CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (gọi
tắt là CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được
UBND các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả
đáng khích lệ, góp phần thiết thực và có hiệu quả cho việc triển khai thi hành
Luật Công nghệ thông tin. Tuy nhiên nhận thức về việc ứng dụng CNTT trong hoạt
động của một số cơ quan đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, còn mang tính hình thức
và chưa mang tính định hướng chung.
Trước thực trạng nêu trên UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng
các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện các
nhiệm vụ sau:
1. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT và ứng dụng CNTT trong
hoạt động của các cơ quan nhà nước
Nâng cao nhận thức về vai
trò, vị trí của CNTT và ứng dụng CNTT ở tất cả các cấp các ngành, từ cán bộ
lãnh đạo, cán bộ quản lý đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Thủ trưởng các
sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển
khai các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và quản
lý, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Giao nhiệm vụ Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì
phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan phổ biến rộng rãi và quán triệt
đầy đủ các quy định của luật và các văn bản dưới luật, hướng dẫn, chỉ đạo về
CNTT. Thủ trưởng các sở, ngành có trách nhiệm phổ biến và quán triệt đầy đủ các
văn bản liên quan về CNTT thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các đơn vị trong hệ
thống của ngành mình.
2. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn chỉnh
cơ sở hạ tầng CNTT
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: chủ
trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đánh giá và đề xuất phương án
xây dựng hệ thống mạng chuyên dụng cho khối cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc
triển khai xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh, đảm bảo
một số cuộc họp giao ban của lãnh đạo UBND tỉnh với các sở, ngành, UBND huyện,
thị xã được tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến trên môi trường mạng, chậm
nhất ngày 31/3/2009 trình UBND tỉnh về vấn đề này.
Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên trách về CNTT của đơn vị mình tiến
hành rà soát, chủ động xây dựng, phát triển, bổ sung, nâng cấp mạng nội bộ và
các điều kiện hạ tầng kỹ thuật khác, đảm bảo việc kết nối mạng thông suốt giữa
các đơn vị trực thuộc, làm cơ sở cho việc triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt
động của cơ quan, địa phương mình. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm
hỗ trợ các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã trong việc xây dựng phương
án, chọn lựa công nghệ để xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống mạng trên. Chậm nhất
ngày 31/3/2009 các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã phải cơ bản hoàn tất
việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ để kết nối liên thông các đơn vị
trực thuộc của mình.
Riêng đối với các huyện đã xây dựng hoàn chỉnh mạng nội bộ,
đã và đang triển khai dự án “Ứng dụng CNTT để thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế
một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, giai đoạn 1
(2007-2010)” cần vận hành tốt hệ thống thông tin, dịch vụ công phục vụ cho sự
chỉ đạo điều hành của UBND huyện, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn theo
mục tiêu cải cách hành chính theo đã đề ra.
3. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong
hoạt động chuyên môn nghiệp vụ ở các sở, ngành, huyện, thị xã
a) Tăng cường công tác quản lý văn bản và điều hành
tác nghiệp trên môi trường mạng
Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã có trách nhiệm chỉ đạo ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, tăng cường sử
dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành
và trao đổi thông tin, xem xét đầu tư các hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều
hành tác nghiệp cho hoạt động chuyên môn của đơn vị mình.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: nghiên cứu,
đánh giá và đề xuất UBND tỉnh về các giải pháp phần mềm quản lý văn bản và điều
hành tác nghiệp đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật công nghệ theo tiêu chuẩn
do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương
và chi phí hợp lý để triển khai sử dụng trong khối cơ quan nhà nước. Phối hợp với
UBND các huyện, thị xã tiếp tục triển khai dự án “Ứng dụng CNTT để thực hiện cơ
chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa
phương, giai đoạn 1 (2007-2010)”, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời
tiếp tục rà soát đánh giá đề xuất trình UBND tỉnh quyết định việc tiếp tục đầu
tư giai đoạn 2 của dự án.
b) Tăng cường sử dụng
thư điện tử trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi thông tin giữa cán bộ
công chức và giữa các cơ quan nhà nước
Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/CT-UBND
ngày 18/12/2008 của UBND tỉnh về sử dụng thư điện tử trong hoạt động của cơ
quan nhà nước.
Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông rà soát, đánh giá hệ thống thư điện tử, đề xuất biện pháp nhằm cải tiến
chất lượng, đảm bảo đáp ứng về mặt kỹ thuật phục vụ hoạt động trao đổi thông
tin qua thư điện tử của tất cả cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng UBND
tỉnh, Sở Nội vụ và các ngành chức năng khẩn trương xây dựng quy chế sử dụng thư
điện tử trong hoạt động trao đổi thông tin của cơ quan nhà nước, trong đó quy định
rõ các loại văn bản cần chuyển qua đường thư điện tử, trách nhiệm của các sở
ngành huyện thị, cán bộ công chức, viên chức trong việc quản lý, sử dụng thư điện
tử trong hoạt động chuyên môn và giao tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Chậm nhất đến ngày 31/3/2009 các sở, ngành trên báo cáo
UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ trên.
c) Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cổng thông tin điện
tử của tỉnh
Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh cổng
thông tin điện tử của tỉnh, đảm bảo đáp ứng về mặt kỹ thuật công nghệ theo hướng
dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 1654/BTTTT-ƯDCNTT ngày
27/5/2008, với đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28
Luật Công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp tối thiểu
3 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân
và doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính; phấn đấu đưa vào sử dụng từ ngày 10/01/2009.
d) Xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin
chuyên ngành
Sau khi kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt
động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 được phê duyệt, các sở, ngành,
UBND các huyện, thị xã cần tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống
thông tin chuyên ngành phù hợp với đặc thù và nhu cầu của ngành mình:
+ Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về quản
lý ngân sách, công sản.
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu doanh
nghiệp và các dịch vụ công đã triển khai.
+ Sở Y tế nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về dân số, y
tế, sức khoẻ.
+ Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng cơ sở
dữ liệu về thông tin và truyền thông.
+ Sở Công Thương nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về
công nghiệp và thương mại.
+ Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng hệ thống
thông tin quản lý về giao thông vận tải.
+ Sở Tư pháp nghiên cứu xây
dựng hệ thống thông tin quản lý về tư pháp.
Trong quá trình xây dựng các sở, ngành cần phối hợp chặt
chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo sự tương thích, liên thông giữa
các hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước, đảm bảo cung cấp thông tin,
dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp qua cổng thông tin điện tử của tỉnh.
e) Đảm bảo tính tương thích về mặt công nghệ trong
hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước
Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức phổ biến và hướng dẫn
các quy định, tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin cho các sở, ngành,
UBND các huyện, thị xã nắm và thực hiện theo Quyết định số 19/2008/QĐ-BTTTT
ngày 09/4/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định áp dụng tiêu
chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và Quyết định số
20/2008/QĐ-BTTTT ngày 09/4/2008 ban hành danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng công
nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
4. Tăng cường đảm bảo an toàn thông
tin, an ninh mạng
Việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là yêu cầu bắt
buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp và hủy bỏ các hạ tầng
kỹ thuật của cơ quan nhà nước. Các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã khi đầu
tư ứng dụng CNTT cần quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thông tin của hệ thống
thông tin tại cơ quan đơn vị mình, bao gồm việc xây dựng quy định về bảo đảm an
toàn thông tin; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông
tin; đảm bảo an toàn dữ liệu; áp dụng quy trình quản lý an toàn hạ tầng kỹ thuật.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm đào tạo, hướng
dẫn cán bộ chuyên trách về CNTT các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh biết thực
hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin, tổ chức thường xuyên các lớp
đào tạo kiến thức cơ bản và chuyên sâu về an toàn thông tin, an ninh mạng cho
cán bộ chuyên trách về CNTT của các cơ quan nhà nước và công chức viên chức
trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng mô hình trung
tâm an ninh mạng của tỉnh.
