BỘ
NỘI VỤ - UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
012-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 03 năm 1962
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CƠ QUAN
THỂ DỤC THỂ THAO CÁC CẤP
CHỦ NHIỆM ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính
gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh.
Để kiện toàn tổ chức thể
dục thể thao các cấp đúng với tinh thần Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về
công tác thể dục thể thao.
Ủy ban thể dục thể thao và Bộ Nội
vụ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan Thể dục thể thao
các cấp:
I. NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN
A. Ban Thể dục thể thao khu,
thành phố, tỉnh:
1. Ban Thể dục thể thao khu,
thành phố, tỉnh là cơ quan trực thuộc Ủy ban hành chính địa phương, có trách
nhiệm chỉ đạo công tác thể dục thể thao ở địa phương theo đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển
phong trào thể dục thể thao có tính chất quần chúng, nhằm góp phần tăng cường sức
khỏe, dũng khí và nghị lực, tính tổ chức, tính kỷ luật của nhân dân, làm cho đời
sống thêm tươi vui, lành mạnh, để phục vụ sản xuất, phục vụ quốc phòng.
2. Ban Thể dục thể thao có nhiệm
vụ và quyền hạn cụ thể:
a) Thực hiện các chính sách, chế
độ, thể lệ về thể dục thể thao và thể thao quốc phòng. Nghiên cứu trình Ủy ban
hành chính địa phương kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao: tổ chức
và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đó sau khi đã được Ủy ban hành chính địa phương
duyệt.
b) Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng
thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, phổ biến khoa học kỹ thuật thể dục thể thao
trong nhân dân; hướng dẫn, xây dựng, củng cố tổ chức thể dục thể thao cấp dưới
và các hội thể dục thể thao quần chúng.
c) Phối hợp với các cơ quan,
đoàn thể có liên quan, tổ chức và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tập
luyện thể dục thể thao; tổ chức và chỉ đạo các cuộc thi đấu thể dục thể thao; tổ
chức các đội đại biểu về các môn thể dục thể thao của địa phương tham gia các
cuộc thi đấu do Ủy ban thể dục thể thao tổ chức; xét và công nhận thành tích kỷ
lục, cấp bậc của các huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên theo sự phân cấp
của Ủy ban Thể dục thể thao.
d) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thể
dục thể thao nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển của phong trào; quản lý trường, lớp
và các cơ sở tập luyện thể dục thể thao trực thuộc Ban và phân phối, quản lý
cán bộ tốt nghiệp trường lớp nói trên theo sự ủy nhiệm của Ủy ban hành chính địa
phương.
e) Hướng dẫn việc tổ chức, xây dựng,
tu bổ, quản lý các công trình, sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao của địa
phương; trực tiếp quản lý các công trình, sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao trực
thuộc Ban.
3. Chủ nhiệm Ban Thể dục thể
thao khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính địa phương
và Ủy ban Thể dục thể thao lãnh đạo toàn bộ công tác của Ban như đã quy định ở
trên. Các phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ban Thể dục thể thao giúp Chủ nhiệm trong việc
lãnh đạo chung và có thể được Chủ nhiệm ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của
Ban.
B. Nhiệm vụ của Ban Thể dục
thể thao huyện:
1. Chịu trách nhiệm trước cấp ủy
và Ủy ban hành chính địa phương về công tác thể dục thể thao trong toàn huyện,
tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ, thể lệ và chủ trương kế hoạch
công tác thể dục thể thao do Ủy ban hành chính địa phương và Ban Thể dục thể
thao tỉnh đề ra.
2. Tuyên truyền giáo dục quần
chúng về lợi ích việc tập luyện thể dục thể thao của Đảng và Chính phủ; xây dựng
và củng cố tổ chức thể dục thể thao ở các cơ sở, các hợp tác xã, v.v…
3. Phối hợp với các cơ quan,
đoàn thể có liên quan vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thể dục
thể thao; xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch thi đấu các môn thể dục thể
thao trong địa phương.
4. Đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn
viên các môn thể dục thể thao cho các cơ sở, các hợp tác xã, v.v… giúp Ủy ban
hành chính quản lý đội ngũ vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên hoạt động
nghiệp dư.
5. Hướng dẫn, tổ chức việc xây dựng,
tu bổ và quản lý các sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao trong địa phương.
