THÔNG TƯ
CỦA
BỘ NỘI VỤ SỐ 06-TT/BNV (C13) NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH
SỐ 51/CP NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1997 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ
KHẨU
Ngày 10 tháng 5 năm 1997 Chính phủ
đã ban hành Nghị định số 51/CP về đăng ký và quản lý hộ khẩu. Bộ Nội vụ ra Thông
tư hướng dẫn thực hiện Nghị định trên như sau:
I. GIẢI
THÍCH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG TRONG NGHỊ ĐỊNH.
1. Điều 1 Nghị
định nêu rõ vị trí và mục đích đăng ký, quản lý hộ khẩu (ĐKQLHK): là biện pháp
quản lý hành chính của Nhà nước nhằm xác định việc cư trú của công dân bảo đảm
thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường quản lý xã hội, giữ vững an
ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
2. Bộ Nội vụ là
cơ quan được Chính phủ giao phụ trách việc đăng ký, Quản lý hộ khẩu.
Cơ quan Công an các cấp thực hiện
việc đăng ký quản lý hộ khẩu theo phân công, phân cấp quy định tại Thông tư
này.
Việc ĐKQLHK thực hiện thống nhất
trong cả nước theo Nghị định 51/CP và hướng dẫn của Bộ Nội, bao gồm:
- Đăng ký và quản lý thường trú;
- Đăng ký và quản lý tạm trú;
- Đăng ký và quản lý tạm vắng;
- Đăng ký bổ sung, điều chỉnh và
đính chính những thay đổi khác về hộ khẩu, nhân khẩu;
- Kiểm tra và xử lý các vi phạm về
ĐKQLHK.
3. Mọi công dân
Việt Nam có quyền và nghĩa vụ thực hiện việc ĐKQLHK với cơ quan Công an
theo quy định của Nghị định số 51/CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Mỗi công dân chỉ ĐKHK thường trú
một nơi cư trú nhất định là nơi thường xuyên sinh sống. Trường hợp do điều kiện
công tác hoặc sinh sống thường xuyên lưu động, thì phải lấy nơi đóng trụ sở chính
của cơ quan, đơn vị, bến gốc hoặc một nơi trước đó mà người đó cư trú để ĐKHK
thường trú.
Khi chuyển đến cư trú nơi mới, công
dân phải thực hiện chế độ ĐKQLHK theo quy định.
4. Những người
sau đây chưa được chuyển hộ khẩu thường trú đi nơi khác:
- Người đang trong thời gian thi
hành bản án hình sự. Đối với bản án dân sự nếu xét thấy việc di chuyển hộ khẩu của
người phải thi hành bản án đó, có ảnh hưởng đến việc chấp hành bản án thì không
được chuyển hộ khẩu đi nơi khác;
- Người đang thi hành quyết định
của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cư trú bắt buộc, chịu sự quản lý của chính
quyền địa phương như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản chế hành chính;
- Người đang thi hành bản án, quyết
định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cấm cư
trú thì không được ĐKHK ở khu vực bị cấm. Những khu vực cấm cư trú đó là: thành
phố, thị xã, khu vực biên giới và những khu vực quan trọng khác về quốc phòng,
an ninh kinh tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
5. Những người
ở chung một nhà và có quan hệ gia đình (là ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh
chị em ruột) và những người khác được chủ hộ đồng ý cho nhập vào hộ gia đình
thì được lập một sổ hộ khẩu gia đình..
Trong mỗi hộ khẩu gia đình, phải
cử một người từ đủ 18 tuổi trở lên làm chủ hộ để thực hiện các quy định về ĐKQLHK
trong hộ của mình. Trường hợp trong hộ gia đình không có người từ đủ 18 tuổi
trở lên thì được cử một người lớn tuổi nhất trong hộ làm chủ hộ.
6. Đăng ký hộ
khẩu thường trú theo nhân khẩu tập thể quy định tại Điều 5 của Nghị định 51/CP
là những công chức, viên chức, công nhân trong biên chế của các cơ quan Nhà
nước (kể cả công nhân, viên chức trong biên chế của Quốc phòng và Công an),
thành viên các tổ chức kinh tế - xã hội... sống độc thân tại nhà ở tập thể thì
không đăng ký hộ khẩu gia đình.
Từng nhân khẩu tập thể phải trực
tiếp ĐKHK với Công an nơi đang cư trú.
Mỗi người đăng ký nhân khẩu tập thể
được cấp một giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể.
