BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2022/TT-BCA
|
Hà Nội,
ngày tháng năm
2022
|
DỰ THẢO
|
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Công an nhân dân
ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Công tác đảng và công tác chính trị,
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư
này quy định nguyên tắc ứng xử; quy tắc ứng xử chung của cán bộ, chiến sĩ Công
an nhân dân; quy tắc ứng xử khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ứng xử trong nội
bộ, trong quan hệ xã hội và với môi trường tự nhiên; quy tắc ứng xử trên không
gian mạng. Thông tư này không điều chỉnh việc sử dụng không gian mạng phục vụ
yêu cầu nghiệp vụ công tác Công an.
2.
Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên
các học viện, nhà trường, công nhân Công an, lao động hợp đồng (gọi chung là
cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc ứng xử
1. Tuân thủ Hiến
pháp, pháp luật và điều lệnh Công an nhân dân.
2. Tôn trọng, bảo vệ
quyền, lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ
chức.
3. Phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần
phong, mỹ tục của dân tộc và truyền thống Công an nhân dân.
4. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
trong khi thi hành nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm túc quy trình công tác, quy tắc
ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp có liên quan.
Chương
II
NỘI
DUNG QUY TẮC ỨNG XỬ
Mục
1. QUY TẮC ỨNG XỬ CHUNG, ỨNG XỬ TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI VÀ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN
Điều
3. Quy tắc ứng xử chung
1. Nói và làm theo đúng
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Sáu điều
Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh
Công an nhân dân.
2. Tôn trọng, tận tụy
phục vụ Nhân dân; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến
của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
3. Rèn luyện phẩm chất
đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; trung thực, thẳng thắn, cần, kiệm,
liêm, chính.
4. Có ý thức tổ chức
kỷ luật và trách nhiệm trong công tác; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ
bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ, quy chế làm việc, quy trình công tác.
5. Thường xuyên học
tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ; chủ
động, sáng tạo, phối hợp trong công tác nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
6. Không lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị hoặc
chức trách, nhiệm vụ được giao để vụ lợi hoặc nhằm mục đích cá nhân, bao che, tạo
điều kiện cho tổ chức hoặc cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
7. Không trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng hoặc
lợi ích khác dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên
quan đến công việc mà mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi mình quản lý.
8. Không sử dụng trái phép các thông tin, tài liệu
của đơn vị; che giấu, bưng bít, làm sai lệch nội dung phản ánh của cơ quan, tổ
chức và công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do mình được
giao thực hiện.
9. Không từ chối tiếp nhận, giải quyết hoặc cố tình
trì hoãn, kéo dài thời gian giải quyết các yêu cầu hợp pháp của cơ quan, tổ chức
và công dân theo chức trách, nhiệm vụ.
10. Không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực
hiện nhiệm vụ được giao mà gây ra hậu quả làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị
mình hoặc cơ quan, tổ chức khác hoặc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp,
danh dự, nhân phẩm của công dân.
Điều 4. Ứng xử trong nội bộ
1. Ứng xử với cấp trên
a) Phục tùng sự chỉ đạo, chỉ thị, mệnh lệnh và nhiệm
vụ cấp trên giao; tôn trọng, tin tưởng cấp trên;
b) Báo cáo trung thực, kịp thời, đầy đủ với cấp trên
về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với
cấp trên về biện pháp công tác, quản lý, điều hành đơn vị; lắng nghe, tiếp thu
ý kiến của cấp trên.
2. Ứng xử với cấp dưới
a) Tôn trọng, gần gũi, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm,
lắng nghe, xem xét giải quyết tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của
cấp dưới;
b) Gương mẫu trong công tác, học tập, tu dưỡng, rèn
luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và chuẩn mực đạo đức Công an nhân
dân để cấp dưới học tập, noi theo; không có thái độ, hành vi cửa quyền, hách dịch,
quan liêu, trù dập, quát nạt, xúc phạm, hạ uy tín cấp dưới;
c) Dân chủ, khách quan, công tâm trong nhận xét,
đánh giá, phân loại cán bộ; phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, đúng người,
đúng việc;
d) Không bao che vi phạm của cấp dưới; bảo vệ danh
dự của cấp dưới khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật;
đ) Tin tưởng, khuyến khích phát huy
năng lực, sở trường, tạo điều kiện cho cấp dưới nâng cao trình độ lý luận chính
trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử,
trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác được
giao và tiêu chuẩn chung của nền công vụ”.
