BỘ
QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
233/2003/TTLT-BQP-BTC
|
Hà
Nội , ngày 16 tháng 9 năm 2003
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 233/2003/TTLT-BQP-BTC NGÀY
16 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GIỮA
BỘ QUỐC PHÒNG VỚI BỘ TÀI CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VÀ VIỆC
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VỚI LỰC LƯỢNG HẢI QUAN TRÊN CÁC
VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Thực hiện Quy chế phối hợp thực
hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp
hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN
Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 41/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2001
của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn một số điểm
như sau:
I. PHỐI HỢP
THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN
1. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
trong việc phối hợp với Bộ Tài chính (hướng dẫn Khoản 3, Điều 8
của Quy chế)
1.1. Phối hợp nghiên cứu, xây dựng
các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép
hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan có
liên quan đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển.
1.2. Chỉ đạo Lực lượng Cảnh sát
biển phối hợp với Lực lượng Hải quan thuộc Bộ Tài chính tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và
các Điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên
các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển
trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hải
quan.
1.3. Phối hợp trong hoạt động hợp
tác quốc tế về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới
đường biển.
1.4. Phối hợp trong công tác
giáo dục, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và các điều
ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong lĩnh vực
xuất khẩu, nhập khẩu; chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới
cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa
Việt Nam.
2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
trong việc phối hợp với Bộ Quốc phòng (hướng dẫn Điều 12, Điều
17 của Quy chế)
2.1. Khoản 1, Điều
12 được hướng dẫn như sau:
Nghiên cứu, xây dựng trình cấp
có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật
về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các
hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan có liên quan đến hoạt động của Lực
lượng Cảnh sát biển.
2.2. Khoản 1, Điều
17 được hướng dẫn như sau:
Cung cấp cho Lực lượng Cảnh sát
biển những loại mẫu giấy tờ do Bộ Tài chính phát hành và quản lý có liên quan đến
công tác hải quan.
2.3. Khoản 2, Điều
17 được hướng dẫn như sau:
2.3.1. Giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ hải quan cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Cảnh sát biển.
2.3.2. Hướng dẫn, hỗ trợ Lực lượng
Cảnh sát biển về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
chế độ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và xác định các hành vi vi phạm
trong lĩnh vực hàng hải để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.
2.4. Khoản 3, Điều
17 được hướng dẫn như sau:
Phối hợp trong công tác giáo dục,
tuyên truyền pháp luật liên quan đến Lực lượng Cảnh sát biển về lĩnh vực hải
quan cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục
địa Việt Nam.
II. PHỐI HỢP
HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VỚI LỰC LƯỢNG HẢI QUAN
1. Trách nhiệm của Lực lượng Cảnh
sát biển trong phối hợp hoạt động với Lực lượng Hải quan (hướng dẫn Khoản 1, Điều 25 của Quy chế)
1.1. Cung cấp cho Lực lượng Hải
quan (Cục điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, các Cục Hải
quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) các thông tin có liên quan đến hành
vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài như:
buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tàu, thuyền và phương tiện
xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trái phép và các hành vi khác vi phạm pháp luật
về hải quan xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
1.2. Triển khai kịp thời lực lượng,
phương tiện để hỗ trợ khi có yêu cầu của Lực lượng Hải quan nhằm phát hiện,
ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan trên biển.
1.3. Phối hợp với Lực lượng Hải
quan kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về
lĩnh vực Hải quan theo quy định của pháp luật.
1.4. Bàn giao đối tượng, hồ sơ,
phương tiện và tang vật những vụ vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân bị Lực
lượng Cảnh sát biển bắt giữ thuộc thẩm quyền xử lý của Lực lượng Hải quan.
1.5. Tiếp nhận đối tượng, hồ sơ,
phương tiện và tang vật những vụ vi phạm pháp luật do Lực lượng Hải quan chuyển
giao thuộc thẩm quyền xử lý của Lực lượng cảnh sát biển.
1.6. Cục Cảnh sát biển chỉ đạo
các Vùng Cảnh sát biển phối hợp hiệp đồng cụ thể đối với các đơn vị nghiệp vụ
thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát hải
quan và các đơn vị tương đương để thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực hải quan và bố
trí lực lượng khi Hải quan có yêu cầu để khắc phục sự cố về tàu thuyền, phương
tiện và các tình thế cấp thiết khác.
2. Trách nhiệm của lực lượng Hải
quan trong phối hợp hoạt động với Lực lượng Cảnh sát biển (hướng dẫn khoản 2 Điều 25 của Quy chế)
2.1. Cục Điều tra chống buôn lậu
thông báo cho Cục Cảnh sát biển các thông tin về tình hình buôn lậu, vận chuyển
trái phép hàng hoá qua biên giới như: đối tượng, tuyến hành trình, đặc điểm nhận
dạng của các tàu, thuyền và phương tiện; thời gian, toạ độ sang mạn, bốc dỡ, giải
tỏa hàng hoá và các thủ đoạn của đối tượng vi phạm pháp luật về hải quan trên
biển.
2.2. Tổng cục Hải quan chỉ đạo
các đơn vị thuộc quyền phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển tiến hành kiểm tra,
kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải
quan theo quy định của pháp luật.
2.3. Tàu, thuyền và phương tiện
của lực lượng Hải quan tham gia hoạt động phối hợp có trách nhiệm thực hiện việc
huy động của lực lượng cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người
và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi
trường nghiêm trọng xảy ra trên các vùng biển Việt Nam.
2.4. Tiếp nhận đối tượng, hồ sơ,
phương tiện và tang vật những vụ vi phạm pháp luật về Hải quan do lực lượng Cảnh
sát biển chuyển giao thuộc thẩm quyền xử lý.
2.5. Bàn giao hồ sơ, đối tượng,
phương tiện và tang vật những vụ vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân bị lực
lượng hải quan bắt giữ thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng cảnh sát biển.
2.6. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục
Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội
kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương phối hợp, hiệp đồng cụ thể với vùng cảnh
sát biển để thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực hải quan.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Giao cho Cục cảnh sát biển, Cục
điều tra chống buôn lậu chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc
phòng, Bộ Tài chính triển khai, tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này và có
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền phối hợp, hiệp đồng cụ thể
để duy trì pháp luật về lĩnh vực chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá
qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan trên các vùng
biển và thềm lục địa Việt Nam.
2. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình thực hiện định kỳ
6 tháng, 1 năm, Cục cảnh sát biển và Cục điều tra chống buôn lậu trao đổi, rút
kinh nghiệm và thống nhất giải quyết các vấn đề vướng mắc, nếu không thống nhất
giải quyết được thì kịp thời phản ánh về Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính để xem
xét, giải quyết.
Nguyễn
Văn Được
(Đã
ký)
|
Trương
Chí Trung
(Đã
ký)
|