UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2013/QĐ-UBND
|
Cao Bằng, ngày
29 tháng 01 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 04 tháng 12 năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06
tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
Điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
06/2008/TTLT-BTTTT-BCA ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền
thông và Bộ Công an về đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong
hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và
Truyền thông tỉnh Cao Bằng tại Tờ trình số 2156/TTr-STTTT ngày 26 tháng 10 năm
2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về quản lý và bảo vệ các công trình viễn thông
trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các cơ quan
liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoàng Anh
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm
2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định một số nội dung về việc
bảo đảm an toàn các công trình viễn thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan Nhà
nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thiết lập, quản lý các công trình viễn
thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
3. Các công trình viễn thông quan trọng liên
quan đến an ninh Quốc gia có danh mục và quy định riêng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. “Công trình viễn thông” là công trình xây dựng,
bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm, cột, cống, bể…) và thiết
bị mạng được lắp đặt vào đó.
2. “Mạng viễn thông” là tập hợp thiết bị viễn
thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn
thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.
3. “Cơ sở hạ tầng viễn thông” là tập hợp thiết bị
viễn thông, đường truyền dẫn, mạng viễn thông và công trình viễn thông.
Điều 3. Nguyên tắc chung
quản lý và bảo vệ các công trình viễn thông
1. Việc bảo đảm an toàn công trình viễn thông là
trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; trường hợp phát hiện các hành vi phá hoại,
xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp
thời cho Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
2. Việc đảm bảo an toàn công trình viễn thông
không làm cản trở hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
3. Các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến an toàn
cơ sở hạ tầng viễn thông phải được phát hiện kịp thời và tùy theo mức độ sẽ bị
xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
pháp luật.
Điều 4. Các hành vi bị
nghiêm cấm
1. Xâm phạm, phá hoại công trình viễn thông, cơ
sở hạ tầng viễn thông. Lợi dụng mạng viễn thông để xâm phạm an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Cản trở bất hợp pháp đến hoạt động việc xây dựng,
khai thác công trình viễn thông.
3. Các hành vi trái pháp luật khác liên quan đến
việc thiết lập, sử dụng và khai thác đối với công trình viễn thông.
Điều 5. Quy định về nội dung
quản lý và bảo vệ công trình viễn thông
1. Bảo vệ công trình viễn thông nhằm ngăn chặn
các hoạt động tấn công, trộm cắp, phá hoại công trình viễn thông.
2. Cơ quan, tổ chức vận hành khai thác công
trình có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, có phương án xử lý, khắc
phục kịp thời khi phát hiện sự cố xảy ra; có biện pháp phòng chống các tác nhân
gây hại đến công trình.
3. Các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải
pháp và hệ thống thiết bị dự phòng, phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo an
toàn công trình viễn thông, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời không để
phát sinh các điểm vi phạm mới.
4. Bảo đảm an toàn công trình khi thi công, chống
lấy cắp, tráo đổi chủng loại vật tư thiết bị kỹ thuật; xây dựng và thực hiện
phương án, kế hoạch bảo vệ, phòng chống các hành vi xâm hại đến sự an toàn của
công trình, đối phó xử lý các tình huống đột xuất.
5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an
toàn công trình viễn thông và cơ sở hạ tầng viễn thông.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 6. Trách nhiệm của Sở
Thông tin và Truyền thông
1. Là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh
quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng viễn thông, chủ trì phối hợp các Sở, ngành có
liên quan, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp viễn thông thực hiện
các quy định của pháp luật về quản lý, bảo đảm an toàn cho công trình viễn
thông.
2. Thường xuyên phối hợp với cơ quan Công an,
các ngành liên quan và chính quyền địa phương, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
quy định về đảm bảo an toàn công trình viễn thông.
3. Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông thực hiện
nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai
thác, sử dụng mạng lưới, thiết bị viễn thông.
4. Trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm nếu
cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng thì có văn bản đề nghị phối hợp và chủ
trì, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp cùng các cơ quan báo chí, truyền
thông và đoàn thể tuyên truyền thực hiện tốt quy định này trong nhân dân.
6. Chủ trì tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh lập
danh mục công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia.
Điều 7. Trách nhiệm của Công
an tỉnh
1. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông rà soát, đánh
giá xác định những mục tiêu địa bàn trọng điểm để chỉ đạo xây dựng kế hoạch
tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình viễn thông.
2. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, hướng
dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các phương án bảo vệ, công tác phòng
chống cháy, nổ, tuần tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất cơ sở hạ tầng mạng lưới
viễn thông; phương án phối hợp khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
3. Tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng bảo
đảm an toàn cơ sở hạ tầng, tranh tra, kiểm tra và xử lý đối với tổ chức, cá
nhân vi phạm quy định về bảo đảm cơ sở hạ tầng trong hoạt động viễn thông.
4. Trong trường hợp đặc biệt chỉ đạo công an các
đơn vị, địa phương triển khai lực lượng canh gác bảo vệ các công trình viễn
thông quan trọng, mục tiêu quan trọng khác theo quy định của pháp luật.
5. Kịp thời phát hiện ngăn chặn hoạt động của
các thế lực thù địch có âm mưu, thủ đoạn phá hoại các công trình viễn thông hoặc
lợi dụng công trình viễn thông để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Uỷ
ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước tại địa
phương về bảo đảm an toàn cho công trình viễn thông trên địa bàn theo phân cấp
quản lý.
2. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng;
các xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tăng cường kiểm
tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm những hành vi vi phạm xảy
ra trên địa bàn.
3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng
thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm
đến công trình viễn thông.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều
hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm an toàn cho
các công trình viễn thông.
Điều 9. Trách nhiệm của các
doanh nghiệp viễn thông
1. Trực tiếp quản lý, phối hợp với cơ quan chức
năng đảm bảo an toàn các công trình viễn thông của đơn vị, xây dựng kế hoạch,
phương án bảo vệ, phòng, chống các hành vi xâm hại đến sự an toàn của công
trình viễn thông, xử lý khắc phục kịp thời các tình huống xảy ra.
2. Xây dựng hệ thống cảnh báo, chống trộm đảm bảo
phát hiện kịp thời khi có sự cố hoặc bị xâm hại đến an toàn công trình viễn
thông.
3. Chủ động phối hợp và cung cấp thông tin, số
liệu cần thiết cho cơ quan có liên quan khi có yêu cầu (Công an các cấp, Sở
Thông tin và Truyền thông…) nhằm phục vụ cho công tác xác minh, điều tra, xử lý
các hành vi vi phạm trộm cắp, phá hoại công trình viễn thông.
4. Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng
quy chế phối hợp, quy trình giải quyết các sự cố, bảo đảm thông tin liên lạc
thông suốt trong mọi tình huống; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu,
số liệu, tang vật cho cơ quan chuyên trách khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền.
5. Phối hợp với với các cơ quan, chính quyền địa
phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức
và tinh thần tự giác của người dân trong việc bảo vệ và tố giác tội phạm.
Điều 10. Trách nhiệm của
các Sở, ban, ngành
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các
cơ quan liên quan, đơn vị quản lý công trình viễn thông, Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện tốt quy định này
theo chức năng, nhiệm vụ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Các Sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp viễn thông căn
cứ chức năng nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện quy định này.
Điều 12. Định kỳ hàng
năm và đột xuất các cơ quan quản lý, đơn vị quản lý các công trình viễn thông
thực hiện báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Quy định này, gửi về Sở Thông
tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông tổng
hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định./.