BỘ
NỘI VỤ-BỘ NÔNG NGHIỆP
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
01-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 03 năm 1962
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TY NÔNG
NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi:
Ủy ban hành chính các tỉnh
Để kiện toàn tổ chức các Ty Nông
nghiệp cho đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương lần thứ 5 về phát triển
nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965),
Liên Bộ Nông nghiệp - Nội vụ quy
định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ty Nông nghiệp;
I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
a) Căn cứ vào các chủ
trương, biện pháp kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp, nghiên cứu xây dựng các biện
pháp kỹ thuật cho sát với tình hình địa phương; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực
hiện các biện pháp đó sau khi đã được Ủy ban hành chính tỉnh duyệt.
b) Tổ chức và chỉ đạo
thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật về tồng trọt, về chăn nuôi, về
cải tiến nông cụ và về sử dụng các phương tiện cơ giới vào nông nghiệp.
c) Quản lý thống nhất
việc mở mang, sử dụng, cải tạo đồng ruộng, đất đai trong nông nghiệp, nhằm phục
vụ cho việc cải tạo các loại đất; hướng dẫn sử dụng hợp lý ruộng đất để phát
triển sản xuất.
d) Tổ chức thực hiện kế
hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp có trình độ trung cấp, sơ cấp, đào tạo
công nhân lành nghề về sản xuất nông nghiệp; huấn luyện, bổ túc kỹ thuật cho
các cán bộ và cốt cán kỹ thuật trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
e) Quản lý các công
tác và cơ sở sự nghiệp; quản lý cán bộ, công nhân, viên chức thuộc ty theo sự ủy
nhiệm của Ủy ban hành chính .
g) Ty trưởng Ty Nông
nghiệp (hoặc Ty Nông lâm) chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính tỉnh, chỉ đạo
toàn bộ công tác của ty như đã quy định trên. Các ty phó giúp ty trưởng trong
việc chỉ đạo chung và có thể được ty trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác
của ty.
II. TỔ CHỨC BỘ MÁY
Tổ chức bộ máy của Ty Nông nghiệp
gồm có:
A. CÁC PHÒNG TRỰC THUỘC TY.
1. Phòng kế hoạch và tuyên giáo
Có nhiệm vụ giúp ty trưởng:
a) Tổng hợp các kế hoạch
biện pháp, kế hoạch nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, kế hoạch công tác sự nghiệp
và tình hình chung của ty.
b) Tuyên truyền về kỹ
thuật sản xuất nông nghiệp.
c) Nghiên cứu, hướng dẫn
việc đào tạo, huấn luyện cán bộ công nhân và nhân viên kỹ thuật cho hợp tác xã;
cùng với các trường nghiên cứu xây dựng các giáo trình giảng dạy cho thích hợp
với các trường lớp của địa phương.
d) Làm các công tác tổ
chức, cán bộ, tài vụ, hành chính, quản trị và các công việc chung của ty chưa
thuộc bộ phận nào phụ trách.
2. Phòng trồng trọt:
Có nhiệm vụ giúp ty trưởng:
a) Nghiên cứu, hướng dẫn,
theo dõi việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau đây:
- Các biện pháp kỹ thuật về trồng
trọt các loại cây lương thực (lúa, rau, mầu…), cây công nghiệp;
- Các biện pháp kỹ thuật về sản
xuất, về sử dụng các loại phân bón.
- Các biện pháp kỹ thuật về canh
tác, cải tạo đất, giữ mầu đất;
- Các biện pháp kỹ thuật về
phòng, trừ sâu bệnh phá hoại mùa màng, về kiểm dịch thực vật;
- Các biện pháp kỹ thuật về trồng
dâu, nuôi tằm, sản xuất trứng tằm, nuôi ong.
b) Phối hợp với các
ngành thủy lợi và khí tượng trong việc nghiên cứu sử dụng nước và vận dụng tình
hình khí tượng vào công việc sản xuất.
- Trong phòng trồng trọt cần có
cán bộ chuyên trách đi sâu vào các phần việc: cây lương thực (lúa, rau, mầu…)
cây công nghiệp, phân bón, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
3. Phòng chăn nuôi:
Có nhiệm vụ giúp ty trưởng:
a) Nghiên cứu, hướng dẫn,
theo dõi thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau đây:
- Các biện pháp kỹ thuật về chăn
nuôi các loại gia súc (chăm sóc, thức ăn…);
- Các biện pháp kỹ thuật về chọn
giống, lai giống;
- Các biện pháp kỹ thuật về
phòng bệnh, chữa bệnh và kiểm dịch động vật.
b) Hướng dẫn, theo dõi
thực hiện việc trồng trọt các loại cây trồng riêng cho gia súc (cỏ, khoai nước,
bèo…)
Trong phòng chăn nuôi cần có cán
bộ chuyên trách đi sâu vào các phần việc: chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi tiểu
gia súc, phòng bệnh, chữa bệnh.
