ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 23/CT-UBND
|
Hải Phòng, ngày 10 tháng 10 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI
PHÒNG
Trong những năm gần đây, sự phát triển
mạnh mẽ của Internet và các trang thông tin điện tử đã góp phần quan trọng vào
việc chuyển tải, trao đổi, chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, hệ thống Cổng Thông tin điện tử của thành
phố được công bố bao gồm 1 cổng chính và 33 cổng thành phần;
27 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép; nhiều trang thông tin điện tử
nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, trang thông tin điện tử
cá nhân và mạng xã hội. Các trang thông tin điện tử trên
cơ bản hoạt động đúng các quy định của pháp luật về nội
dung thông tin; thông tin được cập nhật thường xuyên, tổng
hợp thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội của thành phố và đất nước
góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt
động trang thông tin điện tử còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Trang tin
điện tử tổng hợp hoạt động không phép hoặc không thực hiện đúng quy định trong giấy phép; nội dung quảng cáo và cung cấp trò
chơi điện tử trái phép; vi phạm về sử dụng nguồn tin; đăng
tải những tin, bài có nội dung tiêu cực, gây bức xúc trong
dư luận...
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước
trong hoạt động trang thông điện tử, chấn chỉnh và làm lành mạnh hóa môi trường
thông tin điện tử trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các
sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên
quan tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
1. Sở
Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện đẩy mạnh
công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật về hoạt động quản lý thông tin điện tử để định hướng, cung cấp thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật về sử dụng thông tin trên Internet để mỗi người dân, đặc biệt là
thế hệ trẻ biết tự sàng lọc, khai thác những nội dung thông tin có lợi, loại bỏ
những thông tin xấu, độc hại trên Internet.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về thông tin điện tử tại thành phố, thực hiện tốt việc thẩm định hồ sơ, cấp
phép trang thông tin điện tử tổng hợp; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà
soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những sai phạm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng
thông tin trên mạng để chấn chỉnh, giúp các trang thông tin điện tử phát huy những
mặt mạnh, khắc phục những khiếm khuyết trong quá trình hoạt động, đảm bảo hoạt
động đúng theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường các biện pháp quản lý việc
sử dụng Internet, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử của
các cơ quan nhà nước, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, trang
thông tin nội bộ, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trang thông
tin cá nhân...
- Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi
thông tin thường xuyên với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm cung cấp
thông tin, hướng dẫn nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện vi phạm. Thiết
lập, công bố công khai đường dây nóng, địa chỉ email để tiếp nhận phản ánh từ
phía người dân.
- Định kỳ 6 tháng, một năm, Sở
Thông tin và Truyền thông sơ kết, đánh giá
hoạt động thông tin điện tử và báo cáo hoạt động quản lý nhà nước về thông tin
điện tử tại địa phương về Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Thông tin và Truyền
thông.
2. Công an thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ngăn chặn, xử lý các hành vi cung cấp thông
tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội làm lộ bí mật nhà nước, xâm phạm
an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông vá các đơn vị liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý
hoạt động của trang thông tin điện tử, mạng xã hội; giải
quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm
pháp luật trong hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
- Kịp thời phối hợp xác minh các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin điện tử khi có yêu cầu.
- Tham mưu, hướng dẫn các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt các
quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là công tác bảo vệ bí mật
nhà nước trong việc cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử
và mạng xã hội.
3. Các sở, ban, ngành, tổ chức
đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện
- Thực hiện việc cung cấp thông tin
trên mạng theo đúng các quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát và chỉ đạo
các đơn vị trực thuộc xin cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng
hợp tại Sở Thông tin và Truyền thông đối với trang thông tin điện tử cung cấp thông tin tổng hợp đang hoạt động.
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ
đạo Phòng Văn hóa và Thông tin rà soát, theo dõi hoạt động của các trang thông
tin điện tử tại địa phương; định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo tình hình về Sở
Thông tin và Truyền thông.
