CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BƯU CHÍNH,
VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Bưu chính, Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật,
dịch vụ thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời là động lực
quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân
và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong những năm gần đây, sự phát triển hạ tầng
bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ bưu
chính, viễn thông phát triển vượt bậc, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và
nông thôn, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận các dịch vụ
bưu chính, viễn thông nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động bưu chính, viễn
thông vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện; hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chưa đầy đủ nên hạ tầng bưu chính, viễn
thông phát triển thiếu tính tổng thể, đồng bộ và chưa bền vững.
Để tăng cường phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng
bưu chính, viễn thông hiệu quả, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày
càng nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời cải thiện mỹ
quan, môi trường, nhất là ở khu vực đô thị, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện
những nội dung sau:
a) Về Bưu chính
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống Bưu điện
Văn hóa xã hoạt động, phát triển và cung cấp được nhiều dịch vụ bưu chính đáp ứng
nhu cầu của người dân; quan tâm thực hiện Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy
tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam”, có biện pháp phổ biến lợi
ích Dự án này mang lại và tổ chức phối hợp triển khai để Dự án đạt hiệu quả thiết
thực.
- Ưu tiên tạo điều kiện cho mạng bưu chính công
cộng được hoạt động an toàn, hiệu quả.
b) Về Viễn thông
- Công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử
dụng không gian, mặt đất, lòng đất. Các đường cáp viễn thông, đường dây thuê
bao được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường phố, đường
điện để thuận tiện cho việc lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ công trình.
- Cáp viễn thông, thiết bị viễn thông được phép
lắp đặt trong công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình
đầu mối kỹ thuật ngầm, phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công
trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm trên cơ sở các quy định hiện hành
của Nhà nước.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp
kinh doanh lĩnh vực viễn thông phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn
thông, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn của tỉnh; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động
trên nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp. Không bắt buộc chuyển mục
đích sử dụng đất đối với các công trình xây dựng có quy mô nhỏ và mang tính đặc
thù về hạ tầng kỹ thuật ngành viễn thông như: trạm máy, cột dây thông tin, cống,
bể cáp, cột ăng ten.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông
a) Chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp bưu chính
trong việc tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động
bưu chính, chuyển phát và các dịch vụ công về bưu chính.
b) Chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính
thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BTTTT ngày 28/6/2011 của
Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính.
c) Rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp
bưu chính thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.
d) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kiểm định
các thiết bị đo lường bưu chính theo quy định hiện hành.
e) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, Bưu điện
tỉnh tổ chức triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập
internet công cộng tại Việt Nam” tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã đã được ký kết
tiếp nhận Dự án.
f) Tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền
thông, Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề liên quan theo định kỳ và đột xuất (khi
có yêu cầu).
g) Rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung
hoặc hủy bỏ một số quy định không còn phù hợp về quy trình, thủ tục cấp phép
xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
h) Triển khai, định hướng và theo dõi việc thực
hiện Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2025. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương và sự phát triển
của ngành bưu chính, viễn thông, tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phù hợp (nếu cần).
i) Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp
luật cụ thể hóa các quy trình quản lý hạ tầng mạng viễn thông; quy định ngầm
hóa mạng ngoại vi, dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông (trụ ăngten, cống bể, đường
truyền dẫn, thiết bị…).
j) Chủ động phối hợp với các ngành chức năng
tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước
về xây dựng, lắp đặt, sử dụng các công trình viễn thông của các tổ chức, cá
nhân; xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
3. Sở Xây dựng
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND
các huyện, thị xã xây dựng quy định, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trong
vấn đề quy hoạch, xây dựng mạng lưới các công trình bưu chính, viễn thông, các
trụ ăng ten phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh.
4. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và
các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã; các doanh nghiệp viễn thông xây dựng
các chương trình, đề án, quy định ngầm hóa mạng ngoại vi phù hợp với quy hoạch
của từng thời kỳ.
b) Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ
tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có (điểm c, khoản
1, điều 37 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP) khi lập thiết kế cơ sở xây dựng hệ thống
cầu, đường.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định việc sử dụng chung hệ thống cột
(trong đó có cột điện) để treo cáp điện lực và cáp viễn thông, thông tin đối với
những khu vực chưa thể ngầm hóa và không thể bố trí thêm cột tại cùng vị trí.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu ban hành chủ trương về sử dụng đất để
xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có trong quy hoạch bưu
chính, viễn thông đã được phê duyệt. Đối với các vị trí chưa có trong quy hoạch
sử dụng đất thì tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch
sử dụng đất.
7. Sở Tài chính
Căn cứ hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành
có liên quan, thực hiện việc kiểm soát và quản lý giá thuê hạ tầng kỹ thuật
công cộng để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ưu
đãi đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp
viễn thông theo quy định của pháp luật.
9. Công an tỉnh
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an
toàn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh;
ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá hoại hệ thống
cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông; cản trở việc chỉnh trang, ngầm hóa, xây dựng,
phát triển hạ tầng viễn thông.
10. Ban Quản lý Khu Kinh tế
Căn cứ Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn
thông tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phối hợp với các
doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch ngầm hóa mạng ngoại vi. Ưu
tiên bố trí mặt bằng trong Khu Kinh tế, Khu công nghiệp để doanh nghiệp viễn
thông xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
11. UBND các huyện, thị xã
a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức,
cá nhân liên quan trên địa bàn thực hiện các nội dung liên quan theo đúng quy định
của pháp luật và các quy định hiện hành.
b) Nghiên cứu, đề xuất với Sở Thông tin và Truyền
thông những vấn đề liên quan đến công tác quản lý bưu chính, viễn thông trên địa
bàn.
c) Phối hợp triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao
khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam”; tạo điều
kiện thuận lợi để người dân được hưởng lợi ích Dự án mang lại.
d) Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch chỉnh
trang, treo lại và ngầm hóa các mạng cáp viễn thông, thông tin tại khu vực đô
thị trên địa bàn, chú trọng 03 vị trí: thị xã Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị
xã Phước Long.
e) Đối với các huyện, thị xã đã có quy hoạch xây
dựng được phê duyệt, tiến hành bổ sung quy hoạch xây dựng ngầm hóa mạng cáp viễn
thông, thông tin phù hợp theo yêu cầu thực tế của mỗi địa phương.
12. Các doanh nghiệp bưu
chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh
a) Bưu chính
- Thực hiện nghiêm theo hướng dẫn tại Thông tư số
15/2011/TT-BTTTT ngày 28/6/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quản
lý chất lượng dịch vụ bưu chính; chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư số
24/2009/TT-BTTTT ngày 23/7/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chế độ
báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với các đơn vị hoạt động thông tin và truyền
thông và các quy định khác có liên quan.
- Phổ biến những lợi ích của Dự án “Nâng cao khả
năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” đến đông đảo
nhân dân.
b) Viễn thông
- Thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số
04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản
lý thuê bao di động trả trước.
- Lập kế hoạch, lộ trình để triển khai ngầm hóa
các mạng cáp ngoại vi và dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giai đoạn
2012-2020, gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định theo quy định.
- Đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông tại các
tuyến đường mới trong đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu
đô thị mới phải thực hiện xây dựng ngầm 100% mạng cáp, trừ những trường hợp đặc
thù khách quan.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm theo
dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; đồng thời tổng hợp những khó
khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký./.