- Cơ quan, tổ chức có người đăng
ký nhân khẩu tập thể phải cử một người phụ trách nhà ở tập thể đó, để nhắc nhở mọi
người chấp hành quy định về ĐKQLHK. Khi cần thay đổi người phụ trách nhà ở tập
thể cơ quan, tổ chức phải báo bằng văn bản cho cơ quan Công an ĐKHK biết.
Những người tuy ĐKHK theo nhân khẩu
tập thể, nhưng chỉ là danh nghĩa, hàng ngày thường xuyên về ăn ở với gia đình
hoặc có nhà ở hợp pháp thì chuyển ĐKHK theo hộ gia đình.
7. Việc ĐKQLHK
của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng phải thực hiện theo quy định tại
Nghị định 51/CP và Thông tư này.
II. ĐIỀU
KIỆN, THỦ TỤC ĐKHK THƯỜNG TRÚ.
A. ĐIỀU KIỆN VỀ
NHÀ Ở HỢP PHÁP ĐỂ ĐƯỢC ĐKHK THƯỜNG TRÚ TẠI NƠI MỚI ĐẾN.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định
51/CP: để được ĐKHK thường trú tại nơi mới đến, phải có nhà ở hợp pháp. Điều
kiện này bắt buộc đối với mọi địa bàn. Nhà ở hợp pháp để làm căn cứ ĐKHK thường
trú cần hiểu thống nhất như sau:
1. Nhà thuộc
sở hữu của mình: Phải là nhà ở của bản thân người xin nhập hộ khẩu hoặc của một
trong các thành viên của hộ gia đình đó, với đủ các yếu tố của quyền sở hữu là:
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Xác nhận quyền sở hữu này phải có giấy chứng
nhận quyền sở hữu nhà ở của cơ quan có thẩm quyền của pháp luật. Trường hợp
chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì phải có giấy thừa kế, cho tặng, mua,
bán nhà ở hoặc nhà tự làm. Các trường hợp này phải có chứng nhận của UBND
phường, xã, thị trấn.
2. Nhà ở được
quyền sử dụng hợp pháp (là nhà ở không có quyền chiếm hữu, định đoạt) của bản
thân người xin nhập hộ khẩu hoặc một trong các thành viên của hộ gia đình đó
được phân phối hoặc hợp đồng để ở. Nhà hợp đồng hoặc phân phối này phải có đủ
giấy tờ hợp lệ theo quy định.
3. Nhà được
chủ hộ đồng ý cho ở nhà hợp pháp của mình phải là nhà thuộc một trong các
trường hợp nói ở điểm 1 hoặc 2 nêu trên. Người đồng ý phải là chủ hộ gia đình
hoặc chủ nhà (nếu không có hộ khẩu thường trú tại nơi đó). Sự đồng ý này phải
có cam kết bằng văn bản.
Các loại nhà này, dù có đủ giấy tờ
như nêu trên cũng không phải giải quyết ĐKHK thường trú vào nhà đó nếu là nhà
đang tranh chấp (có đơn khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết) hoặc
nhà nằm trong vùng quy hoạch đã thông báo phải di chuyển (trừ trường hợp vợ,
chồng, con, bố, mẹ đến ở với nhau). Riêng các trường hợp đến ở nhà nói ở điểm 3
trên, phải bảo đảm đủ diện tích tối thiểu theo quy định của từng địa phương và
đảm bảo vệ sinh môi trường.
B. ĐIỀU KIỆN
ĐKHK THƯỜNG TRÚ VÀO THÀNH PHỐ, THỊ XÃ.
Những người đến ĐKHK thường trú ở
thành phố, thị xã ngoài điều kiện về nhà ở nói ở mục A nêu trên, còn phải có một
trong những điều kiện quy định tại Điều 12 của Nghị định 51/CP. Khi giải quyết
cần chú ý một số điểm như sau:
1. Đối với
điều kiện nói ở điểm 1 (người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều động,
tuyển dụng):
a. Cấp có thẩm quyền điều động, tuyển
dụng công chức, viên chức, học sinh, sinh viên là thủ trưởng Bộ, ngành (nếu Bộ,
ngành ở TW) hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu là cơ
quan, tổ chức thuộc địa phương).
b. Riêng đối với tiêu chuẩn b
(được quyết định trở lại công tác...) thì cấp có thẩm quyền điều động, tuyển
dụng ngoài quy định như trên, còn có thể do thủ trưởng cơ quan cũ trực tiếp
điều động trở lại.
c. Khi ĐKHK cho các đối tượng quy
định tại điểm 1 Điều 12, cơ quan Công an chỉ căn cứ vào quyết định điều động
hoặc tuyển dụng nêu trên để giải quyết ĐKHK, không được đòi hỏi họ hoặc cơ quan
phải xuất trình giấy báo hoặc danh sách chỉ tiêu của cơ quan, tổ chức.
