TỔNG
CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
23-TC-CB
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1964
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG PHÒNG BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
HUYỆN
Kính gửi
|
- Các ông giám đốc sở bưu điện thành phố hà nội, hải
phòng
- Các
ông trưởng ty bưu điện và truyền thanh các tỉnh.
- Các
ông thủ trưởng các cục, vụ
|
Phòng Bưu điện và truyền thanh
huyện giữ một vị trí rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất của ngành, là đơn
vị trực tiếp chỉ đạo trạm xã phục vụ yêu cầu thông tin của cơ quan đoàn thể xã,
của các hợp tác xã và phục vụ đời sống văn hóa, tình cảm của nhân dân. Cơ sở
này có được tăng cường mạnh mẽ mới tạo thêm điều kiện cho ngành phục vụ nhiệm vụ
chính trị và kinh tế của Đảng và Chính phủ, phục vụ nhân dân ở nông thôn được
nhiều hơn và tốt hơn. Trong mấy năm qua ngành đã có nhiều cố gắng xây dựng, củng
cố tổ chức bưu điện và truyền thanh huyện, nên chất lượng đường dây, máy, loa
có tiến bộ rõ, việc chuyển thư từ, báo chí, điện báo từ huyện về xã và ngược lại
được nhanh chóng, trạm bưu điện xã bước đầu được củng cố, hoạt động đều hơn trước.
Song, trước yêu cầu phục vụ của
ngành ngày càng cao, khối lượng công tác ở phòng huyện, thị xã ngày một nhiều,
số chi nhánh tăng lên, mạng lưới truyền thanh, điện thoại có nơi đã xuống xã,
đòi hỏi phòng huyện phải mạnh mới bảo đảm được nhiệm vụ. Nhưng hiện nay nhìn
chung thì trình độ quản lý kính tế, quản lý nghiệp vụ, kỹ thuật của phòng huyện
còn yếu, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển sản xuất của ngành; nhiệm vụ của
trưởng phòng chưa được quy định rõ ràng là làm công tác quản lý hay sản xuất là
chủ yếu, tình trạng sử dụng, bảo quản các thiết bị máy móc chưa được tốt, các
thể lệ, chế độ nghiệp vụ không được thực hiện đầy đủ, do đó một số nơi đã
xảy ra hiện tượng thư từ, báo chí, điện báo bị chậm trễ, mất mát, tệ tham ô
lãng phí khá phổ biến, có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng không ít đến vấn đề phục
vụ và kinh doanh của ngành.
Để khắc phục những nhược điểm và
tồn tại trên cần phải ra sức củng cố và tăng cường phòng huyện (cũng như những
thị xã) về các mặt tổ chức, quản lý kinh tế, nghiệp vụ và kỹ thuật làm cho
phòng huyện trở thành một tổ chức mạnh mẽ để đáp ứng được nhu cầu của ngành
ngày càng phát triển. Trước mắt cần làm một số việc sau đây:
1. Cần xác định
rõ trách nhiệm của trưởng phòng.
Nhiệm vụ chủ yếu của trưởng
phòng huyện và thị xã là:
- Quản lý mọi mặt hoạt động của
phòng gồm quản lý nghiệp vụ, kỹ thuật, kế toán tài vụ, hành chính và quản lý
các trạm bưu điện truyền thanh xã thuộc phòng mình phụ trách, đảm bảo tốt yêu cầu
phục vụ chỉ đạo, phục vụ nhân dân, hoàn thành vượt mức kế hoạch về các mặt chất
lượng và số lượng trên giao.
- Kiểm tra đôn đốc cán bộ, công
nhân viên trong phòng thực hiện nhiệm vụ đã được giao, trực tiếp kiểm soát và
giám sát việc chấp hành các chế độ thủ tục khai thác nghiệp vụ, kỹ thuật, kế
toán thu chi tài vụ của phòng đúng với nguyên tắc chế độ đã ban hành.
