ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 278/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 02
tháng 10 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG LĨNH VỰC Y TẾ GIAI ĐOẠN 2018-2025
I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
THÔNG TIN (CNTT) TRONG NGÀNH Y TẾ TỈNH LÀO CAI
1. Quy mô các đơn vị ngành Y tế
- Đến tháng 9/2018, toàn tỉnh có 14 bệnh viện công lập,
trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 bệnh viện tuyến huyện/thành phố và 01 bệnh
viện đa khoa tư nhân; 18 phòng đa khoa khu vực (chuyển đổi thành đơn nguyên điều
trị) trực thuộc các bệnh viện đa khoa tuyến huyện/thành phố.
- 164/164 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có
trạm y tế hoạt động, do bệnh viện đa khoa các huyện/thành phố chỉ đạo, hướng dẫn
về mặt chuyên môn; Trung tâm y tế các huyện/thành phố trực tiếp chỉ đạo toàn diện
về các mặt hoạt động, công tác khác.
- Đối với công tác quản lý nhà nước về y tế, tỉnh
có 02 chi cục trực thuộc Sở Y tế quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm và dân số
kế hoạch hóa gia đình; trong công tác y tế dự phòng ngành y tế có 07 trung tâm
trực thuộc Sở Y tế là: trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm Chăm sóc sức khỏe
sinh sản, trung tâm Kiểm nghiệm dược, trung tâm Giám định pháp y, trung tâm
Phòng chống HIV/AIDS, trung tâm Giám định y khoa và trung tâm Kiểm dịch y tế quốc
tế.
2. Nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin
- Toàn ngành Y tế có 18 cán bộ công chức, viên chức
có trình độ về công nghệ thông tin, trong đó trình độ thạc sỹ 01 người, kỹ sư/cử
nhân 13 người, cao đẳng 04; làm việc ở 12 đơn vị (Sở Y tế, 03 đơn vị y tế tuyến
tỉnh, 08/14 bệnh viện). Cơ bản nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
trong ngành y tế còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (chi tiết tại Phụ
lục 1 kèm theo).
- Đa số nhân viên y tế công tác tại các cơ sở khám,
chữa bệnh đều có chứng chỉ đào tạo về công nghệ thông tin. Khả năng sử dụng
thành thạo giảm dần từ tuyến tỉnh, đến tuyến huyện, tuyến xã. Thống kê đến hết
30/6/2018, toàn ngành y tế có 3.777 cán bộ, trong đó có 323 cán bộ có chứng chỉ
tin học loại A chiếm 8,55%, 1.564 cán bộ có chứng chỉ tin học loại B chiếm
41,41%,19 cán bộ có chứng chỉ tin học loại C chiếm 0,5%, 1.871 cán bộ chưa có
chứng chỉ tin học chiếm 49,54%.
3. Kết cấu hạ tầng, trang thiết bị công nghệ
thông tin
- Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế được trang
bị đủ máy tính có kết nối mạng internet phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều
hành.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác
chuyên môn y tế:
+ Bệnh viện: Có 899 máy tính/14 bệnh viện,
trong đó có 80 máy tính (chiếm 8,89%) đã cũ, lỗi thời, không có khả năng nâng cấp
sử dụng; 14/14 bệnh viện có máy chủ (server) phục vụ vận hành phần mềm quản lý
bệnh viện (HIS), tối thiểu 01 server/01 bệnh viện (riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh
04 server, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng: 02 server/bệnh
viện). Về hạ tầng mạng LAN, 14/14 bệnh viện có mạng LAN đáp ứng tiêu chuẩn
Cat5e trở lên.
+ Trạm Y tế: 164/164 trạm y tế có máy tính,
có mạng internet phục vụ công tác chuyên môn. Thống kê có 357 máy tính/164 trạm
y tế, trung bình có 2,17 máy tính/trạm y tế hiện đang hoạt động tốt.
+ Các đơn vị dự phòng: 07/07 trung tâm trực
thuộc Sở Y tế được trang bị đủ máy tính, có mạng LAN, đường truyền kết nối
internet phục vụ công tác chuyên môn (chi tiết tại Phụ lục 2 kèm
theo).