2. Đối với
điểm 3 (ngoài quy định ở điểm 1 và 2 Điều 11) khi giải quyết cần hiểu như sau:
a. Người hết tuổi lao động: theo
quy định hiện hành của Luật lao động thì tuổi lao động của Nam hết tuổi 60, Nữ hết tuổi 55.
b. Những người mất khả năng lao động
là những người không tự lập nuôi thân được, phải sống nhờ vào người khác.
c. Người đỡ đầu, người giám hộ nói
trong Nghị định phải hiểu là người giám hộ theo quy định của Luật dân sự, là
người người được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và
bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được đỡ đầu, được giám hộ... Người được
giám hộ là người chưa thành niên không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ
hoặc cha mẹ còn nhưng đều mất năng lực hành vi dân sự.
d. Người dưới 18 tuổi nói ở tiết
d điểm 3 bao gồm: không còn bố, mẹ (có thể bố, mẹ chết; mất tích) hoặc còn nhưng
đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc do điều kiện hoàn cảnh đặc biệt không thể
nuôi dưỡng con được, phải nhờ người khác nuôi hộ.
Tiết d điểm 3 không nói đến con từ
đủ 18 tuổi trở xuống đi theo bố, mẹ. Nhưng theo Luật dân sự, mặc nhiên con từ
đủ 18 tuổi trở xuống phải ở với cha, mẹ (trừ khi cha, mẹ đồng ý cho con ở với
người khác) và không kể có bao nhiêu con. Trường hợp con trên 18 tuổi, nếu chưa
tự lập được phải sống phụ thuộc vào bố, mẹ thì cũng được giải quyết ĐKHK theo
bố, mẹ.
đ. Cấp có thẩm quyền cho người Việt
Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về thành phố, thị xã nói tại điểm e là Cơ
quan Xuất nhập cảnh Bộ Nội vụ.
e. Quê gốc nói ở tiết g: Là nơi quê
quán gốc gác của người đó ở từ nhiều đời trước. Nếu người đó trở về xin ĐKHK
thường trú, phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi đó là quê quán gốc gác của
họ, nay trở về. Nếu có những người đi theo như: bố, mẹ, vợ, chồng, con, ông, bà
hoặc những người mà người đó đang phải nuôi dưỡng cùng đăng ký chung một số hộ
khẩu cũng được giải quyết.
3. Những
người trưởng hợp đặc biệt khác nói ở điểm 4 Điều 12 là những trường hợp do yêu
cầu chính trị, yêu cầu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội cần đến những
người có trình độ chuyên môn cao, nhân sĩ trí thức nổi tiếng, những người trong
diện chính sách và những trường hợp công dân có hoàn cảnh cá biệt khác cần phải
về thành phố, thị xã.
C. ĐĂNG KÝ
CHUYỂN ĐI, ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐẾN.
Việc đăng ký chuyển đi, đăng ký chuyển
đến nói ở Điều 10 Nghị định thực hiện như sau:
1. Đăng ký
chuyển đi.
Khi chuyển cư trú đi nơi khác (từ
chuyển ĐKHK thường trú) kể cả chuyển cả hộ hoặc một người.
a. Các trường hợp chuyển đi sau đây,
chủ hộ hoặc người chuyển đi phải đến trình báo tại Công an nơi ĐKHK thường trú:
a.1. Chuyển đi trong phạm vi xã,
thị trấn, phường hoặc ngoài phạm vi phường nhưng trong cùng quận, nội thị xã, nội
thành phố thuộc tỉnh;
a.2. Chuyển đi ngoài phạm vi xã,
thị trấn (trừ xã, thị trấn của huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương).
a.3. Chuyển đi ngoài quận, huyện,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh: (kể cả trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc
TW).
Thủ tục trình báo gồm:
- Xuất trình giấy chứng minh nhân
dân của người đến trình báo;
- Khai "Phiếu báo thay đổi về
hộ khẩu, nhân khẩu";
- Xuất trình sổ hộ khẩu gia đình
hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể;
- Xuất trình các giấy tờ khác liên
quan đến việc chuyển đi.
b. Cơ quan Công an căn cứ vào các
giấy tờ trên tiến hành giải quyết như sau:
- Đối với trường hợp thứ nhất (a.1)
không phải cấp giấy chứng nhận chuyển đi, chỉ điều chỉnh trong sổ hoặc giấy
chứng nhận nhân khẩu tập thể ở mục thay đổi chỗ ở.
