Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 137/2024/NĐ-CP quy định giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước

Số hiệu: 137/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Hòa Bình
Ngày ban hành: 23/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước

Ngày 23/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, trong đó có quy định phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước

Theo đó, phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước theo 3 loại gồm:

- Chủ quản hệ thống thông tin

- Chức năng, tính năng

- Quy mô số lượng người sử dụng

Đơn cử, phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử theo chủ quản hệ thống thông tin được quy định như sau:

Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý trực tiếp đối với hệ thống thông tin đó.

Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại theo chủ quản hệ thống thông tin, bao gồm: Chủ quản là cơ quan, tổ chức nhà nước; Chủ quản là tổ chức, doanh nghiệp; Chủ quản là cá nhân.

Việc xác định chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử như sau:

- Đối với cơ quan, tổ chức nhà nước, chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định thuê dịch vụ để thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin đó;

- Đối với doanh nghiệp và tổ chức khác không thuộc điểm a khoản này, chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định thuê dịch vụ để thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin đó;

- Đối với cá nhân, việc xác định chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử có thể căn cứ vào một hoặc nhiều thông tin bao gồm: thông tin hợp đồng thuê dịch vụ lưu trữ (web); thông tin đăng ký tên miền trang thông tin điện tử hoặc tài khoản phát hành ứng dụng di động trên các kho ứng dụng.

Xem thêm chi tiết tại Nghị định 137/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2024, trừ Điều 23 Nghị định 137/2024/NĐ-CP .

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ HỆ THỐNG THÔNG TIN PHỤC VỤ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 22 tháng 6 năm 2023;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử bao gồm chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử quy mô lớn, rất lớn và tiêu chí tín nhiệm mạng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quản trị nội bộ trên môi trường điện tử là việc cơ quan nhà nước thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động quản trị nội bộ theo chức năng, nhiệm vụ bằng phương tiện điện tử.

2. Chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử là việc cơ quan nhà nước thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ bằng phương tiện điện tử.

3. Giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công bằng phương tiện điện tử.

4. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành là hệ thống thông tin được xây dựng với chức năng chính là quản lý, xử lý văn bản và hồ sơ công việc, hỗ trợ chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp và theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.

5. Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước là hệ thống thông tin được xây dựng để thu thập, tạo lập, tổng hợp, phân tích, lưu trữ, kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin và dữ liệu hỗ trợ lãnh đạo, quản lý trong quá trình quản trị nội bộ và ra quyết định dựa trên dữ liệu số.

Chương II

CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC GIỮA VĂN BẢN GIẤY VÀ THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU

Điều 4. Chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu

Thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử.

1. Yêu cầu về ký hiệu riêng và các thông tin khác tại điểm c khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Các thông tin trên thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy bao gồm: ký hiệu riêng bằng chữ thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi từ văn bản giấy và thời gian thực hiện chuyển đổi; thông tin bao gồm tên đầy đủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Trên thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hiển thị bổ sung mã phản hồi nhanh (QR) hoặc hình thức mã hóa khác chứa các thông tin trên để phục vụ việc tra cứu và sử dụng thông tin bằng phương tiện điện tử.

Nội dung ký hiệu riêng thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi từ văn bản giấy được quy định theo pháp luật liên quan.

b) Trường hợp chuyển đổi phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, sao y, sao lục, trích sao, các thông tin trên thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, công tác văn thư;

c) Trường hợp chuyển đổi văn bản là kết quả của giải quyết thủ tục hành chính, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 25 Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

2. Yêu cầu về hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu phải bảo đảm các tính năng sau:

a) Chuyển đổi toàn vẹn nội dung từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu;

b) Tạo ký hiệu riêng và các thông tin khác trên thông điệp dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Lưu trữ thông điệp dữ liệu;

d) Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng theo quy định của pháp luật;

đ) Trường hợp chuyển đổi thông điệp dữ liệu từ văn bản giấy theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng ký số.

Điều 5. Chuyển đổi hình thức từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy

Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử.

1. Thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu để tra cứu tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Thông tin tối thiểu xác định hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu để tra cứu bao gồm: tên hệ thống thông tin, tên chủ quản hệ thống thông tin;

b) Thông tin để truy cập thông điệp dữ liệu trên hệ thống thông tin tạo lập, lưu trữ thông điệp dữ liệu có thể là một đường dẫn đầy đủ của thông điệp dữ liệu trên hệ thống thông tin, hoặc mã duy nhất để truy cập thông điệp dữ liệu thông qua một giao diện tìm kiếm.

2. Yêu cầu về ký hiệu riêng và các thông tin khác tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Các thông tin tối thiểu trên văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu bao gồm: ký hiệu riêng bằng chữ thể hiện văn bản giấy đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu và thời gian thực hiện chuyển đổi; thông tin về tên đầy đủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Trên văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hiển thị bổ sung mã phản hồi nhanh (QR) hoặc các hình thức mã hóa khác chứa các thông tin trên để phục vụ việc tra cứu bằng phương tiện điện tử đối với thông điệp dữ liệu tạo lập trên hệ thống thông tin.

Nội dung ký hiệu riêng thể hiện văn bản giấy đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu được quy định theo pháp luật chuyên ngành.

b) Trường hợp chuyển đổi phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, sao y, sao lục, trích sao, các thông tin trên văn bản giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, công tác văn thư;

c) Trường hợp chuyển đổi hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử sang văn bản giấy theo quy định tại Điều 18 Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ, ký hiệu riêng và thông tin trên văn bản giấy được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

3. Yêu cầu về hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy phải bảo đảm các tính năng sau:

a) Truy xuất từ hệ thống lưu trữ và hiển thị thông điệp dữ liệu gốc cần chuyển đổi dưới dạng hoàn chỉnh;

b) Tạo ký hiệu riêng và các thông tin khác trên văn bản giấy theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Chuyển đổi toàn vẹn nội dung từ thông điệp dữ liệu gốc sang văn bản giấy.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN MÔI TRƯỜNG ĐIỆN TỬ

Điều 6. Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử

1. Cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo lộ trình và kế hoạch phù hợp.

Trường hợp hoạt động có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.

2. Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là bộ, ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó phải có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, tối thiểu phải bao gồm các lĩnh vực hoạt động: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra thanh tra;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

3. Các yêu cầu cơ bản đối với hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử:

a) Bảo đảm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Khung Kiến trúc Chính phủ cấp bộ, cấp tỉnh;

b) Bảo đảm khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ, sử dụng và sử dụng lại thông tin, dữ liệu;

c) Bảo đảm tính xác thực, tin cậy, toàn vẹn và khả năng dễ tiếp cận, truy cập, sử dụng liên tục, ổn định;

d) Cho phép kiểm tra, kiểm chứng thông tin, dữ liệu phục vụ công tác báo cáo, liên thông nghiệp vụ và đáp ứng các yêu cầu khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền khi được yêu cầu;

đ) Bảo đảm khả năng phát triển, nâng cấp, mở rộng theo nhu cầu của thực tiễn;

e) Bảo đảm các yêu cầu theo pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng;

g) Bảo đảm các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử phải gắn liền với công tác cải cách hành chính của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc.

Điều 7. Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử

1. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử:

a) Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp từ chối tiếp nhận, giải quyết phải nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân được biết;

b) Thiết lập các kênh giao tiếp trên môi trường điện tử và ban hành quy chế hoạt động để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Phải thông báo kết quả xử lý yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử thông qua các phương tiện điện tử, các kênh giao tiếp, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

2. Kênh giao tiếp của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử bao gồm các kênh sau:

a) Kênh cung cấp thông tin và kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử;

b) Cổng Dịch vụ công quốc gia;

c) Các kênh giao tiếp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Cổng Dịch vụ công quốc gia phải bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp để sử dụng dịch vụ bằng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Việc sử dụng tài khoản đăng nhập trên kênh giao tiếp của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

1. Thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công quy định hoặc không quy định thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trừ trường hợp luật khác quy định không được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

2. Dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến toàn trình trên cơ sở rà soát, tái cấu trúc quy trình, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

3. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi đủ điều kiện thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử. Trong trường hợp chưa thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, cơ quan nhà nước phải thông báo để tổ chức, cá nhân được biết.

4. Hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện số hoá theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân được trả theo quy định pháp luật có liên quan, đồng thời trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, tại ứng dụng định danh quốc gia theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức ủy quyền, việc lưu kết quả điện tử thực hiện theo thỏa thuận ủy quyền.

