HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 26/NQ-HĐND
|
Tiền Giang,
ngày 08 tháng 12 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH
TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ban
hành ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06
tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Viễn thông;
Căn cứ Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;
Căn cứ Nghị định 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng
9 năm 2012 quy định về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật
trong đô thị và khuyến khích áp dụng đối với khu vực ngoài đô thị;
Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21
tháng 6 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn việc lập, phê
duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa
phương;
Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27
tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn
thông quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31
tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định,
phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 314/TTr-UBND ngày 10 tháng 11
năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc đề nghị thông qua Quy hoạch
hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng
đến 2030; Báo cáo thẩm tra số 101/BC-HĐND ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Ban
Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh
Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm:
a) Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động phù hợp
với chủ trương và đường lối của Đảng, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về xây
dựng, ứng dụng các công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển
tương lai;
b) Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đồng
bộ, phù hợp với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo phục vụ tốt
công tác an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Thu hẹp khoảng cách
phát triển viễn thông giữa các vùng trong tỉnh;
c) Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động
chủ yếu theo hướng dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp,
tiết kiệm nguồn vốn đầu tư; thực hiện ngầm hóa mạng cáp ngoại
vi viễn thông theo phạm vi và lộ trình phù hợp, đảm bảo mỹ quan đô
thị, cảnh quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa; đảm bảo các tiêu chuẩn
về an toàn chất lượng;
d) Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động
đi đôi với việc đảm bảo an toàn mạng lưới; đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh
quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa; đảm bảo các tiêu chuẩn về an
toàn chất lượng;
e) Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp
tham gia thị trường; xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới. Tạo lập thị trường
cạnh tranh, phát triển lành mạnh, bình đẳng. Xã hội hóa trong xây
dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2020:
a) Cơ bản ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp
ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu
công nghiệp xây dựng mới;
b) Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp
ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố đạt 15 - 20% (chỉ tính
các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường đô thị; không tính
đến hệ thống đường xã, ấp);
c) Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn
thông tính theo tuyến đường khu vực đô thị đạt 40 - 45% (chỉ tính các tuyến đường
nằm trong khu vực đô thị);
d) Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo
cáp mới đạt trên 85%;
e) Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng
ten trạm thu phát sóng thông tin di động đạt 40 - 45%;
g) Thực hiện cải tạo, chuyển đổi 25 - 30% hệ thống
cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động, cột ăng ten loại cồng kềnh (A2)
sang loại cột ăng ten không cồng kềnh (A1) theo hướng thân thiện môi trường, đảm
bảo mỹ quan đô thị tại các khu vực, tuyến đường chính tại thành phố Mỹ Tho, thị
xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và trung tâm các huyện;
h) Hoàn thiện cải tạo hạ tầng mạng cáp
ngoại vi (cáp treo trên cột điện lực, cột viễn thông) tại khu vực, tuyến
đường chính tại thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy, khu vực
trung tâm các huyện và khu vực các khu du lịch, khu di tích; hoàn thiện hạ
tầng truyền dẫn số trên địa bàn tỉnh.
3. Quy hoạch phát triển đến năm
2020:
a) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông
Tiếp tục duy trì các Điểm cung cấp dịch vụ viễn
thông có người phục vụ, đồng thời nâng cấp các thiết bị viễn thông tại các điểm
giao dịch này.
