VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/CTr-VKSTC
|
Hà Nội, ngày
03 tháng 01 năm 2023
|
CHƯƠNG TRÌNH
CÔNG TÁC THỐNG KÊ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM 2023
Căn cứ nhiệm vụ trọng tâm được
giao trong Nghị quyết số 62-NQ/BCSĐ ngày 30/11/2022 của Ban cán sự đảng VKSND tối
cao; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về
công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023, Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 27/12/2022
về thực hiện công tác trọng tâm của VKDND tối cao năm 2023 đó là:“… Toàn
ngành Kiểm sát nhân dân xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ
thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân; rà soát, đánh giá đúng
thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, đề xuất và kiến nghị những yêu cầu đối
với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác chỉ
đạo điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, công tác trợ lý ảo
trong cung cấp thông tin, các phần mềm quản lý các lĩnh vực công tác và phấn đấu
ứng dụng phòng họp không giấy. Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục
2) chủ trì xây dựng Kế hoạch đề ra lộ trình cụ thể, phân kỳ nhiệm vụ theo từng
năm”; trên cơ sở đặc điểm, điều kiện cụ thể của đơn vị, Cục 2 xây dựng
Chương trình công tác thống kê và công nghệ thông tin năm 2023 như sau:
I. NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM
Năm 2023, công tác thống kê
và công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác thống kê, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa, số
hóa dữ liệu, tăng cường phối hợp liên ngành, chia sẻ dữ liệu thống kê.
2. Tham mưu xây dựng, trình
Lãnh đạo VKSNDTC ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến
năm 2025 và Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng công nghệ
thông tin, chuyển đổi số trong năm 2023.
3. Quản lý, vận hành ổn định
hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của
lãnh đạo VKS các cấp; phối hợp thực hiện các dự án đầu tư về công nghệ thông
tin, trọng tâm là triển khai Sổ thụ lý điện tử hình sự, phối hợp xây dựng Sổ thụ
lý điện tử dân sự, Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng Phòng họp không giấy
và một số báo cáo số, công tác trợ lý ảo, công tác số hóa hồ sơ...
Tập trung thực hiện có hiệu
quả cao một số nội dung đột phá sau đây:
Một là, phối hợp hoàn
thiện và tổ chức triển khai phần mềm Sổ thụ lý điện tử hình sự trong toàn
Ngành.
Hai là, nghiên cứu, đề
xuất đổi mới Chế độ báo cáo thống kê của Ngành.
II. CÁC
NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Đổi mới,
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê
1.1 Tổng hợp số liệu, xây dựng
các loại báo cáo thống kê theo quy định: thống kê kết quả công tác thực hành
quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp gửi Văn phòng VKSND tối cao để xây
dựng các báo cáo hằng tháng, sơ kết, tổng kết công tác năm; phục vụ xây dựng
Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội; các báo
cáo thống kê hình sự liên ngành, thống kê công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ,
tạm giam và xử lý hằng tuần; thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án
hành chính liên ngành gửi Tổng cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp; thống kê những
người bị Tòa án tuyên phạt tử hình gửi Văn phòng Chủ tịch nước; báo cáo thống
kê 02 chỉ tiêu thống kê quốc gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thống kê người chưa
thành niên phạm tội gửi Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội; về
giám định tư pháp trong tố tụng hình sự; thống kê người dưới 18 tuổi phạm tội;
thống kê về phòng, chống ma túy gửi Bộ Công an...
Theo dõi, cập nhật đầy đủ, kịp
thời tổng hợp, xây dựng báo cáo thống kê một số chỉ tiêu có tính chất chuyên đề
được Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước quan tâm (án tạm đình chỉ, đình chỉ;
trả hồ sơ điều tra bổ sung; tòa án tuyên không phạm tội,...) và các chỉ tiêu,
chuyên đề nghiệp vụ cơ bản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của
lãnh đạo VKSND tối cao.
1.2 Tiếp tục tổ chức thực hiện
Kế hoạch số 149/KH-VKSTC ngày 12/9/2022 của VKSNDTC về thực hiện “Chiến lược
phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong
ngành Kiểm sát nhân dân.
1.3 Nghiên cứu đề xuất sửa đổi
Chế độ báo cáo thống kê của ngành Kiểm sát theo hướng tích hợp, gọn nhẹ, sát với
yêu cầu quản lý và phù hợp với Chiến lược phát triển thống kê quốc gia, có khả
năng liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan trong những năm tới.
1.3 Tăng cường hướng dẫn, giải
đáp vướng mắc về nghiệp vụ thống kê; ban hành các thông báo rút kinh nghiệm; bảo
đảm thực hiện thống nhất trong toàn Ngành và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với
các cơ quan hữu quan.
1.4. Theo dõi, kiểm tra về kỷ
luật công vụ trong công tác thống kê, nhất là kỷ luật nhập thông tin, số liệu
vào phần mềm thống kê, phần mềm Quản lý và thống kê án hình sự, dân sự phần mềm
sổ thụ lý điện tử hình sự... để so sánh, đối chiếu số liệu, tiếp ký... các loại
báo cáo thống kê liên quan lĩnh vực thống kê hình sự.