Trong trường hợp trả kết quả bằng văn bản giấy, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyển đổi sang thông điệp dữ liệu theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và lưu trữ tại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan theo thẩm quyền quản lý; kết quả chuyển đổi phải được chia sẻ giữa cơ quan nhà nước và được sử dụng như một thành phần của hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính khác.

5. Dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích được rà soát, tái cấu trúc quy trình để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ hoặc cấp tỉnh và Cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ công theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

6. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích trực tuyến thuộc phạm vi quản lý.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm duy trì, vận hành, nâng cấp và bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số để thực hiện giám sát, đo lường việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kiểm tra, đánh giá việc triển khai biểu mẫu điện tử tương tác của các dịch vụ công trực tuyến và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

8. Văn phòng Chính phủ hướng dẫn rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục để hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đánh giá chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; duy trì, vận hành, nâng cấp và bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Điều 9. Quản trị nội bộ trên môi trường điện tử

1. Công tác quản trị nội bộ trên môi trường điện tử bao gồm các hoạt động chính:

a) Giải quyết các thủ tục hành chính nội bộ trên môi trường điện tử đối với các lĩnh vực: Kế hoạch; chiến lược; nhân sự; tài chính - kế toán; văn thư lưu trữ; tài sản; thi đua - khen thưởng; hành chính, tổng hợp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của thủ trưởng cơ quan;

b) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo trên môi trường điện tử;

c) Xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử;

d) Tổ chức làm việc, họp từ xa trên môi trường điện tử.

2. Giải quyết thủ tục hành chính nội bộ trên môi trường điện tử

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính nội bộ trên các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, hợp lý các bộ phận tạo thành cơ bản của thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính toàn trình trên môi trường điện tử.

Hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nội bộ được thực hiện số hoá theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trong trường hợp kết quả giải quyết thủ tục hành chính nội bộ phục vụ công tác quản trị là văn bản giấy, cơ quan nhà nước thực hiện chuyển đổi sang thông điệp dữ liệu theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và lưu trữ tại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan theo thẩm quyền quản lý; kết quả chuyển đổi phải được chia sẻ giữa các đơn vị trong cơ quan nhà nước, chia sẻ với cơ quan nhà nước có liên quan và được sử dụng để giải quyết các thủ tục hành chính nội bộ khác phục vụ công tác quản trị nội bộ trong cơ quan, đơn vị.

3. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo trên môi trường điện tử

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin báo cáo theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; triển khai báo cáo điện tử đối với các chế độ báo cáo trong nội bộ cơ quan; từng bước chuyển sang báo cáo tự động, dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực.

4. Xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử

a) Cơ quan nhà nước ưu tiên xử lý văn bản, hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử, trừ văn bản, hồ sơ có chứa nội dung bí mật nhà nước; không xử lý đồng thời văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và văn bản bản, hồ sơ giấy trừ trường hợp pháp luật yêu cầu phải có bản giấy;

b) Quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử được thiết kế phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan bảo đảm nguyên tắc theo dõi, kiểm tra, đánh giá được; đồng thời các khâu trong quá trình giải quyết văn bản, hồ sơ công việc (tiếp nhận văn bản, chuyển xử lý, tạo lập hồ sơ, xin ý kiến phối hợp, trình qua các cấp thẩm quyền phê duyệt, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ký số văn bản, phát hành văn bản...) đều phải thực hiện trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành;

c) Thông tin, số liệu về tình hình xử lý, kết quả xử lý văn bản, hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương theo nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, được đồng bộ với các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua Trục liên thông văn bản quốc gia để phục vụ công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá theo thẩm quyền;

d) Các văn bản điện tử là kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phải được đồng bộ từ Hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh;

đ) Việc gửi, nhận văn bản điện tử có chứa nội dung bí mật nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu và bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Tổ chức làm việc, họp từ xa trên môi trường điện tử

a) Cơ quan nhà nước quyết định lựa chọn phương án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thực hiện làm việc, họp từ xa trên môi trường điện tử phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của cơ quan nhà nước;

b) Trong trường hợp làm việc, họp từ xa, cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức các điều kiện, thiết bị cần thiết, phù hợp với quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của cơ quan nhà nước.

6. Các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật cơ bản quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này, bảo đảm liên thông, tích hợp, kết nối và chia sẻ với các hệ thống thông tin khác trong nội bộ của cơ quan nhà nước hướng tới thực hiện toàn trình các hoạt động quản trị nội bộ trên môi trường điện tử; có thể sử dụng tài khoản định danh là một trong những phương thức để đăng nhập, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin nội bộ của cơ quan nhà nước nếu có nhu cầu.

Điều 10. Chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử

1. Người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các hoạt động chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử, dựa chủ yếu trên thông tin, dữ liệu số; chỉ đạo các đơn vị, cá nhân theo thẩm quyền quản lý thực hiện các hoạt động tham mưu, xử lý công việc toàn trình trên môi trường điện tử trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử:

a) Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều này, bảo đảm phù hợp với nhu cầu, nguồn lực và mức độ sẵn sàng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu;

b) Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp bộ, tỉnh bảo đảm thu thập, tạo lập, tổng hợp, phân tích, xử lý, lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khác khi có yêu cầu; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, toàn vẹn, chính xác, kịp thời, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng của thông tin, dữ liệu cung cấp theo thẩm quyền và đáp ứng các yêu cầu tại khoản 6 Điều này;

c) Xây dựng, chia sẻ danh mục dữ liệu dùng chung để sử dụng thống nhất trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo đảm việc tích hợp, trao đổi, chia sẻ, liên thông dữ liệu trên môi trường điện tử được đồng bộ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành;

d) Xây dựng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng, kết nối, tích hợp, chia sẻ, tiếp nhận thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử.

3. Các Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước

a) Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành hằng ngày, hằng tháng về tình hình kinh tế - xã hội; nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành, tương tác trực tuyến trong các tình huống khẩn cấp thiên tai, dịch bệnh, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các nhóm chỉ số theo yêu cầu đột xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các bộ, ngành, bao gồm: nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành hằng ngày, hằng tháng của lãnh đạo bộ, ngành; nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành, tương tác trực tuyến trong các tình huống khẩn cấp thiên tai, dịch bệnh, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

c) Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bao gồm: nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành hằng ngày, hằng tháng về tình hình kinh tế - xã hội; nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn tỉnh, thành phố; nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành, tương tác trực tuyến trong các tình huống khẩn cấp thiên tai, dịch bệnh, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các chỉ số đặc thù của địa phương; nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hằng năm và 5 năm; nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hằng tháng, quý, năm;

d) Các Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để đáp ứng kịp thời, toàn diện trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan nhà nước khác căn cứ nhu cầu thực tiễn, mức độ sẵn sàng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn lực để lựa chọn, xây dựng Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của mình để đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành lên môi trường điện tử.

4. Nguyên tắc xây dựng chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành

a) Phù hợp và phản ánh chính xác chỉ tiêu, mục tiêu của các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm quốc gia; nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước;

b) Thông tin, dữ liệu của các chỉ số được cập nhật thường xuyên bảo đảm nguyên tắc thu thập từ một đầu mối theo chức năng quản lý nhà nước; kế thừa, sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sẵn có; kết nối, chia sẻ, tái sử dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương;

c) Chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành phải kết hợp chặt chẽ với thông tin, dữ liệu thống kê và các chế độ báo cáo khác để phản ánh được đầy đủ, chính xác tình hình của vấn đề hoặc lĩnh vực mà chúng được sử dụng để giám sát và đánh giá;

d) Mỗi chỉ số được thiết kế nhằm đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phải có phương pháp tính, đơn vị đo lường; xác định rõ ràng các thuộc tính, phân tổ chủ yếu, kỳ dữ liệu, nguồn dữ liệu và khả năng so sánh.

5. Tiêu chí lựa chọn, xác định chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước

Chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành được lựa chọn phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Chỉ số có vai trò quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Chỉ số có khả năng hỗ trợ việc phân tích, dự báo xu hướng, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra;

c) Chỉ số phản ánh cụ thể hoạt động hoặc mục tiêu chỉ đạo, điều hành; có tính định lượng, đo lường được, có giới hạn về thời gian để đo lường; có thể quan sát, ghi chép và xác minh, phản ánh được diễn biến quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao;

d) Chỉ số được cung cấp với tần suất ngắn liên tục, ngày, tuần, tháng và phù hợp với yêu cầu của hoạt động chỉ đạo, điều hành; được kết nối, chia sẻ tự động giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được theo dõi, giám sát;

đ) Chỉ số là thành phần để tính toán các chỉ tiêu thống kê có liên quan.

6. Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này; kết nối, liên thông với hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống quản lý theo dõi nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu khác theo quy định của pháp luật; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin khác (bao gồm các hệ thống thông tin nội bộ) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định; có đầy đủ các chức năng: thu thập, cập nhật, lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu; theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu; hỗ trợ tương tác chỉ đạo, điều hành trực tuyến tới thực địa khi có yêu cầu; kiểm soát chất lượng thông tin, dữ liệu; các chức năng cơ bản của Hệ thống thông tin báo cáo theo quy định và và các chức năng khác theo yêu cầu của hoạt động chỉ đạo, điều hành.

Khuyến khích nghiên cứu, từng bước đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng phân tích, ra quyết định và dự báo trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 11. Trách nhiệm bảo đảm thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ

a) Xây dựng Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên môi trường điện tử theo các nhóm chỉ số quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 10 Nghị định này;

b) Chủ trì, điều phối, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng các yêu cầu, tính năng để phát triển Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia đáp ứng Bộ chỉ số quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Phát triển Hệ thống theo dõi nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Hệ thống họp và xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ yêu cầu theo dõi, đánh giá và giám sát các nhiệm vụ dựa trên dữ liệu số;

d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan điều phối, kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp luật; tổ chức giám sát, đánh giá chất lượng thông tin, dữ liệu được kết nối, tích hợp phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hướng dẫn, triển khai, giám sát công tác gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử;

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

g) Xây dựng các quy chuẩn hoặc quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu, định dạng dữ liệu, quy chế, quy trình chia sẻ dữ liệu phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phục vụ quá trình chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước.

2. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và kết nối với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết nối với hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia và Hệ thống theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các hệ thống nội bộ của bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến, dựa trên dữ liệu và toàn trình;

b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm vụ được giao; chủ động chuẩn bị hạ tầng, công nghệ, dữ liệu để sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 12. Giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử

1. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền có trách nhiệm:

a) Rà soát, đơn giản hoá quy trình giám sát, kiểm tra; xây dựng quy trình giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử;

b) Hướng dẫn, triển khai hoạt động giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công;

c) Xây dựng các nền tảng số, công cụ kỹ thuật phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

2. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ các hoạt động phục vụ giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 13. Phương án trong tình huống khẩn cấp, tình huống xảy ra sự cố gián đoạn hoạt động trên môi trường mạng trực tuyến và phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, duy trì hoạt động giao dịch bình thường

1. Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước phải sẵn sàng triển khai phương án trong tình huống khẩn cấp, tình huống xảy ra sự cố gián đoạn hoạt động trên môi trường mạng và phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, duy trì hoạt động giao dịch bình thường theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

2. Nội dung phương án quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và một số nội dung như sau:

a) Sao lưu dữ liệu đảm bảo duy trì dữ liệu để có thể phục hồi hoạt động bình thường của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử khi xảy ra sự cố tấn công mạng, phục vụ hoạt động ứng cứu và điều tra sự cố tấn công mạng;

b) Sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động bình thường của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử khi gặp sự cố trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ, cam kết giữa chủ quản hệ thống thông tin với các bên tham gia giao dịch;

c) Thông báo, báo cáo kịp thời tới cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và người sử dụng khi xảy ra tình huống khẩn cấp, sự cố gây gián đoạn hoạt động của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Điều 14. Thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước

1. Hoạt động tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia có năng lực phù hợp với từng công việc.

2. Việc thuê chuyên gia phải theo các nguyên tắc sau:

a) Được lựa chọn theo tiêu chí cụ thể cho từng công việc;

b) Được thuê làm việc theo hợp đồng;

c) Một chuyên gia có thể tham gia một hoặc nhiều hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chuyên gia được hưởng các chế độ, quyền sau:

a) Được nhận tiền thù lao theo thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Được cung cấp thông tin có liên quan trong quá trình thực hiện công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng;

c) Được hỗ trợ chi phí tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong nước có nội dung phù hợp với công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng với mức hỗ trợ theo quy định hiện hành;

d) Có quyền đề xuất phương thức thực hiện công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng phù hợp với yêu cầu chuyên môn của công việc đó.

4. Tiền thù lao và tiền hỗ trợ cho chuyên gia được thực hiện theo các quy định sau:

a) Tiền thù lao và tiền hỗ trợ cho chuyên gia được thanh toán từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có);

b) Tiền thù lao cho chuyên gia được thanh toán theo mức ghi trong hợp đồng thoả thuận với chuyên gia theo yêu cầu chất lượng, số lượng và thời gian thực hiện công việc;

c) Việc thanh, quyết toán tiền thù lao và tiền hỗ trợ cho chuyên gia được thực hiện theo quy định của pháp luật và trên cơ sở đánh giá kết quả thực tế hoạt động của chuyên gia.

5. Cơ sở xác định giá trị hợp đồng thuê chuyên gia thực hiện các nội dung công việc tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước, của Bộ Tài chính về định mức chi ngân sách thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước.

Chương IV

HỆ THỐNG THÔNG TIN PHỤC VỤ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Điều 15. Phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử theo chủ quản hệ thống thông tin

1. Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý trực tiếp đối với hệ thống thông tin đó.

2. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại theo chủ quản hệ thống thông tin, bao gồm:

a) Chủ quản là cơ quan, tổ chức nhà nước;

b) Chủ quản là tổ chức, doanh nghiệp;

c) Chủ quản là cá nhân.

3. Xác định chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

a) Đối với cơ quan, tổ chức nhà nước, chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định thuê dịch vụ để thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin đó;

b) Đối với doanh nghiệp và tổ chức khác không thuộc điểm a khoản này, chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định thuê dịch vụ để thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin đó;

c) Đối với cá nhân, việc xác định chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử có thể căn cứ vào một hoặc nhiều thông tin bao gồm: thông tin hợp đồng thuê dịch vụ lưu trữ (web); thông tin đăng ký tên miền trang thông tin điện tử hoặc tài khoản phát hành ứng dụng di động trên các kho ứng dụng.

Điều 16. Phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử theo chức năng, tính năng

1. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử có các chức năng, tính năng chính cho phép: cấp, xác thực tài khoản giao dịch điện tử; giao kết hợp đồng điện tử hoặc thực hiện hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan bằng phương tiện điện tử, được phân loại như sau:

a) Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

b) Giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại;

c) Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

d) Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;

đ) Giao dịch điện tử trong hoạt động khác.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Điều 17. Phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử theo quy mô số lượng người sử dụng

1. Người sử dụng trên hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử khi người sử dụng đó có ít nhất một hoạt động: đăng nhập, truy cập thông tin, sử dụng dịch vụ trên hệ thống thông tin đó.

2. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử quy mô lớn là hệ thống thông tin có số lượng người sử dụng trung bình theo tháng tại Việt Nam từ 3% đến 10% tổng dân số theo công bố chính thức gần nhất của cơ quan có thẩm quyền.

3. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử quy mô rất lớn là hệ thống thông tin có số lượng người sử dụng trung bình theo tháng tại Việt Nam trên 10% tống dân số theo công bố chính thức gần nhất của cơ quan có thẩm quyền.

4. Số liệu được sử dụng để xác định quy mô hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này là trung bình cộng số lượng người sử dụng có hoạt động trên nền tảng của 12 tháng gần nhất.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông theo từng thời kỳ thực hiện đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Điều 18. Xác định nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn phục vụ giao dịch điện tử

1. Phân loại nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử theo quy mô số lượng người sử dụng:

a) Nền tảng số trung gian quy mô lớn phục vụ giao dịch điện tử là hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ mà chủ quản độc lập với các bên thực hiện giao dịch;

b) Nền tảng số trung gian quy mô rất lớn phục vụ giao dịch điện tử là hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ mà chủ quản độc lập với các bên thực hiện giao dịch.

2. Chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử tự xác định quy mô số lượng người sử dụng:

a) Không quá 12 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có hoạt động từ 12 tháng trở lên có trách nhiệm tự xác định quy mô số lượng người sử dụng.

b) Định kỳ trước 31 tháng 01 hằng năm sau thời điểm tự xác định quy mô lần đầu tiên, chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử trách nhiệm tự xác định quy mô số lượng người sử dụng.

