần sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý chuyên ngành
(Cục Tần số, Cục Quản lý chất lượng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông
tin) trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì chủ trì đề nghị phối hợp.
2. Tiếp nhận Quyết định trưng cầu giám định, làm
thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định thành lập Hội đồng giám định về
các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Pháp lệnh Giám định tư pháp
ngày 29/9/2004 và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tới tất cả các doanh nghiệp
bưu chính, chuyển phát, viễn thông, và người sử dụng dịch vụ nhằm tránh vi phạm
pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng xấu lợi dụng
thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
4. Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh,
Chi cục Hải quan tổ chức tập huấn chuyên đề cho các lực lượng tham gia kiểm tra
về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các qui định của pháp luật nhằm
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi trộm
cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính,
chuyển phát đạt kết quả cao.
Điều 5. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu
nghi vấn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát,
trộm cắp cước viễn thông quốc tế.
2. Chủ trì công tác điều tra, xác minh và bắt giữ
đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trong
trường hợp phát hiện đối tượng có hành vi phạm tội hoặc nhận được thông báo về
dấu hiệu nghi vấn; cần có sự phối hợp kịp thời và trao đổi bằng văn bản cho Sở
Thông tin và Truyền thông hoặc đơn vị liên quan biết để phối hợp hành động.
3. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các phương án:
phòng, chống trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm
qua đường bưu chính mạng chuyển phát đồng thời hướng dẫn lực lượng bảo vệ các
doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần Nghị
định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về hoạt động
và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Điều 6. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan
1. Chủ trì công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện
và xử lý hàng lậu, hàng cấm xuất, nhập khẩu qua mạng bưu chính, mạng chuyển
phát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm
tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hoá trong trường hợp phát
hiện hoặc nhận được thông tin về vụ việc xuất - nhập hàng lậu, hàng cấm qua
mạng bưu chính, mạng chuyển phát; nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm pháp
luật thì phối hợp với Công an tỉnh trong việc xử lý đối tượng vi phạm.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Chủ trì việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng lậu,
hàng cấm vận chuyển qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát trong phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm
tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hoá, phương tiện vận chuyển
trong trường hợp phát hiện hoặc nhận được tin báo về vụ vận chuyển hàng lậu,
hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; nếu phát hiện thấy có hành vi vi
phạm pháp luật thì phối hợp với Công an tỉnh xử lý vi phạm theo quy định của
pháp luật.
Điều 8: Trách nhiệm của UBND các huyện, thị
xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và các sở, ngành có liên quan
1. Phối hợp, tuyên truyền, phổ biến các quy định
của pháp luật có liên quan, kịp thời thông tin về công tác phòng, chống tội phạm
trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.
2. Phối hợp xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của các doanh nghiệp bưu
chính, viễn thông
1. Kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu
có liên quan cho Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền liên
quan trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc
tế; việc kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện
thoại lậu; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển
phát, các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu
chính, viễn thông, Internet.
2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ làm
giảm nhẹ thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra, cung cấp thông tin, tài
liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng
xác minh đối tượng vi phạm.
3. Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng các phương
án như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 quy chế này. Đồng thời phối hợp với các doanh
nghiệp bưu chính, chuyển phát và viễn thông khác để kịp thời cung cấp thông
tin, tài liệu và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát
hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật.
4. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối
hợp với các cơ quan chức năng như đã ghi trong điều 1 để làm tốt công tác phòng,
chống trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường
bưu chính; tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trực thuộc, những đại lý
phát triển thuê bao điện thoại, cung cấp các dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển
phát về việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
5. Cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động giám
định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định một cách kịp thời; chịu trách
nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.
6. Xây dựng các quy trình quản lý đại lý; quản lý
khách hàng trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ, nhất là những thuê bao trả trước;
việc phát hành và phân phối thẻ điện thoại trả trước; những khách hàng không
phải là đại lý mua thẻ trả trước với số lượng lớn, các thuê bao phát sinh cước
bất thường, đặc biệt là các thuê bao ADSL có lưu lượng chiều đi và đến tương
đương nhau thì kịp thời báo cáo với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh
để điều tra xử lý.
Các quy trình trên được gửi về Sở Thông tin và Truyền
thông chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực. Các doanh nghiệp
hoạt động sau thời điểm Quy chế này có hiệu lực thì thời hạn gửi quy trình Sở
Thông tin và Truyền thông là 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào
hoạt động.
7. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho
cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp và phổ biến cho khách hàng biết các
quy định của pháp luật trong việc kinh doanh, sử dụng dịch vụ bưu chính, chuyển
phát và viễn thông, internet nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại có thể
xảy ra.
Điều 10. Trách nhiệm của chủ mạng viễn thông
dùng riêng, chủ mạng nội bộ, đại lý bưu chính, viễn thông và người sử dụng dịch
vụ
1. Bảo vệ an toàn mạng lưới, thiết bị đầu cuối thuê
bao và mật khẩu truy nhập của mình.
2. Không được lợi dụng hoặc để người khác lợi dụng
mạng lưới, thiết bị đầu cuối thuê bao và mật khẩu truy nhập của mình thực hiện
hành vi trộm cắp cước viễn thông, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại
Internet, các loại thẻ điện thoại lậu; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua
mạng bưu chính, mạng chuyển phát.
3. Phát hiện, thông báo đầy đủ, kịp thời những hoạt
động phạm tội hoặc có dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát
và viễn thông cho Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền gần nhất để điều tra xử lý.
Điều 11. Trách nhiệm của các tổ chức, cá
nhân khác
Kịp thời thông báo cho cơ quan Công an hoặc cơ quan
nhà nước có thẩm quyền gần nhất về các hoạt động phạm tội hoặc có dấu hiệu phạm
tội trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát và viễn thông.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm khi phát hiện phải được xử
lý kịp thời theo quy định hiện hành của pháp luật. Trường hợp các vụ việc nghiêm
trọng, có dấu hiệu vi phạm hình sự phải kịp thời chuyển hồ sơ đến các cơ quan
chức năng có thẩm quyền xử lý.
2. Vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản
lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì việc xử lý, các đơn vị khác trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp xử lý theo
quy định của pháp luật. Trường hợp các vụ việc vượt
thẩm quyền xử lý thì kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải
quyết.
Điều 13. Điều khoản thi hành
1. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương,
Công an tỉnh, Chi cục Hải quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm
chủ trì kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có
liên quan thực hiện nghiêm túc theo Quy chế này.
2. Định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc theo yêu cầu đột xuất,
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh, Chi
cục Hải quan và các đơn vị có liên quan tiến hành giao ban nhằm kiểm điểm, đánh
giá rút kinh nghiệm và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình kết quả thực
hiện Quy chế./-