- Hai trường hợp còn lại, phải cấp
giấy chứng nhận chuyển đi cho đương sự và thu sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng
nhận nhân khẩu tập thể lưu vào tàng thư hộ khẩu.
c. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận
chuyển đi:
- Đối tượng chuyển đi nói ở điểm
a.2 giấy chứng nhận chuyển đi do Trưởng Công an xã, thị trấn cấp; đối tượng nói
ở điểm a.3 giấy chứng nhận chuyển đi do Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh cấp.
- Thời gian tối đa để giải quyết
việc này kể từ khi nhận đủ thủ tục hợp lệ là 3 ngày.
2. Đăng ký
chuyển đến: Là đăng ký thường trú cho các trường hợp ở nơi khác đến.
a. Đối với người chuyển đến.
Người chuyển đến trong thời hạn không
quá 7 ngày (nếu ở thành phố, thị xã) và không quá 10 ngày (nếu ở nông thôn),
chủ hộ hoặc người mới chuyển đến phải đến công an xã, thị trấn (nếu ở nông
thôn) hoặc Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nếu ở thành phố
thị xã) nơi chuyển đến để làm thủ tục ĐKHK thường trú. Người đến làm thủ tục
phải có các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân của bản thân.
Nếu là quân nhân xuất trình chứng minh thư quân đội, nếu là công an xuất trình
giấy chứng nhận công an nhân dân.
- Khai "Phiếu báo thay đổi hộ
khẩu, nhân khẩu";
- "Giấy chứng nhận chuyển
đi" của Công an nơi thường trú cũ cấp (trừ những người là lực lượng vũ trang
sống trong doanh trại, người Việt Nam ở nước ngoài về, người đi tù, đi trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh về, thì phải có giấy khác thay thế
theo hướng dẫn của Thông tư này).
- Giấy tờ để chứng minh nhà ở hợp
pháp: Tuỳ từng trường hợp nhà ở, để xuất trình giấy tờ nhà như quy định tại mục
A nêu trên.
- Các giấy tờ khác liên quan trực
tiếp đến các trường hợp cụ thể cần có như:
+ Giấy kết hôn (nếu vợ, chồng về
ở với nhau). Trường hựp không có giấy kết hôn có thể xuất trình giấy tờ khai sinh
của con hoặc các giấy tờ khác để chứng minh cho mối quan hệ vợ chồng.
+ Giấy khai sinh (nếu ĐKHK trẻ em
mới sinh).
+ Hộ chiếu có dấu kiểm chứng của
công an cửa khẩu (đối với người Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
về).
+ Quyết định điều động, tuyển dụng,
phục viên, xuất ngũ, nghỉ hưu, thôi việc.
+ Giấy giới thiệu của cấp có thẩm
quyền của quân đội, công an (quy định tại điểm 4 mục B phần III dưới đây) và
xuất trình chứng minh thư Quân đội hoặc Công an (đối với người trong Công an,
Quân đội xin ĐKHK gia đình).
+ Giấy của cơ quan xuất nhập cảnh
(tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để xuất trình như: giấy chứng nhận hồi hương
hoặc giấy chứng nhận về nước hoặc giấy giới thiệu).
+ Giấy ra trại (đối với người đi
tù về), giấy ra trường (đối với những trường hợp đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo
dục, cơ sở chữa bệnh về).
+ Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng
nhận đăng ký nhân khẩu tập thể, chứng minh nhân dân (nếu đã được cấp).
b. Cán bộ làm công tác ĐKHK tiếp
nhận hồ sơ phải kiểm tra, nếu thấy việc xin ĐKHK của công dân đã đủ thủ tục theo
quy định thì nhận hồ sơ, viết biên nhận, hẹn ngày trả kết quả; nếu hồ sơ còn
thiếu thì hướng dẫn cho họ bổ sung và chỉ nhận hồ sơ ĐKHK sau khi đã đủ thủ tục.
Sau khi nhận hồ sơ phải đề xuất hoàn thành thủ tục đăng ký cấp sổ hộ khẩu gia
đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể để trả cho đương sự.
Thời gian giải quyết trả lời kết
quả cho dân tối đa là 10 ngày (đối với địa bàn nông thôn) và 20 ngày đối với những
người xin đến thành phố, thị xã.
c. Những hộ, những người khi ĐKHK
thường trú được cấp sổ hoặc giấy chứng nhận hộ khẩu phải trả một khoản lệ phí
theo quy định.
D. VỀ VIỆC LẬP,
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC LOẠI SỔ HỘ KHẨU VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN HỘ KHẨU.