Trường hợp đáp ứng tiêu chí xác định nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn, chủ quản nền tảng số thực hiện báo cáo, cung cấp số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước.

3. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo từ chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử; tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

4. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Thiết lập, vận hành Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước theo quy định. Thiết lập, vận hành, chức năng, tính năng của Hệ thống và quy định về kỹ thuật đối với mô hình tham chiếu kết nối phục vụ chia sẻ dữ liệu bằng phương tiện điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước quy định; công bố, cập nhật danh sách nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn phục vụ giao dịch điện tử tại địa chỉ www.mic.gov.vn hoặc tại trang thông tin điện tử của Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và tổ chức liên quan xây dựng tiêu chí, đánh giá, công bố danh sách công cụ đo lường, thống kê độc lập số lượng người sử dụng có hoạt động trên các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử; hoặc nguồn số liệu tham khảo tin cậy được sử dụng để xác định quy mô của nền tảng số trung gian.

Điều 19. Trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian quy mô lớn phục vụ giao dịch điện tử

Chủ quản nền tảng số trung gian quy mô lớn phục vụ giao dịch điện tử có trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Giao dịch điện tử.

1. Đối với trách nhiệm công bố, phổ biến cơ chế phản ánh vướng mắc và xử lý vướng mắc trong quá trình giao dịch điện tử quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 được quy định cụ thể như sau:

a) Việc công bố công khai cơ chế phản ánh và xử lý vướng mắc trên nền tảng số trung gian, bảo đảm người sử dụng dễ dàng tiếp cận và truy cập. Thông tin được công bố công khai phải được thể hiện bằng tiếng Việt và có thể thêm ngôn ngữ khác.

Chủ quản nền tảng số trung gian và người sử dụng thống nhất lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin qua một trong các kênh giao tiếp phổ biến: trang thông tin điện tử, thư điện tử, qua ứng dụng trên thiết bị di động hoặc kênh giao tiếp khác;

b) Cơ chế phản ánh và xử lý vướng mắc phải bao gồm tối thiểu: tiếp nhận thông tin liên quan tới vướng mắc từ người sử dụng bao gồm vướng mắc về kỹ thuật, khiếu nại, tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch và các vướng mắc khác; gửi thông báo tới tài khoản có liên quan trước khi tiến hành xử lý; cung cấp thông tin cho người sử dụng chịu ảnh hưởng từ các vướng mắc và các biện pháp xử lý; thông báo kết quả xử lý vướng mắc; cung cấp đầu mối liên hệ tại Việt Nam của chủ quản nền tảng số trung gian chịu trách nhiệm trong xử lý các thông tin vướng mắc;

c) Nội dung cơ chế phản ánh và xử lý vướng mắc tại điểm b khoản này phải được thông báo và cập nhật tới người sử dụng khi có thay đổi, qua một trong các kênh giao tiếp phổ biến quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối với trách nhiệm công bố công khai, phổ biến cơ chế phản ánh và xử lý nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng số trung gian từ nguồn phản ánh được đánh giá là tin cậy quy định tại điểm c khoản 2 Điều 47 được quy định cụ thể như sau:

a) Việc công bố công khai cơ chế phản ánh và xử lý nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số trung gian, bảo đảm người sử dụng dễ dàng tiếp cận và truy cập. Thông tin được công bố công khai phải được thể hiện bằng tiếng Việt và có thể thêm ngôn ngữ khác.

Chủ quản nền tảng số trung gian và người sử dụng thống nhất lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin qua một trong các kênh giao tiếp phổ biến: trang thông tin điện tử, thư điện tử, qua ứng dụng trên thiết bị di động hoặc kênh giao tiếp khác;

b) Nguồn phản ánh được đánh giá là tin cậy bao gồm các nguồn thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu phục vụ điều tra, xử lý thông tin vi phạm pháp luật; từ các nguồn thông tin khác do chủ quản nền tảng số tự xác định;

c) Cơ chế phản ánh và xử lý nội dung vi phạm pháp luật bao gồm tối thiểu: cung cấp thông tin liên quan tới hành vi, nội dung, chủ thể vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu; gửi cảnh báo tới tài khoản có dấu hiệu vi phạm pháp luật trước khi tiến hành xử lý; cung cấp thông tin cho người sử dụng chịu ảnh hưởng của thông tin vi phạm pháp luật và các biện pháp khắc phục; thông tin đầu mối liên hệ tại Việt Nam của chủ quản nền tảng số trung gian chịu trách nhiệm trong xử lý các thông tin vi phạm pháp luật;

d) Nội dung cơ chế phản ánh và xử lý nội dung vi phạm pháp luật điểm c khoản này phải được thông báo và cập nhật tới người sử dụng khi có thay đổi qua một trong các kênh giao tiếp phổ biến quy định tại điểm a khoản này.

3. Thống kê thông tin số lượng người sử dụng có hoạt động theo từng tháng; định kỳ trước 31 tháng 01 hằng năm, cung cấp thông tin theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Giao dịch điện tử qua Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử hoặc qua phương tiện điện tử khác theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã cung cấp.

Điều 20. Trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian quy mô rất lớn phục vụ giao dịch điện tử

Chủ quản nền tảng số trung gian quy mô rất lớn phục vụ giao dịch điện tử có trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Giao dịch điện tửĐiều 19 Nghị định này.

1. Đối với trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian quy mô rất lớn phục vụ giao dịch điện tử tại điểm b khoản 3 Điều 47 Luật Giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Việc công bố công khai nguyên tắc chung, thông số hoặc tiêu chí được sử dụng để đưa ra khuyến nghị hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo cho người sử dụng trên nền tảng số trung gian, bảo đảm người sử dụng dễ dàng tiếp cận và truy cập. Thông tin được công bố công khai phải được thể hiện bằng tiếng Việt và có thể thêm ngôn ngữ khác. Chủ quản nền tảng số trung gian và người sử dụng thống nhất lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin qua một trong các kênh: trang thông tin điện tử, qua ứng dụng trên thiết bị di động hoặc kênh giao tiếp khác.

Trường hợp nền tảng số có tính năng tìm kiếm và ưu tiên hiển thị nội dung tìm kiếm, phải công bố công khai tiêu chí xác định nội dung được hiển thị ưu tiên;

b) Cho phép người sử dụng lựa chọn phương án không sử dụng tính năng khuyến nghị hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo dựa trên phân tích dữ liệu về người sử dụng.

Trường hợp người sử dụng lựa chọn không sử dụng tính năng khuyến nghị hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo, chủ quản nền tảng số phải cung cấp thông tin cho người sử dụng về sự thay đổi khả năng tiếp cận nội dung của người sử dụng; không được tự động thay đổi lựa chọn phương án của người sử dụng khi chưa có sự đồng ý.

2. Đối với trách nhiệm tại điểm d khoản 3 Điều 47 Luật Giao dịch điện tử, chủ quản nền tảng số trung gian quy mô rất lớn phục vụ giao dịch điện tử được quy định cụ thể như sau:

a) Việc công khai và phổ biến bộ quy tắc ứng xử áp dụng đối với các bên liên quan, bảo đảm người sử dụng dễ dàng tiếp cận và truy cập. Bộ quy tắc phải được công bố công khai được thể hiện bằng tiếng Việt và có thể thêm ngôn ngữ khác.

Bộ quy tắc ứng xử phải được phổ biến và cập nhật tới các bên liên quan khi có thay đổi qua một trong các kênh giao tiếp phổ biến: thư điện tử, trang thông tin điện tử, qua ứng dụng trên thiết bị di động hoặc kênh giao tiếp khác;

b) Bộ quy tắc ứng xử chung là những nguyên tắc về cách thức giao tiếp và hành xử trên nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử do chủ quản nền tảng số xây dựng, ban hành nhằm duy trì môi trường lành mạnh, bình đẳng và an toàn cho các bên tham gia, hạn chế các hành vi không chuẩn mực hoặc vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử;

c) Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử phải phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch;

d) Khuyến khích các nền tảng số trung gian quy mô rất lớn xây dựng và công bố quy tắc ứng xử hỗ trợ người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác tham gia giao dịch điện tử một cách thuận tiện và bình đẳng.