4. Phòng nông cụ và cơ khí nông nghiệp.
Có nhiệm vụ giúp ty trưởng:
a) Nghiên cứu, hướng dẫn,
theo dõi việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật về cải tiến sản xuất và sử dụng
các loại công cụ sản xuất dùng trong nông nghiệp.
b) Hướng dẫn sử dụng
các phương tiện cơ giới vào nông nghiệp
c) Hướng dẫn công tác
quản lý kỹ thuật trong các đội máy nông nghiệp.
Trong phòng nông cụ và cơ khí
nông nghiệp cần có cán bộ chuyên trách đi sâu vào hai phần việc: cải tiến nông
cụ và sử dụng cơ khí.
5. Phòng quản lý ruộng đất
Có nhiệm vụ giúp ty trưởng:
a) Nghiên cứu, hướng dẫn,
theo dõi và tổ chức thực hiện các công tác điều tra tình hình đất đai, phân
tích các loại đất, đo đạc diện tích ruộng đất dùng trong nông nghiệp; in, vẽ
các loại bản đồ về hình thể, về tình hình các loại đất…
b) Quản lý việc mở
mang, sử dụng và theo dõi tình hình cải tạo đồng ruộng, đất đai trong nông nghiệp.
Trong phòng quản lý ruộng đất cần
có cán bộ chuyên trách đi sâu vào các phần việc: điều tra đo đạc, phân tích đất,
quản lý sử dụng ruộng đất, in, vẽ bản đồ.
Riêng các tỉnh lớn, tùy theo sự
cần thiết, có thể tách bộ phận in, vẽ bản đồ, lập thêm phòng bản đồ.
6. Phòng giống.
Có nhiệm vụ giúp ty trưởng:
a) Nghiên cứu, hướng dẫn,
theo dõi việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật về lựa chọn, sản xuất giống, lai
giống, về cách sử dụng, dữ trữ, bảo quản các loại giống cây trồng trong các hợp
tác xã nông nghiệp.
b) Nghiên cứu hướng dẫn
việc thu mua, dự trữ, bảo quản và phân phối các loại giống chủ yếu.
Trực thuộc phòng giống có trạm
quản lý giống. Trạm này phụ trách việc tổ chức thu mua, dữ trữ, bảo quản và
phân phối các loại giống.
B. CÁC CƠ SỞ SỰ NGHIỆP DO TY QUẢN
LÝ.
1. Trường trung cấp nông nghiệp.
a) Trường trung cấp
nông nghiệp là cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm và đào tạo cán bộ khoa học. kỹ thuật
nông nghiệp của tỉnh.
b) Trường trung cấp
nông nghiệp có nhiệm vụ:
- Đào tạo cán bộ kỹ thuật nông
nghiệp có trình độ trung cấp.
- Nghiên cứu, thí nghiệm, tổng hợp
các vấn đề khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, về cải tiến nông cụ và
cơ khí nông nghiệp.
- Thí nghiệm, gieo trồng các loại
giống hợp với hoàn cảnh địa phương để cung cấp cho nhu cầu sản xuất trong tỉnh.
Ở một số tỉnh, Trường trung cấp
nông nghiệp có thề kiêm cả việc đào tạo cán bộ kỹ thuật sơ cấp (trường này gọi
là Trường trung sơ cấp nông nghiệp).
2. Trường sơ cấp nông nghiệp.
Trường sơ cấp nông nghiệp có nhiệm
vụ:
a) Đào tạo cán bộ kỹ
thuật sơ cấp.
b) Huấn luyện, bổ túc
ngắn ngày cho cán bộ và cốt cán kỹ thuật trong các hợp tác xã.
Mỗi tỉnh có thể tổ chức các trường
sơ cấp đào tạo cán bộ kỹ thuật sơ cấp cho từng vùng sản xuất. Các trường sơ cấp
đều thuộc hệ thống trường do ty quản lý, nhưng có thể phân cấp cho huyện quản
lý giúp trong một phạm vi nhất định.
3. Trại thí nghiệm chuyên khoa.
Trại thí nghiệm chuyên khoa có
nhiệm vụ:
Chuyên trách đi sâu nghiên cứu một
số vấn đề nhất định có tính chất đặc biệt của địa phương.
Nhiệm vụ, tổ chức của trại ở những
nơi đó sẽ tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương mà quy định cho thích
hợp.