1. Mẫu Sổ hộ
khẩu và Giấy chứng nhận hộ khẩu do Bộ Nội vụ phát hành thống nhất trong cả
nước, bao gồm các loại chính như sau:
- Sổ hộ khẩu (sổ ĐKHK) lưu ở cơ
quan Công an ĐKQLHK;
- Sổ hộ khẩu gia đình, cấp cho từng
hộ gia đình;
- Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể,
cấp cho từng nhân khẩu tập thể;
- Giấy và Sổ đăng ký tạm trú có thời
hạn, cấp cho từng hộ hoặc nhân khẩu tạm trú có thời hạn.
2. Sổ hộ khẩu
gốc: Sổ hộ khẩu gốc do cơ quan Công an trực tiếp ĐKHK lập, lưu giữ; Sổ hộ khẩu
gốc được lập theo khu vực dân cư của đơn vị hành chính phường, xã, thôn, xóm,
bản, đường phố tổ dân phố hoặc theo nhà ở tập thể của các cơ quan, tổ chức...
Ở nông thôn (trừ các xã, thị trấn
của các thành phố trực thuộc Trung ương) do Trưởng công an xã, thị trấn, lập và
lưu giữ để đăng lý và theo dõi, quản lý, điều chính biến động về hộ khẩu, nhân
khẩu.
Ở thành phố trực thuộc Trung ương,
thành phố thuộc tỉnh, thị xã do Trưởng công an cấp huyện lập, lưu giữ để đăng
ký, theo dõi, quản lý và điều chỉnh những biến động về nhân khẩu, hộ khẩu.
Sổ hộ khẩu gốc là tài liệu có giá
trị pháp lý, làm cơ sở để xác nhận việc cư trú của công dân, là căn cứ để điều
chỉnh sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và một số việc
khác.
Các nhà ở tập thể của cơ quan, tổ
chức ngoài sổ hộ khẩu gốc lưu ở cơ quan Công an, được sao một sổ hộ khẩu để người
phụ trách nhà ở tập thể theo dõi, đối chiếu với giấy chứng nhận nhân khẩu tập
thể của từng người trong nhà ở tập thể của mình. Sổ này không có giá trị về mặt
pháp lý thay thế sổ hộ khẩu gốc ở cơ quan Công an.
3. Sổ hộ khẩu
gia đình:
Nguyên tắc của cấp sổ hộ khẩu gia
đình:
- Sổ hộ khẩu gia đình được cấp cho
từng hộ gia đình đã đăng ký hộ khẩu thường trú ở tất cả các địa bàn trong cả
nước.
- Mỗi hộ gia đình có thể có một người
hoặc nhiều người, trong một nhà ở có thể đăng ký thành nhiều hộ khẩu gia đình,
nếu có kinh tế biệt lập.
- Vợ chồng đã ly hôn nếu ở chung
một nhà, thì được ĐKHK gia đình riêng.
Trưởng công an nơi trực tiếp ĐKHK
thường trú ký sổ hộ khẩu gia đình: ở nông thôn (trừ xã, thị trấn ở các thành
phố trực thuộc TW) do Trưởng Công an xã, thị trấn ký sổ; ở thành phố, thị xã do
Trưởng công an quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký sổ. Riêng các huyện ngoại
thành của thành phố trực thuộc Trung ương do Trưởng Công an huyện ký sổ.
Người được cấp sổ hộ khẩu gia đình
phải có trách nhiệm bảo quản, không sử dụng sổ để thế chấp, cho mượn... Phải
xuất trình khi có yêu cầu của cán bộ công an có thẩm quyền kiểm tra hộ khẩu.
Sổ có giá trị pháp lý khi quan hệ
giao dịch các công việc có liên quan đến yêu cầu cần có sổ. Khi có thay đổi hoặc
sổ hư hỏng, mất. ... phải trình báo ngay với cơ quan ĐKHK.
4. Giấy chứng
nhận nhân khẩu tập thể:
Nguyên tắc của đăng ký cấp giấy chứng
nhận nhân khẩu tập thể như quy định tại điểm 6 phần I Thông tư này.
Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể
do trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký.
Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể
có giá trị pháp lý khi quan hệ giao dịch có liên quan đến yêu cầu cần thiết.
Khi có thay đổi hoặc sổ hư hỏng, mất... phải trình báo ngay với cơ quan ĐKHK.
5. Các mục
ghi trong sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận hộ khẩu phải ghi đầy đủ, rõ ràng, không
viết tắt, tẩy xoá. Nếu có ghi sai chữa lại phải được đóng dấu lên chỗ tẩy xoá.