Việc tham gia sản xuất cũng là
nhiệm vụ của trưởng phòng; nhưng ở phòng lớn, việc tham gia sản xuất chỉ làm với
mức độ không ảnh hưởng đến những nhiệm vụ đã quy định trên, còn ở phòng nhỏ, ít
người, ít việc, ngoài nhiệm vụ của mình trưởng phòng nên trực tiếp phụ trách một
nghiệp vụ (thí dụ: bưu chính hay truyền thanh) hoặc kiêm nhiệm các nghiệp vụ
khác với anh chị em để thay thế anh chị em nghỉ bù, ốm đau, nghỉ phép, kiểm tra
trạm xã.
2. Cần sắp xếp
và sử dụng hợp lý cán bộ, công nhân và tăng nhân lực cho một số phòng cần thiết.
Dựa vào yêu cầu và khối lượng
công tác của từng phòng huyện, thị xã mà nghiên cứu sắp xếp cán bộ, công nhân
cho hợp lý:
- Ở các phòng lớn nhiều việc,
trưởng phòng, nhân viên phải có trình độ khá về các mặt nghiệp vụ, kỹ thuật, quản
lý. Nên chọn những cán bộ đã được đào tạo ở các lớp trung cấp chính quy hoặc
chuyên tu, hàm thụ về khai thác, kỹ thuật đã qua thực tế công tác có đạo đức tốt,
bồi dưỡng thêm về phương pháp lãnh đạo và quản lý để đưa anh em đó phụ trách
phòng, phải có hướng đào tạo bồi dưỡng để dần dần tiến tới trưởng phòng huyện,
thị xã đều có trình độ trung cấp về nghiệp vụ kỹ thuật.
- Đối với những phòng đặc biệt
và loại 1 có mạng lưới truyền thanh xuống xã và phòng loại 2, loại 3 có mạng lưới
truyền thanh từ 600 loa trở lên thì bố trí riêng một người làm công tác kế toán
nghiệp vụ và tài vụ, những phòng loại 1 chưa có truyền thanh mà khối lượng
phát hành các loại báo có từ 200 độc giả trở lên và phòng loại 2, loại 3 mạng
lưới truyền thanh còn ít dưới 500 loa thì phân công một người vừa làm kế toán vừa
kiêm thêm việc khác trong phòng, các phòng nhỏ ít việc loại 2 và 3 không có
truyền thanh thì phần việc kế toán giao thêm cho nhân viên khai thác phụ trách.
Việc giữ quỹ của phòng phải giao cho một nhân viên khác kiêm nhiệm, trưởng
phòng và kế toán viên nhất thiết không được kiêm nhiệm thủ quỹ.
- Ở những phòng có mạng lưới điện
thoại Sở, Ty tùy theo khối lượng và công việc thực tế mà bố trí thợ dây, máy để
bảo quản kiểm tu mạng lưới điện thoại thường xuyên được tốt.
- Đối với những phòng huyện, thị
xã đã có mạng lưới truyền thanh thì căn cứ vào khối lượng mà lập kế hoạch bảo
quản đường dây, loa cho cân đối với việc phát triển; ở mạng lưới truyền thanh
trong các thị xã, thành phố có từ 15 đến 20 cây số đường dây trục và 300 loa, ở
mạng lưới truyền thanh huyện về xã có từ 20 đến 25 cây số đường dây và 200 loa
thì bố trí một công nhân bảo quản. Nói chung các đài, trạm truyền thanh huyện,
thị xã, thị trấn tối thiểu mỗi đài, trạm cần phải có ba người để làm các nhiệm
vụ chạy máy tăng âm, máy nổ, bảo dưỡng máy, bảo quản đường dây, sửa chữa loa,
biến áp, phục vụ các cuộc mít-tinh, hội họp của huyện, thị. Những huyện có hệ
thống truyền thanh lớn, công suất 1000 W trở lên nên bố trí một cán bộ chuyên
trách phát triển sự nghiệp truyền thanh. Sở, Ty cần trực tiếp trình bày cụ thể
với Ủy ban hành chính địa phương để xin thêm nhân lực bảo quản đường dây, loa,
bảo đảm các buổi phát thanh được trong, đều, rõ.