b) Cột ăng ten
- Cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động:
+ Cột ăng ten không cồng kềnh A1 (A1a, A1b): Quy
hoạch phát triển hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động
tại khu vực đô thị, khu vực yêu cầu cao về mỹ quan. Quy hoạch khu vực,
tuyến đường chỉ được phép lắp đặt cột ăng ten A1 bao gồm 54 khu vực, tuyến đường
thuộc các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho trên địa bàn tỉnh;
+ Cột ăng ten cồng kềnh A2 (A2a, A2b): Xây dựng,
phát triển mới cột ăng ten loại A2 tại các khu vực: Khu vực đô thị (ngoại
trừ các khu vực, tuyến đường yêu cầu cảnh quan đô thị - Khu vực lắp đặt cột
ăng ten A1), khu vực nông thôn (khu vực địa bàn các xã), khu vực gần biển, những
địa điểm có điều kiện sử dụng tài nguyên đất, những khu vực cần tăng tầm phủ
sóng, không thuộc khu vực lắp đặt cột ăng ten loại A1. Quy hoạch khu vực, tuyến
đường chỉ được phép lắp đặt cột ăng ten A2 bao gồm 176 khu vực, tuyến đường thuộc
các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho trên địa bàn tỉnh;
+ Cải tạo, sắp xếp hệ thống ăng ten thu phát
sóng thông tin di động: Cải tạo, chuyển đổi 25 - 30% hệ thống cột ăng ten thu
phát sóng thông tin di động cột ăng ten loại cồng kềnh (A2) sang loại cột ăng
ten không cồng kềnh (A1) theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo mỹ quan đô
thị tại tại các khu vực, tuyến đường chính tại thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò
Công, thị xã Cai Lậy và trung tâm các huyện.
- Cột ăng ten thu phát sóng phát thanh, truyền
hình:
100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được
trang bị Đài truyền thanh, vị trí đặt cột ăng ten Đài truyền thanh tại khuôn
viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nâng cấp, cải tạo hệ thống Đài truyền
thanh cho các xã, phường, thị trấn đã hư hỏng, xuống cấp.
c) Cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm:
- Quy hoạch khu vực treo
cáp trên cột viễn thông: Các tuyến đường nhánh thành phố Mỹ Tho,
thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy; khu vực hệ thống cột điện
lực không đủ điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng hoặc
khu vực không có hệ thống cột điện lực và ngoài những khu
vực quy hoạch ngầm hóa mạng ngoại vi thuộc các phường trong thành phố Mỹ Tho,
thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và các thị trấn trên địa bàn tỉnh;
- Quy hoạch khu vực treo
cáp trên cột điện: Khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp
trong các công trình ngầm tại khu vực đô thị; khu
vực không thể xây dựng tuyến cột treo cáp viễn
thông riêng biệt tại khu vực đô thị; khu vực có nhu
cầu sử dụng dịch vụ thấp; khu vực nông thôn, vùng
sâu, vùng xa…;
- Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng xây dựng công
trình hạ tầng kỹ thuật ngầm:
+ Khu vực xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật
ngầm: Khu vực trung tâm hành chính; khu vực yêu cầu cao về mỹ quan; khu vực
thị trấn các huyện, các tuyến đường trục qua trung tâm huyện; khu vực các
khu du lịch, khu di tích, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mới; khu vực
thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; khu vực các tuyến đường
chính, các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tại
thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh;
+ Xây dựng hệ thống công trình ngầm tại 150 khu
vực, tuyến đường, phố trên toàn tỉnh với tổng chiều dài 375 km tại các huyện,
thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông:
Khu vực, tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố, thị xã và trung tâm các huyện;
khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan. Hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang hệ
thống cáp viễn thông, cáp truyền hình tại khu vực thành phố, thị xã
và trung tâm các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Định hướng đến năm 2030
a) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng:
- Phát triển các điểm giao dịch tự động
(thanh toán cước viễn thông, cước Internet, điện thoại, điện, nước tự
động…) điểm tra cứu thông tin du lịch, điểm truy nhập Internet không dây
công cộng;
- Xây dựng, lắp đặt Trạm Điện thoại - Thông tin
(Trạm thông tin đa năng) tại các khu vực đô thị mới phát triển, khu đô thị dân
cư mới, khu di tích, khu du lịch, cho người dân và du khách khi đến tham quan;
cung cấp đến người dân dịch vụ điện thoại khẩn cấp;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có Điểm viễn
thông công cộng có người phục vụ đạt 100% số xã.