Được cấp lại sổ hộ khẩu gia đình,
giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể: Khi bị hư hỏng, mất. Sổ hoặc giấy cấp lại
phải ghi rõ cấp lại lần thứ mấy.... ngoài bìa sổ; Mỗi lần cấp lại phải nộp một
khoản lệ phí theo quy định.
III. ĐĂNG
KÝ QUẢN LÝ HỘ KHẨU ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,
hạ sĩ quan, công nhân viên chức của quân đội nhân dân và công an nhân dân ở
trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể của quân đội, công an thì ĐKQLHK theo quy
định riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Thông tư này chỉ hướng dẫn việc ĐKQLHK
thường trú cho các đối tượng là quân đội nhân dân và công an nhân dân hàng ngày
về ăn ở với gia đinh hoặc có nhà ở hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền của quân
đội, công an cho phép đăng ký hộ khẩu gia đình riêng.
A. VỀ ĐỐI
TƯỢNG LÀ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN ĐKHK GIA ĐÌNH QUY ĐỊNH TRONG NĐ
51/CP VÀ THÔNG TƯ NÀY
1. Đối với
Quân đội nhân dân bao gồm:
- Sĩ quan;
- Quân nhân chuyên nghiệp;
- Công nhân viên quốc phòng biên
chế.
Ba đối tượng trên gọi tắt là
quân nhân.
2. Đối với
công an nhân dân bao gồm:
- Sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan chuyên
môn kỹ thuật;
- Hạ sĩ quan nghiệp vụ và hạ sĩ quan
chuyên môn kỹ thuật;
- Công nhân viên công an trong biên
chế;
Ba đối tượng trên gọi tắt là
công an nhân dân.
B. THỦ TỤC VÀ
CÁC TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU GIA ĐÌNH:
1. ĐKHK gia
đình ở các địa bàn không thuộc thành phố, thị xã:
Những quân nhân, Công an nhân dân
đang phục vụ tại ngũ, đang công tác tại các xã, thị trấn, huyện, hàng ngày được
cơ quan, đơn vị cho về ăn ở với gia đình hoặc có nhà ở hợp pháp theo quy định
tại Điều 11 NĐ 51/CP và hướng dẫn tại mục A phần II của Thông tư này thì được
ĐKHK theo hộ gia đình.
2. Nếu ĐKHK
gia đình ở các thành phố, thị xã (theo quy định tại điểm 2 Điều 12 NĐ 51/CP)
phải là những quân nhân, công an nhân dân đang công tác ổn định tại các cơ
quan, đơn vị của quân đội và công an đóng trên địa bàn thành phố, thị xã được
cơ quan, đơn vị có thẩm quyền (nêu ở điểm 4 dưới đây) cho về ăn ở với gia đinh
hoặc có nhà ở hợp pháp (theo quy định tại Điều 11 NĐ 51/CP và mục A phần II
Thông tư này), ngoài điều kiện trên còn phải có một trong các điều kiện quy
định sau đây:
a. Người xin ĐKHK gia đình là người
trong biên chế quân đội, công an hiện đang công tác ổn định tại địa bàn Thành
phố, thị xã, hàng ngày ngoài giờ làm việc, được về ăn ở thường xuyên với bố,
mẹ, vợ, chồng, con đang là nhân khẩu thường trú ở Thàng phố, thị xã. Riêng ĐKHK
ở khu vực giáp ranh thực hiện như cán bộ, nhân viên khác quy định tại tiết a
điểm 3 điều 12 Nghị định 51/CP.
b. Nữ quân nhân và công an nhân dân
trong biên chế của quân đội, công an đã thành lập gia đình hoặc có con.
c. Những quân nhân và công an nhân
dân trong biên chế của quân đội, công an đang công tác liên tục và hiện đang ở
tại địa bàn thành phố, thị xã từ 3 năm trở lên.
d. Những quân nhân, công an nhân
dân trong biên chế đang công tác tại cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố,
thị xã được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ hưu.
3. Thủ tục
ĐKHK thường trú theo hộ khẩu gia đình, người xin đăng ký phải:
- Xuất trình chứng minh thưu quân
đội hoặc giấy chứng nhận công an;
- Khai "Phiếu báo thay đổi hộ
khẩu, nhân khẩu";
- Khai "Bản khai nhân khẩu";
- Giấy giới thiệu do cấp có thẩm
quyền cấp theo quy định tại điểm 4 dưới đây:
- Xuất trình giấy tờ về nhà ở hợp
pháp.
Cơ quan công an sau khi nhận đủ hồ
sơ làm thủ tục đăng ký cấp sổ như đã nêu ở điểm 2 mục C phần II Thông tư này.
