CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KẾT CẤU
HẠ TẦNG THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH VÀ MỸ QUAN ĐÔ THỊ
Căn cứ Chỉ thị số
422/CT-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2010 về việc tăng cường quản lý và phát triển
bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông; Chỉ thị số 04/2008/CT-BTTTT ngày 22 tháng 5
năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý và phát triển hạ tầng viễn
thông;
Trong những năm gần
đây, sự phát triển hạ tầng Viễn thông đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ viễn
thông phát triển nhanh, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của xã
hội và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, việc phát
triển và quản lý hạ tầng viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế: nhận thức chưa thống
nhất; cơ chế, chính sách, quy hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ; một số quy định
chưa cụ thể và chưa khả thi; công tác phối hợp thực thi phát luật giữa các cơ
quan chức năng của thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết,…
Để khắc phục những tồn
tại trên, thúc đẩy sự phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả hạ tầng viễn
thông nói chung, các trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) và mạng ngoại
vi nói riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông; đồng
thời, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị như sau:
1. Sở Thông tin và Truyền
thông:
a) Chủ động phối hợp
với các sở, ban, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh
nghiệp nhằm nâng cao việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành giao
thông công chính, điện lực, viễn thông;
b) Tích cực triển
khai, tổ chức hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cấp phép
xây dựng cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, đặc biệt là các công trình trạm
BTS; tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các quy định cấp phép đào
đường, cấp điện, giao đất cho các doanh nghiệp viễn thông nhanh chóng thực hiện
ngầm hóa mạng cáp và xây dựng các trạm BTS;
c) Chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan tích cực triển khai Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD
ngày 10 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng
dẫn việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thùng thư bưu chính, hệ thống cáp điện
thoại cố định và hệ thống cáp truyền hình trong các tòa nhà nhiều tầng có nhiều
chủ sử dụng;
d) Chủ trì, phối hợp với
các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp Bưu chính, viễn thông xây dựng kế hoạch
và triển khai thực hiện lộ trình ngầm hóa mạng cáp và sử dụng chung kết cấu hạ
tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn;
đ) Chủ trì, phối hợp với
các Sở, ban, ngành có liên quan giải quyết dứt điểm các khiếu nại của người dân
liên quan đến việc phát triển hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp, đồng
thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, cản trở trái pháp
luật hoạt động xây dựng, lắp đặt BTS và mạng ngoại vi của các doanh nghiệp viễn
thông trên địa bàn;
e) Phối hợp với các cơ
quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương để tích cực đưa tin, tuyên
truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc phát triển hạ tầng viễn thông, các
trạm BTS, mạng ngoại vi trên cơ sở giải thích rõ các tiêu chuẩn phơi nhiễm điện
từ trường và các quy định về xây dựng, quản lý công trình viễn thông để chính
quyền cơ sở và người dân biết;
g)
Tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai mạng cáp thông tin trên địa bàn thành phố;
h) Chủ trì, phối hợp với
Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ và các doanh nghiệp có treo cáp viễn thông
trên trụ tiến hành bó gọn cáp đang hoạt động, treo biển nhận dạng và cảnh báo
độ cao tuyến cáp, tháo gỡ cáp cũ không còn sử dụng, thu hồi cáp vô chủ nhằm đảm
bảo an toàn và mỹ quan thành phố.
2. Sở Công Thương:
a) Phối hợp với Sở Thông
tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải tham mưu Ủy ban nhân
dân thành phố ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chung kết cấu hạ tầng giữa
ngành giao thông, điện lực và viễn thông, đặc biệt là ngầm hóa đối với hệ thống
cáp điện trên địa bàn thành phố; đồng thời, giải quyết vướng mắc, hướng dẫn và
công khai quy trình thủ tục quản lý Nhà nước về việc đầu tư xây dựng, duy tu,
bảo dưỡng việc sử dụng chung cột điện trong phạm vi thành phố;
b) Tham mưu trình Ủy ban
nhân dân thành phố kiến nghị Bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy định về khung
giá cho thuê cột điện lực để triển khai mạng cáp thông tin trên cơ sở giá thành,
hợp tác cùng phát triển và vì lợi ích công cộng nhằm làm hạn chế sự gia tăng
không cần thiết việc trồng mới các cột để treo cáp thông tin phục vụ phát triển
thuê bao.