b) Cột ăng ten thu phát sóng thông tin di
động:
- Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo
hướng sử dụng chung: Các doanh nghiệp phối hợp cùng đầu tư xây dựng hệ thống hạ
tầng (nhà trạm, cột ăng ten...) và sử dụng chung, phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn
đóng góp hoặc theo thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Mở rộng khu vực phát triển
cột ăng ten loại A1, đặc biệt là cột ăng ten thân thiện với môi trường, tập
trung vào các đô thị thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và trung
tâm các huyện; đồng thời phát triển cột ăng ten loại A1 đến tất cả khu vực, tuyến
đường có định hướng phát triển lên đô thị. Đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng
chung hạ tầng hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động đạt
khoảng 60 - 65%;
- Phát triển mạnh hạ tầng cột ăng ten không cồng
kềnh, cột ăng ten thu phát sóng ngụy trang đến khu vực trung tâm các
huyện: Cột ăng ten có kích thước và quy mô nhỏ gọn, thân thiện môi trường, ngụy
trang ẩn vào các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh, đảm bảo mỹ quan
đô thị. Thực hiện cải tạo, chuyển đổi 65 - 70 % hệ thống cột ăng ten thu phát
sóng thông tin di động, cột ăng ten loại cồng kềnh (A2) sang loại cột ăng ten
không cồng kềnh (A1) theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị tại
tại các khu vực, tuyến đường chính trên địa bàn toàn tỉnh. Đến năm 2030, hầu hết
các khu vực, tuyến đường chính thuộc trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm các
huyện; khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan; khu du lịch, khu di tích: các doanh
nghiệp chỉ được phát triển cột ăng ten không cồng kềnh (A1); đồng thời tiến
hành cải tạo cột ăng ten A2 tại các khu vực này.
- Ứng dụng và phát triển các giải pháp kiến trúc
mạng truy nhập vô tuyến mới.
- Phát triển hệ thống ăng ten trạm thu phát sóng
theo công nghệ đa tần.
- Phát triển mạng di động công nghệ thế hệ sau,
băng thông rộng, tốc độ cao, xây dựng theo mô hình hệ thống mở, tích hợp các mạng
không dây khác nhau cho phép truyền dữ liệu đa phương tiện, đa dịch vụ.
c) Cột treo cáp, công trình hạ
tầng kỹ thuật ngầm:
- Xây dựng, phát triển công trình hạ tầng
kỹ thuật ngầm, ngầm hóa mạng cáp ngoại vi trên diện rộng trên địa
bàn tỉnh; đảm bảo mỹ quan đô thị;
- Ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên
tiến, hiện đại trong xây dựng phát triển hạ tầng mạng cáp ngoại vi:
Kỹ thuật khoan ngầm, khoan tịnh tiến…;
- Cáp quang hoá hầu hết hệ thống mạng ngoại vi
khu vực tỉnh đến tủ chia cáp và đến từng đường dây thuê bao;
- Doanh nghiệp trên thị trường phát triển theo hướng
phân tách: Doanh nghiệp xây dựng phát triển xây dựng hạ tầng và doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ. Trên thị trường hình thành doanh nghiệp chuyên xây dựng và
phát triển hạ tầng, sau đó cho các doanh nghiệp khác thuê lại hạ tầng để cung cấp
dịch vụ;
- Định hướng đến năm 2030, công trình hạ tầng kỹ
thuật ngầm chú trọng ngầm hóa vào các vùng đô thị - công nghiệp trung tâm, phía
Tây và phía Đông trên địa bàn tỉnh; ngầm hóa các tuyến đường chính tại các khu
vực định hướng phát triển lên đô thị. Ngầm hóa 50 - 55% hạ tầng mạng cáp viễn
thông, truyền hình; tính riêng khu vực đô thị đạt 75 - 80%.