4. Thẩm quyền
cấp giấy giới thiệu cho quân nhân và công an nhân dân ĐKHK theo hộ gia đình quy
định như sau:
- Cục trưởng, hiệu trưởng hoặc cấp
tương đương (nếu cấp cho người thuộc biên chế của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ
Quốc phòng và Bộ Nội vụ).
- Thủ trưởng các Quân khu, quân đoàn,
quân chủng, binh chủng, Bộ Tư lệnh.
- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân
sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
- Giám đốc học viện, hiệu trưởng
các trường Đại học, Trung học.
- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân
sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc Trưởng Công an quận, huyện, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh.
Người cấp giấy giới thiệu đăng ký
hộ khẩu phải chịu trách nhiệm cấp đúng người có đủ điều kiện ĐKHK gia đình, là
người trong biên chế của cơ quan, đơn vị như quy định trong Điều 6 và điểm 2 Điều
12 của Nghị định 51/CP và hướng dẫn tại phần III Thông tư này.
5. Quân nhân
và Công an nhân dân khi ra ngoài doanh trại hoặc nơi thường trú nếu ở lại qua
đêm phải thực hiện việc đăng ký trình báo tạm trú theo quy định.
Người không thuộc biên chế của Công
an và Quân đội mà cư trú trong doanh trại, nhà ở tập thể của Quân đội và Công
an phải ĐKHK với công an địa phương theo quy định chung.
IV- ĐĂNG KÝ
QUẢN LÝ TẠM TRÚ, TẠM VẮNG.
A- ĐĂNG KÝ
QUẢN LÝ TẠM TRÚ.
Theo quy định tại Điều 14 và Điều
15 của Nghị định có hai dạng đăng ký tạm trú: Đăng ký tạm trú và đăng ký tạm
trú có thời hạn.
1. Đăng ký
tạm trú:
a. Đối tượng phải đăng ký tạm trú
là những người bắt đầu tuổi 15 trở lên (kể cả Quân nhân và Công an nhân dân khi
ra ngoài doanh trại) ở lại qua đêm ngoài phạm vi phường, xã, thị trấn nơi thường
trú của mình với bất kỳ lý do gì đều phải trình báo tạm trú với Công an phường,
xã, thị trấn hoặc đồn Công an nơi đến.
Trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng, con
thường đến tạm trú ở nhà nhau thì khai báo lần đầu trong năm.
b. Khi có người đến tạm trú thì chủ
hộ gia đình, Giám đốc khách sạn hoặc người phụ trách nhà trọ, nhà khách, nhà ở
tập thể trực tiếp hoặc cử người đến trình báo tạm trú tại các điểm đăng ký tạm
trú, tạm vắng của Công an phường, xã, thị trấn hoặc Đồn Công an sở tại trước 23
giờ. Nếu khách đến sau 23 giờ thì trình báo vào sáng hôm sau trước lúc khách
đi.
Thủ tục trình báo gồm:
- Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ
tuỳ thân khác của người tạm trú.
- Khai "Phiếu tạm trú, tạm vắng".
Cán bộ trực tại điểm đăng ký tạm
trú, tạm vắng phải kiểm tra đối chiếu giữa nội dung ghi trong phiếu đăng ký tạm
trú, tạm vắng với giấy tờ của khách, sau đó ký xác nhận vào phần phiếu cấp cho người
trình báo.
2. Đăng ký
quản lý tạm trú có thời hạn.
a. Đối tượng và thẩm quyền cấp giấy
(hoặc sổ) ĐKTT có thời hạn (sau đây gọi tắt là giấy) quy định tại Điều 15 Nghị
định bao gồm:
- Người thực tế cư trú tại địa phương
nhưng chưa đủ điều kiện để ĐKHK thường trú. Những người này không kể đã ở thời
gian dài hay ngắn, nhưng không phải là người tạm trú có tính chất vãng lai nói
ở điểm 1 trên. Họ có nhu cầu ĐKHK thường trú nhưng chưa đủ điều kiện hoặc thủ
tục thì được cấp giấy thời hạn là 12 tháng, do Trưởng công an phường, xã, thị
trấn cấp.
- Người nơi khác đến học tập, làm
việc, lao động tự do:
+ Học sinh, sinh viên đến học tại
các trường (bao gồm phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp dạy nghề quốc
lập và dân lập), thì do Trưởng Công an cấp huyện nơi họ đến tạm trú cấp theo
thời hạn học tập.
+ Người đến học nghề tại các cơ sở
tư nhân, hợp tác xã, người đến lao động tự do (làm thuê) thì do Trưởng Công an
phường, xã, thị trấn nơi họ tạm trú cấp giấy, tối đa không quá 6 tháng.