- Đảm bảo các điều kiện chủ yếu khi
hoạt động thông tin điện tử, bao gồm:
+ Thành lập Ban biên tập; xây dựng
quy chế kiểm duyệt thông tin chặt chẽ trước khi đăng, phát thông tin trên trang
thông tin điện tử.
+ Phân công cán bộ chịu trách nhiệm
quản lý nội dung thông tin; cung cấp số điện thoại liên lạc thường xuyên, địa
chỉ email cho Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử
lý trong trường hợp cần thiết.
+ Thành lập bộ phận quản lý kỹ thuật
đáp ứng quy định tại điểm g, h Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT
ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và
Truyền thông ban hành Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
+ Đảm bảo thời gian, tần suất cập nhật
thông tin lên trang thông tin điện tử được quy định tại Điều 12, Thông tư
số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/7/2009 của Bộ Thông tin và Truyền
thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện
đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối
với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ các quy định về bảo đảm
an toàn, an ninh thông tin trong việc sử dụng Internet, tiếp cận thông tin điện
tử và mạng xã hội.
4. Đối với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang
thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội
- Tuân thủ các quy định về bản quyền,
về nguồn tin và các quy định của pháp luật về sở hữu trí
tuệ; các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về
việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và
Thông tư số 09/2014/TT-BTTT ngày 19/8/2014 của Thông tin và Truyền thông Quy định
chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin
trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, trong đó lưu ý nội dung của các điều khoản chuyển tiếp; triển khai các điều kiện, thủ tục
cần thiết bảo đảm hoạt động cung cấp dịch vụ của đơn vị mình tuân thủ các quy định
pháp luật hiện hành.
- Các trang thông tin điện tử tổng hợp
chấn chỉnh việc tự ý sản xuất tin bài giống cơ quan báo chí, không tuân thủ các
quy định về nguồn tin, thay đổi tiêu đề bài viết, cắt xén nội dung, hình ảnh
trong bài viết; nội dung thông tin tổng hợp quá rộng, không phù hợp với quy định
về giấy phép.
- Nâng cao trách nhiệm tự quản lý thông tin trên mạng, trường hợp tự phát hiện hoặc nhận
được phản ánh các nội dung vi phạm, cần triển khai thực hiện ngay quy trình xử
lý thông tin vi phạm theo đúng quy định và báo cáo cơ quan chức năng có thẩm
quyền.
- Thực hiện chế độ báo cáo theo định
kỳ mỗi năm một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nội dung báo cáo theo
mẫu ban hành tại Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày
19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Các cơ quan báo chí, hệ thống
truyền thanh cơ sở trên địa bàn thành phố
- Các cơ quan báo
chí chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage
chính thức của cơ quan mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng bình luận,
tuyên truyền xuyên tạc, gây dư luận xấu.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
cơ quan báo chí và các cá nhân được giao trực tiếp quản trị, điều hành fanpage,
thực hiện yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quản lý chặt chẽ nội
dung, tuân thủ nghiêm các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày
15/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/TT-BTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Các cơ quan báo chí đăng tải thông
tin trên mạng xã hội (Facbook, Twitter), trang Fanpage... tuân thủ đúng quy định
của pháp luật, thông tin chính xác như đã đăng tải trên
các ấn phẩm của cơ quan báo chí.
- Thường xuyên tuyên truyền các chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động thông tin điện
tử trên mạng.
- Kịp thời phát hiện và đưa tin, bài
phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm đến
danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, cộng đồng.
Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp,
tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ TT&TT (để b/c);
- TTTU, TTHĐND TP (để b/c);
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban,
ngành, đoàn thể thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- Cổng Thông tin điện tử thành
phố;
- Đài PT&TH HP, Báo HP, Báo
ANHP;
- Các đơn vị hoạt động trang
TTĐT;
- CPVP;
- Các phòng CV;
- CV: GD;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Khắc Nam
|