ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2845/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
02 tháng 8 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI HUYỆN PHÚ QUÝ
Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP
ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi,
tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày
04/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày
18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV); Kế hoạch số 4181/KH-UBND
ngày 07/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg
ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát
triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Công văn số
1841/BTTTT-KTS&XHS ngày 18/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc
đề nghị phối hợp triển khai Chương trình chuyển đổi số huyện đảo Phú Quý;
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận
xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số tại huyện đảo Phú Quý với
các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
VÀ YÊU CẦU
1. Mục tiêu
- Chuyển đổi số toàn diện tại
huyện Phú Quý, xây dựng hình ảnh huyện đảo hiện đại, năng động và cung cấp nhiều
dịch vụ tiện ích cho người dân, du khách, doanh nghiệp.
- Đưa Phú Quý trở thành một điểm
đến hấp dẫn cả trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội
và cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng nguồn thu ngân
sách của địa phương.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và
Truyền thông hình thành mô hình chuyển đổi số của một đơn vị cấp huyện để Bộ
Thông tin và Truyền thông phân tích, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, bài học,
cách làm hay để nhân rộng mô hình chuyển đối số cấp huyện ra các địa phương
khác trên phạm vi toàn quốc.
2. Yêu cầu
- Triển khai các hoạt động chuyển
đổi số tại huyện Phú Quý phải gắn liền với mục tiêu, nội dung chuyển đổi số của
tỉnh, quốc gia và đảm bảo tính liên thông, kết nối, thống nhất trên phạm vi
toàn quốc (sử dụng các nền tảng số quốc gia, không phải triển khai sử dụng các
nền tảng số, hệ thống thông tin đơn lẻ).
- Bộ Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và sự tham gia tích cực,
chủ động của các Bộ, ngành có liên quan để tập trung hỗ trợ huyện Phú Quý làm
điển hình về chuyển đổi số để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
- Triển khai nhanh, quyết liệt
trong thời gian ngắn nhất để rút kinh nghiệm triển khai trên quy mô toàn quốc.
II. NỘI DUNG
TRIỂN KHAI
1. Thúc đẩy phát triển hạ tầng
số đảm bảo điều kiện triển khai các nền tảng chính quyền số, kinh tế số, xã hội
số
- Phát triển mạng viễn thông
(cáp quang băng rộng, 4G/5G), mạng cáp quang và sóng di động 4G phủ khắp toàn
huyện, triển khai wifi miễn phí ở các điểm công cộng.
- Phát triển hoàn thiện hệ thống
truyền thanh thông minh cho 100% đơn vị cấp xã (hiện nay chỉ mới triển khai 1/3
xã).
- Hỗ trợ điện thoại thông minh
cho hộ nghèo và cận nghèo để đáp ứng yêu cầu 100% hộ gia đình có thiết bị sử dụng
các nền tảng số (khoảng 150 hộ nghèo và cận nghèo).
2. Chuyển đổi số lĩnh vực du
lịch
Triển khai các nền tảng số phục
vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại địa phương; tăng trải
nghiệm, tiện ích cho du khách; thu hút lượng khách đến lần đầu và quay trở lại
huyện đảo các lần tiếp theo ; tăng tiêu dùng của du khách. Cụ thể, triển khai
các nền tảng số:
- Phục vụ giao dịch phổ biến
trong hoạt động du lịch, như: Thuê xe, đặt phòng, thanh toán không dùng tiền mặt;
quản lý việc check in khách sạn, check in khu điểm du lịch; hợp đồng tour, kế
hoạch tour điện tử; chuỗi liên kết giảm giá khuyến mại, các chương trình ưu đãi
xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách quay lại nhiều lần.
- Phục vụ công tác quản lý nhà
nước, như: Số liệu báo cáo, thống kê liên quan đến hoạt động du lịch của các
ngành chức năng (lưu lượng du khách, đăng ký lưu trú, công suất phòng được khai
thác, chi tiêu của du khách, thu thuế,…).
3. Chuyển đổi số lĩnh vực y
tế
- Triển khai 100% cơ sở khám,
chữa bệnh có bệnh án điện tử; 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100%
thanh toán không dùng tiền mặt trong y tế; đăng ký khám và tư vấn khám từ xa,
hướng tới bác sỹ gia đình (mỗi người dân trên đảo đều có thể có liên kết với
bác sỹ của mình trên nền tảng số).
