ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày 21 tháng 02 năm 2022
|
CHỈ THỊ
TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH NGHỆ AN NĂM 2022
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Nghệ
An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT),
xây dựng Chính quyền điện tử; việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Chính phủ
điện tử tại Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến 2025 bước đầu đã đạt được
những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến
chính quyền số vẫn còn nhiều hạn chế như: hạ tầng công nghệ thông tin, truyền
thông phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, chất lượng một số dịch vụ cơ
bản ở các huyện miền núi còn thấp, hệ thống mạng chưa đồng bộ; nhân lực về CNTT
thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, nhất là nhân lực chuyên trách và nhân lực
có trình độ cao; tỷ lệ cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nền
tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung… chưa đạt mục tiêu,
chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một
số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 -
2020, định hướng đến 2025. Công tác triển khai xây dựng, ứng dụng các hệ thống phần mềm,
cơ sở dữ liệu còn hạn chế, chưa kết nối liên
thông giữa các ngành, các cấp. Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ
thể về chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền số còn chậm. Vấn đề an
toàn thông tin trên không gian mạng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh phí đầu tư
cho ứng dụng và phát triển CNTT còn nhiều khó khăn...
Để khắc phục các hạn chế nêu trên và tập trung triển
khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử,
hướng đến chính quyền số, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các
ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một
số nhiệm vụ sau:
1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND
các huyện, thành phố, thị xã
a) Tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng
các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về
chuyển đổi số đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong
đơn vị mình. Tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc kế hoạch ứng dụng CNTT
trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an
toàn thông tin mạng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 theo Kế hoạch
số 744/KH-UBND ngày 15/12/2021 và Kế hoạch số 703/KH-UBND ngày 25/11/2021 của
UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chuyển đổi số phục vụ cải cách
hành chính phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương mình;
b) Thực hiện số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình
nghiệp vụ; đảm bảo tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh dưới
dạng điện tử đạt từ 90%-95%; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công
việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường
mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 95% văn bản điện tử
phát hành trên hệ thống VNPT-IOffice được ký số sử dụng chứng thư số chuyên
dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp;
c) Tiếp tục đẩy mạnh và sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ
công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh để cung cấp dịch vụ công trực
tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; đảm bảo phục vụ người dân,
doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ, chuyển hoạt động
sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ,
văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào
thời gian, địa giới hành chính; triển khai các giải pháp thực hiện nhằm tăng số
lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. Triển khai triệt
để chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ
quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời kết
nối liên thông với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh
(LGSP). 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều
người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% giao
dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xác thực điện tử; Tăng
tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ
lệ hồ sơ nộp, giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu
90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính;
d) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ
trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh.
2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Đảm bảo duy trì kết nối giữa Cổng Dịch vụ công của
tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đảm bảo thực hiện cung cấp đầy đủ các dịch
vụ công, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Tiếp tục tích hợp,
cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
theo lộ trình và chỉ đạo của Chính phủ. Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa
phương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch
vụ công trực tuyến mức độ 3, 4;
b) Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; số
hoá hoạt động báo cáo, thống kê trong toàn tỉnh, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành
nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu số đã được thống
kê và phân tích. Phấn đấu 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung
mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống
thông tin báo cáo của Chính phủ phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo,
điều hành;
c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện
kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình triển khai chuyển đổi số của các Sở,
ban, ngành, địa phương.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng Nghị quyết
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của UBND tỉnh theo đúng kế
hoạch được giao;
b) Chủ trì, phối hợp triển khai các ứng dụng, phần mềm
dùng chung đến các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh theo đúng Kiến trúc chính
quyền điện tử của tỉnh và kế hoạch phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn
thông tin mạng tỉnh Nghệ An năm 2022;
c) Xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả hệ thống nền
tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) có khả năng kết nối với Trung ương (trục
kết nối liên thông, hệ thống quản lý danh mục dùng chung, định danh điện tử, hệ
thống giám sát, CSDL dùng chung,...);
d) Triển khai, vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát,
điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); kết nối và chia sẻ thông tin với Trung
tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia;
đ) Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh thông
tin cho các cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT của các cơ quan, đơn vị trong
tỉnh và Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ công chức, viên chức về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu
công việc, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu để sẵn sàng chuyển đổi
môi trường làm việc sang môi trường số;
e) Phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện đồng bộ, gắn kết
chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT với chương trình, kế hoạch cải cách hành
chính. Xây dựng bộ chỉ số và hệ thống phần mềm phục vụ đánh giá chỉ số chuyển đổi
số của các Sở, ban, ngành, địa phương (bao gồm cấp huyện và cấp xã) trên địa
bàn tỉnh hàng năm;
g) Chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền
thông tổ chức triển khai vận hành có hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông
minh tỉnh Nghệ An theo đúng Đề án đã được phê duyệt.
4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Đảm bảo cân đối kinh phí sự nghiệp cho các dự án, hạng
mục đầu tư ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm
2022. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng
Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh. Xem xét, đề xuất lồng
ghép, bố trí đảm bảo nguồn vốn đầu tư để triển khai đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022.
5. Sở Nội vụ
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển
khai đồng bộ chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước;
b) Ưu tiên bố trí biên chế CNTT và chỉ tiêu đào tạo
chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo
chuyên sâu về CNTT, An toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách/phụ trách CNTT
trong các cơ quan nhà nước;
c) Phối hợp, bổ sung tiêu chí chuyển đổi số trong bộ
tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước
của tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp
tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan đơn
vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp chỉ đạo, tổ chức
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH
Lê
Ngọc Hoa
|