ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3160/KH-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 9 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2022
Căn cứ Kế hoạch số 5287/KH-UBND ngày
19 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc triển khai hồ sơ sức
khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025.
Căn cứ Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày
28 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Triển khai Chương trình
“Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí
Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2022.
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình
số 5024/TTr-SYT ngày 25 tháng 7 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế
hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, cụ
thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu chung
Tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử
của mỗi người dân Thành phố, để mỗi người dân biết về thông tin sức khỏe của
mình và các cơ sở khám chữa bệnh có thông tin sức khỏe ban đầu của người bệnh
nhanh chóng, chính xác; từng bước xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe của người
dân Thành phố.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng nền tảng số tạo lập dữ liệu
sức khỏe của người dân trên địa bàn Thành phố để mỗi người dân biết về thông
tin sức khỏe của mình và các cơ sở khám chữa bệnh có thông tin ban đầu của người
bệnh nhanh chóng và chính xác.
- Khai thác dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện
tử phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân Thành
phố, xây dựng mô hình bệnh tật về các bệnh không lây nhiễm.
- Nâng cao nhận thức của người dân về
lợi ích của việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Ưu tiên hoàn thành tạo lập hồ sơ sức
khỏe người thuộc nhóm nguy cơ tại Thành phố trong năm 2022 và được cập nhật
thông tin sức khỏe thường xuyên.
3. Yêu cầu
- Hồ sơ sức khỏe điện tử phải đảm bảo
tính bảo mật, riêng tư của người dân. Đảm bảo định danh người dân bằng số
CCCD/CMND/Mã định danh. Mẫu hồ sơ sức khỏe ghi nhận nội dung, thông tin theo
quy định của Bộ Y tế và phù hợp với các quy chuẩn quốc tế.
- Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đảm
bảo tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ
thuật theo quy định và liên thông với cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của
Bộ Y tế.
- Các dữ liệu bắt buộc phải có khi lập
hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm: dữ liệu hành chính; dữ liệu tiêm chủng mở rộng
(đối với trẻ em) và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; dữ liệu tiền sử bệnh tật,
dị ứng...; dữ liệu chỉ số nhân trắc học (cân nặng, chiều cao); dữ liệu về nhóm
máu; dữ liệu về bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh hiện
mắc khác.
I. NỘI DUNG THỰC
HIỆN
1. Hoạt động 1:
Xây dựng công cụ tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử
1.1 Các hoạt động triển khai
- Xây dựng thông tin hồ sơ sức khỏe
điện tử cho người dân dựa trên mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm
sóc sức khỏe ban đầu theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2017 của
Bộ Y tế, phần thông tin người dân tự khai phải đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện.
Xác định các thông tin sức khỏe cần thu thập khác để nâng cao công tác chăm sóc
sức khỏe cho người dân trên địa bàn Thành phố.
- Xây dựng các yêu cầu, giải pháp về
kỹ thuật để chọn lựa đơn vị tư vấn phù hợp xây dựng thuyết minh và dự toán chi
tiết triển khai dự án này, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, tuân thủ
Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố, liên thông kết nối với các hệ thống
khác như:
+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp
Quốc gia: Nền tảng tiêm chủng quốc gia và nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ
Y tế; cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp; cơ sở dữ liệu PC-COVID của Bộ thông
tin và Truyền thông; cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội; cơ sở dữ
liệu dân cư của Bộ Công an.
+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
các đơn vị tại Thành phố: cơ sở dữ liệu y tế bao gồm cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh,
người thuộc nhóm nguy cơ, nền tảng số COVID-19; cơ sở dữ liệu hộ tịch.
- Xây dựng kế hoạch đấu thầu để chọn
lựa đơn vị triển khai đủ năng lực và có giải pháp kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí
trong thuyết minh dự án.
- Xây dựng công cụ tạo lập dữ liệu hồ
sơ sức khỏe điện tử (Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử) bao gồm các hệ thống:
+ Xây dựng ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện
tử cho người dân trên nền tảng web, thiết bị di động.
+ Xây dựng Hệ thống quản lý hồ sơ sức
khỏe cho các cơ sở y tế.
+ Xây dựng công cụ liên thông, kết nối
với các hệ thống, cơ sở dữ liệu khác.
+ Xây dựng Hệ thống tích hợp thông
tin quản lý, điều hành thông minh, khai thác số liệu giúp xác định mô hình bệnh
tật về các bệnh không lây nhiễm và giúp phân tích tình hình sức khỏe của người
dân Thành phố theo từng thời điểm, giai đoạn để có các biện pháp can thiệp phù
hợp.