Điều 21. Tiêu chí tín nhiệm mạng

1. Tín nhiệm mạng là mã chứng nhận đối với hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tiêu chí tín nhiệm mạng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử bao gồm:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ;

b) Cam kết chỉ thu thập, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân khi được sự đồng ý của người sử dụng, trừ trường hợp pháp luật quy định khác;

c) Dữ liệu của người sử dụng từ thiết bị truy cập đến trang thông tin điện tử được mã hóa bằng thuật toán an toàn và được cung cấp bởi bên thứ ba tin cậy;

d) Tên miền và địa chỉ máy chủ của trang thông tin điện tử không thuộc danh sách khuyến cáo không truy cập do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại địa chỉ www.tinnhiemmang.gov.vn;

đ) Trang thông tin điện tử không chứa bất kỳ liên kết độc hại, mã độc, các thông tin lừa đảo, vi phạm pháp luật khác có thể gây hại cho người sử dụng;

e) Có thông tin công khai về đầu mối tiếp nhận và xử lý các vấn đề về an toàn thông tin.

3. Khuyến khích chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử nghiên cứu, đánh giá và tự công bố đáp ứng tiêu chí tín nhiệm mạng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 23 Nghị định này.

2. Bãi bỏ Điều 25 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Điều 23. Điều khoản chuyển tiếp

Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi văn bản có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật liên quan phải được rà soát và đáp ứng các yêu cầu tại khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 5 Nghị định này trong vòng 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Hòa Bình

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 137/2024/ND-CP

Hanoi, October 23, 2024

DECREE

ON E-TRANSACTIONS OF STATE AGENCIES AND INFORMATION SYSTEM FOR E-TRANSACTION

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendment to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Electronic Transactions dated June 22 of 2023;

At request of the Minister of Information and Communications;

The Government promulgates Decree on e-transaction of state agencies and information system for e-transaction.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



This Decree prescribes electronic transactions (e-transactions) of state agencies and information system for e-transaction including converting between physical document and data message; operation of state agencies on electronic environment; information system serving e-transactions; responsibilities of governing bodies of large-scale and very large-scale intermediate digital platforms for e-transactions and reliability of information systems for e-transactions.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to agencies, organizations, and individuals engaging in or related to e-transactions of state agencies and information system for e-transactions.

Article 3. Definitions

In this Decree, terms below are construed as follows:

1. Internal affair administration on electronic environment means when state agencies are partially or entirely in charge of internal affair administration within their functions and powers using electronic means.

2. Coordination on electronic environment means when state agencies are partially or entirely in charge of coordination activities within their functions and powers using electronic means.

3. Supervision and examination on electronic environment means when competent state agencies are partially or entirely in charge of supervision and examination activities within their jurisdiction, functions, and powers using electronic means.

4. Document management and coordination system means an information system developed primarily for managing, processing documents and dossiers, coordinating, operating, and monitoring task execution within state agencies on electronic environment.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter II

CONVERSION BETWEEN PHYSICAL DOCUMENTS AND DATA MESSAGE

Article 4. Conversion from physical document to data message

Data messages converted from physical documents shall meet all requirements under Clause 1 Article 12 of the Law on E-Transactions.

1. Requirements pertaining to special signs and other information under Point c Clause 1 Article 12 of the Law on E-Transactions:

a) Information on data messages converted from physical documents includes: special signs in texts depicting that data messages have been converted from physical documents, time of conversion, name of agencies, organizations, and individuals in charge of the conversion.

Within data messages converted from physical documents, agencies, organizations, and individuals may choose to display QR code or other code formats containing the aforementioned information to allow lookup and use of information via electronic means.

Details of special signs depicting data messages converted from physical documents shall conform to relevant provisions of the law.

b) Where the conversion serves notarization, certification of true copies, photocopies, or excerption, information in the data messages shall conform to regulations of the law pertaining to notarization, certification of true copies, and record management affairs;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Requirements pertaining to information system for converting physical document to data messages:

a) Physical documents are converted to data messages in a way that information integrity is preserved;

b) Special signals and other information on data messages compliant with Clause 1 of this Article shall be created;

c) Data messages are stored properly;

d) Cybersecuriy, information security are guaranteed as per the law;

dd) Where data messages are converted from physical documents in accordance with Point d Clause 1 Article 12 of the Law on E-Transactions, information system for the conversion must facilitate digital signature.

Article 5. Conversion to physical document from data message

Physical documents converted from data messages shall meet all requirements under Clause 2 Article 12 of the Law on E-Transactions.

1. Information to determine information system and governing body of the information system that generate, send, receive and store the original data message for searching under Point b Clause 2 Article 12 of the Law on E-Transactions:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Information that is used to access data messages on information system that generates, sends, receives and stores the data messages can be a complete link to the data messages on information system or special codes to access data messages via a search interface.

2. Requirements pertaining to special signs and other information under Point c Clause 2 Article 12 of the Law on E-Transactions:

a) Minimum information on physical documents converted from data messages includes: special signs in texts depicting that data messages have been converted from data messages, time of conversion, name of agencies, organizations, and individuals in charge of the conversion.

In respect of physical documents converted from data messages, agencies, organizations, and individuals may choose to display QR code or other encryption methods containing the aforementioned information to allow data messages created on information system to be searched via electronic means.

Details of special signs indicating that physical documents have been converted from data messages shall conform to applicable field-specific regulations of the law.

b) Where the conversion serves notarization, certification of true copies, photocopies, or excerption, information in the physical documents shall conform to regulations of the law pertaining to notarization, certification of true copies, and record management affairs;

c) Where dossiers and results of electronic administrative procedures are converted to physical documents in accordance with Article 18 of Decree No. 45/2020/ND-CP dated April 8 of 2020 of the Government, special signs and information on the physical documents shall conform to Point a of this Clause.

3. Requirements pertaining to information system for converting data messages to physical documents:

a) Original data messages to be converted are extracted from storage system and displayed in their entirety;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Original data messages are converted to physical documents in their entirety.

Chapter III

OPERATION OF STATE AUTHORITIES ON ELECTRONIC ENVIRONMENT

Article 6. Transition of state authority operations to electronic environment

1. State authorities shall prioritize the following operations exclusively on electronic environment: public services; internal administration; coordination and operation; supervision, examination, and inspection in accordance with appropriate roadmaps and plans.

Where operations are related to state secrets, the transition shall conform to regulations of the law on state secret protection and cipher.

2. Develop plans for applying information technology and digital transformation to aid state authorities’ operations on electronic environment

a) Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies (hereinafter referred to as “ministries and central departments”), People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People's Committees”) are responsible for developing, approving, and implementing 5-year plans and annual plans regarding application of information technology and digital transformation which include goals, tasks, and solutions for enabling operations of state authorities entirely on electronic environment, of which at include: public services; internal administration and coordination; supervision, examination, and inspection;

b) The Ministry of Information and Communications is responsible for guiding ministries, central departments, and provincial People’s Committees to develop 5-year plans and annual plans regarding application of information technology and digital transformation.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Comply with Vietnam’s e-Government Structure Framework and Ministerial, Provincial e-Government Structure Framework;

b) Ensure compatibility, connection, sharing, usability, and reusability of information and data;

c) Ensure accuracy, adequacy, integrity, accessibility, continuous and stable usability;

d) Information and data can be examined and verified for the purpose of reporting, bridging operation, and meeting other requirements of agencies, organizations, and individuals;

dd) Ensure capability for development, upgrade, and expansion;

e) Comply with requirements of the law pertaining to cyber information safety and security;

g) Meet other requirements of relevant law provisions.

4. Deployment of information technology application and digital platforms serving operations of state authorities on electronic environment shall be accompanied by administrative reforms of state authorities in order to renovate working, leadership, and operating methods based on data, increase document and dossier processing on electronic environment, improve efficiency and effectiveness of operations of state authorities; reduce costs and processing time.

Article 7. Reception and processing request of organizations, individuals on electronic environment

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) receive and process request of organizations and individuals on electronic environment, unless otherwise specified by the laws. Where a request reception or processing is denied, reasons shall be provided for organizations and individuals;

b) establish communication channels on electronic environment and promulgate operating regulations on receiving, and processing request of organizations and individuals, unless otherwise specified by the laws;

c) notify processing results of request of organizations and individuals on electronic environment via electronic means, communication channels, unless otherwise specified by the laws or requested by organizations and individuals.

2. Communication channels of state authorities on electronic environment consist of:

a) Information channels and online public service channels according to regulations of the Government on provision of information and online public services of state authorities on electronic environment;

b) National public service portal;

c) Other communication channels according to relevant law provisions.

3. Online public service channels and National public service portal shall have sufficient connectivity and compatibility to allow users to use the services via electronic identification accounts created by electronic identification and verification system.

The use of login accounts in communication channels of state authorities on electronic environment shall conform to relevant law provisions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Where administrative procedures and public administrative procedures are not prescribed by regulations of the law to be implemented on electronic means, regulations of the Government pertaining to administrative procedures on electronic environment and regulations of the Government pertaining to provision of information and online public services of state authorities on the internet unless otherwise prescribed by regulations of the law.

