VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG
CÁC HÀNH VI VI PHẠM, TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ
THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH.
Trong thời gian qua, cả nước đã xảy
ra nhiều vụ trộm cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng
bưu chính, chuyển phát, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet
và thẻ điện thoại Internet lậu. Qua các vụ việc đã được phát hiện và xử lý cho
thấy hình thức, thủ đoạn của đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, khó phát hiện,
mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng; Bên cạnh đó, tội phạm mạng ngày càng
gia tăng, hoạt động có tổ chức với nhiều hành vi phạm tội đáng báo động như: Lừa
đảo trực tuyến, phát tán virus, gửi thư rác, lấy cắp tài khoản, tấn công các mạng
máy tính, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp,...
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tuy mức độ ảnh hưởng chưa lớn nhưng cần phải cảnh
giác trước những hành vi phạm tội, đặc biệt là nạn cắt trộm dây cáp điện thoại,
dây chống sét, phá hoại các công trình viễn thông, vi phạm nghiêm trọng đến an
toàn, an ninh thông tin, làm thiệt hại đến tài sản, gây ảnh hưởng không tốt đến
tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Để tăng cường công tác đấu tranh
phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông
tin (BCVT - CNTT); ngăn chặn các hành vi trộm cắp, phá hoại các công trình viễn
thông; trộm cắp cước viễn thông quốc tế, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện
thoại Internet và các loại thẻ điện thoại lậu; gửi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm
qua mạng bưu chính, chuyển phát và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg
ngày 08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
09/1998/NQ-CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của chính phủ đến
năm 2010, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ thị về việc tăng cường công tác
phối hợp phòng chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực BCVT – CNTT
như sau:
1. Nội dung phối
hợp.
1.1 Tăng cường sự phối hợp giữa
các cấp, các ngành trong việc phòng, chống tội phạm BCVT - CNTT; ngăn chặn kinh
doanh trái phép các dịch vụ, sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu
chính Viễn thông, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, chuyển phát
với phương châm “chủ động phòng, chống có hiệu quả trên cơ sở phối hợp liên
ngành và áp dụng các giải pháp tổng hợp, đồng bộ”.
1.2 Các ngành: Bưu chính Viễn
thông, Thương mại, Công an tỉnh cử người có trách nhiệm phụ trách công tác phối
hợp phòng chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực BCVT-CNTT.
2. Trách nhiệm của
các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan.
2.1 Sở Bưu chính Viễn thông.
2.1.1 Tiếp tục thực hiện chỉ thị số
03/2005/CT-BBCVT ngày 28/3/2005 của Bộ Bưu chính Viễn thông về đẩy mạnh công tác
đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng trong lĩnh vực bưu chính, viễn
thông và công nghệ thông tin; Chỉ thị số 03/2007/CT-BBCVT ngày 23/2/2007 của Bộ
Bưu chính Viễn thông về tăng cường đảm bảo an ninh thông tin trên mạng
Internet; Chỉ thị số 09/2003/CT-BBCVT ngày 23/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu
chính Viễn thông về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận
thương mại trong lĩnh vực BCVT-CNTT. Làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ các
doanh nghiệp về các dấu hiệu nghi vấn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường
bưu chính, trộm cắp cước viễn thông quốc tế.
2.1.2 Tùy theo vụ việc, lĩnh vực cụ
thể, kịp thời cung cấp số liệu, tài liệu và phối hợp với đơn vị liên quan trực
tiếp để xử lý có hiệu quả vụ việc vi phạm pháp luật.
2.1.3 Chủ trì hoặc tham gia thanh
tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính hoặc lập hồ sơ theo đúng
quy định tại Luật Thanh tra năm 2004 và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm
2002. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý chuyên ngành trong
quá trình thanh tra, kiểm tra thì Sở Bưu chính Viễn thông đề nghị phối hợp.
2.1.4 Tiếp nhận Quyết định trưng cầu
giám định, làm thủ tục thành lập hội đồng giám định về các lĩnh vực thuộc thẩm
quyền quản lý theo quy định tại Pháp lệnh giám định tư pháp ngày 29/9/2004 và
Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp.
2.1.5 Chủ trì, phối hợp với
Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Quảng Ninh, các Sở, Ban, Ngành, các doanh nghiệp
Bưu chính, Viễn thông thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin
đại chúng về các loại hình trộm cắp cước viễn thông, kinh doanh trái pháp luật
dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu, phá hoại các công
trình viễn thông... để quần chúng nhân dân biết và cùng phòng, chống tội phạm.
2.2 Công an Tỉnh.
2.2.1 Căn cứ dấu hiệu và tài liệu
liên quan đến trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm
qua đường bưu chính do Sở Bưu chính Viễn thông hoặc Cục Hải quan hoặc Sở Thương
mại, Công an tỉnh có trách nhiệm tiến hành điều tra, xác minh đối tượng.
2.2.2 Đối với các vụ việc do Công
an tỉnh phát hiện, trường hợp cần có sự phối hợp, Công an tỉnh kịp thời thông
báo bằng văn bản cho Sở Bưu chính Viễn thông và đơn vị liên quan. Đồng thời
cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phối hợp theo đề nghị
của đơn vị phối hợp. Trường hợp những thông tin, tài liệu đó đang phục vụ cho
quá trình điều tra, xác minh không cung cấp được thì trả lời đơn vị phối hợp bằng
văn bản.