5. Nhu cầu vốn đầu
tư
Nguồn vốn đầu tư của các doanh
nghiệp chủ yếu tập trung đầu tư phát triển các Điểm phục vụ viễn thông,
cải tạo cột ăng ten, chỉnh trang mạng cáp treo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm
lắp đặt cáp viễn thông, xây dựng hạ tầng cột treo cáp.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư phục
vụ nâng cao năng lực quản lý nhà nước để quản lý, thực hiện quy hoạch.
a) Nguồn vốn doanh nghiệp:
- Giai đoạn 2018 - 2020: 505 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2021 - 2030: 1.108,5 tỷ
đồng.
b) Nguồn vốn nhà nước:
- Giai đoạn 2018 - 2020: 4 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2021 - 2030: 10 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
TT
|
Dự án đầu tư
|
Nguồn vốn đến
năm 2018
|
Nguồn vốn
giai đoạn 2019 - 2020
|
Tổng nguồn vốn
giai đoạn 2018 - 2020
|
Nguồn vốn
giai đoạn 2021 - 2030
|
Tổng nguồn vốn
giai đoạn 2018 - 2030
|
Doanh nghiệp,
xã hội hóa
|
Ngân sách
|
Doanh nghiệp,
xã hội hóa
|
Ngân sách
|
1
|
Phát triển mới Điểm Đ1
|
14,4
|
0
|
16
|
0
|
30,4
|
80
|
110,4
|
2
|
Cải tạo cột ăng ten
|
1
|
0
|
0,6
|
0
|
1,6
|
2,5
|
4,1
|
3
|
Chỉnh trang mạng cáp treo
|
6,5
|
0
|
8,5
|
0
|
15
|
50
|
65
|
4
|
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm lắp đặt cáp
viễn thông
|
180
|
0
|
270
|
0
|
450
|
960
|
1410
|
5
|
Xây dựng hạ tầng cột treo cáp
|
5
|
0
|
3
|
0
|
8
|
16
|
24
|
6
|
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước để quản lý,
thực hiện quy hoạch
|
0
|
1,5
|
0
|
2,5
|
4
|
10
|
14
|
Tổng cộng
|
206,9
|
1,5
|
298,1
|
2,5
|
509
|
1.118,5
|
1627,5
|
6. Về giải pháp
thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về quản lý nhà nước:
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến
pháp luật, các quy định, chính sách về phát triển viễn thông nói chung và phát
triển hạ tầng viễn thông thụ động nói riêng đến mọi người dân, đến các sở,
ban, ngành liên quan; xây dựng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo
hành lang pháp lý cho doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng theo hướng sử
dụng chung, tiết kiệm cho xã hội;
- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu
đãi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn
thông theo hình thức xã hội hóa, đầu tư tại các khu vực có điều kiện khó khăn
trên địa bàn tỉnh;
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong quản lý phát triển hạ tầng viễn thông thụ động,
xây dựng hệ thống bản đồ số quản lý hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động
xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương.
b) Giải pháp kỹ thuật hạ tầng viễn
thông thụ động:
- Sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động đối với những công trình mới xây dựng, các công trình đã
xây dựng và đang sử dụng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định;
- Triển khai sử dụng chung hạ tầng
từ thời điểm xây dựng hạ tầng viễn thông, các doanh nghiệp tham gia sử dụng
chung hạ tầng phải cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và chia sẻ sử dụng theo mức đầu
tư;
- Đối với hạ tầng cống, bể cáp
trong các trường hợp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây mới cần thiết phải có sự
phù hợp với từng vị trí, từng tuyến đường, từng khu vực đảm bảo việc phát triển
hạ tầng phù hợp và có tính đến yếu tố duy tu, sửa chữa và nâng cấp một cách dễ
dàng, thời gian thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến cộng đồng. Hạ tầng cống, bể
cáp có thể xây dựng dưới dạng hầm hào kỹ thuật hoặc chôn cáp trực tiếp.