3. Sở Giao thông vận
tải:
a) Phối hợp với Sở Thông
tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Công Thương trong công tác xúc tiến sử
dụng chung kết cấu hạ tầng giữa ngành giao thông công chính, điện lực và viễn
thông;
b) Phối hợp, cung cấp
thông tin đến các cơ quan liên quan về các dự án đầu tư xây dựng trên lòng, lề
đường và các công trình công cộng để đảm bảo việc triển khai các dự án sử dụng
chung hạ tầng được thống nhất, tránh triển khai chồng chéo và gây lãng phí;
c) Chủ trì, phối hợp với
Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông và các
đơn vị có liên quan trong công tác quy hoạch, bố trí ưu tiên sử dụng không
gian, mặt đất, lòng sông đối với các công trình viễn thông công cộng. Các đường
cáp viễn thông, đường dây thuê bao được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu,
cống, hè phố, đường phố, đường điện để thuận lợi cho việc lắp đặt, sửa chữa,
bảo dưỡng và bảo vệ công trình. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không và các địa
điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.
4. Sở Xây dựng:
a) Phối hợp, cung cấp
thông tin đến các cơ quan liên quan về các dự án đầu tư xây dựng có liên quan
để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng chung hạ tầng được thống
nhất, tránh triển khai chồng chéo và gây lãng phí;
b) Khi xem xét, phê duyệt
các dự án tòa nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng phải thực hiện nghiêm chỉnh
quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD ngày 10 tháng 12 năm
2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc lắp đặt,
quản lý, sử dụng thùng thư bưu chính, hệ thống cáp điện thoại cố định và hệ
thống cáp truyền hình trong các toà nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng;
c) Hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động là nội dung phải có khi lập thiết kế cơ sở hệ thống công
trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp
nước, thoát nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Vì vậy, khi thẩm
định, tham mưu phê duyệt các dự án Quy hoạch xây dựng công trình giao thông,
khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phải
xem xét đến quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để bảo đảm tính
thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ
sở hạ tầng viễn thông và cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông;
d) Tham mưu trình Ủy ban
nhân dân thành phố triển khai kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố
đảm bảo triển khai an toàn, an ninh và mỹ quan đô thị.
5. Các doanh nghiệp
viễn thông:
a) Tích cực phát triển
hạ tầng viễn thông đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tiếp tục phổ
cập dịch vụ viễn thông, nâng cao mật độ thuê bao điện thoại và Internet;
b) Chú trọng tăng
cường công tác quản lý các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông như trạm
BTS, mạng ngoại vi trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật
về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm định công trình, quy hoạch, đầu tư và xây dựng
cơ bản;
c) Chủ động phối hợp với
chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến
việc xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là mạng ngoại vi và
các trạm BTS;
d) Phối hợp chặt chẽ
với các doanh nghiệp viễn thông khác trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ
thuật, đặc biệt là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp nhằm nâng cao hiệu quả
đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ môi trường;
đ) Rà soát quy trình, thủ
tục từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt dự án đến triển khai dự án theo đúng
quy định và có các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ của các dự án phát
triển trạm BTS, mạng ngoại vi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội;
e) Lập kế hoạch, lộ trình
để từng bước triển khai ngầm hóa các mạng cáp phù hợp với quy hoạch phát triển
viễn thông của thành phố;
g) Tăng cường công tác
tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa, mục đích kinh tế, chính trị, an ninh của
việc phát triển hạ tầng viễn thông nói chung, các trạm BTS và mạng ngoại vi nói
riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân;
h) Báo cáo kịp thời, đầy
đủ và chính xác các thông tin về hạ tầng viễn thông theo quy định của pháp luật
và khi có yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông;
i)
Điện lực thành phố lập kế hoạch thi công làm gọn tuyến cáp điện lực và cáp thông
tin theo từng giai đoạn. Ưu tiên các trục lộ chính của thành phố, từng bước
hoàn thành làm đẹp cáp viễn thông trong 2 năm 2010 và 2011;
k) Các doanh nghiệp viễn
thông phối hợp cùng Điện lực thành phố làm gọn cáp đang vận hành, thu hồi cáp
không còn sử dụng, treo bảng chỉ thị cáp của đơn vị mình trên trụ điện và trên
tuyến cáp theo kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông.
6. Tổ chức thực hiện:
a) Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở
Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, huyện, các doanh nghiệp viễn thông quán triệt
tinh thần và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
b) Các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có trách nhiệm phối hợp với các
doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan để giải quyết kịp thời những
vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị.
c) Yêu cầu giám đốc
sở, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình tổ
chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở
Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải
quyết./.