Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 56/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Lê Trung Chinh
Ngày ban hành: 04/03/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 04 tháng 3 năm 2023

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2023

Thực hiện Công văn số 5406/BTTTT-CĐSQG ngày 03/11/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023, trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chiến lược, chương trình phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp công nghệ số, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2022

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13/4/2022 triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022. Trong tháng 9/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã sơ kết đánh giá 01 năm triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó kết luận:

1. Đánh giá kết quả chung

Công tác chuyển đổi số đạt một số kết quả bước đầu. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử. Chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế thành phố, cải cách hành chính và trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, điển hình là ứng dụng cấp Giấy đi đường QRCode, quản lý khai báo y tế điện tử... và đã dần tạo được thói quen trong các cơ quan, đơn vị và người dân. Kinh tế số có đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP thành phố (tính đến cuối năm 2021 chiếm 12,57% tổng GRDP thành phố và theo ước tính của Vụ Kinh tế số và Xã hộ số, năm 2022 đóng góp khoảng 17% GRDP thành phố); có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố.

2. Về thực hiện mục tiêu tổng quát chuyển đổi số

Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Đà Nẵng năm thứ hai liên tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 03 trụ cột Chính quyền số[1], Kinh tế số[2] và Xã hội số. Năm 2021, thành phố Đà Nẵng xếp hạng A (dẫn đầu) về an toàn thông tin và thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội)[3].

Tháng 07/2022, thành phố Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận cho hạng mục cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Việc triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số góp phần TP. Đà Nẵng được đánh giá, trao giải (ngày 01/12/2022): Giải thưởng Thành phố thông minh (duy nhất) Việt Nam năm 2022; Thành phố Giao thông và Logistics thông minh; Ứng dụng thông minh phục vụ người dân và doanh nghiệp; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022.

Điểm nổi bật năm 2022 về kinh tế số là: Doanh nghiệp công nghệ số thành phố có nhiều sản phẩm chủ lực và đạt giải thưởng lớn, như: Nền tảng Cảng Chuyển đổi số ePort và Giải pháp tự động hóa ứng dụng công nghệ RPA của Công ty Irtech đạt Giải thưởng Sao Khuê 2022; Nền tảng chuyển đổi số ngành dệt may của Công ty Retex là 1 trong 5 sản phẩm đạt Giải thưởng Viet Solutions 2022; 04 sản phẩm được trao Giải thưởng Sản phẩm Make in Viet Nam năm 2022 gồm: Giải pháp Green Data của Công ty cổ phần CNTT Toàn cầu Xanh; Giải pháp ERP của Công ty CP Phần mềm quản lý Doanh nghiệp, Sản phẩm công tơ điện tử và Trạm sạc nhanh cho ôtô điện Tổng công ty Điện lực miền Trung

Điểm nổi bật năm 2022 về xã hội số là: Đưa vào sử dụng Nền tảng công dân số thành phố, qua đó mỗi người dân có 01 Kho dữ liệu số (thông qua tài khoản công dân số) để có thể kế thừa thông tin, dữ liệu (chỉ khai thông tin 01 lần đầu) cũng như dễ dàng tiếp cận, sử dụng tất cả các dịch vụ tiện tích của chính quyền và doanh nghiệp.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2022 (CỦA THÀNH PHỐ VÀ CẢ QUỐC GIA)

Kế hoạch hành động Chuyển đổi số năm 2022 xác định 20 chỉ tiêu, bao gồm: các chỉ tiêu tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS (bằng hoặc cao hơn) và một số chỉ tiêu khác theo đặc thù của thành phố Đà Nẵng. Đến nay 19/20 chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức (như chỉ tiêu DVCTT, chỉ tiêu kinh tế số, công nghiệp ICT, nhân lực số,...); còn 01 chỉ tiêu chưa hoàn thành (tỷ lệ phủ sóng 5G) do Việt Nam chưa đấu giá băng tần 5G nên chưa thể triển khai rộng rãi, đại trà. Chi tiết như sau:

STT

Chỉ tiêu

TP

QG

Kết quả thực hiện đến nay

Năm 2022

Năm 2025

Năm 2022

Chủ trì

I

Chính quyền số

1

Tỷ lệ DVCTT mức 4

100%

100%

100%

SBN, QHPX

Hoàn thành

100% DVCTT đủ điều kiện lên mức 4 từ cuối năm 2021.

2

Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ

85%

100%

80%

SBN, QHPX

Hoàn thành vượt mức 91% tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ

3

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến

65%

90%

50%

SIN, QHPX

Hoàn thành vượt mức 73% hồ sơ trực tuyến

4

Tỷ lệ dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức 3, 4

30%

60%

-

SNV

Hoàn thành

- Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này.

- Sở Nội vụ đã đưa 05 dịch vụ sự nghiệp thiết yếu của 03 đơn lên cung cấp trực tuyến (chiếu sáng công cộng, cây xanh, thuê/sửa chung cư,..)

5

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

100%

100%

100%

SBN, QHPX

Hoàn thành

- Sở TT&TT đã đưa vào sử dụng phân hệ Kho dữ liệu hồ sơ TTHC (Công văn số 1504/STTTT- CNTT ngày 28/6/2022).

- Văn phòng UBND thành phố đã xây dựng và triển khai tập huấn chức năng số hóa hồ sơ, kết quả TTHC trên Phần mềm một cửa điện tử.

- Sở Nội vụ đã có Công văn số 1857/SNV-QLVTLT ngày 30/6/2022 hướng dẫn Kế hoạch số hóa hồ sơ, kết quả TTHC

- 100% kết quả TTHC phát sinh mới đã số hóa

6

Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến

50%

100%

50%

SBN, QHPX

Hoàn thành

- Đã đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Báo cáo điện tử và số liệu điều hành thành phố (Công văn số 2160/STTTT- CNTT ngày 05/9/2022)

- Đã triển khai báo cáo trực tuyến đối với công tác CCHC, VTLT, đánh giá xếp hạng CNTT

7

Tỷ lệ CQNN cung cấp dữ liệu mở

50%

100%

50%

SBN, QHPX

Hoàn thành vượt mức

Đã có 13 sở ban ngành chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở (SGTVT, BQL ATTP, SDL, SKHCN, SYT, SGDDT, SKHĐT, STTTT, SXD, STNMT, SVHTT, SNNPTNT, BQL KCNC); chia sẻ CSDL dùng chung quận huyện

II

Kinh tế số

1

Tỷ trọng Kinh tế số trong GRDP

12%

20%

-

Cục Thống kê

Hoàn thành vượt mức

- Theo Báo cáo của Bộ TT&TT, Kinh tế số của Đà Nẵng năm 2021 đóng góp 12,57% GRDP thành phố.

- Theo ước tính sơ bộ của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Kinh tế số Đà Nẵng năm 2022 đóng góp khoảng 17% GRDP thành phố.

2

Tỷ trọng công nghiệp ICT trong GRDP

8,7%

10%

-

Sở TT&TT

Hoàn thành vượt mức

- Theo báo cáo của Cục Thống kê, năm 2021 ngành công nghiệp ICT đóng góp 8,23% GRDP.

- Theo ước tính sơ bộ của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, ngành công nghiệp ICT năm 2022 đóng góp khoảng 12,85% GRDP thành phố.

3

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

100%

100%

100%

Cục Thuế

Hoàn thành

100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022 (theo Báo cáo số 2568/BC-CTDAN ngày 04/7/2022 của Cục Thuế)

4

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử

10%

20%

7%

Sở Công Thương

Hoàn thành

Theo Báo cáo số 387/BC-UBND ngày 09/12/2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2022 ước đạt 66.223 tỷ đồng; tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.

5

Trung tâm dữ liệu thành phố

3

-

Sở TT&TT

Hoàn thành vượt mức

Sở TT&TT: 01; VNPT: 01, Viettel: 01 Đã thu hút thêm 01 dự án đầu tư về Trung tâm dữ liệu thông minh (với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD) trong Khu CNTT Đà Nẵng.

Tập đoàn Viettel đang nghiên cứu triển khai thủ tục đầu tư Trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng

III

Xã hội số

1

Tỷ lệ người dân trường thành có điện thoại thông minh

~100 %

100%

85%

Sở TT&TT

Hoàn thành.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, tỷ lệ dân số của Đà Nẵng có điện thoại thông minh đạt khoảng 85%. Riêng người dân trưởng thành ước đạt 100%

2

Phủ sóng dịch vụ 5G

20%

-100%

Sở TT&TT

Chưa hoàn thành.

