BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số: 50-KL/TW
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 05
năm 2019
|
KẾT LUẬN
CỦA BAN BÍ THƯ
VỀ
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA XI VỀ PHÁT TRIỂN KHOA
HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG ĐIỀU
KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo
Trung ương báo cáo kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục
vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Nghị quyết) và ý kiến các cơ quan liên quan,
Ban Bí thư kết luận như sau:
1. Sau
hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng. Tiềm lực
khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường. Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội. Thị trường
khoa học và công nghệ bước đầu phát triển. Hợp tác quốc tế có nhiều chuyển biến
tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao
công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khoa học và công nghệ đã
đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm
quốc phòng, an ninh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng
phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết
đã đề ra, kết quả đạt được còn hạn chế. Nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được quán triệt và thực hiện đầy
đủ. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và
công nghệ tuy đã có đổi mới, song còn bất cập, chưa đồng bộ; phân bổ ngân sách
chưa hợp lý. Hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và ứng dụng kết quả
nghiên cứu chưa cao.
2. Để
phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tiếp tục thực hiện
tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát
triển khoa học và công nghệ, trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:
2.1. Tiếp tục tuyên truyền,
quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh,
đồng bộ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Nâng cao, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và
quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng và
chính quyền các cấp trong triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết, đáp ứng yêu
cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình
hình mới.
Cấp ủy, tổ chức
đảng và chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chịu trách nhiệm thúc
đẩy phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của mình;
xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí, thước đo
đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước.
2.2. Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và
doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về khoa học và công
nghệ. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động
khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới hệ
thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; trường đại
học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu chủ yếu, là yếu tố "lõi" của
hệ thống khoa học quốc gia.
Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức
khoa học và công nghệ, giảm đầu mối trung gian, khắc phục tình trạng chồng
chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu. Nâng cao
năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo. Kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ
chức khoa học và công nghệ công lập gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự
đánh giá độc lập và từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, đấu thầu
và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng. Đổi mới, nâng cao chất lượng
và hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ
đổi mới công nghệ quốc gia.
Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích khu
vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ và khởi nghiệp
sáng tạo; tăng số lượng và quy mô các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của
doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công - tư, hình thành trung tâm mô phỏng, chuyển
giao công nghệ thúc đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công
nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
2.3. Tiếp tục tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia
theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng
cường tiềm lực quốc phòng. Nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến
của thế giới để phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của quốc gia.
Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu
cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi. Lựa
chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ
cho một số ngành và lĩnh vực then chốt. Trong công nghiệp, ưu tiên các ngành
công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp hóa dược, sinh học, cơ điện tử, các ngành tự động hóa;
chế tạo, năng lượng sạch, chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp môi
trường. Ưu tiên cao nhất để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo
hướng lưỡng dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong nông nghiệp, ưu tiên các hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp
hữu cơ, nông nghiệp sinh học. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học,
phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người.
Tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu
quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công
nghệ thông tin theo mô hình tiên tiến thế giới. Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng
thông tin, thống kê kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ tin cậy, cập nhật,
phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
2.4. Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây
dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tháo gỡ các
vướng mắc trong chính sách đào tạo, thu hút tạo nguồn cán bộ khoa học từ sinh
viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; sử dụng, đặc biệt là cán bộ khoa học và
công nghệ có trình độ chuyên môn cao, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được
giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng. Xây dựng các quy chuẩn về
đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học phù hợp thông lệ quốc tế.
Xây dựng, triển khai các chương trình
cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là
người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng các chính sách cử cán
bộ khoa học Việt Nam đi làm việc, học tập tại các viện nghiên cứu, trường đại
học, doanh nghiệp ở nước ngoài. Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết
viện, trường với doanh nghiệp để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản
xuất, kinh doanh.
2.5. Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường
khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hoàn thiện chính
sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là
doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng
tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy sự liên thông
của thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn.
Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch
công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với
các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa
phương. Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá,
chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, các
doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2.6. Đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về
khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực ưu tiên; gắn kết
giữa hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với hợp tác
quốc tế về kinh tế. Chủ động tăng cường hợp tác nghiên
cứu chung với các đối tác quan trọng sở hữu công nghệ nguồn, mở rộng hợp tác
khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các nước tiên tiến. Chú trọng khai thác,
chuyển giao công nghệ từ các địa bàn có công nghệ nguồn để rút ngắn khoảng
cách, nâng cao trình độ, năng lực khoa học và công nghệ trong nước. Khuyến
khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các doanh
nghiệp Việt Nam hoặc thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam.
Hỗ trợ hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật về khoa học và công nghệ tầm khu
vực và quốc tế.
3. Tổ
chức thực hiện
- Cấp ủy, tổ
chức đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực
hiện tốt Nghị quyết và Kết luận này.
- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà
soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan đến lĩnh vực khoa học và
công nghệ phù hợp với tình hình phát triển và các hiệp
định Việt Nam đã ký kết.
- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo
rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến
lĩnh vực khoa học và công nghệ; chỉ đạo thực hiện có hiệu
quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, gắn các nhiệm vụ khoa học và
công nghệ với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng chiến lược phát triển khoa
học và công nghệ cho giai đoạn sau năm 2020 và bảo đảm ngân sách phát triển
khoa học và công nghệ theo quy định.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì,
phối hợp với các cơ quan liên quan
hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo với Ban Bí thư về tình hình và kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết và Kết
luận này.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy,
thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy
trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự
nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng
Trung ương Đảng.
|
TM/ BAN BÍ THƯ
Trần Quốc Vượng
|