2. Public administrative procedures shall be provided online in their entirety by reviewing, restructuring the procedures, fulfilling quality requirements in accordance with regulations of the Government on administrative procedures on electronic environment, single-window, connected single-window regulations in administrative procedure processing and providing information, online public services on the internet.

3. State authorities are responsible for processing administrative procedures, providing online public services in their entirety where conditions for implementing the procedures via electronic means in their entirety are met. Where administrative procedures on electronic environment cannot be implemented entirely on electronic environment, state authorities must inform organizations and individuals.

4. Dossiers and results of administrative procedures shall be digitalized in accordance regulations of the Government on administrative procedures on electronic environment, single-window, connected single-window regulations in administrative procedure processing.

Results of administrative procedures of organizations and individuals shall be returned in accordance with relevant regulations of the law; electronic copies of results of administrative procedures shall be sent to electronic data storage of organizations and individuals in national identification application of the organizations and individuals. Where organizations and individuals apply for administrative procedures under authorization, storage of electronic results shall conform to authorization agreement.

Where results are sent in form of physical documents, competent authorities shall convert to data messages in accordance with Article 4 hereof and store in relevant information systems, databases under their management; conversion results shall be shared between state authorities and utilized as part of dossiers on administrative procedures in order to facilitate other public services and administrative procedures applied for by organizations and individuals.

5. Public services shall be reviewed and restructured in order to be provided to organizations and individuals via national public service portal, information system for ministry-level or provincial-level administrative procedures processing and website of public service providers in accordance with regulations of the Government on administrative procedures on electronic environment, single-window, connected single-window regulations in administrative procedure processing.

6. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, provincial People’s Committees shall review, promulgate, and organize plans for providing public services under their management.

7. The Ministry of Information and Communications is responsible for maintaining, operating, upgrading, and maintaining information safety of system for supervising, monitoring provision and use level of digital Government services in order to supervise and monitor online public service provision; examine, assess implementation of interactive electronic forms in online public services and data connection, sharing between state authorities providing online public services.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 9. Internal administration on electronic environment

1. Internal administration on electronic environment primarily consists of:

a) Process internal administrative procedures on electronic environment in: Planning; strategy; human resources; finance - accounting; record management affairs; assets; commendation - emulation; administration, and in other fields in accordance with regulations of the law or decisions of heads of agencies;

b) Comply with reporting and communication regulations on electronic environment;

c) Process documents and work dossiers on electronic environment;

d) Organize remote work and meetings via electronic environment.

2. Processing internal administrative procedures on electronic environment

State authorities are responsible for reviewing and restructuring internal administrative procedures in fields specified under Point a Clause 1 of this Article, prescribing clearly, adequately, and reasonably basic elements of administrative procedures in accordance with Clause 2 Article 8 of Decree No. 63/2010/ND-CP dated June 8 of 2010 of the Government amended by Decree No. 92/2017/ND-CP dated August 7 of 2017 of the Government to meet quality requirements under regulations of the Government on implementation of administrative procedures entirely on electronic environment.

Documents and results of internal administrative procedures shall be digitalized in accordance with regulations of the Government on administrative procedures on electronic environment. Where results of internal administrative procedures serving administration purposes are physical documents, state authorities shall convert to data messages in accordance with Article 4 hereof and store in relevant information systems, databases under their management; conversion results shall be shared among entities in state authorities, with relevant state authorities, and used for other internal administrative procedures serving internal administration.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



State authorities are responsible for reviewing, standardizing reporting regulations, building, developing reporting information system in accordance with regulations of the Government on reporting regulations of administrative state authorities; implementing electronic reports in respect of internal reporting regulations; gradually shifting towards data-based real-time automatic reporting.

4. Process documents and work dossiers on electronic environment

a) State authorities shall prioritize processing documents and dossiers entirely on electronic environment except documents and dossiers containing state secrets; shall not simultaneously process documents and work dossiers on electronic environment and physical documents and work dossiers unless physical copies are required by regulations of the law;

b) Procedures for processing documents and work dossiers on electronic environment shall be designed in accordance with requirements, functions, tasks, organization structures of individual agencies and authorities so that monitoring, examination, and evaluation are possible; all steps in document and work dossier processing (reception, transfer for processing, creation, request for cooperation, submission for approval, orders of superiors, digital signature, document issuance, etc.) are implemented via document management and coordination system;

c) Information and data pertaining to progress and results of document and work dossier processing of ministries, central departments, and local governments shall, depending on tasks assigned by the Government or Prime Minister, be synchronized with information systems serving coordination and cooperation of the Government and Prime Minister via National document communication system in order to accommodate review, examination, and evaluation;

d) Electronic documents that are results of administrative procedures in accordance with regulations of the law on administrative procedures on electronic environment shall be synchronized from document management and coordination system and information system for ministry-level or provincial-level administrative procedure processing;

dd) Submission and reception of electronic documents containing state secrets shall conform to regulations of the law on cipher and state secret protection.

5. Organize remote work and meetings via electronic environment

a) State authorities shall choose solutions for adopting information technology and digital transformation to accommodate remote working and meeting on electronic environment appropriate to demands and practical conditions of state authorities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Information systems serving internal administration of state authorities shall meet all basic technical conditions under Clause 3 Article 6 hereof, have adequate connection, integration, and sharing capabilities with other systems within state authorities in order to perform internal administration affairs entirely on electronic environment; accept identification accounts as a method for logging in, utilizing, using internal information system of state authorities.

Article 10. Coordination and operation on electronic environment

1. Heads of state authorities are responsible for coordinating, operating on electronic environment and relying primarily on information and data; direct entities and individuals under their management to consult, handle work entirely on electronic environment, unless otherwise stipulated by regulations of the law.

2. For the purpose of coordinating and operating on electronic environment, ministries, ministerial agencies, and provincial People’s Committees have the responsibility to:

a) develop and issue aggregate governance indicator on electronic environment in accordance with Clause 3 of this Article in a manner that adheres to demand, resources, and availability of information system, database;

b) implement information system for ministry-level, provincial-level coordination and operation which collects, generates, consolidates, analyzes, processes, stores, connects, shares information and data with information system for coordination and operation of the Government, Prime Minister in accordance with regulations of the law and instructions of Office of the Government; connect, share information and data with information system for coordination and operation of other ministries, central departments, provincial People’s Committees at request; assume responsibility for adequacy, integrity, accuracy, punctuation, cyber safety, cyber security of information and data provided, and fulfill requirements under Clause 6 of this Article;

c) develop, share list of common data for use throughout information systems and databases so as to facilitate integration, exchange, sharing, connection of data on electronic environment and coordination, operation;

d) develop and promulgate regulation on operation, use, connection, integration, sharing, reception of information and data for coordination, operation on electronic environment.

3. Governance indicators of state authority

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Governance indicators of heads of ministries and central departments, including: daily, monthly governance indicators of heads of ministries and central departments; monitoring, supervisory indicators for implementation of national target programs, projects of national importance; indicators for online coordination, operation, integration during emergencies such as natural disasters, diseases, natural disaster responses, search and rescue;

c) Governance indicators of heads of provincial People‘s Committees, including: daily, monthly governance indicators for socio-economic situations; monitoring, supervisory indicators for implementation of national target programs, projects of national importance; indicators for online coordination, operation, integration during emergencies such as natural disasters, diseases, natural disaster responses, search and rescue and province-specific indicators; monitoring, supervisory indicators for implementation of goals assigned under Resolutions of People’s Councils of provinces on an annual or 5-yearly basis; monitoring, supervisory indicators for implementation of tasks assigned by the Government, Prime Minister on a monthly, quarterly, annual basis;

d) Indicators under Point a through Point c of this Clause shall be flexible, adjusted to conform to practical situations and promptly, entirely comply with demands in management, coordination, operation on electronic environment of Government, Prime Minister, heads of ministries, central departments, local governments. Other state authorities shall, on the basis of practical demands and availability of information system, database, and resources, select and develop their own governance indicators so as to implement coordination and operation activities on electronic environment.