- Hình thành kho dữ liệu y tế của
huyện đảo theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và chuẩn quốc tế; sẵn sàng liên
thông dữ liệu quốc gia và quốc tế theo tiêu chuẩn HL7([1]), tạo tiền đề cho du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút
khách quốc tế đến Việt Nam chăm sóc sức khoẻ và du lịch.
4. Chuyển đổi số lĩnh vực thể
thao
Triển khai các các nền tảng số
để quản lý, tổ chức và phát triển các môn thể dục thể thao trong cộng đồng gắn
với hoạt động du lịch. Trọng tâm triển khai các nền tảng số phục vụ tổ chức các
giải phong trào, giải đấu truyền thống.
5. Triển khai sử dụng vé điện
tử
- Triển khai sử dụng vé điện tử
(mỗi người dân, du khách sử dụng 01 vé điện tử thống nhất) để phục tất cả các
hoạt động phổ biến hàng ngày, như: Vé tàu, vé tham quan các điểm di tích, du lịch,
kiểm soát ra/vào cảng Phú Quý,…
- Triển khai nền tảng số phục vụ
người dân và du khách mua vé trực tuyến, thanh toán điện tử; kiểm soát ra/vào
các điểm công cộng.
- Sử dụng vé điện tử phục vụ cơ
quan nhà nước có số liệu báo cáo, thống kê các hoạt động thường ngày của người
dân và du khách; hỗ trợ ra quyết định và xử lý các tình huống nhanh chóng,
chính xác hơn.
6. Triển khai sử dụng nền tảng
thẻ quốc gia (Thẻ Việt)
- Triển khai sử dụng nền tảng
thẻ quốc gia đến mọi người, du khách sinh sống, tham quan, du lịch, công tác tại
huyện Phú Quý để sử dụng gắn với các hoạt động phổ biến, hàng ngày như: Sử dụng
làm danh thiếp, chữ ký số cá nhân, tài khoản số sử dụng thanh toán không dùng
tiền mặt (chi phí khám chữa bệnh, học phí, điện, nước, cước viễn thông,…); sử dụng
làm thẻ hội viên các Hội, Câu lạc bộ; sử dụng làm thẻ học sinh (phục vụ kiểm
soát ra/vào lớp học, điểm danh), sử dụng làm thẻ công chức, viên chức, người
lao động (phục vụ kiểm soát ra/vào cơ quan, doanh nghiệp; điểm danh tại các cuộc
họp,…).
- Phát triển hệ thống cơ sở dữ
liệu huyện Phú Quý, kết nối liên thông dữ liệu của nền tảng Thẻ quốc gia triển
khai tại Phú Quý với các nền tảng số liên quan phục vụ công tác hoạch định
chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, trường học….
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Thuận phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban Chỉ đạo, Ban
Điều hành và các Tổ chuyên trách triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số
tại huyện Phú Quý theo Kế hoạch này, cụ thể như sau:
1.1. Ban Chỉ đạo
- Nhiệm vụ: Chỉ đạo toàn diện
các hoạt động theo Kế hoạch này.
- Thành phần:
+ Đồng Trưởng Ban: Lãnh đạo Bộ
Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
+ Phó Trưởng Ban: Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông.
+ Thành viên gồm đại diện lãnh
đạo các đơn vị: Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông); Công
an tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài chính; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy
Biên phòng tỉnh; Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý; Công an huyện Phú
Quý.
1.2. Ban Điều hành
- Nhiệm vụ: Thực hiện triển
khai các nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo, trực tiếp điều hành công tác triển khai
Chương trình chuyển đổi số tại huyện Phú Quý theo Kế hoạch này.
- Thành phần:
+ Đồng Trưởng ban: Lãnh đạo Vụ
Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông); lãnh đạo Sở Thông tin
và Truyền thông.
+ Phó Trưởng ban: Đại diện lãnh
đạo UBND huyện Phú Quý.
+ Thành viên: Đại diện lãnh đạo
UBND huyện Phú Quý; đại diện lãnh đạo Phòng Bưu chính Viễn thông và Công nghệ
thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện
Phú Quý; Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Quý.
1.3. Các Tổ chuyên trách
- Nhiệm vụ: Xây dựng Kế hoạch
và triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo nội dung tại mục II của Kế hoạch này.
- Thành lập các Tổ chuyên trách
với thành phần như sau:
(1) Tổ triển khai Thẻ Việt:
+ Đồng Tổ trưởng: Đại diện Cục
Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); Trung tâm Thông tin du lịch
- Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Thành viên: Đại diện Sở Công
Thương; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận; đại diện Chi cục Thuế huyện
Phú Quý; đại diện Phòng Kinh tế - Tài chính huyện Phú Quý; đại diện Trung tâm
Xúc tiến du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chuyên viên Vụ Kinh tế số
và Xã hội số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
(2) Tổ triển khai vé giao
thông:
+ Tổ trưởng: Đại diện Lãnh đạo
Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải).