3. Ứng xử cùng cấp
a) Tôn trọng tính cách, đời sống riêng tư; bảo vệ
uy tín, danh dự của đồng chí, đồng đội;
b) Đoàn kết, thân ái giúp đỡ, hợp tác trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ được giao; cầu thị, học hỏi, tiếp thu ý kiến đúng đắn
của đồng chí, đồng đội; có thái độ tích cực đối với sự phát triển, tiến bộ của
đồng chí, đồng đội;
c) Tự phê bình và phê bình khách quan, chân thành,
thẳng thắn, mang tính xây dựng; không có lời nói, hành động gây mất đoàn kết nội
bộ, vu khống, nói không đúng sự thật, hạ uy tín, trả thù cá nhân.
Điều
5. Ứng xử với Nhân dân
1. Kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết
với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của
Nhân dân.
2. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ
niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã,
khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải
quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
3. Không có hành
vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp
pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa
nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công
việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc trừ trường hợp phục vụ yêu
cầu, nhiệm vụ công tác.
4. Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp
hành pháp luật và tự nguyện, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc”.
5. Đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện
nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân gắn liền
với việc cải cách thủ tục hành chính.
Điều 6. Ứng xử với người vi phạm
pháp luật
1. Thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Công an trong đấu tranh,
xử lý đối với người phạm tội và người có hành vi vi phạm pháp luật khác.
2. Kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trong
thực hiện nhiệm vụ; xử lý vi phạm phải khách quan, trung thực đảm bảo các yêu cầu
chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.
3. Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ,
chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng
xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với người
vi phạm.
4. Không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao
làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án dẫn đến oan, sai bỏ lọt tội phạm, hành vi vi
phạm pháp luật hoặc nhằm mục đích khác.
Điều 7. Ứng xử với tổ chức, cá
nhân nước ngoài
1. Thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Công an về tiếp xúc,
quan hệ, làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài và thực hiện chính sách đối
ngoại, hợp tác quốc tế.
2. Tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn
giáo, văn hóa của người nước ngoài, trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam.
3. Không có lời nói, hành động làm tổn hại đến lợi ích,
hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; truyền thống, danh dự, uy tín của Công
an nhân dân Việt Nam.
Điều 8. Ứng xử trong gia đình
1. Gương mẫu, vận động, giáo dục người thân trong
gia đình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, quy định của địa phương nơi cư trú.
2. Nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống
văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, bình đẳng, hòa thuận,
tiến bộ, hạnh phúc.
3. Không để người thân trong gia đình tham dự vào
công việc của cơ quan, đơn vị hoặc lợi dụng ảnh hưởng vị trí, chức vụ công tác
để làm trái quy định của pháp luật và quy định của ngành Công an.
Điều 9. Ứng xử nơi cư trú
1. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực
tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thường xuyên
giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nơi cư trú theo quy định;
tôn trọng quy ước cộng đồng; gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ mọi người xung quanh.
2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm
các quy định tại nơi cư trú. Tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa,
đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội khác.
3. Không lợi dụng ảnh hưởng vị trí, chức vụ công
tác để can thiệp trái quy định vào hoạt động của địa phương nơi cư trú.
Điều 10. Ứng xử
nơi công cộng
1. Gương mẫu chấp
hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp
luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn
minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng.
2. Không có lời nói, hành vi vi phạm
các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Điều 11. Ứng xử
với môi trường tự nhiên
1. Giữ gìn, bảo vệ môi trường tự
nhiên; tham gia xây dựng cảnh quan môi trường “Xanh - sạch - đẹp”.
2. Tuyên truyền, giáo dục và vận động
mọi người giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hưởng ứng các phong
trào xã hội về bảo vệ môi trường.
Điều 12. Ứng xử,
giao tiếp qua điện thoại
Khi giao tiếp qua điện thoại phục vụ
yêu cầu công tác, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xưng tên, chức danh,
đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn ngữ giao tiếp văn
minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu; không trao đổi nội dung bí mật qua điện thoại.
Điều 13. Sử dụng
phương tiện, thiết bị công tác
1. Thường xuyên giữ gìn, bảo vệ và
sử dụng tài sản, phương tiện được trang bị bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả;
nghiên cứu, sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật được trang bị phục vụ công
việc.
2. Không sử dụng tài sản, phương tiện
công tác sai mục đích hoặc vào mục đích cá nhân dưới mọi hình thức.
Mục 2. ỨNG XỬ
TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Điều 14. Đăng
ký và quản lý tài khoản Internet, mạng xã hội
1. Không mạo danh cá nhân, tổ chức
khác, không sử dụng tên, hình ảnh, phiên hiệu của các tổ chức, đơn vị trong
Công an nhân dân làm tài khoản cá nhân, tên đăng nhập, mật khẩu; không cung cấp
hoặc công khai thông tin cá nhân có liên quan đến đơn vị, lực lượng, nhiệm vụ
công tác khi đăng ký tài khoản Internet, mạng xã hội.