4. Ứng dụng phần mềm
4. 1. Trong khám bệnh, chữa bệnh:
- Đối với các bệnh viện:
+ 14/14 bệnh viện có sử dụng phần mềm HIS, tổng số
phần mềm HIS đang được triển khai tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh là 05 phần
mềm, do các đơn vị khác nhau cung cấp. Cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn về dữ
liệu đầu ra theo quy định của Bộ Y tế và các yêu cầu về quản lý của đơn vị sử dụng.
Tuy nhiên, không có khả năng liên thông dữ liệu, khi cần cập nhật, điều chỉnh bổ
sung với quy mô toàn tỉnh gặp khó khăn. Một số phần mềm HIS đã đi kèm tính năng
của hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm (LIS), kết nối để nhận chỉ định và trả
kết quả tự động 01 chiều hoặc 02 chiều đối với các thiết bị xét nghiệm qua phần
mềm HIS (chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo).
+ Chưa có bệnh viện nào triển khai sử dụng hệ thống
thông tin quản lý hình ảnh (RIS) và hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh
(PACS).
- Đối với các trạm Y tế:
+ 164/164 trạm y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ
thông tin, sử dụng phần mềm trong công tác quản lý khám, chữa bệnh. Tổng số phần
mềm đang được sử dụng tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh là 03 phần mềm. Các
phần mềm cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quản lý khám, chữa bệnh hiện tại của
các trạm y tế và đáp ứng được các tiêu chuẩn dữ liệu đầu ra theo quy định của Bộ
Y tế. Tuy nhiên, các phần mềm không có khả năng liên thông dữ liệu với nhau và
liên thông dữ liệu với phần mềm HIS tại bệnh viện đa khoa huyện/thành phố trực
tiếp chỉ đạo về chuyên môn của trạm y tế (chi tiết tại Phụ lục 4 kèm
theo).
4.2. Trong y tế dự phòng:
- Các đơn vị y tế dự phòng hiện đang
sử dụng một số phần mềm do các dự án, đơn vị Trung ương triển khai cho một số
nhiệm vụ cụ thể, như: tiêm chủng, bệnh không lây nhiễm, lao, sốt rét,...
- Các phần mềm sử dụng trong y tế dự
phòng không có khả năng liên thông với nhau và hiện tại chưa có phần mềm nào sử
dụng trong y tế dự phòng được tích hợp tất cả các chương trình, nội dung có
liên quan phục vụ công tác dự báo, quản lý và điều hành.
5. Đánh giá chung
5.1. Thuận lợi:
- Kết cấu hạ tầng, thiết bị ứng dụng công nghệ
thông tin trong ngành y tế thời gian vừa qua đã được quan tâm đầu tư (nâng cấp,
bổ sung máy tính, đường truyền kết nối internet...).
- Số lượng cán bộ quản lý, nhân viên y tế có kỹ
năng ứng dụng công nghệ thông tin từng bước đã được nâng lên.
- Ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh
trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động chuyên môn của
ngành.
5.2. Khó khăn:
- Điều kiện cơ sở, vật chất tại một số cơ sở y tế
còn chưa đáp ứng được yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn
hiện nay, kinh phí đầu tư để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế.
- Nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
trong ngành Y tế còn thiếu và yếu, hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa
bàn tỉnh còn chưa có cán bộ có trình độ công nghệ thông tin từ kỹ sư/cử nhân trở
lên phụ trách triển khai công nghệ thông tin tại đơn vị, cụ thể tại 06/14 bệnh
viện (02 bệnh viện tuyến tỉnh, 04 bệnh viện tuyến huyện/thành phố), 09/09 trung
tâm y tế huyện/thành phố.
- Bộ phận trực tiếp ứng dụng công nghệ thông tin, sử
dụng các phần mềm trong y tế là đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, một
bộ phận không nhỏ còn hạn chế về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (chiếm
khoảng 50% tổng số bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế) ảnh hưởng đến công tác đổi mới,
đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng y tế.