Tổng hợp kết quả thí điểm,
báo cáo đề xuất hoàn thiện sổ thụ lý điện tử hình sự, hướng tới triển khai thực
hiện trong toàn Ngành. Kiểm tra, đối chiếu, so sánh số liệu với biểu mẫu thống
kê hiện hành. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng VKSND tối cao, góp ý
xây dựng phần mềm Sổ thụ lý điện tử dân sự.
1.5. Tăng cường phối hợp với
các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức trong thực hiện thống kê hình sự liên ngành, thống
kê các chỉ tiêu quốc gia, chia sẻ dữ liệu thống kê theo quy định; trao đổi kinh
nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ thống kê.
2. Tăng
cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số
2.1. Tham mưu triển khai thực
hiện Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trọng tâm trong năm 2023 là tham mưu xây dựng
Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành kiểm sát nhân dân đến năm 2025, Kế hoạch thực
hiện các nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đối số năm 2023 của ngành Kiểm
sát nhân dân; Phối hợp triển khai xây dựng Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP)
và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kết luận 113 của Viện trưởng VKSDND tối
cao
2.2. Quản trị, duy trì hoạt
động ổn định các ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành như: Các phần mềm dùng
chung, hệ thống họp trực tuyến; hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản
và điều hành; Đề xuất các nội dung bảo trì hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng. Thường
xuyên kiểm tra kỹ thuật, phối hợp thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo
đúng quy định, sửa chữa, thay thế kịp thời khi có hỏng hóc, sự cố kỹ thuật nhằm
bảo đảm quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết
bị hiện có một cách ổn định, thông suốt. Hỗ trợ, hướng dẫn kỹ huật, xử lý sự cố
từ xa cho hệ thống mạng, máy chủ, ứng dụng CNTT tại các đơn vị, VKSND các cấp
khi cần thiết.
2.3. Tập trung hoàn thiện,
triển khai thực hiện phần mềm quản lý Sổ thụ lý điện tử hình sự trong toàn
Ngành, tiến tới bỏ sổ thụ lý giấy và thực hiện báo cáo thống kê tự động từ phần
mềm này; tiếp tục phối hợp xây dựng Sổ thụ lý điện tử án dân sự, hôn nhân gia
đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, khiếu nại tố cáo, thi hành
án. Tham mưu, phối hợp xây dựng phần mềm hệ thống “Phòng họp không giấy” và một
số báo cáo số, phục vụ công tác quản lý chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo VKS các
cấp.
2.4 Tích cực, chủ động liên
hệ, làm việc với các cơ quan, đơn vị để có cơ sở tham mưu cho Lãnh đạo Viện chỉ
đạo phối hợp với TAND tối cao trong việc xây dựng, chia sẻ sử dụng Trợ lý ảo
cho Thẩm phán và Kiểm sát viên; phối hợp với Bộ Công an về xây dựng hồ sơ số
hóa vụ án hình sự và ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động tố tụng,
trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ.
2.5. Chú trọng, giám sát chặt
chẽ việc thực hiện các quy định về an toàn hệ thống, an ninh, bảo mật thông tin
qua hệ thống công nghệ thông tin của Ngành. Chủ trì, phối hợp lập hồ sơ đề nghị
phê duyệt cấp độ bảo mật trong ngành Kiểm sát nhân dân.
2.6. Theo dõi, hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra đánh giá việc chấp hành kỷ luật công vụ trong quản lý, sử dụng
các phần mềm ứng dụng, cập nhật dữ liệu vào các phần mềm dùng chung và việc thực
hiện Bộ chỉ số đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trong
toàn Ngành.
2.7. Xây dựng Quy chế quản
lý, sử dụng, vận hành các phần mềm đang thực hiện trong ngành Kiểm sát nhân dân
3. Công
tác phối hợp
3.1. Phối hợp chặt chẽ với
các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp trong thực hiện chức
năng, nhiệm vụ thường xuyên của Cục 2 và các nhiệm vụ trọng tâm về công tác thống
kê và công nghệ thông tin năm 2023.
3.2. Phối hợp với Văn phòng,
Cục 3 VKSND tối cao trong việc thẩm định, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư về
công nghệ thông tin.
3.3. Phối hợp với Vụ Tổ chức
cán bộ và các cơ sở đào tạo của Ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội
dung đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho Lãnh đạo các đơn vị, VKS các cấp
và các khóa học chuyên sâu về CNTT cho cán bộ, công chức làm công tác chuyên
trách công nghệ thông tin ở các đơn vị; trong việc xây dựng tổ chức bộ máy,
biên chế, tiếp nhận, điều động, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và quản
lý công chức, thực hiện chính sách cán bộ đối với công chức của Cục 2.