2. Tài khoản phải có mật khẩu đảm bảo
yêu cầu cơ bản về bảo mật, không chia sẻ thông tin đăng nhập tài khoản cho người
khác, không sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Khi tài khoản có dấu hiệu
bị chiếm đoạt, cần thay đổi mật khẩu và sử dụng các biện pháp bảo vệ khác.
3. Không sử dụng từ ngữ, hình ảnh
phản cảm, thiếu văn hóa làm tên tài khoản, ảnh đại diện tài khoản Internet, mạng
xã hội.
Điều 15. Kết bạn,
lập hoặc tham gia hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn trên không gian mạng
1. Phải tìm hiểu kỹ về người định kết
bạn, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn định tham gia. Quản lý, kiểm soát danh
sách bạn bè, không kết bạn hoặc hủy kết bạn (nếu đã kết bạn) với những đối tượng
thường xuyên đăng tải, chia sẻ quan điểm sai trái, thù địch. Không lập, tham
gia hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để đăng tải, bình luận, chia sẻ những tài
liệu, thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội có nội dung trái với quy định của
pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.
2. Khuyến khích kết bạn với những
người thường xuyên đăng tải thông tin tích cực; lập, tham gia hội, nhóm, câu lạc
bộ, diễn đàn để lan tỏa thông tin tích cực, phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch.
Điều
16. Tiếp cận thông tin trên không gian mạng
1. Phải tìm hiểu kỹ
về mạng xã hội định tham gia, trang tin định truy cập, ứng dụng định sử dụng.
Không tải và sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc có nghi ngờ về nguồn
gốc.
2. Khi tiếp cận
thông tin trên không gian mạng cần phân tích, đánh giá, nhận diện, kiểm chứng
thông tin. Khuyến khích việc tiếp cận thông tin nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức,
kỹ năng phục vụ yêu cầu học tập, công tác, chiến đấu và cuộc sống.
3. Không truy cập
đường dẫn lạ, không mở và trả lời các tin nhắn, thư điện tử rác. Không truy cập
Internet, chia sẻ vị trí tại địa điểm cấm, khu vực cấm, trong các cuộc họp có nội
dung bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ.
4. Khi phát hiện
những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm
pháp
luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của
mình, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp
để kịp thời có hướng xử lý, giải quyết thông tin.
Điều 17. Nhận
diện và kiểm chứng thông tin trên không gian mạng
1. Nhận diện thông tin tích cực
a) Thông tin về chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy
Công an Trung ương, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị;
b) Thông tin thời sự về các lĩnh vực
của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối
ngoại;
c) Thông tin về gương người tốt, việc
tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; những tấm gương vượt khó của người
dân và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp; những thông điệp tốt đẹp của cuộc
sống;
d) Đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn
xã hội; lên án, phê phán cái xấu, cái ác một cách phù hợp;
đ) Thông tin về kỹ năng, kinh nghiệm
lao động, sản xuất và cuộc sống; các hoạt động cộng đồng, nhân ái, chung tay
xây dựng xã hội lành mạnh;
e) Thông tin chính thống những vấn
đề nhạy cảm, phức tạp, gây bức xúc trong đời sống xã hội; những thông tin mang
tính phản biện, xây dựng;
g) Thông tin đấu tranh phản bác những
luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội và các loại tội
phạm;
h) Những thông tin khác phản ánh
chân thực, khách quan, có trách nhiệm trước các vấn đề diễn ra trong đời sống
xã hội, phù hợp lợi ích đất nước, cộng đồng và nhân loại tiến bộ, phù hợp với
thuần phong, mỹ tục, đạo đức, văn hóa của người Việt Nam.
2. Nhận diện thông tin xấu độc
a) Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền
nhân dân; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh
nhân, anh hùng dân tộc;
b) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng;
c) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ
xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phủ nhận nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai;
d) Hạ thấp, phủ nhận những thành quả
cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt,
vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bôi nhọ, hạ thấp uy
tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi trong cán bộ, đảng
viên và Nhân dân;
đ) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; xuyên tạc đường
lối an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân; chia rẽ Công an với Quân đội; chia
rẽ Nhân dân với Công an và Quân đội;
e) Kích động tư tưởng bất mãn, bất
đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ
cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng
để chống phá Đảng và Nhà nước;
g) Thông tin phiến diện, một chiều
về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước;
h) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn
giáo cực đoan; gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn
giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước;
tuyên truyền mê tín, dị đoan;
i) Vi phạm pháp luật hoặc xúi giục,
lôi kéo, kích động người khác vi phạm pháp luật; kích động gây bạo loạn, phá rối
an ninh, gây rối trật tự công cộng;
k) Vi phạm thuần phong, mỹ tục,
truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội;
l) Xúc phạm danh dự, uy tín, nhân
phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi
ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
m) Thông tin dẫn dắt, hướng dư luận
đến các vấn đề tiêu cực, không phù hợp lợi ích đất nước, cộng đồng và nhân loại
tiến bộ.