- Triển khai ứng dụng các phần mềm tại các đơn vị y
tế còn chưa đồng bộ, chưa liên thông giữa các bệnh viện trong toàn tỉnh, giữa
các trạm y tế và bệnh viện đa khoa trên địa bàn huyện/thành phố và giữa Sở Y tế
với các đơn vị trực thuộc.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG CNTT NGÀNH Y TẾ LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2018-2025
1. Căn cứ pháp lý
1.1. Văn bản của Trung ương:
- Thông tư số 53/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 của Bộ
Y tế Quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng;
- Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Thủ tướng
Chính phủ về ban hành Nghị quyết Chính phủ điện tử;
- Quyết định số 445/QĐ-BYT ngày 05/02/2016 của Bộ Y
tế phê duyệt Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn
2016-2020 của Bộ Y tế;
- Quyết định số 3465/QĐ-BYT ngày 08/7/2016 của Bộ Y
tế về việc ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh
và thanh toán bảo hiểm y tế;
- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư;
- Quyết định số 5748/QĐ-BYT ngày 22/12/2017 phê duyệt
Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 của Bộ Y tế;
- Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ
Y tế ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh;
- Quyết định số 6110/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ
Y tế ban hành hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm
Y tế xã, phường, thị trấn;
- Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 25/5/2018 của Văn
phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức
Đam tại cuộc họp về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng
thuốc;
- Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 22/01/2018 của Bộ
Y tế quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.
1.2. Văn bản của tỉnh:
- Chỉ thị số 24/CT-TU ngày 02/8/2012 của Tỉnh ủy
Lào Cai về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh
Lào Cai;
- Đề án số 20-ĐA/TU ngày 20/12/2016 của Tỉnh ủy Lào
Cai về phát triển CNTT tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020;
- Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 30/12/2016 của UBND
tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển CNTT tỉnh Lào Cai, giai đoạn
2017-2020 và năm 2017 trong các cơ quan nhà nước;
- Kế hoạch số 340/KH-UBND ngày 29/12/2017 của UBND
tỉnh về phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Lào Cai năm 2018;
- Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 07/02/2018 của
UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai
giai đoạn 2018-2025;
- Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 09/3/2018 của UBND tỉnh
triển khai thực hiện Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai,
giai đoạn 2018-2025;
- Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh
Lào Cai về việc thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc
kê đơn giai đoạn 2017-2020” của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin
trong ngành Y tế đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.
- Công tác quản lý nhà nước về y tế cơ bản được hỗ
trợ bằng các ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, thuận tiện trong quản lý, giám
sát, kiểm tra và chỉ đạo điều hành.
- Tạo thuận lợi, dễ dàng, khoa học và chính xác đối
với người dân khi tiếp cận các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ
kỹ thuật của ngành Y tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
a) Khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng
* Tuyến y tế cơ sở.
- Sử dụng một phần mềm tích hợp tất cả
các nghiệp vụ của trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh có khả năng liên thông dữ liệu
kết nối với Trung tâm Y tế huyện/thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Lào Cai.
- Đến hết 2020, người dân trên địa
bàn toàn tỉnh được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe cá nhân từ khi bắt đầu
tới khám, điều trị tại cơ sở y tế.
* Các bệnh viện.
- Năm 2018, 20% bệnh viện tuyến tỉnh,
10% bệnh viện tuyến huyện thực hiện triển khai thí điểm RIS-PACS và bệnh án điện
tử (EMR).
- Đến hết 2019, 100% bệnh viện trên địa
bàn tỉnh được triển khai phần mềm HIS bao gồm tính năng LIS, có thể kết nối trả
kết quả tự động 01 chiều hoặc 02 chiều đối với các thiết bị xét nghiệm thông
qua phần mềm HIS.
- Hết năm 2020, 100% bệnh viện trên địa
bàn tỉnh triển khai sử dụng RIS-PACS và EMR.
b) Hành nghề Dược
Đến 31/12/2018 phấn đấu 100% nhà thuốc
và đến 31/12/2019 phấn đấu 100% quầy thuốc có thiết bị và triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả,
nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
2.3. Mục tiêu giai đoạn năm
2021-2025:
Tiếp tục duy trì triển khai sử dụng
các phần mềm HIS, LIS, RIS-PACS, EMR tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đảm bảo
thống nhất, liên thông dữ liệu toàn tỉnh.
3. Nhiệm vụ
3.1. Tăng cường đầu tư cơ sở vật
chất, thiết bị:
- Nâng cấp đường truyền internet,
trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo
100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đường truyền kết nối internet ổn định, đáp ứng
được yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh.
- Đầu tư, nâng cấp thiết bị phục vụ
triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: máy chủ, máy
tính, mạng LAN, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, hệ thống chống sét...
- Các đơn vị y tế chủ động xây dựng kế
hoạch và triển khai duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, máy móc, thiết bị phục vụ công
tác ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị định kỳ hàng năm.