c) Giải pháp thực hiện đồng bộ quy
hoạch:
- Các sở,
ngành có liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch này có hiệu quả gắn với quy hoạch
và chỉnh trang các đô thị trung tâm, quy hoạch phát triển hạ tầng nông thôn. Ngành chuyên môn có kế hoạch triển khai, các doanh nghiệp viễn thông có
kế hoạch thực hiện đồng bộ quá trình xây dựng các công trình liên quan (giao
thông, đô thị, xây dựng các công trình ngầm, cột treo cáp…);
- Các doanh nghiệp viễn thông quan
tâm, thực hiện xây dựng hạ tầng cùng với quá trình xây dựng các công trình
khác.
d) Huy động nguồn vốn đầu tư:
- Nguồn lực đầu tư: Đa dạng hóa
các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp
xây dựng hạ tầng, nguồn đầu tư nước ngoài (gắn kết hạ tầng viễn thông với hạ tầng
giao thông);
- Hình thức đầu tư: Ngoài các hình
thức đầu tư truyền thống từ vốn huy động trong nước vốn huy động nước ngoài cần
gắn kết hạ tầng viễn thông với hạ tầng giao thông, xây dựng nhằm thu hút nguồn
lực đầu tư thông qua hình thức đối tác công tư;
- Cơ chế huy động vốn đầu tư: Áp dụng
cơ chế lồng ghép, kết hợp thực hiện các dự án khác nhau giữa nguồn vốn nhà nước
và vốn doanh nghiệp nhưng có thể chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng;
- Đối với dự án số hóa truyền dẫn
phát sóng phát thanh truyền hình, cần có kế hoạch vốn gắn với nguồn vốn từ Quỹ
số hóa quốc gia, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dân.
e) Giải pháp phát triển nguồn nhân
lực:
- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ,
nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ
thuật viễn thông thụ động;
- Từng bước đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất tốt, làm chủ công nghệ hiện đại, vững
vàng về quản lý kinh tế, khai thác hiệu quả mạng lưới hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động trên địa bàn tỉnh.
g) Giải pháp khoa học công nghệ,
môi trường:
- Phát triển công nghệ viễn
thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng: Công nghệ vô tuyến băng rộng, công
nghệ truyền dẫn cáp quang, cáp ngầm;
- Ứng dụng các kỹ thuật, công
nghệ mới trong triển khai ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi: Kỹ thuật
khoan ngầm, khoan định hướng...;
- Sử dụng các trang, thiết bị kỹ
thuật hiện đại, các công nghệ mới để tăng cường đo kiểm, giám sát, quản lý từ
xa đối với hệ thống thiết bị và hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh;
- Ứng dụng công nghệ thông tin
trong quản lý phát triển hạ tầng mạng viễn thông: Quản lý dựa trên
bản đồ số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử; phần mềm quản lý hạ
tầng mạng viễn thông.
h) Giải pháp an toàn, an ninh
thông tin, đảm bảo an ninh quốc phòng:
- Phối hợp giữa các cấp, các ngành
trong quy hoạch, xây dựng và bảo vệ hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ
động. Phân công trách nhiệm trong quản lý, khai thác, đảm bảo an ninh quốc
gia, trật tự an toàn xã hội;
- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành
trong việc ngăn chặn và ngừng cung cấp dịch vụ đối với những trường hợp sử dụng
dịch vụ viễn thông và Internet xâm phạm an ninh quốc phòng;
- Hỗ trợ đào tạo chuyên môn,
nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật nghiên cứu giải pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu
đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông và Internet;
- Doanh nghiệp viễn thông chủ động
xây dựng các phương án hoạt động dự phòng, đảm bảo an toàn, an ninh
thông tin khi xảy ra thiên tai, sự cố.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực
hiện Nghị quyết.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban
của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền
Giang Khóa IX, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực
từ ngày thông qua./.