- Những phòng huyện chưa có cán
bộ xây dựng trạm xã nếu thấy cần thiết thì bố trí một cán bộ khá chuyên trách về
công tác này, ở phòng đã có cán bộ chuyên trách xây dựng trạm xã thì Sở, Ty,
Phòng phải có kế hoạch hướng dẫn cho cán bộ đó về phương pháp và nội dung xây dựng
trạm xã thật cụ thể để làm cho tốt. Tuy vậy vẫn phải tận dụng lực lượng cán bộ,
nhân viên ở phòng để thường xuyên kiểm tra, củng cố, bồi dưỡng trạm bưu điện
truyền thanh xã, không nên khoán cho cán bộ chuyên trách xây dựng trạm xã mà
cũng không nhất thiết phòng nào cũng phải bố trí cán bộ chuyên trách xây dựng
trạm xã.
3. Cần thường
xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác của phòng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát là
một công tác không thể thiếu được đối với ngành ta. Vì thế hàng năm Sở, Ty phải
có kế hoạch kiểm tra toàn diện và từng quý phải có kế hoạch kiểm tra từng mặt
công tác ở mỗi phòng huyện, thị xã. Đối với từng nghiệp vụ Sở, Ty phải bố trí
cán bộ theo dõi và quản lý chặt chẽ để kịp thời uốn nắn, đôn đốc, hướng dẫn, bổ
khuyết sai sót cho phòng.
Ngoài ra cần giáo dục cho cán bộ,
nhân viên phòng huyện về ý thức tự kiểm tra thường xuyên công tác của mình. Trưởng
phòng hàng ngày phải thực hiện đúng chế độ kiểm soát nghiệp vụ và tài vụ kế
toán của phòng mình, đồng thời phải định kỳ đi kiểm tra các chi nhánh, trạm xã
thuộc phạm vi mình phụ trách.
4. Phải tích
cực bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý, trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật cho
cán bộ, nhân viên phòng.
Để nâng cao trình độ quản lý cho
phòng huyện, thị xã, Sở, Ty cần tổ chức các lớp ngắn ngày để bồi dưỡng cho trưởng
phòng những điểm cơ bản về quản lý kinh tế, quản lý nghiệp vụ, kỹ thuật, về nhiệm
vụ và phương pháp quản lý ở một phòng huyện, thị xã. Đối với những trưởng phòng
trình độ quản lý quá yếu thì cố gắng sắp xếp cho đi dự các lớp bổ túc trưởng
phòng của Tổng cục mở.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập
nghiệp vụ tại chức cho cán bộ, công nhân viên các loại ở phòng theo kế hoạch
chung, chú trọng bồi dưỡng kèm cặp trong công tác thực tế. Những nhân viên khai
thác, công nhân kỹ thuật chưa qua đào tạo mà trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật yếu
thì cử đi bổ túc các lớp khu vực và ngắn hạn của Tổng cục mở, cần phấn đấu để số
anh chị em này được qua đào tạo bổ túc hết. Riêng số kế toán viên chuẩn bị tăng
cường cho phòng huyện, thị xã cần phải cử đi dự các lớp đào tạo kế toán của Tổng
cục, hoặc Sở, Ty mở các lớp ngắn ngày huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ kế
toán để anh chị em nắm được một số công việc chính làm hàng ngày phục vụ kịp thời
cho công tác kế toán ở phòng.
Đi đôi với các việc trên phải tiến
hành xây dựng nội quy công tác của phòng và quy định chế độ chức trách của từng
người cho rõ. Trên cơ sở đó mà hợp lý hóa sản xuất cải tiến công tác của phòng
huyện, thị xã ngày một tốt hơn.
Công tác củng cố và tăng cường
phòng huyện là một công tác cấp thiết nhưng phức tạp vì nó bao gồm nhiều mặt,
đòi hỏi phải giải quyết từng bước, trước mắt phải tiến hành một số việc đã nêu
trên. Tổng cục yêu cầu các Sở, Ty các Cục, Vụ có liên quan nghiên cứu kỹ chỉ thị
này và dựa vào bản kế hoạch chung kèm theo (1) để vạch kế hoạch cụ
thể của từng Sở, Ty, Cục, Vụ nhằm thực hiện tốt những việc đã đề ra.
Trong khi tiến hành nếu có khó
khăn trở ngại hoặc kinh nghiệm gì thì phản ảnh ngay về Tổng cục để phổ biến và
giải quyết.
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
Trần Quang Bình
|
(1) Bản kế hoạch không đăng
công báo