4. In principle, development of governance indicators shall be:

a) Appropriate and reflective of criteria, goals of strategies, programs, plans for socio-economic development; national target programs, projects, structures of national importance; tasks assigned by the Government, Prime Minister, functions, powers, tasks of state authorities;

b) Allowing information and data of each indicator be collected on a regular basis from one source depending on state management capability; inheriting and exhausting information, data from existing information systems, databases; connecting, sharing, and reusing in a unified manner from central to local government;

c) Allowing governance indicators to be consistent with information, statistical data, and other reporting regulations so as to adequately reflect situations or fields in which the indicators are used for supervision and evaluation;

d) Ensuring that each indicator is designed to effectively measure, evaluate results of agencies, organizations, individuals; be accompanied by calculation methods, unit of measurement; be accompanied by clear description of attributes, primary groupings, data period, data source, and comparability.

5. Criteria for selecting, determining governance indicators of state authorities

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Indicators that play decisive roles in implementation results of important, priority goals, tasks of Government, Prime Minister, ministries, central departments, provincial People’s Committees;

b) Indicators that can help analyze, forecast trend, evaluate completion rating of goals, tasks, propose solutions for issues and complaints in order to fulfill tasks at hand;

c) Indicators that reflect activities or goals of coordination and operation; are qualitative in nature, measureable, limited in timeframe for measurement purposes; can be observed, recorded, verified, and reflective of progress of assigned tasks and goals;

d) Indicators that are provided in short, consecutive burst or on a daily, weekly, monthly basis and suitable with coordination and operation purposes; connected and automatically shared among information systems, databases relevant to implementation of tasks and goals;

dd) Indicators that are a part of calculation of relevant statistics.

6. Information system for coordination and operation of state authorities shall meet basic requirements under Clause 3 Article 6 hereof; connect with National document communication system, national platform for data integration and sharing, system for managing and monitoring tasks assigned by the Government and Prime Minister, and other data connection, sharing platforms as per the law; connect, share data with national databases, field-specific databases, other information systems (including internal information system) to assist in coordination, operation, and decision-making process; perform functions such as: data collection, update, storage, processing, and analysis; monitor, supervise, and evaluate task, goal implementation process; assist in online coordination and operation at location; control information and data quality; perform basic functions of reporting information system as per the law and other functions depending on coordination and operation demands.

Encourage study and gradual adoption of advanced, modern technology solutions so as to improve analysis, decision-making, and forecast quality in coordination, operation of Government and Prime Minister.

Article 11. Responsibilities for maintaining digital information and data for coordination, leadership, operation of Government and Prime Minister

1. Office of the Government has the responsibility to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) take charge, coordinate, expedite, provide professional guidelines within their functions and tasks; develop demands and functionalities to develop reporting information system of the Government, coordination and operation information system of the Government, Prime Minister at national data center satisfactory to indicators under Point a Clause 1 of this Article;

c) develop task monitoring system for tasks assigned by Government and Prime Minister, meeting and task handling system for tasks of Government and Prime Minister in order to monitor, evaluate, and supervise tasks based on digital data;

d) take charge, cooperate with ministries, central departments, provincial People’s Committees, relevant agencies, and organizations in dispatching, connecting, integrating, sharing information between information systems for coordination and operation of Government and Prime Minister with information systems, databases of ministries, central departments, provincial People’s Committees so as to assist in leadership, coordination, operation process of Government, Prime Minister as per the law; supervise, assess quality of information and data connected, integrated for coordination of Government and Prime Minister;

dd) take charge and cooperate with ministries, central departments, provincial People’s Committees in guiding, implementing, and supervising submission, reception of electronic documents, and task handling on electronic environment;

e) take charge and cooperate with Ministry of Information and Communications, Ministry of National Defense, and Ministry of Public Security in adopting solutions for supervising and maintaining cyber information security, cyber security of information systems serving coordination and operation of Government and Prime Minister;

g) develop technical regulations on data structure, data format, regulations and procedures for sharing data for data connection, integration, sharing between information systems for coordination and operation of Government, Prime Minister and information systems for coordination and operation of ministries, central departments, provincial People’s Committees assisting coordination and operation of state administrative authorities on electronic environment.

2. The Ministry of Information and Communications has the responsibility to:

a) cooperate with Office of the Government in guiding ministries, central department, and provincial People’s Committees in developing information system for coordination and operation and connecting with information system for coordination and operation of Government and Prime Minister;

b) cooperate with Office of the Government, Ministry of National Defense, and Ministry of Public Security in adopting solutions for supervising, maintaining cyber information safety for information system for coordination and operation of Government, Prime Minister; guiding ministries, ministerial agencies, and provincial People’s Committees in maintaining cyber information safety for information system for coordination and operation of ministries, central departments, and provincial People's Committees.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) implement document management and coordination system, connect to national document communication system and system for managing and monitoring tasks assigned by Government and Prime Minister and internal systems of ministries, central departments, and local governments to ensure entirely online, data-based coordination and operation;

b) take charge and cooperate with Office of the Government in developing scenario for coordination and operation of Government and Prime Minister depending on assigned tasks; prepare infrastructures, technology, and data for connection and data sharing with information system for coordination and operation of Government and Prime Minister.

Article 12. Supervision and examination on electronic environment

1. Ministries, central departments, and provincial People’s Committees, within their power, have the responsibility to:

a) review, simplify supervision and examination procedures; develop supervision and examination procedures on electronic environment;

b) provide guidelines and implement supervision, examination on electronic environment within fields, administrative divisions of their powers;

c) develop digital platforms, technical instruments serving supervision, examination on electronic environment within their powers.

2. Organizations and individuals have the responsibility to comply with supervision and examination on electronic environment of competent authority.

Article 13. Solutions in case of emergencies, interruptions of activities on online environment and solutions for remediating, rectifying issues, maintaining normal operations

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Solutions and actions under Clause 1 of this Article consist of cyber information safety laws and provisions below:

a) Back up data so as to restore information systems serving e-transactions to normal operations in case of cyber attacks and serve cyber attack response and investigation;

b) Be ready to rapidly store information systems serving e-transactions to normal operation in case of issues as soon as possible to minimize impact, damage or in accordance with professional requirement, commitment between governing bodies of information system and parties to transaction;

c) Promptly notify cyber information safety authority and users in case of emergencies, interruptions to operation of information systems serving e-transactions.

Article 14. Hiring experts using state budget

1. For the purpose of consulting database development; conducting professional activities pertaining to management, operation, assurance of cyber information safety of information systems serving e-transactions, state authorities may hire experts of appropriate expertise.

2. Experts shall be hired on the following principles:

a) Experts shall be selected via specific criteria appropriate to each job;

b) Experts shall be hired on a contractual basis;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Experts hired in accordance with this Article shall:

a) receive remuneration as per contract agreement;

b) be provided with relevant information during performance of their duties detailed in the contract;

c) receive financial support for expenses on domestic conferences and seminars appropriate to the job detailed in the contract at a rate stipulated by applicable provisions of the law;

d) have the right to propose methods for executing jobs detailed under the contract appropriate to their expertise.

4. Remuneration and allowances for expert:

a) Remuneration and allowances for experts shall be funded by state budget of appropriate level or other legitimate funding sources (if any);

b) Remuneration shall be paid at a rate defined under contract signed with experts in accordance with job quality, quantity, and duration requirements;

c) Payment and settlement of remuneration, allowances for expert shall conform to regulations of the law and assessment of job results.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter IV

INFORMATION SYSTEM SERVING E-TRANSACTIONS

Article 15. Classification of information systems serving e-transactions by governing bodies

1. Governing bodies of information system serving e-transactions shall be agencies, organizations, and individuals having direct authority over the information system.

2. Information systems serving e-transactions shall be classified by their governing bodies, including:

a) Governing bodies that are state agencies, organizations;

b) Governing bodies that are organizations, enterprises;

c) Governing bodies that are individuals.

3. Determine governing bodies of information systems serving e-transactions

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) For enterprises and organizations other than those under Point a of this Clause, governing bodies of information systems serving e-transactions shall be competent authority approving project investment guidelines issuing decisions hiring services for configuration, upgrade, expansion of the information systems;

c) For individuals, governing bodies of information systems serving e-transactions can be determined by the following information, in part or in whole: information on storage rental service contract (web); information on domain name registration of website or accounts issuing mobile applications on application store.

Article 16. Classification of information systems serving e-transactions by functionalities

1. Information systems serving e-transactions whose primary functionalities permit: issuance and verification of e-transaction accounts; signing of electronic contracts or implementation of legal actions that unilaterally create, alter, or terminate rights and obligations of relevant parties via electronic means, shall be classified as follows:

a) Processing internal administrative procedures on electronic environment;

b) Commencing e-transactions in commercial activities;

c) Commencing e-transactions in financial activities;

d) Commencing e-transactions in banking activities;

dd) Commencing e-transactions in other activities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 17. Classification of information systems for e-transactions by user count

1. A person is considered a user of an information system for e-transaction when he/she: logs in, accesses information, or uses services on the information system.