3.2. Tăng cường nhân lực triển
khai ứng dụng công nghệ thông tin:
- Ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình
độ chuyên môn về công nghệ thông tin công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế.
- Tăng cường công tác đào tạo chuyên
sâu về công nghệ thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các
bệnh viện, đào tạo các chứng chỉ chuyên ngành CNTT như: CCNA, MCSA, MCITP,
Linux+, OCA...
- Hàng năm, các đơn vị y tế chủ động
xây dựng kế hoạch, cử cán bộ, y sỹ, bác sỹ, nhân viên y tế tham gia đào tạo về
kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng, khai thác các phần mềm theo chuẩn
kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày
11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đảm bảo 100% các bệnh viện có cán bộ
chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách về triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin được đào tạo, tập huấn đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
3.3. Ứng dụng CNTT trong khám bệnh,
chữa bệnh:
3.3.1. Triển khai phần mềm Hồ sơ sức
khỏe cá nhân:
- Năm 2018: Triển khai thí điểm phần
mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân tại các huyện Bảo Yên và Mường Khương. Quy mô triển
khai tại: bệnh viện đa khoa huyện (bao gồm các đơn nguyên điều trị trực thuộc),
trung tâm y tế huyện và 16/16 trạm y tế huyện Mường Khương, 18/18 trạm y tế huyện
Bảo Yên.
- Năm 2019-2020: Triển khai phần mềm Hồ
sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh, gồm: Sở Y tế, trung tâm Kiểm soát bệnh
tật, 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 09 bệnh viện đa khoa huyện/thành phố (bao gồm 18
đơn nguyên điều trị trực thuộc các bệnh viện), 09 trung tâm y tế huyện/thành phố
và 160 trạm y tế (trừ 04 trạm y tế hoạt động lồng ghép với đơn nguyên điều trị).
3.3.2. Triển khai phần mềm HIS, RIS-PACS, EMR:
3.3.2.1. Đối với phần mềm HIS:
Triển khai phần mềm HIS tại các bệnh viện đảm bảo hết
năm 2019, 14/14 bệnh viện có phần mềm HIS bao gồm tính năng LIS, có khả năng kết
nối, trả kết quả tự động giữa phần mềm HIS và các thiết bị xét nghiệm tại các bệnh
viện.
3.3.2.2. Đối với phần mềm RIS-PACS, EMR:
* Năm 2018-2019:
- Triển khai thí điểm phần mềm RIS-PACS và EMR tại
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai và Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, thời
gian triển khai thí điểm từ tháng 10/2018 đến hết tháng 06/2019.
- Phần mềm RIS-PACS được triển khai thí điểm gồm
các chức năng cơ bản như sau:
+ Kết nối và trả kết quả tự động giữa phần mềm HIS
với các thiết bị sinh ảnh y tế (X-quang, MRI, CT Scanner...).
+ Lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế trên phần mềm
HIS của bệnh viện.
- Phần mềm EMR được triển khai thí điểm là giải
pháp số hóa bệnh án giấy đang thực hiện tại các bệnh viện, giúp giảm thiểu giấy
tờ, sổ sách, chi phí in ấn, văn phòng phẩm tại các bệnh viện.
* Dự kiến đến năm 2020:
- Đánh giá kết quả triển khai thí điểm tại Bệnh viện
Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương và xây dựng lộ trình triển khai
phần mềm RIS-PACS, EMR tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy
định của Bộ Y tế và nhu cầu, khả năng của các bệnh viện. Đến hết năm 2020, tất
cả các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều được triển khai sử dụng phần mềm
RIS-PACS và EMR.
- Căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực kinh
phí, các bệnh viện tổ chức triển khai thực hiện, đầu tư cơ sở vật chất, trang
thiết bị phù hợp đảm bảo triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin
trong khám bệnh, chữa bệnh nói chung và sử dụng các phần mềm RIS-PACS, EMR nói
riêng.
3.4. Ứng dụng CNTT trong hành nghề Dược:
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối
liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn
dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc...:
- Giai đoạn 1: Từ tháng 8 đến tháng 10/2018 triển
khai thử nghiệm tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Lào Cai. Rút kinh
nghiệm để triển khai các giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn 2: Từ tháng 10 đến tháng 12/2018 triển
khai tại các nhà thuốc và một số quầy thuốc trên địa bàn các huyện, thành phố,
đảm bảo đến 31/12/2018 hoàn thành kết nối đối với 100% nhà thuốc trên địa bàn tỉnh.
