CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ PHÁT
SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Hiện nay, công
tác quản lý và sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện (sau đây gọi
chung là quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện) trên địa bàn tỉnh còn nhiều
bất cập, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng
tần số vô tuyến điện còn hạn chế, sự phối hợp trong công tác quản lý giữa các
cơ quan chức năng còn chưa đồng bộ, trên thị trường việc mua bán các thiết bị
vô tuyến điện không nằm trong danh mục hợp chuẩn còn thiếu sự kiểm soát cần
thiết; vẫn còn tình trạng sử dụng điện thoại không dây (loại điện thoại kéo
dài) không đúng với băng tần cho phép và các yêu cầu kỹ thuật liên quan; việc
sử dụng máy phát vô tuyến điện không đúng quy định trong giấy phép, giấy phép
hết hạn hoạt động nhưng không làm thủ tục đăng ký gia hạn; người sử dụng chưa
hiểu hết những quy định trong việc khai thác sử dụng thông tin vô tuyến điện.
Tình trạng trên dẫn đến việc các thiết bị phát sóng gây can nhiễu có hại lẫn
nhau giữa các mạng thông tin vô tuyến điện, làm giảm chất lượng thông tin, gây
thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn thông tin, an ninh, quốc phòng.
Để khắc phục
tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý và sử dụng tần số vô tuyến
điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị
xã, thành phố, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá
nhân có sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh thực
hiện ngay một số công việc sau:
1. Sở Thông
tin và Truyền thông:
a) Chủ trì,
phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Ninh
Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình) tổ chức tuyên truyền rộng rãi
đến các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có sử dụng tần số,
thiết bị phát sóng vô tuyến điện những quy định của pháp luật về quản lý, sử
dụng tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì,
phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng
việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh. Phối
hợp với các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin
liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của
tỉnh.
c) Tổ chức tập
huấn, cung cấp các tài liệu về lĩnh vực quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện
cho cán bộ quản lý của các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục quản lý thị trường
để phục vụ công tác quản lý có hiệu quả.
d) Phối hợp với
Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã,
thành phố cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn
thông, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị thiết bị phát sóng vô
tuyến điện đăng ký giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép và nộp lệ phí
sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành
vi sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không đăng ký trong giấy phép, sử
dụng tần số không đúng quy định, gây can nhiễu có hại đối với mạng thông tin vô
tuyến khác.
2. Sở Công
thương:
Chỉ đạo Chi
cục quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, Sở
Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và thực
hiện kiểm tra, xử lý việc cất giữ, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng các loại
thiết bị vô tuyến điện thuộc danh mục thiết bị: phải chứng nhận hợp chuẩn nhưng
chưa được chứng nhận hợp chuẩn; có tần số hoạt động nằm ngoài băng tần quy định
hoặc không có giấy phép sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Sở Giao
thông và Vận tải:
a) Rà soát,
thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân có sử dụng tần số vô tuyến điện trong
hoạt động kinh doanh, vận tải (bằng đường bộ, đường thủy) và các phương tiện
nghề cá trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì,
phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông phổ biến cho các tổ chức, cá nhân có
sử dụng tần số vô tuyến điện các quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng
tần số vô tuyến điện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin liên lạc và đảm
bảo an toàn thông tin vô tuyến điện.
4. Công an
tỉnh:
Phối hợp với
Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương và các đơn
vị có liên quan trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, kiểm tra, ngăn
chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong việc sử dụng tần số và thiết
bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.
5. UBND các
huyện, thị xã, thành phố:
a) Chỉ đạo
Phòng Văn hóa Thông tin, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn, phổ biến,
tuyên truyền các nội dung, quy định của Chỉ thị này và các văn bản có liên quan
đến việc sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện.
b) Phối hợp
với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra và xác định các nguồn gây nhiễu để
tiến hành khắc phục, xử lý theo quy định.
6. Các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số
và thiết bị phát sóng vô tuyến điện:
a) Nghiêm cấm
việc nhập lậu, vận chuyển, cất giữ, kinh doanh, lắp đặt và sử dụng thiết bị
điện thoại không dây không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn
của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc có tần số sử dụng nằm ngoài băng tần quy
định.
b) Các tổ
chức, cá nhân khi trang bị sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh
phải đăng ký xin cấp phép sử dụng; nộp lệ phí, quản lý sử dụng và gia hạn giấy
phép theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp thiết bị sử dụng nằm trong
danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện theo quy định của Bộ
Thông tin và Truyền thông.
c) Các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần
thiết và các biện pháp hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng theo quy định
của pháp luật để ngăn chặn các hành vi vận chuyển, cất giữ, kinh doanh, lắp đặt
và sử dụng trái phép thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
7. Tổ chức
thực hiện:
a) Giám đốc
các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố;
Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông; các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số,
thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành
Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị
kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để được giải quyết hoặc báo
cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh để kịp thời giải quyết.
b) Giao Sở
Thông tin và Truyền thông theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị
này, định kỳ 06 tháng báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.