2. Large-scale information system for e-transaction means an information whose average monthly user count in Vietnam accounts for 3% to 10% of total population according to the latest official data published by competent authority.

3. Very large-scale information system for e-transaction means an information whose average monthly user count in Vietnam exceeds 10% of total population according to the latest official data published by competent authority.

4. Data used in the determination of scale of information systems for e-transactions under Clause 2 and Clause 3 of this Article shall be the arithmetic mean of users on the platform in the last 12 months.

5. The Ministry of Information and Communications shall evaluate, study, propose amendment and addition to classification of information systems for e-transactions from time to time.

Article 18. Determination of very large-scale and large-scale intermediate digital platforms for e-transaction

1. Classification of intermediate digital platforms for e-transactions by user count:

a) Large-scale intermediate digital platform for e-transaction means an information system detailed under Clause 2 Article 17 hereof that creates an electronic environment that permits the parties to transact or provide, use products, services or develop products, services and where the governing body is separate from the parties to the transaction;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Governing bodies of intermediate digital platforms for e-transactions shall determine user count as follows:

a) Within 12 months from the effective date hereof, governing bodies of intermediate digital platforms for e-transaction that have been in operation for at least 12 months shall be responsible for determining user count at their own discretion.

b) Governing bodies of intermediate digital platforms for e-transaction shall be responsible for determining user count at their own discretion on a periodic basis before the January 31 of each year following the year in which they determine user count for the first time.

Where an intermediate digital platform qualifies for large-scale or very large-scale intermediate digital platform, its governing body shall report and provide data for state authority.

3. State authorities are responsible for receiving reports sent by governing bodies of intermediate digital platforms for e-transaction; consolidate and share data serving e-transaction governance as per the law within their functions, tasks, and powers.

4. The Ministry of Information and Communications has the responsibility to:

a) establish and operate the System for receiving and consolidating data for e-transaction governance of state authorities as per the law. Configuration, operation, functionalities of the System and technical provisions pertaining to connection reference model serving data sharing via electronic means in accordance with regulations of the Ministry of Information and Communications;

b) receive, consolidate data for e-transaction governance of state authorities; publish and prepare list of large-scale and very large-scale intermediate digital platforms for e-transactions at www.mic.gov.vn or at website of the System for receiving and consolidating data for e-transaction governance of state authorities;

c) take charge, cooperate with ministries, central departments and relevant organizations in developing criteria, evaluating, publishing list of independent tools for measurement, statistics of active users on intermediate platforms for e-transactions; or reliable data sources for determining scale of intermediate digital platforms.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Governing bodies of large-scale intermediate digital platforms for e-transactions shall have responsibilities detailed under Clause 2 Article 47 of the Law on E-Transactions.

1. In respect of responsibility for publicly disclosing and disseminating regulations for reporting and handling problems arising in e-transaction under Point b Clause 2 Article 47:

a) In respect of regulations on reporting and handling problems on intermediate digital platforms and ensuring accessibility for users. Disclosed information shall be displayed in Vietnamese and may be accompanied by translations in other languages.

Governing bodies of intermediate digital platforms and users shall agree on methods for receiving information among popular communication channels such as: websites, email, mobile applications, or other channels;

b) Regulations on reporting and handling problems must include: receiving information pertaining to problems encountered by users, including technical difficulties, complaints, disputes between parties to the transaction and other problems; sending notice to relevant accounts before handling; providing information for users affected as a result of the problems and solutions; informing resolution results; providing contact in Vietnam of governing bodies of intermediate digital platforms responsible for handling problems;

c) Details of regulations on reporting and handling problems under Point b of this Clause shall be updated and provided for users in case of change via popular communication channels under Point a of this Clause.

2. In respect of responsibility for publicly disclosing and disseminating regulations on reporting and handling contents that violate Vietnamese laws on digital platforms from reliable feedbacks under Point c Clause 2 Article 47:

a) Regarding provisions regarding publicly disclosing regulations on reporting and handling contents that violate Vietnamese laws on digital platforms from reliable sources and ensuring easy accessibility for users. Disclosed information shall be displayed in Vietnamese and may be accompanied by translations in other languages.

Governing bodies of intermediate digital platforms and users shall agree on methods for receiving information among popular communication channels such as: websites, email, mobile applications, or other channels;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Regulations on reporting and handling contents violating regulations of the law include at least: providing information relating to violation, details, violating entities for competent authorities at request; sending warning to accounts with signs of violations of the law before handling; providing individuals affected by information violating regulations of the law with information and solutions; contact information of governing bodies of intermediate digital platforms in Vietnam responsible for handling information violating regulations of the law;

d) Regulations on reporting and handling contents violating regulations of the law under Point c of this Clause shall be updated and notified to users when changed via popular communication channels under Point a of this Clause.

3. In respect of provisions pertaining to listing active users on a monthly basis: provide information in accordance with Point b Clause 1 Article 47 of the Law on E-transactions via the System for receiving and consolidating data for e-transaction governance or other electronic means under guidelines of the Ministry of Information and Communications before January 31 each year; assume responsibility for accuracy of information that they provide.

Article 20. Responsibilities of governing bodies of very large-scale intermediate digital platforms for e-transactions

Governing bodies of very large-scale intermediate digital platforms for e-transactions shall have responsibilities detailed under Clause 3 Article 47 of the Law on E-Transactions and Article 19 hereof.

1. In respect of responsibility under Point b Clause 3 Article 47 of the Law on E-Transactions:

a) Regarding provisions pertaining to publicly posting general rules, parameters, or criteria for recommending details, advertisements to users on intermediate digital platforms, ensuring easy accessibility. Disclosed information shall be displayed in Vietnamese and may be accompanied by translations in other languages. Governing bodies of intermediate digital platforms and users shall agree on methods for receiving information among popular communication channels such as: websites, mobile applications, or other channels.

Where a digital platform accommodates a search functions and prioritizes search results, criteria determining prioritized search results must be publicly posted;

b) Regarding provisions pertaining to allowing users to opt out of recommendation about details, advertisements based on user information analysis.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. In respect of responsibility under Point d Clause 3 Article 47 of the Law on E-Transactions:

a) Regarding provisions pertaining to publicly posting and popularizing code of conduct applicable to relevant parties and allowing easy accessibility. The code of conduct shall publicly posted in Vietnamese and may be accompanied by translations in other languages.

The code of conduct shall be updated and sent to relevant parties in case of changes via popular communication channels such as: email, website, mobile applications, or other communication channels;

b) The general code of conduct are communication and behavioral principles on the intermediate digital platforms for e-transactions developed by the governing bodies and issued to maintain healthy, non-discriminatory, and safe environment for participating parties, restrict misconducts or violations of the law in e-transactions;

c) Development of the code of conducts must adhere to relevant law provisions and ensure rights and benefits of transaction parties;

d) Governing bodies of very large-scale intermediate digital platforms are advised to develop and publicly post code of conducts so as to enable people with disabilities and other disadvantaged persons to engage in e-transactions conveniently and non-discriminatorily.

Article 21. Reliability

1. Reliability means verification that an information system for e-transaction satisfies criteria under Clause 2 of this Article.

2. Reliability criteria of information systems for e-transaction include:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Commitment to only collect and store personal data if users agree, unless otherwise stipulated by regulations of the law;

c) User's data sent from accessing devices to website shall be encrypted by safe algorithm and provided by trusted third party;

d) Domain name and server address of website is not under list of unsafe websites stipulated by the Ministry of Information and Communications at www.tinnhiemmang.gov.vn;

dd) The website does not contain any harmful links, malware, fraudulent information, or information violating regulations of the law;

e) Public contact information for reporting and handling of information safety issues.

3. Governing bodies of information systems for e-transactions are encouraged to study, evaluate, and declare fulfillment of reliability criteria at their discretion.

Chapter V

IMPLEMENTATION

Article 22. Entry into force

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Annul Article 25 of Decree No. 64/2007/ND-CP dated April 10 of 2007 of the Government.

Article 23. Transition clause

Information systems for conversion of legal documents in accordance with relevant law provisions shall be reviewed and satisfactory to Clause 2 Article 4 and Clause 4 Article 5 hereof within 24 months from the effective date hereof.

Article 24. Responsibility for implementation

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of provincial People's Committees, and relevant organizations, individuals shall be responsible for the implementation of this Decree./.

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Nguyen Hoa Binh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.999

DMCA.com Protection Status
IP: 66.249.77.137
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!