5. Tăng cường việc sử dụng phần mềm
mã nguồn mở, thực hiện tốt vấn đề bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với phần
mềm
Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã
nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt vấn đề bản quyền phần mềm.
Trước mắt cần triển khai thực hiện đầy đủ việc cài đặt bản quyền phần mềm văn
phòng do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phát, bàn giao. Việc cài đặt cần thực
hiện triệt để với tất cả máy tính có sử dụng phần mềm văn phòng tại cơ quan đơn
vị mình.
Đối với các phần mềm khác (ngoài phần mềm văn phòng) như
phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm lõi... cần đẩy mạnh việc triển
khai ứng dụng các phần mềm nguồn mở để từng bước thay thế các phần mềm nguồn
đóng (có bản quyền) trong các hệ thống thông tin nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản
quyền phần mềm. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, chậm nhất ngày
31/3/2009 trình UBND tỉnh việc triển khai sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong
danh mục do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành cho các cơ quan, tổ chức nhà
nước trên địa bàn tỉnh theo đúng định hướng của Chính phủ về sử dụng bản quyền
phần mềm.
6. Đào tạo, phát triển và sử dụng hợp
lý nguồn nhân lực về CNTT trong khối cơ quan nhà nước
Kỹ năng cơ bản về CNTT là yêu cầu cơ bản phải có trong việc
tuyển chọn công chức, do vậy đối với các cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh
chưa có kỹ năng cơ bản về CNTT, thì phải có trách nhiệm tự học, tự tìm hiểu để
ngang tầm với nhiệm vụ và yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ, công chức trong thời kỳ hiện
nay. Sở ngành chức năng có trách nhiệm tổ chức tập huấn về các phần mềm ứng dụng,
đào tạo cán bộ chuyên trách CNTT đến cấp sở, ngành, cấp huyện, thị xã, kinh phí đào
tạo chuyên sâu lồng ghép vào các chương trình, dự án và nguồn kinh phí đào tạo
nguồn nhân lực đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị hàng năm.
Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tổ chức các
khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý trong lĩnh vực CNTT, quản trị hệ thống, an
toàn thông tin và an ninh mạng cho các cán bộ chuyên trách của các cơ quan nhà
nước.
Tất cả sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã cần chủ động trong việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho cán bộ công chức thuộc đơn vị mình, đảm bảo cán
bộ công chức, viên chức có thể ứng dụng CNTT trong các hoạt động chuyên môn
nghiệp vụ.
7. Tăng cường đầu tư cho ứng dụng CNTT
trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh
Thủ trưởng tất cả sở, ngành tỉnh, UBND các
huyện, thị xã có trách nhiệm chủ động trong việc tăng cường
đầu tư cho ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan mình,
đảm bảo mục tiêu đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở
Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông cân đối, tổng hợp các nguồn vốn của tỉnh
và vốn của Trung ương cho các dự
án, hạng mục ứng dụng CNTT theo tinh thần của chỉ thị này, phù hợp với Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ
quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông hướng dẫn các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh xây dựng dự toán
chi cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan đơn vị mình hằng năm theo
đúng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/5/2008
của Liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn việc quản
lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ
quan nhà nước. Chậm nhất ngày 31/03/2009 phải hoàn thành việc hướng dẫn này và báo cáo UBND tỉnh.
8. Tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin của tỉnh
Ban Chỉ đạo công nghệ
thông tin có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, điều hành, chỉ đạo các
hoạt động chuyên môn về công nghệ thông tin;
kịp thời kiểm điểm, đánh giá và giải quyết các vướng mắc khó khăn trong quá
trình thực hiện việc triển khai ứng dụng công
nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, đề xuất giải pháp hướng khắc phục khó
khăn trong thời gian tới.
Giao nhiệm vụ Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền thông theo
dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của chỉ thị này.
Yêu cầu thủ trưởng
các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các cơ quan liên quan
triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ
thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc khó khăn đề nghị phản ánh bằng
văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn, giải
quyết; các vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý./.