+ Thành viên: Đại diện Sở Giao
thông vận tải; đại diện Cục Đường bộ Việt Nam; đại diện Cảng Phú Quý; các
chuyên gia chuyển đổi số.
(3) Tổ triển khai chuyển
đổi số lĩnh vực du lịch:
+ Tổ trưởng: Đại diện Tổng cục
Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
+ Thành viên: Đại diện Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Khu du lịch Phú Quý; các chuyên gia chuyển
đổi số.
(4) Tổ triển khai chuyển
đổi số lĩnh vực y tế:
+ Tổ trưởng: Đại diện lãnh đạo
Hội Tin học y tế.
+ Thành viên: Đại diện Sở Y tế;
đại diện Hội Tin học y tế; Trung tâm Quân Dân Y huyện Phú Quý; các chuyên gia
chuyển đổi số.
(5) Tổ triển khai chuyển
đổi số lĩnh vực thể thao:
+ Tổ trưởng: Đại diện Tổng cục
Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
+ Thành viên: Đại diện Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Phú
Quý; các chuyên gia chuyển đổi số.
2. Bộ Thông tin và Truyền
thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành, đơn vị có
liên quan thành lập các tổ chức chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện
Chương trình chuyển đối số huyện Phú Quý theo khoản 1, mục III nêu trên.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ
Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối ở Trung ương triển khai thực hiện
các nội dung Chương trình chuyển đổi số tại huyện Phú Quý, cụ thể như sau:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn
thông, công nghệ thông tin và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền
thông thúc đẩy phát triển hạ tầng số đảm bảo điều kiện triển khai các nền tảng
chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại huyện Phú Quý.
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ
của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các
Tổ công tác để triển khai các nền tảng số tại huyện Phú Quý theo nội dung Kế hoạch.
- Đẩy mạnh công tác truyền
thông về Chương trình chuyển đổi số đang triển khai tại huyện Phú Quý trên các
phương tiện truyền thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội, xây dựng bộ nhận
diện chuyển đổi số huyện Phú Quý (Digital Phú Quý).
- Triển khai công tác đào tạo,
tập huấn liên quan đến nội dung triển khai của Kế hoạch này.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình
Thuận
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, đơn vị có liên quan thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, các Tổ chuyên
trách triển khai Chương trình chuyển đổi số huyện Phú Quý.
- Nghiên cứu tham mưu, đề xuất
và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban
hành của tỉnh để tạo thuận lợi đúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh nói
chung và huyện Phú Quý nói riêng.
- Chỉ đạo các sở, ban, ngành có
liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý chủ động, tích cực phối hợp các đơn
vị nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan
để triển khai đạt kết quả các nội dung của Kế hoạch này.
- Giao Sở Thông tin và Truyền
thông làm đầu mối phối hợp với phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Thông tin
và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch này; đồng
thời chủ động theo dõi, tổng hợp báo cáo và tham mưu, đề xuất (nếu có) phát
sinh trong quá trình thực hiện.
- Giao Ủy ban nhân dân huyện
Phú Quý chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc phạm vi quản lý trên địa
bàn phối hợp triển khai đạt kết quả theo nội dung Kế hoạch.
4. Kinh phí thực hiện
- Bộ Thông tin và Truyền thông
tổ chức chỉ đạo việc hỗ trợ phát triển hạ tầng số và triển khai các nền tảng số.
- Giao Sở Tài chính tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí liên quan đến công tác tập huấn, đào tạo để
chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số huyện
Phú Quý.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
Chương trình chuyển đổi số tại huyện Phú Quý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ
quan, đơn vị có liên quan thông tin, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua
Sở Thông tin và Truyền thông) để cùng phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (p/h thực
hiện);
- Trung ương Đoàn;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TTTT);
- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ CT);
- Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ VHTTDL);
- Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT);
- Cục Đường bộ Việt Nam;
- Hội Tin học y tế;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- Cơ quan lực lượng vũ trang;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận;
- Báo Bình Thuận, Đài PT-TH;
- Lưu: VT, TTTT Cang.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh
|
([1]) Health Level 7: Là tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức
chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin
y tế nhằm hỗ trợ các hoạt động y tế.