4. Trạm truyền giống gia súc.
Trạm truyền giống gia súc có nhiệm
vụ:
Phụ trách việc truyền các giống
gia súc tốt, cải tạo đàn gia súc bằng thụ tinh nhân tạo, gây đực giống…
5. Trạm dự tính, dự báo sâu bệnh.
Trạm dự tính, dự báo sâu bệnh có
nhiệm vụ:
Thường xuyên theo dõi sự phát
triển của các loại sâu bệnh, phát hiện và dự báo trước thời kỳ sinh trưởng và
gây tác hại của các loại sâu bệnh để có kế hoạch chủ động phòng trừ.
Trạm truyền giống gia súc và trạm
dự tính, dự báo sâu bệnh sẽ tổ chức kết hợp làm một bộ phận trong trường hợp
nông nghiệp, hoặc trong trại kiểm nghiệm chuyên khoa.
6. Trại tằm.
Trại tằm có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, thí nghiệm việc
nuôi tằm.
- Sản xuất trứng tằm để cung cấp
cho nhân dân.
Trại này chỉ tổ chức ở các địa
phương có tập quán nuôi tằm.
7. Kho giống.
Kho giống có nhiệm vụ:
Bảo quản và phân phối các loại
giống theo kế hoạch của Ty.
Ở mỗi tỉnh có thể có nhiều kho
giống đặt tại các vùng có nhiều giống cần dự trữ; kho giống có thể xây dựng kết
hợp với trường trung cấp hay trại thí nghiệm.
8. Trạm kỹ thuật.
Trạm kỹ thuật có nhiệm vụ:
Thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật
trong thực tế sản xuất của các hợp tác xã tạo những điển hình sản xuất tốt để
chỉ đạo phong trào cải tiến kỹ thuật.
Trạm kỹ thuật tổ chức theo các
vùng canh tác, hoạt động trên cơ sở tổ chức sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp
và do Ty Nông nghiệp trực tiếp chỉ đạo.
9. Đội máy nông nghiệp:
Đội máy nông nghiệp có nhiệm vụ:
Thí nghiệm từng bước việc dùng máy
kéo và các loại máy nông nghiệp vào đồng ruộng, làm cơ sở để mở rộng việc sử dụng
các phương tiện cơ giới trong nông nghiệp và thúc đẩy phong trào cải tiến nông
cụ.
Các đội máy nông nghiệp tổ chức
và hoạt động theo các quy định trong quy chế số 463/TTg ngày 05-12-1961 của Phủ
Thủ tướng về tổ chức và quản lý các đội máy nông nghiệp.
Nói chung bộ máy giúp việc của
Ty và các cơ sở sự nghiệp phải căn cứ vào nhiệm vụ, khối lượng công tác cụ thể
và khả năng biên chế, cán bộ của từng địa phương mà tổ chức theo tinh thần bảo
đảm cho bộ máy tổ chức của ngành nông nghiệp ở địa phương được vững, mạnh,
gọn, nhẹ. Vậy không nhất thiết địa phương nào cũng phải tổ chức đủ các phòng,
các cơ sở sự nghiệp như trên, mà căn cứ vào tình hình địa phương để nghiên cứu
quy định cho thích hợp, có thể chỉ cần tổ chức 3 hay 4 phòng.
III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG
1. Cán bộ phụ trách các đơn vị:
- Ty nông nghiệp có ty trưởng và
ty phó.
- Các phòng có trưởng phòng, nơi
nào cần thiết và có cán bộ, có thể có phó phòng.
- Trường trung cấp nông nghiệp,
Trường sơ cấp nông nghiệp có hiệu trưởng, hiệu phó.
- Trại thí nghiệm chuyên khoa,
trại tầm có trại tưởng.
- Đội máy nông nghiệp có đội trưởng,
đội phó.
- Trưởng phòng hoặc phó phòng giống
sẽ đồng thời là trưởng trạm quản lý giống.
2. Bổ nhiệm cán bộ.
Việc cử các chức vụ ty trưởng,
ty phó do Bộ Nông nghiệp quyết định theo đề nghị của Ủy ban hành chính tỉnh.
Việc cử các chức vụ khác do Ủy
ban hành chính tỉnh quyết định và báo cáo cho Bộ Nông nghiệp.
Tổ chức nông nghiệp ở các Khu tự
trị Thái – Mèo, Khu tự trị Việt Bắc (trừ các tỉnh trong khu Việt Bắc), các
thành phố Hà Nội, Hải Phòng và khu vực Vĩnh Linh, sẽ có quy định sau. Ở các tỉnh
nông nghiệp và ngành lâm nghiệp hoặc ngành thủy sản, đứng trong một tổ chức
chung, thì Ủy ban hành chính tỉnh cũng căn cứ vào thông tư này để kiện toàn bộ
máy nông nghiệp trong tổ chức đó.
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Lê Tất Đắc
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
Phan Văn Chiêu
|