C. Nhiệm vụ Ban Thể dục thể
thao xã:
1. Chịu trách nhiệm trước cấp ủy
và chính quyền xã tổ chức, hướng dẫn quần chúng tập luyện các môn thể dục thể
thao, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban hành chính xã và Ban Thể dục thể
thao cấp trên đề ra.
2. Tuyên truyền, giáo dục quần
chúng về lợi ích của việc tập luyện thể dục thể thao và đường lối phương châm,
kế hoạch thể dục thể thao của Đảng và Chính phủ.
3. Đào tạo, bồi dưỡng các hướng
dẫn viên các môn thể dục cho các đội lao động.
4. Tổ chức các cuộc thi đấu thể
dục thể thao trong toàn xã; tổ chức các đội đại biểu tham gia các cuộc thi đấu
của tỉnh và huyện.
5. Hướng dẫn quần chúng xây dựng
sân bãi và trang bị dụng cụ thể dục thể thao cho quần chúng tập luyện.
II. TỔ CHỨC
THỂ DỤC THỂ THAO CÁC CẤP
A. Ở cấp khu, thành phố, tỉnh
1. Thành phần Ban thể dục thể
thao gồm đại diện các ngành có liên quan nhiều với công tác thể dục thể thao
như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công đoàn, Tỉnh đội và các cơ quan
Văn hóa, Y tế, Giáo dục v.v… và một số cán bộ chuyên trách.
2. Cơ quan Thể dục thể thao cấp
khu, thành phố, tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy và Ủy ban hành
chính địa phương và có cương vị như các cơ quan trực thuộc khác. Về tài chính
thì Ban Thể dục thể thao trực tiếp với Ty hoặc Sở Tài chính địa phương và có thể
sử dụng quyền hạn, nhiệm vụ tự quản đến một mức độ nhất định về các khoản chi
thu hoạt động phí, theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Tổ chức cơ quan Thể dục thể
thao như sau:
a) Ở các tỉnh tổ chức thành hai
bộ phận:
Bộ phận nghiên cứu chỉ đạo phong
trào gồm có một số cán bộ nhân viên đảm nhiệm các công tác: Tổng hợp, kế hoạch,
tuyên truyền, tổ chức, hành chính quản trị; chỉ đạo phát triển các môn thể dục
điền kinh, tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, thể thao quốc phòng, thể thao dân tộc,
thể thao dưới nước các môn bóng.
Trường huấn luyện sơ cấp thể dục
thể thao (ở những tỉnh có trường) gồm một số cán bộ, nhân viên và huấn luyện
viên đảm nhiệm công tác: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện viên về các
môn thể dục thể thao ở trình độ sơ cấp (ở những tỉnh chưa có điều kiện mở trường
sơ cấp thể dục thể thao thì cũng cần thiết có một số cán bộ làm nhiệm vụ đào tạo
bồi dưỡng cán bộ và hướng dẫn viên thể dục thể thao nghiệp dư cho các cơ sở).
b) Ở hai thành phố Hà Nội và Hải
Phòng có thể tổ chức 3 phòng giúp việc và 1 trường huấn luyện thể dục thể thao:
- Phòng thể dục thể thao nhân
dân: có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo phát triển các môn: thể dục điền kinh, tiêu
chuẩn rèn luyện thân thể, các môn bóng, thể thao dưới nước và thể thao dân tộc,
v.v…
- Phòng thể thao quốc phòng: có
nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo phát triển các môn thể thao như: bắn súng, thể dục
quân sự, thông tin, hàng không, hàng hải, cơ giới, v.v…
- Phòng tuyên truyền, quản lý:
có nhiệm vụ giúp Ban phụ trách các mặt công tác tuyên truyền, tổ chức, hành
chính, tài vụ, sân bãi, dụng cụ.
- Trường huấn luyện thể dục thể
thao: có nhiệm vụ giúp Ban đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện viên, trọng
tài các môn thể dục thể thao.
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng và
trường nói trên sẽ do Ủy ban hành chính thành phố quy định.
c) Ở cấp khu tự trị Việt Bắc và
khu tự trị Thái Mèo sẽ do Ủy ban thể dục thể thao quy định.
B. Ở cấp huyện, thị xã và khu
phố
1. Thành phần Ban thể dục thể
thao huyện gồm:
- Ủy viên Ủy ban hành chính huyện
phụ trách văn xã làm trưởng ban.