Từ cuối năm 2021 đã khai trương dịch vụ mạng 5G; đã triển khai 11 trạm phát sóng 5G tại khu vực trung tâm thành phố; đang triển khai thêm 41 trạm tại khu vực Liên Chiểu và Khu CNTT dự kiến hoàn thành năm 2022.

Chưa thể triển khai rộng rãi, đại trà vì Bộ TT&TT chưa cấp phép 5G cho các nhà mạng

3

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác

90%

100%

65-70%

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng

Hoàn thành.

Theo Công văn số 568/DAN-TH&KSNB ngày 20/6/2022 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng; số người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng là 2.324.287 người; gấp 4 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên (579.541 người)

4

Tỷ lệ người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân

100%

100%

-

Sở Y tế

Hoàn thành

Cơ bản mỗi người dân có mã ID y tế và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân (Trong thời gian đến cần tiếp tục chuẩn hoá dữ liệu)

5

Tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí trực tuyến không dùng tiền mặt

100%

100%

-

Sở Y tế

Hoàn thành

Sở Y tế đang triển khai thực hiện tại 16/16 bệnh viện (công) đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế quận, huyện (Trong thời gian đến cần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt)

6

Tỷ lệ học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử

100%

100%

-

Sở GD&ĐT

Hoàn thành

Cơ bản mỗi học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử

(Trong thời gian đến cần tiếp tục chuẩn hoá dữ liệu)

7

Tỷ lệ trường học triển khai thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt

100%

100%

-

Sở GD&ĐT

Hoàn thành

100% trường triển khai (Trong thời gian đến cần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt)

8

Tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động

4,5%

8,5%

-

Sở LĐTBXH

Hoàn thành vượt mức 7,7% (47.500/579.000 )

- Sở TT&TT đang triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ số; tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ chuyển đổi số đến năm 2025 (Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 07/11/2022); triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng

- Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn (Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 30/11/2022)

III. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CỤ THỂ

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

a) Tại Quyết định số 27/QĐ-UBNQGCĐS ngày 15/3/2022 về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 có giao nhiệm vụ thành phố Đà Nẵng triển khai ứng dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS) trên địa bàn thành phố, thời gian hoàn thành: tháng 6 năm 2022.

b) Ngày 07/4/2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 09/BCĐCĐS gửi Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai Nền tảng MOOCS; trong đó đề nghị chuyển giao Nền tảng MOOCS và giới thiệu doanh nghiệp nòng cốt phát triển Nền tảng cho thành phố Đà Nẵng để triển khai, đưa vào sử dụng; hướng dẫn quy trình về tiếp nhận, các chính sách hỗ trợ, nguồn kinh phí liên quan khi triển khai sử dụng Nền tảng MOOCS; cử đầu mối (họ và tên, chức vụ, đơn vị công tác, điện thoại di động, email) để phối hợp với thành phố Đà Nẵng triển khai.

c) Ngày 27/5/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 2025/BTTTT-THH, theo đó: Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành đánh giá và dự kiến công bố các nền tảng số quốc gia đáp ứng yêu cầu lần 1 trong tháng 6/2022 và công bố lần 2 trong tháng 12/2022. Cục Tin học hóa phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ đánh giá, bước đầu hoàn thiện Nền tảng MOOCS và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước trên Nền tảng.

đ) Tuy nhiên qua thời hạn 30/6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa chuyển giao Nền tảng MOOCS và giới thiệu doanh nghiệp nòng cốt phát triển Nền tảng cho thành phố Đà Nẵng; chưa hướng dẫn quy trình tiếp nhận, các chính sách hỗ trợ, các chi phí liên quan khi triển khai sử dụng Nền tảng MOOCS.

Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 1565/STTTT-CNTT ngày 04/7/2022 gửi Cục Tin học hóa - Đơn vị đầu mối thúc đẩy Nền tảng MOOCS sớm hoàn thiện Nền tảng và chuyển giao, hướng dẫn thành phố Đà Nẵng triển khai, phổ cập đến các cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

đ) Ngày 08/8/2022, Bộ TT&TT có Công văn số 4116/BTTTT-THH gửi UBND thành phố Đà Nẵng triển khai Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà.

e) Sở TT&TT đã trao đổi, làm việc với đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia và đơn vị phát triển Nền tảng MOOCS, tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 27/10/2022 triển khai Nền tảng MOOCS trên địa bàn thành phố trong năm 2022.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã triển khai 06 khóa bồi dưỡng chuyển đổi số (bao gồm: Chuyển đổi số cơ bản; chuyển đổi số xã; Phổ cập kỹ năng số cộng đồng; Chuyển đổi số các đơn vị chuyên trách; Cách tiếp cận nền tảng; Chuyển đổi số doanh nghiệp) trên Nền tảng MOOCS cho các lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn thanh niên và doanh nghiệp, người dân, Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổng cộng đã có 8.814 tài khoản học viên được tạo lập, hoàn thành 100% các khóa học.

2. Tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố: Chi tiết tại Phụ lục đính kèm.

IV. TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC

1. Về nhận thức

Mức độ tham gia của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế, chưa quan tâm, chủ động, tích cực triển khai các ứng dụng CNTT, chưa xác định chuyển đổi số là công cụ lõi để nâng cao hiệu quả hoạt động trong xu hướng tinh giản biên chế như hiện nay. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại một số cơ quan, đơn vị giá trị thấp[4]. Các ứng dụng mang tính chất nền tảng, phần mềm Quản lý nhà nước và CSDL chuyên ngành triển khai đến các sở ngành chưa được quan tâm sử dụng nên chưa phát huy hiệu quả, ít phát sinh dữ liệu.

2. Về cơ chế, chính sách, khung pháp lý

a) Các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây chưa có quy định áp dụng công nghệ số/thông minh, do đó đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số[5]. Hiện nay, các sản phẩm công nghệ số xu hướng là tích hợp với đa chức năng, trong khi đó chức năng quản lý nhà nước được phân công bởi nhiều cơ quan, trở thành rào cản khi lựa chọn đơn vị quản lý các sản phẩm công nghệ số, chưa tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng công nghệ mới[6].

b) Triển khai chuyển đổi số, thành phố thông minh là để giải quyết các “bài toán” lớn, khó trong thời gian qua không thực hiện được và để thành công thì cần áp dụng một số mô hình, quy định mới, chưa có quy định và tiền lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo chủ trương tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị chưa có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ để làm căn cứ cho các địa phương triển khai. Tại Thông báo kết luận số 220/TB-VPCP ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng, đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số.

c) Trong lĩnh vực y tế do chi phí công nghệ thông tin chưa được cơ cấu trong giá dịch vụ y tế, do đó việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số còn nhiều khó khăn. Đồng thời, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế do chi phí thanh toán qua mạng còn cao đối với bệnh nhân / người nhà bệnh nhân.

3. Về hạ tầng và dữ liệu số

a) Hạ tầng CNTT thành phố đã được, đầu tư gần 10 năm (từ năm 2012), đến nay một số thiết bị đã hết hạn, không còn sản xuất (end of line). Tuy nhiên, các dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng quy mô lớn (như Nâng cấp, mở rộng Mạng đô thị; Nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu) đang triển khai thi công, chưa đưa vào sử dụng nên năng lực tính toán, lưu trữ chưa theo kịp nhu cầu ứng dụng của các cơ quan đơn vị.

b) Dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung. Các CSDL nền quốc gia, các ứng dụng của một số Bộ ngành Trung ương được triển khai ở địa phương đóng kín, chưa chia sẻ lại cho địa phương sử dụng, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng về đơn vị chịu trách nhiệm và đầu mối. Một số CSDL chuyên ngành khi xây dựng chưa có sự tham gia, thẩm định của cơ quan chuyên ngành (như CSDL đất đai). CSDL và Phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của một số sở, ngành, quận huyện ít phát sinh dữ liệu, tính khả dụng thấp, do đó chưa được sử dụng, khai thác trong thực thi nghiệp vụ thực tế của các ngành, địa phương và việc chia sẻ về Kho dữ liệu dùng chung còn hạn chế.

c) Chính phủ chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về xác định dữ liệu mở, mức độ mở của dữ liệu, chưa có quy định về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan nhà nước[7].

4. Về quản lý dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước

Một số chương trình, dự án CNTT tiến độ triển khai chậm. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tác động của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất, cung ứng thiết bị CNTT trên toàn thế giới; vướng mắc của quy định pháp luật hiện hành chưa đảm bảo điều kiện để triển khai dự án[8]; khó khăn trong huy động từ nguồn vốn doanh nghiệp, xã hội hóa dẫn đến phải điều chỉnh hình thức đầu tư sang đầu tư công từ ngân sách thành phố[9]; khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế chất lượng do định mức chi phí quá thấp[10]; bị động trong việc khảo sát và thẩm định giá thiết bị, phần mềm thương mại[11]

Còn có những nguyên nhân chủ quan như sau: Trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, nhiều bước thực hiện[12] nhưng các chủ đầu tư chậm triển khai hồ sơ, thủ tục. Một số chủ đầu tư “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn, chưa mô tả, đưa ra yêu cầu cụ thể cho đơn vị tư vấn; hồ sơ tư vấn chưa đảm bảo yêu cầu, chất lượng; dẫn đến phải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nhiều lần[13].