3.4. Tăng cường phối hợp với
các cơ quan như: Ban chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia; Ban Chỉ đạo thống kê hình
sự liên ngành Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp;
các cơ quan thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ,
Ban Cơ yếu Chính phủ... trong thực hiện thống kê liên ngành, hợp tác về ứng dụng
công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 Quốc gia, liên thông,
chia sẻ dữ liệu.
4. Công
tác hướng dẫn nghiệp vụ, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn
4.1. Tham mưu xây dựng, ban
hành, tổ chức thực hiện Hướng dẫn về công tác thống kê năm 2023; Kế hoạch chuyển
đối số của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2023 - 2025, Kế hoạch thực hiện
các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ngành
trong năm 2023. Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ thống kê năm 2023 và các hội
nghị hướng dẫn triển khai các phần mềm, ứng dụng mới bằng hình thức phù hợp.
4.2. Duy trì các kênh thông
tin để tiếp nhận xử lý những vướng mắc trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống
công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng; tổng hợp, hướng dẫn, thông báo rút
kinh nghiệm trong công tác thống kê và công nghệ thông tin (định kỳ mỗi quý ban
hành 01 thông báo rút kinh nghiệm)
4.3. Thực hiện Đề án đổi mới
chế độ thống kê theo quyết định phê duyệt của Lãnh đạo VKSND tối cao; tổ chức một
số cuộc khảo sát, tọa đàm, lấy ý kiến các đơn vị về nội dung đổi mới chế độ thống
kê và về phát triển ứng dụng công nghệ thống tin.
4.4. Phối hợp với tổ chức
WCS, UNICEF và các đơn vị có liên quan thực hiện các báo cáo nghiên cứu, tổng kết
thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, về người dưới 18 tuổi
là bị can, bị hại...
5. Công
tác xây dựng đơn vị
5.1. Công tác tổ chức cán bộ
Lãnh đạo đơn vị tăng cường
phối hợp với Chi ủy, chi bộ, các đoàn thể trong đơn vị thực hiện tốt công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý công chức, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương,
kỷ luật.
Tiếp tục tạo điều kiện, cử
công chức đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tham dự các kỳ thi chức danh tư
pháp, nâng ngạch, nâng lương...
Rà soát, bổ sung quy hoạch
cán bộ hàng năm theo chỉ đạo, hướng dẫn; có kế hoạch kiện toàn chức danh lãnh đạo
quản lý Phòng công nghệ thông tin.
5.2. Công tác quản lý chỉ đạo
điều hành.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật,
trật tự nội vụ; duy trì nề nếp sinh hoạt đơn vị hàng tháng, giao ban cán bộ chủ
chốt hàng tuần. Chấp hành nghiêm, có chất lượng chế độ thông tin báo cáo định kỳ
theo quy định, đột xuất theo việc.
Lãnh đạo Cục phải sâu sát
công việc, chỉ đạo cụ thể về nhiệm vụ, nội dung, biện pháp thực hiện, đánh giá
kết quả; Trưởng các Phòng phải nắm chắc công việc, phân công cụ thể, thường
xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở tiến độ công việc, tổng hợp đánh giá, rút kinh
nghiệm kịp thời việc thực hiện của mỗi cá nhân và của cả Phòng; chủ trọng việc
phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các Phòng.
Nâng cao chất lượng biên soạn,
biên tập văn bản, tài liệu, lập hồ sơ công việc của đơn vị và của các Phòng; thực
hiện nghiêm túc, khoa học công tác lưu trữ văn bản, hồ sơ, tài liệu, nhất là hồ
sơ về các dự án đầu tư, đề tài, chuyên đề, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng.
III. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng Cục 2 chỉ đạo
chung việc thực hiện Chương trình này; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND
tối cao, đồng chí Lãnh đạo Viện phụ trách đơn vị về toàn bộ hoạt động của Cục
2.
2. Các Phó Cục trưởng Cục 2,
theo lĩnh vực được phân công, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trực tiếp chỉ
đạo Phòng nghiệp vụ và công chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Chương trình
công tác này; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện; hàng
tháng tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện với Cục trưởng.
3. Các đồng chí Trưởng phòng
1, 2, 3 và Phó trưởng phòng phụ trách Phòng 4 căn cứ Chương trình công tác để
phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức trong phòng; tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ; định kỳ báo cáo Cục trưởng và Phó Cục trưởng phụ trách về kết quả thực hiện.
4. Giao Trưởng phòng 1 theo
dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình này với Lãnh đạo
Cục. Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung mới phát sinh hoặc có vướng mắc,
Phòng 1 chủ trì, phối hợp với các Phòng đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSND tối cao (để báo
cáo);
- Các Đ/c Phó Viện trưởng VKSTC (để báo cáo);
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- Các VKSND cấp cao;
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VKS quân sự Trung ương;
- Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao;
- Lãnh đạo Cục 2;
- Các Phòng thuộc Cục 2;
- Lưu: VT, Cục 2.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC THỐNG KÊ TỘI PHẠM VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Nguyễn Như Hùng
|