BỘ XÂY DỰNG –
BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2014/TTLT-BXD-BNV
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 5 năm 2014
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA SỞ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP
ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP
ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 26/2013/NĐ-CP
ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra
ngành Xây dựng;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban
hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Thanh tra Sở Xây dựng.
Điều 1. Vị trí, chức năng của
Thanh tra sở
1. Thanh tra Sở Xây dựng (sau đây gọi là Thanh tra
sở) là cơ quan thanh tra nhà nước trực thuộc Sở Xây dựng, giúp Giám đốc Sở Xây
dựng tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; giải quyết khiếu
nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng trong phạm vi nhiệm vụ quản lý nhà nước của
Sở Xây dựng theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
2. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám
đốc Sở Xây dựng; chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh
tra hành chính của Thanh tra tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra
chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng.
3. Thanh tra sở là tổ chức có tư cách pháp nhân, được
mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng theo
quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Thanh tra sở
1. Thanh tra sở thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn
theo quy định tại Điều 24 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, Điều 13 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thanh tra, Điều 8 Nghị định
số 26/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt
động của thanh tra ngành Xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 26/2013/NĐ-CP) và các quy định pháp luật có
liên quan.
2. Chánh Thanh tra sở chỉ đạo, phân công công chức,
thanh tra viên của Thanh tra sở thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng
theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày
07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật
tự xây dựng đô thị (sau đây gọi tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP).
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của
Thanh tra sở
1. Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, không quá 03
Phó Chánh Thanh tra (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không
quá 04 Phó Chánh Thanh tra), thanh tra viên, công chức giúp Chánh Thanh tra thực
hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Chánh Thanh tra do Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm, bổ
nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.
Phó Chánh Thanh tra do Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm,
bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra sở. Phó
Chánh Thanh tra giúp Chánh Thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân
công của Chánh Thanh tra.
2. Thanh tra viên, công chức thuộc Thanh tra sở được
tổ chức thành các bộ phận thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra
chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, quản lý trật
tự xây dựng tại các địa bàn và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Điều 4. Đề án kiện toàn cơ cấu
tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở
Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp
với Sở Nội vụ lập đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở. Đề
án gồm những nội dung chính như sau:
1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở
Xây dựng;
2. Quan hệ phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng với Ủy
ban nhân dân cấp xã và cấp huyện; Công an cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; Sở Nội
vụ; Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tại địa phương trong hoạt động thanh tra
xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và xử phạt vi phạm hành chính;
3. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra sở thực hiện theo
quy định tại Điều 3 Thông tư này và theo yêu cầu quản lý của từng địa phương;
4. Trụ sở, trang thiết bị làm việc, trang phục và
các chế độ, chính sách khác đối với thanh tra viên, công chức;
5. Kinh phí hoạt động;
6. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng, các cơ
quan liên quan đối với tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở Xây dựng.
Điều 5. Biên chế Thanh tra sở
1. Hằng năm, biên chế công chức của Thanh tra sở do
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, nằm trong tổng số biên chế công
chức của Sở Xây dựng theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm bố trí đủ biên chế
công chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phù hợp
với tình hình thực tế tại địa phương.
2. Một số vị trí việc làm khác gồm các công việc hỗ
trợ, phục vụ được thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động thanh tra xây dựng tại địa
phương
1. Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện trách nhiệm theo
quy định tại Điều 26 Nghị định số 26/2013/NĐ-CP, Điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm
quản lý trật tự xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị
định số 180/2007/NĐ-CP, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm
vụ quản lý xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định
số 180/2007/NĐ-CP, có trách nhiệm xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện
trách nhiệm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 26/2013/NĐ-CP,
Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và xử lý vi phạm
theo thẩm quyền.
5. Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tham gia xử
lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị
định số 180/2007/NĐ-CP.
6. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước có
trách nhiệm thực hiện các quyết định ngừng cung cấp điện, ngừng cung cấp nước
do cơ quan có thẩm quyền chuyển đến theo quy định tại Khoản 2
Điều 9 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
7. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức khác
thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 26/2013/NĐ-CP.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
chỉ đạo tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm xây dựng đề
án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Nội vụ.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Xây dựng để kịp thời xem xét,
giải quyết.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày
01 tháng 7 năm 2014, thay thế Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV ngày 22 tháng 6 năm 2005 của
Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế
của Thanh tra xây dựng ở địa phương./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
XÂY DỰNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Lại Quang
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Trần Anh Tuấn
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP Trung ương và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
- HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, Vụ TCBC BNV (3b), TTr BXD(3b).
|
|
|
|
|