Các chương trình, dự án TPTM triển khai chậm (như ngành giáo dục, du lịch, Liên Chiểu,.,.) làm ảnh hưởng đến chất lượng đồng bộ các thành phần của TPTM.

5. Về nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan thành phố mỏng, chưa đảm bảo năng lực trong tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh. Tại các sở, ban, ngành, quận huyện chỉ bố trí 01 cán bộ chuyên trách CNTT, tuy nhiên hiện nay phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác; tại UBND các phường xã chỉ phân công cán bộ phụ trách/kiêm nhiệm công tác CNTT, tuy nhiên trình độ chuyên môn về CNTT còn hạn chế. Tình trạng cán bộ CNTT tại cơ quan thành phố thôi việc có xu hướng tăng cao[14]. Việc thu hút, tuyển dụng nhân lực CNTT vào khu vực công ngày càng khó khăn do cạnh tranh so với khu vực tư nhân[15].

6. Về đồng bộ với triển khai mô hình chính quyền đô thị; sự phối hợp, tham gia đồng bộ của người dân, doanh nghiệp

Thành phố Đà Nẵng bắt đầu triển khai mô hình Chính quyền đô thị từ giữa năm 2021; việc triển khai Kiến trúc và Đề án TPTM để hỗ trợ vận hành Chính quyền đô thị là một bài toán mới, khó cần phải xem xét trong từng nhiệm vụ triển khai.

Phần II

NỘI DUNG KẾ HOẠCH NĂM 2023

I. PHẠM VI, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phạm vi

a) Triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 giao các địa phương thực hiện.

b) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023 thuộc Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Thông báo số 354/TB-TU ngày 22/9/2022 của Thành ủy Đà Nẵng về sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU.

c) Triển khai các nội dung được hướng dẫn tại Công văn số 5406/BTTTT-CĐSQG ngày 03/11/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023.

2. Mục đích

a) Xác định các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm trong năm 2023 cần có có sự chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng;

b) Phân công cụ thể cho từng ngành, địa phương triển khai thực hiện từng nhiệm vụ; có mục tiêu rõ ràng, định lượng, có thời hạn hoàn thành; tạo sự thống nhất của các ngành, các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; làm cơ sở hướng đến hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết và Đề án Chuyển đổi số đặt ra đến năm 2025.

3. Yêu cầu

a) Người đứng đầu ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, phải có giải pháp và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá chuyển đổi số cho Ngành, Địa phương mình;

b) Từ chủ đề chủ đề năm 2023 của thành phố “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” và Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”; chủ đề triển khai chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

c) Các ngành, địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

II. MỘT SỐ MỤC TIÊU CHÍNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023

STT

Chỉ tiêu

Mục tiêu năm 2025

Kết quả năm 2022

Mục tiêu 2023

Cơ quan chủ trì

Ghi chú

I

Dữ liệu số

1

Xây dựng, ban hành Danh mục CSDL dùng chung thành phố

Ban hành

Sở TT&TT

Toàn quốc:

Năm 2023 có ban hành danh mục, kế hoạch, lộ trình

2

Các sở, ngành, địa phương ban hành danh mục CSDL chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

3

Các sở, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Nền tảng LGSP thành phố

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

4

Xây dựng, ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở và kế hoạch, lộ trình cung cấp dữ liệu mở theo từng giai đoạn

Ban hành

Sở TT&TT

Toàn quốc:

Năm 2023 có ban hành danh mục, kế hoạch, lộ trình

5

Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở

100%

13 sở ban ngành; 06 quận, huyện

100% sở ngành, quận huyện

Sở TT&TT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

6

Xây dựng, ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực phát triển về quản trị dữ liệu

Ban hành

Sở TT&TT

Toàn quốc:

Năm 2023 có ban hành kế hoạch

7

Tỷ lệ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên triển khai giải pháp truyền tải dữ liệu hồ sơ sức khỏe, dữ liệu khám chữa bệnh của người dân tới Kho dữ liệu thành phố và Bộ Y tế

100%

Sở Y tế

Toàn quốc: 100%

8

Tỷ lệ các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và gắn nhãn tín nhiệm mạng

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc: 100%

II

Chính quyền số

1

Tỷ lệ dịch vụ hành chính công đủ điều kiện triển khai toàn trình (mức 4)

100%

100%

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc:

- Năm 2022: 91,3%

- Năm 2023: 100%

2

Tỷ lệ dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến

100%

91%

95%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc:

- Năm 2022: 80%

- Năm 2023: 90%

3

Tỷ lệ hồ sơ hành chính công trực tuyến

90%

73%

80%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc:

- Năm 2022: 52,8%

- Năm 2023: 60%

4

Tỷ lệ dịch vụ sự nghiệp công cung cấp mức 4

60%

50%

Sở Nội vụ

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

5

Tỷ lệ dịch vụ ngoài một cửa cung cấp mức 4

50%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

6

Tỷ lệ TTHC được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số

20%

5%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

7

Tỷ lệ dịch vụ cấp lại, cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày (đối với các thủ tục không tiến hành xác minh thực tế)

100%

30%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

8

Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính

100%

100% xét quả TTHC phát sinh mới

- 100% kết quả mới

- 50% kết quả năm 2020- 2022

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc:

- Năm 2022:1,66%

- Năm 2023: 100%

9

Kết quả giải quyết TTHC (số) được sử dụng lại

10 kết quả

03

05

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

10

Mỗi người dân trưởng thành có tài khoản số và 01 kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống

100%

43%

70%

Sở TT&TT

Toàn quốc: 30%

11

Tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

60%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc: 60%

12

Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công

30%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc: 30%

13

Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến

100%

Cấp thành phố báo cáo bộ ngành TW

100% cơ quan, địa phương

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Toàn quốc:

- Năm 2022: 40,7%

- Năm 2023: 50%

III

Kinh tế số

1

Tỷ trọng Kinh tế số trong GRDP thành phố

20%

17%

20%

Sở TT&TT

Toàn quốc:

- Năm 2022: 14%

- Năm 2023: 16%

2

Tỷ trọng công nghiệp ICT trong GRDP

10%

12%

14%

Sở TT&TT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

3

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng thường xuyên nền tảng số

40%

Sở TT&TT

Toàn quốc: Năm 2023: 30%

4

Bộ dữ liệu số/mở tạo ra giá trị, sản phẩm mới

50 bộ

10 bộ

Sở TT&TT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

5

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân

3

2,27

2,5

Sở TT&TT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

6

Tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động

8,5%

7,7%

8,5%

Sở TT&TT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

IV

Xã hội số

1

Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh

100%

~100%

100%

Sở TT&TT

2

Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh

95%

Sở TT&TT

Toàn quốc:

Năm 2023: 80%

3

Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng

99,58 %

100%

Sở TT&TT

Toàn quốc:

- Năm 2023: 85%

4

Tỷ lệ phủ sóng dịch vụ 5G

~50%

Thí điểm

20%

Sở TT&TT

5

Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử

30%

Công an thành phố

Toàn quốc:

- Năm 2023: 85%

6

Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân

20%

Sở TT&TT

Toàn quốc:

- Năm 2023: 20%

7

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác

100%

-100%

100%

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng

Toàn quốc:

Năm 2022: 66% Năm 2023: 75%

8

Tỷ lệ người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân

100%

-100%

100%; có áp dụng thực tế

Sở Y tế

Toàn quốc:

Năm 2023: 80%

9

Tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí trực tuyến không dùng tiền mặt

100%

100%

100%; có phát sinh 30% thanh toán

Sở Y tế

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

10

Tỷ lệ học sinh có mã ED và hồ sơ học bạ điện tử

100%

~100%

100%; có áp dụng thực tế

Sở GD&ĐT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

11

Tỷ lệ trường học triển khai thanh toán học phí trực tuyển không dùng tiền mặt

100%

100%

100%; có phát sinh 30% thanh toán

Sở GD&ĐT

Tiêu chí của riêng TP. Đà Nẵng

12

Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số

100%

45,8%

70%

Sở TT&TT

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Các nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 giao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số trên địa bàn thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian thực hiện: Ban hành kế hoạch hành động trong Quý I/2023, tổ chức sơ kết trong tháng 9/2023, tổ chức tổng kết trong tháng 12/2023.

b) Xây dựng và ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP .

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong Quý II/2023.

c) Đặc tả, xây dựng Danh mục cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực chuyên ngành (giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, du lịch,...); rà soát, kiểm kê và đánh giá chất lượng dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu trong Danh mục; có kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai, chuẩn hóa hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đưa vào hoạt động, cung cấp và chia sẻ để tạo ra giá trị mới.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành chủ quản cơ sở dữ liệu

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2023.

d) Rà soát, chuẩn hóa và công bố thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP thành phố, tạo sự tiếp cận dễ dàng với các dữ liệu được chia sẻ.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành chủ quản cơ sở dữ liệu

- Thời gian hoàn thành: Quý III/2023

đ) Rà soát, hoàn thiện Cổng dữ liệu mở thành phố, kết nối với Cổng dữ liệu mở quốc gia; ban hành kế hoạch, danh mục dữ liệu mở và triển khai cung cấp dữ liệu mở; bảo đảm 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở và có 800 tập dữ liệu mở công bố.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

e) Xây dựng, ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực phát triển về quản trị dữ liệu

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý III/2023.

g) Hoàn thiện nền tảng Kho dữ liệu dùng chung, nền tảng phân tích dữ liệu nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI mô phỏng về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các hoạt động của đô thị phục vụ dự báo, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số:

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023

h) Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện nền tảng Cổng dịch vụ công theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023

i) Triển khai nền tảng Trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý III/2023

k) Triển khai kết nối với hệ thống thông tin thuộc đối tượng quản lý để thu thập dữ liệu trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023

l) Triển khai kiểm tra hành chính định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước đối với đối tượng quản lý thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023

m) Phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số do các Bộ, ngành chủ trì.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết, Đề án Chuyển đổi số thành phố

a) Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông trực quan, hiệu quả, thiết thực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số phù hợp với từng nhóm đối tượng trong cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp; chia sẻ câu chuyện, bài toán, mô hình chuyển đổi số điển hình thông qua các kênh truyền thông đại chúng, các kênh truyền thông do cơ quan, đơn vị quản lý phù hợp với cơ quan, địa phương

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức thành phố; trong đó chứ trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

c) Triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cơ quan, địa phương; Tổ công nghệ số cộng đồng

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

d) Nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ số của chính quyền.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023

đ) Triển khai hạ tầng mạng di động 5G tại Khu Công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm và các khu vực trung tâm, trọng điểm trên địa bàn thành phố; đảm bảo đến cuối năm 2023, tối thiểu 20% khu vực dân cư thành phố phủ sóng và cung cấp dịch vụ 5G.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

e) Triển khai mạng truyền dẫn dùng riêng phục vụ kết nối, thu thập dữ liệu từ mạng lưới thiết bị IoT/cảm biến của các hạ tầng thiết yếu của đô thị

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

g) Tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giao cho địa phương trong năm 2023.

- Cơ quan chủ trì: Công an thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án trong Quý I/2023 và tổ chức triển khai, đánh giá kết quả trong Quý IV/2023.

h) Tạo lập, chuẩn hoá và chia sẻ dữ liệu số từ các cơ sở dữ liệu hiện có và mỗi sở, ngành, địa phương ít nhất có 01 dữ liệu số/mở được sử dụng tạo ra giá trị, sản phẩm mới

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện.

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

i) Rà soát 100% thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố; đề xuất cắt giảm, bỏ 5% TTHC hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính, 100% dịch vụ cấp đổi ngay trong ngày (đối với các thủ tục không tiến hành xác minh thực tế) hoặc giảm thành phần hồ sơ phải nộp thông qua sử dụng dữ liệu số, kết quả giải quyết TTHC (số).

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện phường xã; cá cơ quan Trung ương, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố.

- Thời gian hoàn thành: Trong Quý III/2023.

k) Triển khai Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 10/02/2023 thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện phường xã.

- Thời gian hoàn thành: Trong Quý IV/2023.

l) Rà soát, tham mưu ban hành 50% thủ tục hành chính của dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ ngoài một cửa của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố; để đảm bảo cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố

- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện phường xã

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

m) Triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện phường xã

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

n) Thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh (Trung tâm IOC) - Giai đoạn 1:

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2023.

o) Triển khai, hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin Báo cáo điện tử cho các sở, ban, ngành, địa phương

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

ô) Triển khai hiệu quả Kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố (Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 01/9/2020 của UBND thành phố), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (Chương trình số 112/CTr-UBND ngày 14/6/2022)

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Thời gian hoàn thành: Thường xuyên

p) Triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố giai đoạn 2021-2025.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

q) Triển khai sử dụng các phương thức thanh toán số; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại tất cả các chợ thuộc phạm vi quản lý (của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND quận, huyện, phường, xã); 100% bệnh viện thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế, 100% trường học thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo; chi trả trực tuyến không dùng tiền mặt cho các các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

r) Xây dựng kế hoạch thu thập thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để dự báo về nhu cầu thị trường nhân lực CNTT tại thành phố Đà Nẵng và thực hiện công bố

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và xã hội

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

u) Tổ chức các hoạt động kết nối, tư vấn triển khai chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

- Cơ quan chủ trì: Văn phòng Chuyển đổi số thành phố.

- Thời gian hoàn thành: Thường xuyên

s) Phổ cập tài khoản công dân số, kho dữ liệu số của người dân, kết hợp với mã QR cá nhân từ nền tảng QR quốc gia; tạo thuận lợi người dân sử dụng các dịch vụ số của Thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2023.

t) Hoàn thiện CSDL giáo viên, học sinh kết hợp với ký số học bạ điện tử.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

u) Hoàn thiện CSDL hồ sơ sức khỏe kết hợp với ký số một số thành phần, kết quả của hồ sơ sức khỏe; triển khai giải pháp truyền tải dữ liệu hồ sơ sức khỏe, dữ liệu khám chữa bệnh của người dân tới Kho dữ liệu thành phố và Bộ Y tế.

- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

v) Thí điểm nhận dạng, cảnh báo xe ô tô vi phạm đậu đỗ, chưa trả phí trên các tuyến đường

- Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông Vận tải

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

x) Triển khai Nền tảng địa chỉ số hộ gia đình; bảo đảm 70% hộ gia đình có địa chỉ số

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.

3. Các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố

a) Tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố

- Cơ quan chủ trì: Thường trực Ban Chỉ đạo

- Thời gian thực hiện: Họp định kỳ 01 quý/01 lần, sơ kết 6 tháng; tùy theo tình hình có thể mời thêm các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân liên quan tham dự.

b) Tổ chức Hội thảo chuyên gia về chuyển đổi số

- Cơ quan chủ trì: Thường trực Ban Chỉ đạo

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2023.

c) Báo cáo chuyên đề tình hình thực hiện Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố

- Cơ quan chủ trì: Thường trực Ban Chỉ đạo

- Thời gian hoàn thành: Quý II/2023.

d) Kiểm tra, đánh giá hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng chuyển đổi số tại các sở, ngành quận, huyện

- Cơ quan chủ trì: Thường trực Ban Chỉ đạo

- Thời gian hoàn thành: Năm 2023

đ) Vận hành, biên tập Cổng Thông tin Chuyển đổi số thành phố; thực hiện các báo cáo/bản tin chuyển đổi số hàng tháng

- Cơ quan chủ trì: Văn phòng chuyển đổi số thành phố

- Thời gian hoàn thành: Thường xuyên

e) Phối hợp với Cục Thống kê, Vụ kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT tính toán giá trị kinh tế số năm 2022 và các quý năm 2023

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

g) Tổ chức triển khai hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số thành phố và Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

h) Tổng kết hoạt động năm 2023 và xây dựng Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo

- Cơ quan chủ trì: Thường trực Ban Chỉ đạo

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2023.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng

a) Chỉ đạo, đôn đốc, điều phối chung việc triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố năm 2023 và các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

b) Định kỳ 03 tháng/lần tổ chức các phiên họp Ban Chỉ đạo để rà soát tiến độ triển khai, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh.

c) Chỉ đạo Văn phòng Chuyển đổi số thành phố triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch và theo Quy chế hoạt động.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Là cơ quan thường trực, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch này; định kỳ báo cáo UBND thành phố.

b) Tham mưu tổ chức các phiên họp định kỳ hoặc đột xuất Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng.

c) Chủ động nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Kế hoạch và phối hợp với các ngành, địa phương tìm phương án giải quyết, báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND thành phố xem xét, quyết định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với vốn chi đầu tư phát triển theo Kế hoạch vốn trung hạn 2021- 2025 đã được phê duyệt) và Sở Tài chính (đối với vốn thường xuyên) tham mưu UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định.

4. Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, xã; các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Hiệp hội, Hội ngành nghề

a) Tổ chức quán triệt Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, người dân; xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, định kỳ báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) tiến độ thực hiện trước ngày 30 tháng cuối cùng của từng Quý và ngày 15/12/2023.

b) Trên cơ sở nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt, có văn bản triển khai để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu (bao gồm cả giải pháp thực hiện, phân công cụ thể). Xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định; đồng thời chủ động huy động các nguồn kinh phí khác (ODA, xã hội hóa,..) để thực hiện nhiệm vụ (nếu có nhu cầu).

5. Sở Nội vụ

Theo dõi, đưa vào đánh giá thi đua khen thưởng trách nhiệm người đứng đầu về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và kết quả triển khai chuyển đổi số của ngành, địa phương.

6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung; các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2023; yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- UBQG về CĐS (b/c);
- Bộ TT&TT (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- TTTU, TTHĐND TP (b/c);
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện, phường, xã;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn TP;
- Các thành viên BCĐ CĐS TP;
- VP Chuyển đổi số Thành phố;
- Hội đồng Chuyên gia tư vấn CĐS TP;
- Đài PT TH Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng;
- Cổng TTĐT TP, Trung tâm TT DVC TP;
- Lưu: VT, STTTT.

CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

PHỤ LỤC

TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2022 TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Kèm theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 04/3/2023 của UBND thành phố Đà Nẵng)

l. Về triển khai thể chế

- UBND thành phố đã ban hành các văn bản quan trọng triển khai Nghị quyết, Đề án Chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025 như sau:

+ Triển khai Thành phố thông minh: Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 07/04/2022 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2022-2025.

+ Phát triển Chính quyền số: Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 20/04/2022 ban hành Kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025

+ Phát triển Kinh tế số, Xã hội số: Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/7/2022 triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.

+ Chuyển đổi số doanh nghiệp: Chương trình số 112/CTr-UBND ngày 14/6/2022 xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố.

+ Kế hoạch hành động năm 2022 về chuyển đổi số: Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13/04/2022 về Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022 bao gồm 20 chỉ tiêu, 09 nhóm nhiệm vụ với 27 nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án Chuyển đổi số để ưu tiên triển khai trong năm 2022.

+ Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 10/3/2022 triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022);

+ Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 31/03/2022 ban hành Danh mục dữ liệu không gian dùng chung thành phố Đà Nẵng.

+ Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 31/3/2022 số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

+ Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 20/7/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở đào tạo và các bệnh viện, cơ sở y tế.

+ Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 07/11/2022 phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

+ Quyết định số 2780/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 ban hành Đề án Truyền thông Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.

- Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, phường, xã đã ban hành Kế hoạch chi tiết Chuyển đổi số của ngành, địa phương 2021-2025.

2. Về tổ chức, nhân lực

- Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 67/QĐ-BCĐ ngày 15/6/2022; thành lập Văn phòng Chuyển đổi số tại Quyết định số 54/QĐ-BCĐ ngày 16/5/2022; phê duyệt danh sách lãnh đạo và thành viên Văn phòng Chuyển đổi số tại Quyết định số 124/QĐ-BCĐ ngày 23/11/2022. Từng sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, phường, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác chuyển đổi số trong ngành, địa phương

- UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2150/UBND-STTTT ngày 20/4/2022 triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đến nay, 100% phường, xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, tổ dân phố với gần 2.500 Tổ và 13.000 thành viên, trong đó Đoàn Thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sống tại địa phương làm nòng cốt. Sở TT&TT đã ban hành 04 văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng; cử danh sách đầu mối và cung cấp các tài liệu hướng dẫn.

Từ tháng 6/2022 đến nay, Sở TT&TT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số cho 07/07 quận, huyện và 56/56 phường xã đã triển khai tập huấn, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hơn 14.000 đại biểu là cán bộ, công chức và các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Ngày 15/9/2022, Sở TT&TT đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức “Chương trình tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng năm 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” với sự tham gia của gần 10.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng qua 56 điểm cầu trực tuyến.

Đồng thời, Sở TT&TT đã triển khai Chương trình bồi dưỡng chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã; triển khai khóa học phổ cập kỹ năng số trên Nền tảng MOOCS đến 100% đoàn viên thanh niên, Tổ công nghệ số cộng đồng.

- Sở TT&TT đã hướng dẫn thí điểm triển khai các nội dung chuyển đổi số tại các phường xã (Công văn số 1061/STTTT-CNTT ngày 10/5/2022) và triển khai họp thống nhất với 10 phường xã thí điểm các nội dung triển khai chuyển đổi số trong năm 2022 vào ngày 27/5/2022.

- Đến nay, tại Thành phố hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (đứng thứ hai sau TP. Hồ Chí Minh; gấp 03 lần tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp CNS/1000 dân); tổng nhân lực CNTT thành phố khoảng 47.500 người.

- Tại Thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy. Trong số các trường đại học, cao đẳng, có 17 trường đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần (Điện tử - viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Tin học thống kê, Tin học xây dựng,...). Năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn thành phố là 6.000 học sinh, sinh viên trong đó trình độ đại học, cao đẳng khoảng 4.500 sinh viên.

3. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng Thông tin Chuyển đổi số thành phố (https://dx.danang.gov.vn hoặc https://chuyendoiso.danang.gov.vn); trong năm 2022, Cổng Thông tin Chuyển đổi số đã đăng tải hơn 60 tin, bài liên quan đến hoạt động chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng. Xây dựng Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số doanh nghiệp (tích hợp trên Cổng Thông tin Chuyển đổi số thành phố) nhằm hỗ trợ mọi doanh nghiệp tự đánh giá để xác định hiện trạng hay mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của mình; từ đó có phản hồi kết quả (gồm thông tin, biểu đồ có so sánh với mức độ trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành/lĩnh vực) để doanh nghiệp biết điểm mạnh, điểm yếu và có giải pháp phù hợp.

- Cổng Thông tin điện tử thành phố, các Trang thông tin điện tử các cơ quan đã thiết lập chuyên mục “Chuyển đổi số”. Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng đã mở chuyên mục riêng về Chuyển đổi số, Thành phố thông minh và đăng tải hơn 10 phóng sự. Các cơ quan báo chí đã thực hiện hơn 100 tin bài tuyên truyền về công tác chuyển đổi số của thành phố trong năm 2022.

- Ngày 22/4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Chuyển đổi số cho hơn 200 đoàn viên, thanh niên; với 02 chuyên đề chính là quán triệt Nghị quyết, Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và hướng dẫn các kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và khai thác giá trị tích cực, hữu ích từ mạng xã hội.

- Sở TT&TT tổ chức Hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (ngày 10/5/2022); tổ chức Hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng” (ngày 20/5/2022); phối hợp Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Đối thoại Chuyên đề: Đà Nẵng Chuyển đổi số để phát triển (ngày 27/5/2022); phối hợp với Tập đoàn công nghệ BKAV tổ chức Hội thảo “Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số” (ngày 26/8/2022); phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành phố (ngày 12/11/2022); phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực nông nghiệp (ngày 20/12/2022). Các sở, ngành, địa phương cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyên ngành[16].

- Thực hiện Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia (ngày 10/10), UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 06/10/2022 tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó:

+ Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức đồng loạt truyền thông thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” trên môi trường số, gồm Cổng thông tin điện tử thành phố, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, kênh Zalo OA của các cơ quan, đơn vị; Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, đài truyền thanh cơ sở của các phường, xã; treo các băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tại các trụ sở, đơn vị.

+ Phổ cập, truyền thông bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia (đăng tải tại website http://dx.gov.vn/) thông qua việc hiển thị trên Cổng Thông tin điện tử thành phố, 100% trang thông tin điện tử của cơ quan, địa phương, trên các bảng điện tử, màn hình công cộng thuộc phạm vi quản lý, các website, apps của các cơ quan, địa phương và trên các báo điện tử trong tháng 10/2022; 100% cán bộ, công chức, viên chức đổi Avatar nhận diện Ngày chuyển đổi số quốc gia.

+ Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo truyền thông qua các kênh Tổng đài 1022, Cổng Thông tin Chuyển đổi số thành phố, trang Fanpage Tổng đài 1022, Danang Smart City, Zalo 1022; xây dựng sổ tay, tờ rơi, infographie,... về chuyển đổi số để tuyên truyền đến cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp; treo phướn xung quanh Toà nhà Trung tâm hành chính thành phố.

