UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2014/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày
28 tháng 3 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG, CỦNG CỐ VÀ SỬ DỤNG
CHUNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
Trong những năm qua, được sự
quan tâm đầu tư của các Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn
thông Quân đội và sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp và nhân dân trong
tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một hệ thống
hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, rộng khắp, hiện đại, tạo một bước phát triển mới
có tính đột phá về mạng lưới viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã
hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát
triển toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của hệ thống
hạ tầng kỹ thuật viễn thông còn tồn tại một số hạn chế như: Một số công trình hạ
tầng kỹ thuật viễn thông được thi công nhanh, sớm đưa vào khai thác (các tuyến
cột treo cáp; hệ thống cột ăngten thông tin di động kiểu dây co) nên những công
trình này chống chịu gió bão thấp, dễ bị sự cố khi có bão trên cấp 11. Các công
trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư riêng
rẽ, chưa phối hợp với nhau nên còn trùng lặp về vị trí, gây lãng phí trong đầu
tư và sử dụng; chưa khai thác hết dung lượng sẵn có của hệ thống cống, bể ngầm.
Nguyên nhân của các hạn chế này là do các doanh nghiệp viễn thông đã lựa chọn
phương án đầu tư phát triển nhanh hạ tầng kỹ thuật, chưa coi trọng phát triển bền
vững; chưa tuân thủ nghiêm túc quy định về xây dựng và nhận thức chưa đầy đủ về
sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông; hệ thống văn bản quản lý nhà nước về
quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn
thông chưa ban hành kịp thời và đầy đủ.
Để tăng cường, củng cố xây dựng
và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, bền vững, hiệu quả,
lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
trên địa bàn của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 - NQ/TW của
Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Uỷ
ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có
liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Giám đốc
các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:
1. Sở Thông
tin và Truyền thông:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã sớm xây dựng Quy hoạch
hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo hướng dẫn tại Thông tư số
14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn lập,
phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại
địa phương, gắn với quy hoạch phát triển chung của các ngành liên quan (giao
thông, xây dựng, điện lực, cấp thoát nước,...) trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết,
đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh.
b) Củng cố hệ thống cột ăngten,
nhà trạm BTS; ngầm hóa các tuyến cáp treo, nhằm nâng cao khả năng chống chịu
gió bão, lũ lụt.
c) Hướng dẫn các doanh nghiệp
viễn thông triển khai sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo quy định của
Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng
chung công trình hạ tầng kỹ thuật; Thông tư liên tịch số
210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ
Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và
phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; Thông
tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BTC-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Xây dựng, Bộ
Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về dấu hiệu nhận biết các loại
đường dây, cáp và đường ống lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng
chung. Chỉ đạo các doanh nghiệp thỏa thuận, thống nhất với nhau về sử dụng
chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
d) Tuyên truyền nâng cao nhận
thức của doanh nghiệp viễn thông và người dân về việc xây dựng và sử dụng chung
các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
e) Giao Sở Thông tin và Truyền
thông hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất với UBND
tỉnh về tình hình thực hiện Chỉ thị này và tham mưu trình UBND tỉnh xử lý kịp
thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì và phối hợp UBND cấp
huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông thực hiện
tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cấp phép xây dựng các trạm BTS; tạo điều kiện
ưu tiên giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan liên quan đến cấp phép xây dựng
trạm BTS; xem xét, chấp thuận cho các doanh nghiệp viễn thông hoàn thiện hồ sơ
và tiếp tục sử dụng các trạm BTS đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật.
b) Hỗ trợ cho các doanh nghiệp
viễn thông trong việc phát triển các trạm BTS mới, mở rộng vùng phủ sóng, nâng
cao chất lượng dịch vụ thông tin di động; xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ
thuật viễn thông.
c) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động.
3. Sở Giao
thông Vận tải và Sở Công Thương, Công ty Điện lực Nghệ An:
a) Tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp viễn thông ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông trên hành lang an
toàn đường bộ các tuyến đường theo quy định; treo cáp trên các tuyến cột điện lực.
b) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động.
4. Sở Tài
nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ
quan có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh phù
hợp với quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020; hướng
dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
b) Tham mưu thu hồi đất, giao đất,
cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích
viễn thông theo đúng quy định của Luật đất đai.
5. Công an tỉnh:
Phối hợp với doanh nghiệp viễn
thông và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ, bảo đảm
an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
6. Sở Giáo dục
và Đào tạo:
Tăng cường công tác giáo dục và
quản lý học sinh trong việc bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông,
đặc biệt là các tuyến cáp treo.
7. UBND các
huyện, thành phố, thị xã:
a) Tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn
thông.
b) Tổ chức tuyên truyền, vận động
người dân tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tăng cường củng
cố hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
c) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra
cấp phép xây dựng các trạm BTS theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các
ngành chức năng tăng cường kiểm tra, bảo vệ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật
viễn thông.
8. Các doanh
nghiệp viễn thông:
a) Tổ chức thực hiện khẩn
trương và quyết liệt chủ trương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cấp phép xây dựng
các trạm thu, phát sóng thông tin di động BTS theo hướng dẫn của Sở Xây dựng và
UBND các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, cần kiểm tra, rà soát, đánh giá lại
chất lượng các công trình trạm BTS, thực hiện kiểm định chất lượng công trình
xây dựng, làm hồ sơ trình Sở Xây dựng xem xét, chấp thuận cho phép tiếp tục sử
dụng. Yêu cầu giải quyết dứt điểm việc này vào trước Quý III/2014 để kết hợp với
công tác kiểm tra, chuẩn bị phòng chống lụt bão năm 2014.
b) Gia cố các cột ăngten, gia
cường thêm các bộ chống xoay, dây co chịu lực, tăng độ chịu đựng gió bão của cột,
ít nhất là cấp 15, 16, đặc biệt lưu ý các cột ở vùng ven biển, cột dựng trên
mái nhà dân, các công trình có sẵn; thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng cột
ăngten theo quy định, loại bỏ hoặc xây dựng lại các cột không đảm bảo yêu cầu kỹ
thuật. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng các dạng cột chắc chắn, có độ chịu
gió lớn, thân thiện với môi trường và có thể sử dụng chung cho nhiều doanh nghiệp.
Đối với các trạm BTS tại các vùng hạ du hồ thủy lợi, thủy điện, vùng ven sông,
suối, phải nâng cao trình của nhà trạm lên mức thích hợp để tránh ngập lụt.
c) Tăng cường ngầm hóa tối đa
các tuyến cáp treo vùng ven biển, đặc biệt lưu ý các tuyến cáp quang và cáp đồng
dung lượng lớn; chuyển cáp treo xuống hệ thống cống, bể ngầm trên địa bàn các
khu đô thị.
d) Phối hợp chặt chẽ với nhau
trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông; tận dụng tối đa các công trình
hạ tầng đã có sẵn để sử dụng chung, tránh phải đầu tư xây dựng mới trong khi có
thể sử dụng chung được, đặc biệt là các công trình cống, bể ngầm, các tuyến cột,
cáp quang, các cột ăngten. Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hiệu quả
đầu tư thấp, càng phải tăng cường sử dụng chung để tránh lãng phí.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các
Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị
xã và Giám đốc các doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ
thị này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Thanh Điền
|