- Giai đoạn 3: Từ tháng 01 đến tháng 12/2019 triển
khai tại các quầy thuốc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đến 31/12/2019 hoàn thành kết
nối đối với 100% quầy thuốc.
4. Giải pháp
4.1. Về nguồn lực:
- Tăng cường huy động lồng ghép các nguồn lực để đầu
tư bổ sung trang thiết bị phục vụ cho ứng dụng CNTT trong ngành Y tế.
- Huy động sự đóng góp của các ngành, các cấp, các
địa phương, các tổ chức, cá nhân và các đối tác triển khai ứng dụng CNTT trong
ngành Y tế.
- Tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ,
nhân viên y tế đặc biệt là đối với tuyến cơ sở về kỹ năng ứng dụng công nghệ
thông tin; sử dụng, khai thác các phần mềm trong y tế.
- Sử dụng hình thức thuê dịch vụ ứng dụng công nghệ
thông tin, chỉ đầu tư các trang thiết bị thật sự cần thiết.
4.2. Về công nghệ:
- Triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế theo
xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng công nghệ điện toán đám
mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain...
- Ứng dụng CNTT trong khám bệnh, chữa bệnh tại các
bệnh viện phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế: HL7, HL7 CDA, DICOM... và các
tiêu chuẩn khác theo quy định, nhằm đảm bảo khả năng kết nối liên thông toàn quốc
theo lộ trình của Bộ Y tế.
- Tăng cường tham khảo ý kiến chuyên ngành của các
đơn vị có uy tín, kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong
lĩnh vực y tế để có các giải pháp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp,
đáp ứng được yêu cầu ngành Y tế.
(Có Phụ lục 05,
Phụ lục 06 kèm theo)
III. KHÁI TOÁN KINH PHÍ TRIỂN
KHAI
Tổng kinh phí giai đoạn 2018-2025: 88.538,016
triệu đồng, trong đó:
+ Nguồn ngân sách nhà nước: 56.495,616 triệu đồng.
+ Nguồn thu dịch vụ: 32.042,4 triệu đồng.
Chi tiết:
• Giai đoạn 2018-2020: Tổng kinh phí
32.968,216 triệu đồng, gồm:
+ Nguồn ngân sách nhà nước: 28.805,816 triệu đồng.
+ Nguồn thu dịch vụ: 4.162,4 triệu đồng.
• Giai đoạn 2021-2025: Tổng kinh phí:
55.569,8 triệu đồng, chi tiết:
+ Nguồn ngân sách nhà nước: 27.689,8 triệu đồng.
+ Nguồn thu dịch vụ: 27.880 triệu đồng.
(Chi tiết tại Phụ
lục 7 kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch này.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai
thực hiện các nội dung Kế hoạch.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung
kế hoạch này, lập dự toán gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định,
trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, hàng
năm báo cáo UBND tỉnh.
2. Các sở, ngành liên quan:
2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì,
phối hợp Sở Tài chính cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn, các chương
trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm để thực hiện Kế hoạch.
2.2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp
với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng năm để thực hiện
Kế hoạch. Kiểm tra việc sử dụng kinh phí, quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch
theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2.3. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp Sở
Y tế tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công
nghệ thông tin tại các cơ sở y tế.
2.4. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối
hợp Sở Y tế triển khai các nội dung ứng dụng CNTT trong ngành Y tế theo Kế hoạch.
3. UBND các huyện, thành phố
- Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở
vật chất, trang thiết bị CNTT đồng bộ cho các cơ sở y tế.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế quản lý, khai thác, sử dụng
có hiệu quả hệ thống hạ tầng CNTT.
- Ưu tiên bố trí, cân đối kinh phí đầu tư cho lĩnh
vực y tế trên địa bàn huyện trong nguồn vốn ngân sách do UBND huyện quản lý.
Căn cứ nội dung kế hoạch, Sở Y tế, các sở, ngành, địa
phương và các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài
chính, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Viettel Lào Cai, VNPT Lào Cai;
- CVP, PCVP2;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1, VX1, 2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Xuân Thanh
|