+ Tổng đài 1022 đã đăng tải hơn 200 tin, bài cung cấp thông tin về chuyển đổi số trên các kênh truyền thông của Tổng đài (Website, Zalo, Facebook); gửi thông tin đến hơn 564.000 tài khoản Zalo và cung cấp hơn 20.000 lượt thông tin cho người dùng Facebook qua Fanpage mỗi ngày. Tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho CBCCVC, tổ công nghệ số cộng đồng và khu dân cư tại 34 xã, phường toàn thành phố với tổng cộng 41 đạt. Vận hành Đường dây nóng chuyển đổi số và thường xuyên tổng hợp, báo cáo các ý kiến góp ý, đề xuất của người dân, doanh nghiệp về triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng. Xây dựng và in ấn 1.000 quyển sổ tay thông tin chuyển đổi số dành cho Tổ công nghệ số cộng đồng, hiện đã triển khai cho các quận huyện, xã phường sử dụng để tuyên truyền rộng rãi. Thiết kế hơn 300 infographie, 24 clip tuyên truyền các nội dung về chuyển đổi số trên toàn địa bàn thành phố. Triển khai treo 04 backdrop, 30 phướn tuyên truyền ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 quanh Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Triển khai treo 600 phướn, 50 băng rôn tuyên truyền 365 câu trích dẫn về chuyển đổi số trên địa bàn các quận, huyện. Triển khai in 65.000 tờ rơi tuyên truyền nội dung chuyển đổi số.

+ UBND các quận, huyện, phường, xã nghiên cứu tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số; giúp người dân, Tổ công nghệ số cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích, mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả truyền thông về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. Ban Tuyên giáo và Quận đoàn Liên Chiểu đã tổ chức Tập huấn chuyển đổi số và an ninh mạng năm 2022 có các đoàn viên thanh niên trên địa bàn quận ngày 08/10/2022; Huyện Hoà Vang tổ chức Hội thi “Tìm hiểu về chuyển đổi số năm 2022”; đưa tin về các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia.

+ UBND phường, xã tổ chức phát động, triển khai các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân” sử dụng các ứng dụng công nghệ số; đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo Kế hoạch hành động chuyển đổi số năm 2022.

4. Phát triển hạ tầng số

- Đến nay 100% hộ gia đình đã kết nối Internet cáp quang băng rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng 100% khu vực dân cư trên địa bàn thành phố.

- Từ cuối năm 2021 bắt đầu triển khai hạ tầng mạng 5G với 11 trạm phát sóng tại các tuyến đường trung tâm thành phố (diện tích phủ sóng được 1.5km2). Hiện đang triển khai thêm 41 trạm, trong đó có 01 trạm ở Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và 40 trạm ở Khu vực Liên Chiểu (Diện tích phủ sóng dự kiến 8 km2; tương đối 1/2 Khu vực dân cư quận Liên Chiểu); dự kiến hoàn thành năm 2022.

- Hạ tầng IoT bước đầu hình thành và phát triển. Sở TT&TT đã thí điểm 08 trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng). Tập đoàn Viettel đã đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) với 208 trạm Nb-IoT/ 07 quận huyện.

- Mạng đô thị thành phố (Mạng MAN) với tổng chiều dài gần 400 km cáp quang ngầm, mở rộng kết nối 145 cơ quan, đơn vị, đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Mở rộng kết nối Hệ thống WiFi thành phố tại các chợ, trung tâm y tế, các khu vực tập trung đông công nhân. Thí điểm lắp đặt 08 trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng). Trung tâm dữ liệu thành phố tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, dung lượng lưu trữ đến 170 TB. Triển khai Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp thành phố đến cấp quận huyện, phường, xã. Hình thành các Trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông,..

5. Phát triển dữ liệu số

- Đã hình thành các CSDL nền như công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức, xây dựng CSDL không gian đô thị, an toàn thực phẩm ... và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai Phần mềm CSDL và QLNN chuyên ngành các sở, ngành, quận, huyện. Bước đầu hình thành CSDL hạ tầng đô thị trên nền GIS với các lớp dữ liệu đất đai, quy hoạch xây dựng, giao thông, cấp nước, thoát nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan thành phố đã bắt đầu khai thác, sử dụng một số dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ số, thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh,...

- Hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Kho dữ liệu Đà Nẵng được Bộ TT&TT đánh giá và giới thiệu cho các tỉnh thành thực hiện. - Đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo). Hiện nay đang triển khai mở rộng Kho dữ liệu dùng chung phục vụ xử lý dữ liệu phi/bán cấu trúc, phân tích hỗ trợ ra quyết định.

6. Phát triển nền tảng số

Các nền tảng số được xây dựng và phát triển nhằm đảm bảo triển khai chuyển đổi số nhanh, thuận lợi và hiệu quả:

- Hoàn thiện Nền tảng Chính quyền điện tử, Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP thành phố theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ TT&TT, kết nối với trục liên thông quốc gia NGSP. Tính đến nay đã có 47 dịch vụ API được triển khai trên Nền tảng, 115 đơn vị đăng ký sử dụng API, gần 2,5 triệu lượt giao dịch qua Nền tảng.

- Đưa vào sử dụng Nền tảng Cổng Dịch vụ công[17] theo tiêu chuẩn, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT: cho phép định nghĩa, tạo lập kịp thời các dịch vụ công (trong 01 -02 ngày) khi thành phố ban hành thủ tục hành chính mới, bổ sung, sửa đổi. Cổng Dịch vụ công thành phố đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp Cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính với nhiều đối tác và phương thức thanh toán (Vietinbank, MoMo, Ngân Lượng,...). Với Nền tảng Cổng Dịch vụ công, thành phố đã triển khai thêm các thủ tục hành chính ngoài một cửa, các dịch vụ sự nghiệp công.

- Đưa vào sử dụng Nền tảng Báo cáo điện tử và điều hành[18] cho phép tạo lập các mẫu báo cáo động phục vụ công tác thống kê, báo cáo và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các cơ quan. Hiện nay các thông tin chỉ tiêu kinh tế xã hội từ năm 2019 đến nay đã nhập liệu trên hệ thống và đồng bộ, chia sẻ với Hệ thống thông tin Báo cáo Chính phủ.

- Đưa vào sử dụng Nền tảng quan trắc; hiện nay đã tích hợp dữ liệu của hơn 50 trạm quan trắc môi trường nước, không khí toàn thành phố và 03 trạm quan trắc công trình cầu (cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý) để theo dõi, giám sát tập trung các chỉ số quan trắc, phát hiện cảnh báo sớm các chỉ số vượt ngưỡng phục vụ công tác quản lý.

- Phát triển Nền tảng quản lý camera và đưa vào sử dụng Nền tảng giám sát đỗ xe[19] nhằm giám sát các bãi đỗ xe, giám sát tình hình đậu đỗ xe, chức năng nhận dạng biển số, phát hiện vi phạm đỗ xe trái phép,... Đến nay đã tích hợp 25 bãi đỗ xe, hơn 80 tuyến đường cấm đậu đỗ xe (theo giờ, theo ngày chẵn lẽ,...); đã phát hiện 183 xe có dấu hiệu vi phạm và đã xử phạt nguội 23 xe vi phạm.

- Đưa vào sử dụng Nền tảng giám sát hành trình xe (xe rác, xe cứu hỏa, xe cứu thương); đến nay đã kết nối, tích hợp dữ liệu hành trình của 19 xe cứu thương, 43 xe cứu hỏa, 19 xe rác để theo dõi, giám sát hành trình, cung cấp thông tin cho người dân và phục vụ công tác điều phối, quản lý xe.

- Đưa vào sử dụng Nền tảng giám sát tàu thuyền ra vào Âu thuyền Thọ Quang; tích hợp chức năng nhận dạng biển hiệu tàu thuyền. Đến nay đã triển khai 70 camera giám sát tại khu vực Âu thuyền; phát hiện hơn 42.500 lượt tàu thuyền ra vào; 840.000 lượt xe ra vào Cảng Cá.

- Đưa vào sử dụng Nền tảng Ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích Da Nang Smart City cung cấp các dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân, cộng đồng (tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, xe buýt, vi phạm giao thông, giá đất, tiền điện, nước, bãi đỗ xe,....). Lũy kế đến nay Ứng dụng đã có gần 1,2 triệu lượt tải, sử dụng.

Đặc biệt, ứng dụng Da Nang Smart City đã được sử dụng phục vụ hiệu quả triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, với các dịch vụ khai báo y tế điện tử, khai báo cách ly tại nhà, khai báo đăng ký ra vào thành phố,... Ứng dụng Da Nang Smart City đã triển khai tính năng thông báo (push notification) đối với các tin tức của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố để kịp thời thông tin đến người dân.

