HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 250/NQ-HĐND
|
Hưng Yên, ngày
06 tháng 12 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “DUY TRÌ VÀ PHÁT
TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HY.CHECK.NET.VN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC CÁC SẢN PHẨM
NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2020-2025”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm
năm 2010;
Căn cứ Luật Chất lượng sản
phẩm hàng hóa năm 2007;
Căn cứ các Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ: số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 về việc phê duyệt Chương trình
phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020; số 100/QĐ-TTg ngày
19/01/2019 về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy
xuất nguồn gốc;
Xét Tờ trình số 184/TTr-UBND
ngày 26/11/2019 của UBND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Duy
trì và phát triển Hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn truy xuất nguồn gốc
các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn
2020-2025”; Báo cáo thẩm tra số 613/BC-BPC ngày 03/12/2019 của Ban Pháp chế
HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu HĐND tỉnh
tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề
án “Duy trì và phát triển Hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn truy xuất
nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm giai
đoạn 2020-2025” với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu
1.1. Mục
tiêu tổng quát
Thông tin minh bạch
về sản phẩm, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, giới
thiệu quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu các sản phẩm nông lâm thủy sản an
toàn. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng. Nâng cao nhận
thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm; tiếp tục
khuyến khích hình thành các mô hình, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát
triển ổn định có thương hiệu. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà
nước về an toàn thực phẩm trong kiểm
soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn. Là
giải pháp hữu ích trong công tác thống kê, xây dựng chính sách, điều tiết sản
xuất và thị trường, chống sản xuất buôn bán hàng giả, thất thu cho ngân sách
nhà nước.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Tiếp tục mở rộng, duy trì và
nâng cấp phần mềm hệ thống điện tử hy.check.net.vn cho các sản phẩm nông lâm thủy
sản của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm tham gia vào hệ thống, có khoảng 30 danh mục sản phẩm của tỉnh được chứng
nhận OCOP được tham gia hệ thống.
- Đào tạo, tập huấn khoảng 10 lớp/năm
cho 400 lượt người tham gia.
- Chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP,
VietGAHP, GAP cho khoảng 70 tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt, chăn nuôi,
nuôi thủy sản; hỗ trợ duy trì, mở rộng chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GAP cho
trên 150 lượt cơ sở.
- Tư vấn, chứng nhận hệ thống quản
lý chất lượng GMP, HACCP, ISO cho khoảng 10 tổ chức sản xuất, kinh doanh thực
phẩm.
- Hình thành trên 200 mô hình chuỗi
liên kết sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
- Kiểm tra, kiểm soát chất lượng
khoảng 400 mẫu sản phẩm và khoảng 02 triệu tem truy xuất được gắn vào sản phẩm
trước khi lưu thông trên thị trường.
- Hỗ trợ quảng bá sản phẩm và kết
nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm: khoảng 05-10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm; kết
nối internet cho trên 200 cơ sở; tham gia hội nghị, hội chợ, truyền thông quảng
bá sản phẩm…
2. Nội dung
2.1. Tuyên truyền và đào
tạo, tập huấn
- Đào tạo tập huấn hướng dẫn sử
dụng, vận hành, khai thác dữ liệu hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc trên địa
bàn tỉnh; phổ biến nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường, quảng bá, thiết kế
nhãn mác, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; bồi dưỡng hướng dẫn, phổ biến các quy định
về sản xuất kinh doanh thực phẩm, ứng dụng mã hình Qrcode trong quản lý. Đối tượng
là cán bộ công chức phụ trách theo dõi an toàn thực phẩm và các tổ chức, cơ sở
sản xuất kinh doanh thực phẩm.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động người sản xuất, doanh nghiệp thực hiện quy trình truy xuất nguồn
gốc sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về
việc ứng dụng hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng từng bước
tiếp cận và sử dụng ứng dụng để tra cứu và mua sắm.
2.2. Duy trì, nâng cấp, mở
rộng đối tượng tham gia hệ thống
- Tiếp tục duy trì, mở rộng đối
tượng sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh tham
gia hệ thống điện tử các năm 2020-2025.
