BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 08/2005/CT-BBCVT |
Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN PHÁT
Trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật như Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Chỉ thị số 01/2001/CT-TCBĐ của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về “phương hướng và một số nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện Chỉ thị 58”. Các văn bản nói trên đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, coi ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng, tạo khả năng đi tắt đón đầu.
Trong lĩnh vực bưu chính, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin được coi như yếu tố đòn bẩy, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của tiến trình đổi mới và hiện đại hoá doanh nghiệp bưu chính tại các quốc gia thành viên.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các khuyến nghị của Liên minh Bưu chính Thế giới, trong những năm qua, cùng với các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát hiện nay còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hiện đại hoá, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.
Để phát huy vai trò động lực và tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin, thực hiện chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị: “công nghệ thông tin là một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển”, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ thị:
1. Bưu chính Việt Nam:
a) Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phát triển bưu chính giai đoạn 2006-2010, theo phương châm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, khai thác bưu chính; coi ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và là phương tiện chủ lực để phát triển nhanh, hiện đại và đổi mới bưu chính.
b) Hoàn thiện kế hoạch phát triển công nghiệp bưu chính giai đoạn từ 2006 đến 2010 có tính đến giai đoạn 2010 – 2020 (giai đoạn Việt nam cơ bản trở thành nước công nghiệp) trong đó đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp CNTT chuyên ngành bưu chính, đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới và dịch vụ.
c) Tập trung nguồn lực và tranh thủ các nguồn hỗ trợ khác ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, phần mềm ứng dụng và hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ, theo nguyên tắc mở, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc trao đổi và sử dụng chung các cơ sở dữ liệu trên toàn mạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và khả năng nâng cấp, phát triển đối với tất cả các dịch vụ (dịch vụ bưu chính và các dịch vụ khác do Bưu chính Việt Nam cung cấp) và ở tất cả các cấp (hoàn thành cuối năm 2006).
d) Mở rộng phạm vi mạng tin học tới toàn bộ các bưu cục với công nghệ phù hợp và thống nhất nhằm cung cấp rộng rãi các dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cùng các đơn vị khác trong ngành sớm hoàn thành mục tiêu đưa internet xuống tất cả các xã vào năm 2010.
e) Trong năm 2005, hoàn thiện bộ mã bưu chính (Postcode) trình Bộ BCVT phê duyệt để triển khai áp dụng bộ mã bưu chính trên phạm vi toàn quốc; phổ biến mã bưu chính tới mọi tổ chức, cá nhân với mục tiêu đến năm 2010 hầu hết người dân sử dụng mã bưu chính khi sử dụng dịch vụ; tăng cường sử dụng công nghệ mã vạch (Barcode) trong khai thác bưu chính; đẩy mạnh tự động hoá các khâu khai thác và xử lý bưu gửi nhằm nâng cao độ chính xác và rút ngắn thời gian toàn trình góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.
f) Trong năm 2006 hoàn thành xây dựng hệ thống trang điện tử (website) ở các cấp: Tổng công ty, công ty, bưu điện tỉnh, thành phố và có quy định duy trì, cập nhật thường xuyên nhằm cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, rõ ràng và thuận tiện về các dịch vụ được cung cấp trên mạng bưu chính công cộng, từng bước phát triển khả năng tương tác và giao dịch giữa nhà cung cấp và khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính.
g) Tập trung xây dựng và triển khai các phương án phát triển nguồn nhân lực tin học bưu chính coi đây là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định cho việc ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trên toàn mạng lưới. Sử dụng có hiệu quả đồng thời có các chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm phát huy tốt nhất nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức về công nghệ thông tin cho lao động nghiệp vụ bưu chính phù hợp với yêu cầu công việc thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới bưu chính trong thời gian tới. Có kế hoạch đầu tư thoả đáng cho công tác nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế sản xuất kinh doanh.
h) Tổ chức đánh giá hiệu quả, mức độ tác động của ứng dụng công nghệ thông tin theo từng giai đoạn đối với việc thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án đã xây dựng.
2. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát:
a) Xây dựng kế hoạch tăng cường đầu tư hệ thống trang thiết bị, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, quản lý, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị dịch vụ, đa dạng hoá dịch vụ và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
b) Xây dựng và cập nhật đầy đủ thông tin về dịch vụ cho khách hàng thông qua trang điện tử (website) của doanh nghiệp.
c) Áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin.
3. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông và Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi giúp Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát đẩy nhanh và nâng cao hiệu qủa ứng dụng công nghệ thông tin:
- Vụ Bưu chính đề xuất các chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới quy trình, nghiệp vụ khai thác bưu chính và chuyển phát, mở rộng việc cung cấp các dịch vụ mới.
- Vụ Tổ chức Cán bộ đề xuất các chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin hoạt động trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát.
- Vụ Kế hoạch Tài chính đề xuất cơ chế hỗ trợ Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển dịch vụ mới có ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát.
- Vụ Hợp tác Quốc tế đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát (tổ chức các hội nghị quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin với sự tham gia của chuyên gia quốc tế, tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động hợp tác khác liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin).
- Vụ Khoa học Công nghệ tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn áp dụng trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát nhằm hỗ trợ quá trình ứng dụng công nghệ thông tin của Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát.
- Cục Ứng dụng Công nghệ Thông tin tổ chức các hoạt động thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thông qua việc cung cấp các thông tin, tài liệu, đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn, chuyển giao công nghệ và các hoạt động hỗ trợ khác.
- Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin nghiên cứu, đề xuất các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin một cách thích hợp trong Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam các giai đoạn.
- Các Sở Bưu chính Viễn thông trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của mình tích cực hỗ trợ Bưu chính Việt Nam và các doanh nghiêp kinh doanh dịch vụ chuyển phát trên địa bàn mình quản lý triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện việc báo cáo kết quả theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Bưu chính Viễn thông, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này. Các doanh nghiệp trên có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông hàng năm kết quả thực hiện Chỉ thị. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, - Văn phòng Quốc hội, - Văn phòng Chủ tịch nước, - Văn phòng TW và các Ban của Đảng, - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, - Toà án nhân dân tối cao, - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể, - Công báo, - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc. - Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, - Sở Bưu chính, Viễn thông các tỉnh, thành phố. - Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và các doanh nghiệp chuyển phát, - Lưu: BC, Văn thư. |
BỘ TRƯỞNG
Đỗ Trung Tá |