- Phát triển Nền tảng công dân số MyPortal[20] cho phép định danh, xác thực, mỗi người dân có 01 hồ sơ số và được gắn mã QR cá nhân duy nhất (theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mã QR quốc gia của Bộ TT&TT), lưu giữ các thông tin, dữ liệu, tài liệu cá nhân trên Nền tảng; phục vụ thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước hoặc sử dụng các dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp (điện, nước, y tế, giáo dục,...). Nền tảng cho phép tích hợp với các hệ thống, ứng dụng chuyên ngành để cung cấp dịch vụ, tiện ích số cho người dân; cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời đến người dân; người dân dễ dàng góp ý, phản ánh, hiến kế đến Chính quyền và được xử lý, phản hồi kết quả.

Tính đến nay đã có hơn 260.000 tài khoản công dân số được tạo lập (43% dân số trưởng thành); góp phần triển khai đẩy mạnh tỷ lệ hồ sơ DVCTT (Trong tháng 01-06/2022, tỷ lệ hồ sơ tăng từ 50% lên 53%; tuy nhiên từ tháng 07- 12/2022; tỷ lệ hồ sơ tăng từ 53% lên 73%).

7. Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng

- Triển khai Hệ thống phòng chống mã độc tập trung theo yêu cầu tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tất cả (3.000 máy tính của cán bộ, công chức) cài đặt phần mềm chống mã độc có bản quyền và kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia. Triển khai đầy đủ bảo đảm an toàn thông tin theo 04 lớp theo yêu cầu tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức kiện toàn Tiểu Ban An toàn thông tin, Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin thành phố; hướng dẫn triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam.

- UBND thành phố đã phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho hầu hết hệ thống thông tin: Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử (cấp độ 4 - mức cao nhất) và 12 hệ thống thành phần; phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin đối với 11 hệ thống chuyên ngành (cấp độ 3).

- Thành phố đã tự phát triển sản phẩm chuyên dụng Tường lửa bằng nguồn lực và công nghệ trong nước (do Trung tâm Vi mạch - đơn vị trực thuộc Sở TT&TT phát triển) và chuyển giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ sử dụng. Hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm công nghệ cao phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

- Tổ chức diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin thành phố năm 2022 (vào ngày 19-20/12/2022); tổ chức ký kết Kế hoạch hợp tác với Lữ đoàn 3/Bộ Tư lệnh 86 triển khai bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng năm 2023; tổ chức 02 Hội thảo chuyên đề về an toàn thông tin trong bảo vệ dữ liệu, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

- Đã tổ chức 02 lần làm việc với Đoàn công tác Bộ Công an và Công an thành phố về việc kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin hệ thống kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Đến nay thành phố đã hoàn thành công tác khắc phục, đảm bảo điều kiện kết nối với CSDL quốc gia về dân cư.

8. Phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số

- Tính đến nay thành phố Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Trong đó 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu tại Kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là 50%). Ngoài các dịch vụ hành chính công; hiện nay, đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố.

- Đưa vào sử dụng Kho dữ liệu Kết quả giải quyết thủ tục hành chính số thành phố (01 phân hệ trên Hệ thống eGov) với 02 nhóm chức năng chính: Thu nhận kết quả TTHC số phát sinh mới và cập nhật kết quả TTHC số trước đây; để phục vụ cung cấp dịch vụ số (người dân, doanh nghiệp sử dụng lại trong giao dịch hoặc cơ quan nhà nước sử dụng trong giải quyết TTHC, giảm thành phần hồ sơ phải nộp cho người dân, doanh nghiệp;...).

- Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo thành phố và số liệu điều hành (tại địa chỉ https://bcdh.danang.gov;vn), kết nối với Hệ thống thông tin Báo cáo Chính phủ; triển khai cập nhật và báo cáo số liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố từ năm 2019 đến nay; đồng bộ với hệ thống của Văn phòng Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống lấy ý kiến các thành viên UBND thành phố về các hồ sơ, chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố; Hệ thống thông tin phục vụ cuộc họp của UBND thành phố, ứng dụng Speech-to-Text gỡ băng cuộc họp (sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên,...); Phần mềm theo dõi công việc Lãnh đạo UBND thành phố giao;...

- Triển khai Hệ thống quản lý văn bản điều hành cho các cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể cấp Thành phố đến quận huyện đến xã phường để gửi nhận và quản lý văn bản điện tử; phát triển các phân hệ xác nhận văn/xác thực bản điện tử giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ giao dịch điện tử.

- Hình thành Trung tâm Giám sát thông minh Mini IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TTTT[21] và 12 dịch vụ tăng thêm khác[22]. Triển khai khởi công Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh, đưa vào vận hành khai thác trong Quý I/2023. Tổ chức lễ khởi động Dự án Xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh Đà Nẵng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của KOICA Hàn Quốc vào ngày 04/3/2022; triển khai các thủ tục đầu tư, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án trong năm 2023, đưa vào vận hành thử nghiệm năm 2024 và triển khai chính thức năm 2025.

9. Phát triển Kinh tế số

- Ngành thông tin và truyền thông tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, là một trong những ngành có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố cao nhất[23]. Doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông năm 2022 ước đạt 34.293 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 132 triệu USD, tăng 11,9% so với năm 2021.

Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ TT&TT (Báo cáo chỉ số chuyển đổi số năm 2021); kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP. Theo ước tính sơ bộ của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Kinh tế số Đà Nẵng năm 2022 đóng góp khoảng 17% GRDP thành phố.

- Về hạ tầng Khu CNTT, CVPM:

+ Thành phố hiện có 02 Khu CNTT tập trung gồm: Khu CVPM Đà Nẵng từ năm 2013 đã lấp đầy 100%; Khu CNTT Đà Nẵng do Trung Nam đầu tư đã thu hút thêm ít nhất 01 dự án đầu tư của doanh nghiệp về lĩnh vực Trung tâm dữ liệu thông minh phục vụ kinh tế số (Quỹ đầu tư Infracrowd Capital đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu tại Khu CNTT tập trung, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD).

Ngoài ra, Khu FPT Complex của Tập đoàn FPT đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu CNTT tập trung (Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 133/BC-BTTTT ngày 21/9/2022 thẩm định hồ sơ công nhận đối với Khu FPT Complex).

+ Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng Khu CVPM số 2, dự kiến đưa vào hoạt động, khai thác trong Quý I/2023; đang xúc tiến, thu hút đầu tư Khu Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ; xúc tiến triển khai Tòa nhà phần mềm và công nghệ cao của Tập đoàn Viettel; Khu CNTT Da Nang Bay của Tập đoàn VNPT.

- Về doanh nghiệp và nhân lực công nghệ số:

+ Thành phố hiện có hơn 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (đứng thứ hai sau TP. Hồ Chí Minh; cao gấp 03 lần tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp CNS/1000 dân).

+ Tổng nhân lực CNTT thành phố tính đến cuối năm 2022 ước khoảng 47.500 người, chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố (cao hơn tỷ lệ toàn quốc là 2,1%).

- Về thị trường và sản phẩm công nghệ số:

+ Các doanh nghiệp công nghệ số Đà Nẵng có sản phẩm và triển khai hầu hết tại các tỉnh thành toàn quốc. Đặc biệt là làm cho thị trường nước ngoài: thị trường Nhật Bản và Mỹ vẫn là 02 thị trường mà các doanh nghiệp CNTT chú trọng phát triển kinh doanh nhất (chiếm tỷ lệ 36% tại mỗi thị trường), thị trường các nước liên minh châu Âu - EU (chiếm 16%), và các nước châu Á khác như: Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (chiếm 12%).

+ Các doanh nghiệp công nghệ số đã từng bước làm chủ công nghệ lõi của CMCN 4.0 (như công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo,...), phát triển các sản phẩm Make in Da Nang và đã nhân rộng thành công tại các địa phương khác như Hệ thống đo mưa tự động (triển khai toàn quốc với 2.000 trạm), CSDL cán bộ công chức (20 tỉnh thành); Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống camera giao thông thông minh, Hệ thống quan trắc môi trường nước/không khí công nghệ IoT, Tường lửa,...

+ Một số nền tảng, sản phẩm công nghệ số của thành phố đã được các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao như:

Nền tảng Cổng Dữ liệu mở đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020. Nền tảng quản lý camera thông minh thuộc Top 10 Giải pháp số xuất sắc thuộc Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam 2020. Nền tảng Kho dữ liệu dùng chung đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021, được đưa vào tài liệu Câu chuyện Chuyển đổi số của Bộ TT&TT và giới thiệu đến các địa phương tham khảo, nghiên cứu học tập, triển khai. Nền tảng Cảng Chuyển đổi số ePort và Giải pháp tự động hóa ứng dụng công nghệ RPA đạt Giải thưởng Sao Khuê 2022. Nền tảng Công dân số đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022. Nền tảng chuyển đổi số ngành dệt may của Công ty Retex là 1 trong 05 sản phẩm đạt Giải thưởng Viet Solutions 2022.