1.2 Tổ chức và thời gian thực hiện:
- Đơn vị thực hiện: Sở Y tế.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông, các đơn vị khác có liên quan.
- Thời gian thực hiện: quý 3-4 năm
2022.
1.3 Kinh phí thực hiện: Dự toán 35.000.000.000 đồng (Ba mươi lăm tỷ đồng) từ nguồn ngân sách
Thành phố cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Chương trình chuyển đổi
số (Kinh phí sự nghiệp khoa học và Công nghệ).
2. Hoạt động 2:
Triển khai thu thập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử
2.1. Về công tác tổ chức tuyên
truyền, vận động cộng đồng, người dân cùng tham gia vào việc lập hồ sơ sức khỏe
điện tử
a) Các hoạt động triển khai
- Xây dựng và phát hành các tài liệu,
nội dung truyền thông về hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của
việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Phổ biến và vận động người dân lập hồ sơ sức
khỏe điện tử, hướng dẫn sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để lập hồ sơ.
- Vận động các cơ quan, tổ chức, đơn
vị cùng phối hợp, hỗ trợ, tham gia thực hiện trong quá trình lập hồ sơ sức khỏe
điện tử.
b) Tổ chức và thời gian thực hiện
- Đơn vị thực hiện: Sở Y tế.
- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân quận
huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Thành
phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, các đơn vị khác có liên quan.
- Thời gian thực hiện: quý 3-4 năm
2022.
c) Kinh phí thực hiện: Dự toán 3.920.000.000 đồng (Ba tỷ chín trăm hai mươi triệu đồng) từ
nguồn ngân sách Thành phố cấp cho Sở Y tế (Kinh phí sự nghiệp y tế).
2.2. Tập huấn, giám sát để triển
khai thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử
a) Các hoạt động triển khai
- Tập huấn cho cán bộ phụ trách và điều
tra viên hiểu các khái niệm và ý nghĩa của hồ sơ sức khỏe điện tử, cách sử dụng
các hệ thống thuộc Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; cách thức triển khai,
phương pháp phối hợp thực hiện; phương pháp tiếp cận và các bước thực hiện để tạo
lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Tập huấn công tác quản trị Nền tảng
hồ sơ sức khỏe điện tử cách giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện, hỗ trợ người
dân tra cứu thông tin và tiến hành khai hộ khi cần thiết.
b) Tổ chức và thời gian thực hiện
- Đơn vị thực hiện: Sở Y tế.
- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân quận
huyện và thành phố Thủ Đức.
- Thời gian thực hiện: quý 4 năm
2022.
c) Kinh phí thực hiện: Dự toán 2.184.000.000 đồng (Hai tỷ một trăm tám mươi bốn triệu đồng) từ
nguồn ngân sách Thành phố cấp cho Sở Y tế (Kinh phí sự nghiệp y tế).
2.3. Triển khai tạo lập hồ sơ sức
khỏe điện tử tại 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức
a) Các hoạt động triển khai
- Tổ chức triển khai tạo lập hồ sơ sức
khỏe điện tử cho người dân Thành phố, ưu tiên nhóm người yếu thế, công tác triển
khai tạo lập được thực hiện như sau:
+ Quý 4 năm 2022: Tạo lập hồ sơ sức
khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ (người có tuổi trên 50 hoặc có bệnh nền);
+ Năm 2023: Tạo lập hồ sơ sức khỏe
cho nhóm phụ nữ mang thai và trẻ em;
+ Năm 2024 - 2025: Tạo lập hồ sơ sức
khỏe cho nhóm người còn lại.
- Tổ chức cung cấp tờ rơi hướng dẫn,
hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe để kích hoạt, kiểm tra và bổ
sung thêm thông tin vào hồ sơ.
- Tổ chức quản lý, giám sát tình hình
khai báo hồ sơ sức khỏe của người dân và thiết lập đường dây nóng để giải đáp,
hỗ trợ người dân thực hiện khai báo thông tin được thuận lợi.
b) Tổ chức và thời gian thực hiện
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân
quận huyện và thành phố Thủ Đức.
- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế, Sở Thông
tin và Truyền thông, các đơn vị khác có liên quan.
- Thời gian thực hiện: quý 4 năm 2022
(tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ).
c) Kinh phí thực hiện: Dự toán 5.291.000.000 đồng (Năm tỷ hai trăm chín mươi mốt triệu đồng từ
nguồn ngân sách Thành phố cấp cho Sở Y tế (Kinh phí sự nghiệp y tế).