3. Kiểm chứng thông tin
Khi nguồn tin không chính thức, tin
thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng nhưng lại có nguồn duy nhất hoặc
có căn cứ nghi ngờ độ xác thực của thông tin, cần kiểm chứng thông tin qua một
số biện pháp cụ thể sau:
a) Kiểm tra sự thống nhất giữa tiêu
đề và nội dung, hình ảnh minh họa; giữa thời gian đăng tin và thời gian xảy ra
sự kiện được phản ánh; nguồn gốc của trang đăng tải thông tin;
b) Đối chiếu giữa nội dung bài viết
và nguồn tin được trích dẫn hoặc thông tin, phát ngôn chính thức của cơ quan,
đơn vị chức năng về sự việc, hiện tượng;
c) Tham khảo ý kiến của các chuyên
gia trên từng lĩnh vực.
Điều 18. Tương
tác, gửi, đăng tải thông tin trên không gian mạng
1. Không đăng tải, truy cập, lưu trữ,
phát tán, bình luận, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, thái độ với những thông tin xấu độc,
thông tin chưa được kiểm chứng.
2. Sử dụng ngôn ngữ đảm bảo giữ gìn
sự trong sáng của tiếng Việt; nhận xét đúng mực, văn hóa, trách nhiệm và xây dựng
về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm,
gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn
giáo; không cổ xúy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa.
3. Khuyến khích thể hiện quan điểm,
chính kiến trong việc xây dựng xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, vun đắp tình
yêu Tổ quốc, quê hương; tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa
tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc
tốt, những hình ảnh đẹp về lực lượng Công an nhân dân.
Điều 19. Tạo
nguồn, lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng
1. Thu thập các thông tin tích cực
trên báo chí chính thống, các trang tin, trang mạng xã hội chính thức của các
cơ quan, đơn vị trong và ngoài Công an nhân dân.
2. Viết bài, bày tỏ cảm xúc, thái độ
đồng tình, bình luận theo hướng đồng thuận, làm rõ thêm thông tin được phản
ánh, chia sẻ thông tin tích cực rộng rãi trên Internet, mạng xã hội.
4. Vận động người thân trong gia
đình, bạn bè, những người xung quanh sử dụng Internet, mạng xã hội một cách an
toàn, lành mạnh; tham gia lan tỏa thông tin tích cực trên Internet, mạng xã hội,
phản ánh về các hoạt động của người chiến sĩ Công an vì Nhân dân phục vụ.
Điều 20. Ngăn
chặn, phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng
1. Không truy cập các trang thông
tin của các tổ chức thù địch, cá nhân chống đối Đảng, Nhà nước.
2. Báo cáo chế độ vi phạm chính
sách cộng đồng hoặc báo cáo cơ quan, đơn vị chức năng xử lý đối với các trường
hợp vi phạm pháp luật.
3. Khuyến khích cán bộ, chiến sĩ đề
xuất sáng kiến, giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc tán phát các thông tin xấu độc
trên không gian mạng.
4. Báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền
chỉ đạo viết bài và tổ chức chiến dịch phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,
nhất là những thông tin phản ánh không đúng về đơn vị, địa phương mình để định
hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
5. Chỉ trích dẫn một số nội dung thật
cần thiết; không đưa đường dẫn, toàn bộ nội dung bài viết có thông tin xấu độc.
Phải gạch chéo hình ảnh nội dung được trích dẫn về bài viết có thông tin xấu độc,
đối tượng tuyên truyền thông tin xấu độc.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Hiệu
lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày tháng năm 2022; thay thế
Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an
quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.
Điều 22. Trách
nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ
quan Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Cục Công tác đảng và công tác
chính trị có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư và báo cáo
Bộ trưởng theo quy định.
3.
Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để các
cơ quan, ban, ngành và Nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.
Trong quá trình thực hiện Thông tư,
nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục
Công tác đảng và công tác chính trị) để kịp thời hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo thực
hiện);
- Các đơn vị thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để
thực hiện);
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL);
- Công báo;
- Lưu: VT, V03, X03.T. 300b.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm
|