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có 04 sản phẩm của Đà Nẵng được trao Giải thưởng Sản phẩm Make in Viet Nam năm 2022: Giải pháp Green Data của Công ty cổ phần CNTT Toàn cầu Xanh thuộc Top 10 sản phẩm số xuất sắc Chính phủ số; Giải pháp ERP của Công ty CP Phần mềm quản lý Doanh nghiệp và Sản phẩm công tơ điện tử của Tổng công ty Điện lực Miền Trung thuộc Top 10 sản phẩm số xuất sắc Kinh tế số; Trạm sạc nhanh cho ôtô điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung thuộc Top 10 sản phẩm số tiềm năng.

- Về thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt:

+ Đà Nẵng đã xây dựng Sàn Thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến; đến nay đã có hơn 1.770 doanh nghiệp và 2.582 sản phẩm tham gia trên Sàn. Thành phố cũng tích cực triển khai đưa các sản phẩm OCOP và hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử; triển khai giải pháp triển lãm ảo và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến bán hàng trực tuyến. Tháng 4/2022 thành phố đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel Đà Nẵng) triển khai mô hình chợ 4.0 tại 07 chợ lớn trên địa bàn với hơn 2000 tiểu thương tham gia; trang bị mã VietQR kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ cho tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến, bố trí điểm Bưu chính Viettel tại chợ để hỗ trợ cho tiểu thương hay khách hàng thuận lợi và nhanh chóng trong việc gửi và nhận hàng hóa.

+ Thành phố đang hoàn thiện Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực theo chủ trương thống nhất của Thủ tướng Chính phủ.

+ Theo Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Đà Nẵng thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử năm 2021 (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

10. Về xã hội số

- Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; điện thoại thông minh 105 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân. Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên là 2.324.287 tài khoản; gấp 4 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên (579.541 người).



[1] Giá trị 0,6868 điểm; tăng 0,1502 điểm so với năm 2020 (0,5346 điểm)

[2] Giá trị 0,6312 điểm; tăng 0,2157 điểm so với năm 2020 (0,4155 điểm)

[3] Theo Báo cáo của Cục An toàn thông tin và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

[4] UBND thành phố đã có văn bản số 1998/UBND-STTTT ngày 13/4/2022 chỉ đạo đẩy mạnh triển khai, cung cấp DVCTT trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên qua rà soát: một số sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến dưới 65% (Ban Quản lý An toàn thực phẩm 42,36%); Một số đơn vị trực thuộc các sở, ngành tỷ lệ hồ sơ còn đạt thấp dưới 30% (như Ban Tôn giáo, Trung tâm Phục vụ Đối ngoại, Văn phòng Đăng ký đất đai và một số chi nhánh); 13/56 phường, xã đạt dưới 65%, trong đó có 08 xã, phường dưới 10%, thậm chí có 02 đơn vị đạt dưới 1%.

[5] Ví dụ: Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trước đây là Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT) quy định kỹ thuật quan trắc môi trường, theo đó đưa ra yêu cầu trạm quan trắc môi trường nước thải phải có nhà trạm, máy bơm, thùng chứa mẫu nước, điều hoà, báo cháy, UPS...; trong khi đó có thể sử dụng công nghệ IoT và năng lượng mặt trời thiết lập 01 trạm có đầy đủ chức năng, giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành bảo đảm tính hiệu quả; 01 trạm có thể di chuyển trong cả hồ để quan trắc (thay vi phải trang bị nhiều trạm), có thể di chuyển trạm đến khu vực khác khi cần thiết một cách dễ dàng).

[6] Ví dụ: Nền tảng quan trắc dùng chung liên quan đến quan trắc môi trường, quan trắc công trình cầu,...; Hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông,...

[7] Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; tuy nhiên chỉ mới đề cập một số quy định, nguyên tắc chung về dữ liệu mở.

[8] Ví dụ: Dự án Thẻ du lịch thông minh liên quan đến quy định của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán; Dự án Hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh liên quan đến quy định hợp đồng BT nên phải điều chỉnh sang hình thức đầu tư công ngân sách thành phố

[9] Ví dụ: Dự án Mạng lưới thiết bị IoT trường học; Bệnh viện thông minh

[10] Theo Quyết định số 1688/QĐ-BTTTT ngày 11/10/2019 của Bộ TT&TT về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2378/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2016 của Bộ TT&TT công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng NSNN; định mức chi phí lập dự án đầu tư là 3,64% tảng chi phí xây lắp và thiết bị; chi phí lập thiết kế thi công - dự toán là 3,376% tổng chi phí xây lắp và thiết bị) nhưng công việc phức tạp, hàm lượng tri thức cao; và đã là đơn vị tư vấn lập hồ sơ thì không thể tham gia đấu thầu thi công. UBND thành phố đã có Công văn số 3416/UBND-STTTT ngày 22/6/2022 gửi Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT báo cáo cụ thể về vướng mắc này

[11] Ví dụ: Dự án Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh việc thẩm định giá phải thực hiện 3 lần, thời gian 6 tháng; lấy ý kiến Sở Tài chính về giá thiết bị thực hiện 3 lần, thời gian 3 tháng

[12] Theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; Lập nhiệm vụ khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát; Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi/Báo cáo kinh tế - kỹ thuật/Hồ sơ thiết kế chi tiết; thẩm định giá; lấy ý kiến Sở Tài chính về giá thiết bị; Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu; đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Thương thảo, ký kết hợp đồng, triển khai thi công; Kiểm thử chức năng, kiểm thử an toàn thông tin, vận hành thử nghiệm; Đào tạo, tập huấn, chuyển giao; Nghiệm thu, đưa vào sử dụng; Thanh quyết toán dự án.

[13] Sở TT&TT hàng năm đều ban hành và tổ chức tập huấn Khung hướng dẫn triển khai chương trình dự án CNTT thành phố; tuy nhiên việc lập hồ sơ tư vấn vẫn không đúng mẫu, sai phạm vi; đơn vị tư vấn khi triển khai xây dựng hồ sơ cũng chưa khảo sát kỹ quy trình, nhu cầu người sử dụng, chưa đạt yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, yêu cầu người sử dụng, chức năng hệ thống, mô hình thiết kế, chia sẻ dữ liệu, an toàn thông tin...

[14] Trong 02 năm 2020-2021 tại cơ quan Sở TT&TT và các đơn vị trực thuộc Sở có hơn 20 trường hợp công việc, viên chức, người lao động thôi việc

[15] Dù thành phố đã ban hành Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực cao

[16] Sở Du lịch tổ chức Lễ ký kết hợp tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và Công ty TNHH Du lịch Klook Việt Nam vào ngày 21/01/2022; phối hợp với Tập đoàn Viettel khai mạc Hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasti City 2022 vào ngày 17/3/2022; tổ chức tập huấn chuyển đổi số chuyên sâu cho doanh nghiệp du lịch vào ngày 21-22/4/2022; hội thảo “Nâng cao năng lực chuyển đổi số và giải pháp chiếu sáng thông minh tại các cơ sở lưu trú du lịch” ngày 11/8/2022; tập huấn chuyển đổi số chuyên sâu cho doanh nghiệp lữ hành ngày 22/9/2022. Sở Y tế phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức Hội thảo Y tế thông minh (Smart Health) và khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth) vào ngày 10/3/2022. UBND quận Thanh Khê tổ chức Tọa đàm Chính quyền số - vấn đề và giải pháp vào ngày 17/3/2022. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tập huấn chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngày 30/6/2022.

[17] Tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn

[18] Tại địa chỉ https://bcdh.danang.gov.vn

[19] Tại địa chỉ https://doxe.danang.gov.vn

[20] Tại địa chỉ (https://myportal.danang.gov.vn và mobile app

[21] Bao gồm: Dịch vụ phản ánh, góp ý; dịch vụ giám sát dịch vụ công; dịch vụ giám sát giao thông; dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát an toàn thông tin; dịch vụ giám sát thông tin mạng xã hội

[22] Giám sát môi trường nước, không khí; giám sát tình hình dịch bệnh Covid-19, dữ liệu mở, giám sát hành trình xe rác,...

[23] Báo cáo tình hình kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng Quý II và 6 tháng đầu năm 2022

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 56/KH-UBND ngày 04/03/2023 triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng năm 2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


205

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.82.182
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!