- 1 đại diện Ban chỉ huy huyện đội
làm ủy viên.
- 1 đại diện Thường vụ huyện
Đoàn thanh niên làm ủy viên.
Ban thể dục thể thao huyện có
cán bộ chuyên trách giúp việc; số lượng cán bộ tùy theo yêu cầu của phong trào
và khả năng biên chế mà địa phương quyết định.
2. Ở các thị xã cũng tổ chức như
ở huyện. Riêng các thị xã ở ngay các tỉnh lỵ thì không có cán bộ chuyên trách,
Ban Thể dục thể thao tỉnh trực tiếp cùng Ban Thể dục thể thao thị xã để tiến
hành mọi công tác.
3. Ở các khu phố thuộc hai thành
phố Hà Nội và Hải Phòng thì tổ chức thể dục thể thao sẽ do Ủy ban hành chính
thành phố căn cứ vào tổ chức thể dục thể thao ở cấp huyện và thị xã nói trên mà
quy định cho thích hợp.
C. Ở cấp xã
Thành phần Ban thể dục thể thao
xã gồm:
- Ủy viên Ủy ban hành chính xã
phụ trách văn xã làm trưởng ban.
- 1 đại diện Ban chỉ huy xã đội
làm phó ban.
- 1 ủy viên chấp hành Đoàn thanh
niên lao động làm phó ban và chuyên trách.
- 1 số thanh niên tích cực có khả
năng về các môn thể dục thể thao (như: thể dục điền kinh, thể thao quốc phòng,
thể thao dân tộc, thể thao dưới nước và các môn bóng, v.v…) làm ủy viên và phụ
trách từng môn.
Nói chung bộ máy giúp việc Ban
Thể dục thể thao các cấp phải căn cứ vào tình hình phong trào, nhiệm vụ và khối
lượng công tác, khả năng biên chế của từng địa phương mà tổ chức trên tinh thần
đảm bảo cho bộ máy của ngành Thể dục thể thao được vững, mạnh, nhưng gọn nhẹ. Ủy
ban Thể dục thể thao sẽ hướng dẫn cụ thể và Ủy ban hành chính địa phương tùy
hoàn cảnh, đặc điểm từng nơi mà quyết định.
III. MỘT SỐ
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Ban Thể dục thể thao khu,
thành phố, tỉnh có một Chủ nhiệm lãnh đạo chung (tiêu chuẩn như đã nêu trong
Nghị quyết ngày 06/01/1960 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ về công tác thể dục
thể thao) và có các phó Chủ nhiệm (hoặc 1 phó Chủ nhiệm và 1 ủy viên thường trực)
chuyên trách lãnh đạo cơ quan thể dục thể thao. Các cán bộ này cần có trình độ
tương đương với cán bộ lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Ủy ban hành chính địa
phương.
2. Cán bộ nghiên cứu các mặt
công tác ở cơ quan Thể dục thể thao khu, thành phố, tỉnh cần có trình độ chuyên
môn và chất lượng chính trị nhất định để đảm bảo giúp Ban chỉ đạo phong trào.
Cán bộ làm công tác huấn luyện ở các trường sơ cấp Thể dục thể thao phải là huấn
luyện viên có trình độ chuyên môn trung cấp.
Cán bộ chuyên trách thể dục thể
thao các cấp huyện cần có một người có trình độ tương đương Thường vụ huyện
đoàn thanh niên lao động.
3. Việc bổ nhiệm các chức vụ Chủ
nhiệm, phó Chủ nhiệm và Ủy viên thường trực Ban Thể dục thể thao khu, thành phố,
tỉnh do Ủy ban Thể dục thể thao quyết định theo đề nghị của Ủy ban hành chính địa
phương.
Việc bổ nhiệm các chức vụ khác
do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh quyết định và báo cho Ủy ban Thể dục
thể thao biết. Riêng việc bổ nhiệm các trưởng phòng ở cơ quan Ban Thể dục thể
thao 2 thành phố Hà Nội và Hải Phòng thì Ủy ban hành chính thành phố cần trao đổi
với Ủy ban Thể dục thể thao trước khi quyết định.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Lê Tất Đắc
|
CHỦ
NHIỆM ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Hoàng Văn Thái
|