- Nâng cấp các tính năng ứng dụng:
+ Năm 2020 xây dựng triển khai ứng
dụng tính năng kết nối cung cầu với các tính năng: Mua, bán, giao thương, thanh
toán trực truyến; xây dựng Module luồng di chuyển sản phẩm thực phẩm, sản phẩm
OCOP với các tính năng đánh giá theo các tiêu chí của OCOP về sản phẩm; ứng dụng
công nghệ 4.0 trên hệ thống phần mềm; hệ thống chợ thương mại điện tử, chợ truyền
thống với các tính năng nhằm cung cấp chức năng quản lý gian hàng, kiot trong
chợ, nhóm sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm; bình chọn đánh giá của người tiêu dùng,
chức năng quản lý các sản phẩm, bán hàng bằng máy quét mã vạch; đặt hàng và
thanh toán online.
+ Năm 2022 xây dựng phiên bản
phần mềm ra các ngôn ngữ khác Tiếng Anh, Trung Quốc...
2.3. Hỗ trợ tư vấn, đánh
giá chứng nhận gồm VietGAP, VietGAHP, GAP, HACCP, GMP, ISO, Chứng nhận điều kiện
đảm bảo an toàn
- Đánh giá chứng nhận VietGAP,
VietGAHP, GAP cho khoảng 70 tổ chức cá nhân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản.
- Duy trì, mở rộng đánh giá việc
thực hiện áp dụng VietGAP, VietGAHP, GAP, HACCP, GMP, ISO… hỗ trợ cho trên 150
lượt cơ sở.
- Tư vấn, chứng nhận hệ thống
quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO cho khoảng 10 tổ chức sản xuất, kinh doanh
thực phẩm.
2.4. Kiểm soát điều kiện,
chất lượng sản phẩm
- Kiểm
tra, kiểm soát điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm,
chất lượng của sản phẩm cho cơ sở
trước khi cập nhật lên hệ thống thông tin gồm: các hồ sơ chứng nhận quá trình sản xuất (kiểm soát vật tư, phân bón,
thức ăn, nước uống; phụ gia, chất bảo quản trong sơ chế, chế biến, kinh doanh
thực phẩm…).
- Phân
tích, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản:
+ Kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu
an toàn thực phẩm (thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trong
rau, quả; hàn the trong các sản phẩm chế biến từ thịt…).
+ Thực hiện kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm hoặc các nguy cơ có thể gây mất an toàn thực phẩm.
- Hỗ trợ tem, dây đai nhận diện
sản phẩm cho các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tham gia Đề án.
2.5. Thực hiện hỗ trợ các
hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm
- Hỗ trợ địa điểm giới thiệu
bán sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ tham gia các Hội nghị,
Hội chợ giới thiệu, kết nối cung cầu quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh: Hỗ
trợ 100% kinh phí thuê phương tiện vận chuyển sản phẩm đến nơi tổ chức Hội nghị,
Hội chợ giới thiệu kết nối cung cầu và thuê điểm giới thiệu sản phẩm…
- Hỗ trợ thuê bao internet: Hỗ
trợ 50% kinh phí cho cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia hệ thống.
- Hỗ trợ truyền thông quảng bá
sản phẩm trên các phương tiện thông tin của tỉnh và Trung ương: Hỗ trợ 100%
kinh phí.
2.6. Tham quan học tập, hội
thảo, hội nghị
- Hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để điều
chỉnh và đề ra các giải pháp quản lý phù hợp với thực tiễn triển khai.
- Tổ chức hội nghị đầu bờ cho
các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Tổ chức thăm quan học tập
kinh nghiệm cho các cơ sở, cán bộ quản lý tại địa phương, mô hình trong và
ngoài tỉnh.
3. Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 30.655.060.000đ
(Ba mươi tỷ, sáu trăm năm mươi lăm triệu, không trăm sáu mươi nghìn đồng),
gồm:
- Ngân sách nhà nước: 17.241.050.000đ,
trong đó:
+ Ngân sách tỉnh: 14.314.000.000đ;
+ Ngân sách các huyện, thị xã,
thành phố: 2.927.050.000đ;
- Đối ứng của nhân dân và nguồn
khác: 13.414.010.000đ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân tỉnh giao Ủy ban
nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và ban hành Đề án chi tiết Duy
trì và phát triển Hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn truy xuất nguồn gốc
các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn
2020-2025; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; phân công nhiệm vụ, giao
trách nhiệm, chỉ tiêu và lộ trình thực hiện cho các sở, ngành, UBND huyện, thị
xã, thành phố để hoàn thành mục tiêu đề ra.
2. Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát thực hiện Nghị
quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân
dân tỉnh Hưng Yên khóa XVI, kỳ họp thứ Mười thông qua ngày 06/12/2019 và có hiệu
lực từ ngày ký./.