2.2.3 Trường hợp cần cung cấp thêm
tài liệu để phục vụ điều tra hoặc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật thì có
đề nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ thông tin yêu cầu cung cấp.
2.2.4 Sau khi xác minh rõ đối tượng
và tiến hành phá án, Công an tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Sở Bưu chính Viễn
thông và đơn vị tham gia phối hợp biết thời gian, địa điểm tiến hành thanh tra,
kiểm tra, khám xét. Tổ chức lực lượng giám sát đối tượng trong quá trình Sở Bưu
chính Viễn thông thanh tra hành chính, không để đối tượng xóa dấu vết, tẩu tán
phương tiện, thiết bị, tang vật sử dụng để phạm tội.
2.2.5 Nhận bàn giao hồ sơ đề nghị
truy cứu trách nhiệm hình sự do Sở Bưu chính Viễn thông lập. Tổ chức bắt giữ và
truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng phạm tội.
2.3 Sở Thương mại.
2.3.1 Chủ trì việc kiểm tra, kiểm
soát, xử lý hàng lậu, hàng cấm vận chuyển qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát.
2.3.2 Trường hợp nhận được thông
báo về vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, mạng chuyển phát,
Sở Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường kịp thời phối hợp
với Sở Bưu chính Viễn thông trong việc kiểm tra, kiểm soát các túi bưu phẩm,
bưu kiện, kiện hàng hóa, phương tiện vận chuyển. Nếu phát hiện thấy có hành vi
vi phạm pháp luật thì cùng phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông xử lý vi phạm
theo quy định của pháp luật.
2.3.3 Trường hợp cần cung cấp thêm
tài liệu để phục vụ công tác trong quá trình phối hợp thì có văn bản gửi Sở Bưu
chính Viễn thông, trong đó nêu rõ thông tin yêu cầu cung cấp.
2.3.4 Nếu phát hiện các vụ vận
chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, mạng chuyển phát, Sở Thương mại
có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kịp thời thông báo và phối hợp
với Sở Bưu chính Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2.4 Các doanh nghiệp BCVT-CNTT:
2.4.1 Tiếp tục thực hiện chỉ thị số
03/2005/CT-BBCVT của Bộ Bưu chính Viễn Thông ngày 28/3/2005 về đẩy mạnh công
tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng trong lĩnh vực bưu chính, viễn
thông và công nghệ thông tin; Chỉ thị số 03/2007/CT-BBCVT ngày 23/2/2007 của Bộ
Bưu chính Viễn thông về tăng cường đảm bảo an ninh thông tin trên mạng
Internet. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận
chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, mạng chuyển phát, các hành vi vi
phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông,
Internet; các tổ chức, cá nhân vận chuyển, kinh doanh các thiết bị viễn thông
không có chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông thì doanh nghiệp có
trách nhiệm kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho Sở Bưu
chính Viễn thông.
2.4.2 Thực hiện các biện pháp kỹ
thuật nghiệp vụ làm giảm thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra, cung cấp
thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tạo điều kiện cho các cơ quan
chức năng xác minh đối tượng vi phạm.
2.4.3 Có trách nhiệm phối hợp với
nhau và với các đơn vị khác nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, thực hiện
các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, thông báo cho các cơ
quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật.
2.4.4 Cung cấp số liệu liên quan đến
hoạt động giám định theo yêu cầu của Cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách
nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.
2.5 Ủy ban Nhân dân các huyện, thị,
thành phố:
Phân công một Phó Chủ tịch Uỷ ban
Nhân dân chịu trách nhiệm chỉ đạo các Phòng, Ban thuộc huyện, thị xã, thành phố
tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc kinh doanh,
sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông; trộm cắp, phá hoại các công trình viễn
thông tại địa phương mình quản lý và báo cáo về Sở Bưu chính Viễn thông để phối
hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.
2.6 Đài phát thanh Truyền hình,
Báo Quảng Ninh.
Phối hợp với Sở Bưu chính Viễn
thông tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về
phòng, chống tội phạm; buôn lậu, gian lận thương mại; pháp luật về BCVT - CNTT
cho các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân. Tổ chức phổ biến các quy định
trong việc bảo vệ an toàn mạng lưới, an ninh thông tin trong hoạt động
BCVT-CNTT; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác
phòng, chống tội phạm và gian lận thương mại trong lĩnh vực BCVT-CNTT.
2.7 Các Sở, Ban, Ngành, đơn vị
khác.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình, tích cực phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông, Công an Tỉnh, Sở
Thương mại thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện các hành vi vi phạm
về buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm BCVT - CNTT.
3. Tổ chức thực hiện.
3.1 Sở Bưu chính Viễn thông có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng định kỳ 6 tháng/lần tổ
chức họp đánh giá, trao đổi về kết quả thực hiện, kinh nghiệm, các thông tin có
liên quan và tổng hợp báo cáo, đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh các cơ chế, giải
pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong
lĩnh vực BCVT - CNTT trên địa bàn Tỉnh.
3.2 Sở Thương mại, Công an Tỉnh có
trách nhiệm tham dự các cuộc họp do Sở Bưu chính Viễn thông tổ chức và định kỳ
6 tháng/lần cung cấp các nội dung thông tin về kết quả phòng, chống các hành vi
vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin
cho Sở Bưu chính Viễn thông để tổng hợp và báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội
phạm và buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên,
liên tục và lâu dài của các cấp, các ngành. Vì vậy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu
thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan có kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chỉ
thị này. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.