Lưu ý: các giá trị dự toán kinh phí thực hiện các nội dung công việc chỉ là
cơ sở để Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí thực hiện, không làm cơ sở để
thanh quyết toán.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
- Triển khai công tác chuyên môn về hồ
sơ sức khỏe người dân, chọn lựa thông tin sức khỏe ban đầu cần thu thập.
- Chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng, vận
hành công cụ tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử theo quy định của Bộ Y tế;
bảo đảm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử hoạt động thường xuyên, ổn định sau khi
triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát và đánh giá việc triển khai hồ sơ sức
khỏe điện tử tại các quận huyện và thành phố Thủ Đức.
- Khởi tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe
điện tử trong giai đoạn đầu bao gồm các thông tin về hành chính, bảo hiểm y tế,
tiêm chủng từ các nguồn dữ liệu BHXH, PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử và tạo lập
hồ sơ sức khỏe cho đối tượng nhập cư mới, mới sinh từ hai nguồn CSDL BHXH và Hộ
tịch trong giai đoạn tiếp theo. Tổ chức việc hiệu chỉnh, làm sạch dữ liệu sau
khởi tạo.
- Tập huấn cho cán bộ phụ trách, điều
tra viên cách khai hồ sơ sức khỏe điện tử; cách khai hộ để hướng dẫn, khai hộ
người dân.
- Chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh thực
hiện kết nối Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) tại cơ sở với Trục tích hợp của
ngành Y tế Thành phố (ESB Y tế HCM) để tạo lập cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh nhằm
cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của người dân khi người dân đến khám
sức khỏe tổng quát, khám chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc
thực hiện triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo
đúng tiến độ, chất lượng, đạt mục tiêu đề ra.
2. Sở Thông tin
và Truyền thông
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật,
đảm bảo tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố, triển khai đồng bộ với
xây dựng Chính quyền điện tử, dần tiến đến Chính quyền số của Thành phố.
- Đảm bảo hạ tầng, an toàn an ninh
thông tin cho Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Hỗ trợ cung cấp và cập nhật thông
tin hành chính từ cơ sở dữ liệu người dân trên Kho dữ liệu dùng chung Thành phố
vào Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Thực hiện truyền thông về triển
khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn người dân Thành phố hiểu để phối hợp triển
khai hiệu quả.
3. Sở Tài chính
Căn cứ Kế hoạch được phê duyệt, phối
hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem
xét bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại
Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Luật ngân sách.
4. Sở Nội vụ
Có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc
thực hiện Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe tại Thành phố. Thành phần của Ban
Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai lập hồ sơ sức khỏe tại Thành phố
là lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở, ban, ngành có liên quan và các
chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng, quản lý y tế, công nghệ thông tin.
5. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể
- Tham gia giám sát các hoạt động của
chính quyền, sở, ban ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ tại từng địa phương liên
quan đến công tác triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử, lồng ghép trong cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đảm bảo kế hoạch
được thực hiện với mọi tầng lớp, đối tượng nhân dân, kể cả người dân thu nhập
thấp, người già, khuyết tật...
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền cho người dân về ý
nghĩa, lợi ích của việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; vận động người dân tích cực
tham gia cung cấp thông tin cá nhân để lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
6. Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện
- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai lập
hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để chỉ
đạo các cơ quan, ban ngành địa phương phối hợp, tham gia.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển
khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cụ thể tại địa phương. Thực hiện truyền thông bằng
nhiều hình thức, chỉ đạo ban ngành đoàn thể tại địa phương (Đoàn Thanh niên, Hội
Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...) vận động người dân tham gia lập hồ sơ
sức khỏe điện tử.
- Chịu trách nhiệm chính trong việc tạo
dữ liệu ban đầu về tình hình sức khỏe người dân; Chỉ đạo ban ngành đoàn thể tại
địa phương (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Chỉ đạo công tác dân số...)
cử nhân sự tham gia tập huấn, thu thập, cập nhật, kiểm tra, giám sát công tác lập
dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.
7. Đài Truyền
hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố và các đơn vị khác có liên
quan phối hợp triển khai thực hiện
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền cho người dân về ý
nghĩa, lợi ích của việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; vận động người dân tích cực
tham gia cung cấp thông tin cá nhân để lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Trên đây là Kế hoạch triển khai hồ sơ
sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, đề nghị các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, cần kịp
thời phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành
phố chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVNTP và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức;
- VPUB: CVP, PCVP/VX;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, (VX/MĐ) TV.05.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Anh Đức
|