- Người được tuyển vào làm việc theo
hợp đồng lao động tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế; người làm Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh nước ngoài tại
Việt Nam do Trưởng Công an cấp huyện nơi họ tạm trú cấp giấy theo thời hạn hợp
đồng nhưng tối đa không quá 12 tháng.
b. Những người tạm trú nêu trên phải
làm thủ tục đăng ký tạm trú có thời hạn, từng người được cấp giấy tạm trú có
thời hạn.
Các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký
cấp giấy tạm trú có thời hạn như sau:
- "Phiếu báo thay đổi hộ khẩu,
nhân khẩu".
- Khai "Bản khai nhân khẩu".
- Xuất trình giấy chứng minh
nhân dân.
Ngoài các loại giấy trên, tuỳ từng
trường hợp cụ thể cần có thêm: - Đối với học sinh, sinh viên xuất trình giấy
gọi nhập học và xác nhận của Công an nơi thường trú cũ xác nhận vào "Phiếu
báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu" là người của địa phương đi học (không cấp
giấy chứng nhận chuyển đi).
- Hợp đồng lao động (đối với người
lao động có hợp đồng).
- Chứng nhận của chính quyền địa
phương nơi người đó thường trú xác nhận là người của địa phương hoặc giấy báo tạm
vắng để đi làm ăn sinh sống.
Các loại giấy tờ trên đương sự hoặc
người đại diện cơ quan, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động hoặc cơ sở cho chứa trọ
trực tiếp mang đến cơ quan công an nơi có thẩm quyền để xem xét cấp giấy tạm
trú có thời hạn.
c. Những vấn đề cần chú ý:
Các đối tượng được cấp giấy nêu trên
nếu giấy hết hạn, người tạm trú còn tiếp tục ở lại thì phải đến Công an nơi cấp
giấy xin gia hạn hoặc cấp lại giấy khác. Quá trình sử dụng nếu thay đổi nơi tạm
trú, mục đích tạm trú, giấy mất, hư hỏng... thì đương sự phải trình báo và làm
thủ tục xin cấp lại.
- Giấy tạm trú có thời hạn không
thay thế sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, mà chỉ xác
nhận việc tạm trú hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân làm ăn sinh
sống.
- Người được cấp giấy (hoặc sổ) tạm
trú có thời hạn phải nộp một khoản lệ phí theo quy định.
Những vấn đề cụ thể khác về ĐKQL
người tạm trú có thời hạn do Tổng cục trưởng Tổng cục CSND hướng dẫn chi tiết.
B. ĐĂNG KÝ,
QUẢN LÝ TẠM VẮNG
1. Việc đăng
ký, quản lý tạm vắng theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 51/CP thực hiện
như sau:
a. Những người từ 15 tuổi trở lên
có việc riêng đi vắng qua đêm khỏi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
nơi ĐKHK thường trú thì phải khai báo tạm vắng.
b. Người khai báo tạm vắng phải đến
các điểm đăng ký tạm trú, tạm vắng của Công an phường, xã, thị trấn khai vào
"Phiếu tạm trú, tạm vắng" trong phiếu khai rõ thời gian, lý do tạm
vắng và địa điểm đến tạm trú.
c. Người đi vắng khỏi nơi thường
trú quá 6 tháng mà không khai tạm vắng không có lý do chính đáng thì cơ quan Công
an nơi ĐKHK xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu xoá tên thì phải lập biên bản
và báo cho chủ hộ gia đình hoặc người phụ trách nhà ở tập thể biết, khi người
đó trở về phải làm đơn trình bày nói rõ lý do đi vắng và xin ĐKHK trở lại. Căn
cứ trình bày của đương sự và các giấy tờ, xác nhận có liên quan, cơ quan đăng
ký hộ khẩu xem xét giải quyết.
d. Người có hộ khẩu thường trú nhưng
thực tế không cư trú tại nơi ĐKHK thương trú mà không có lý do chính đáng hoặc
không thể ở nơi đó được thì cơ quan ĐKHK yêu cầu họ trình bày lý do. Trường hợp
phải xoá tên thì lập biên bản xoá theo đúng thủ tục.
V. VỀ LẬP
BẢN KHAI NHÂN KHẨU: ĐĂNG KÝ BỔ SUNG ĐIỀU CHỈNH NHỮNG THAY ĐỔI KHÁC VỀ HKNK;
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ ĐKQLHK.
A. VỀ LẬP BẢN
KHAI NHÂN KHẨU
1. Điều 7
Nghị định quy định công dân từ 15 tuổi trở lên phải làm bản tự khai nhân khẩu
chính xác đầy đủ theo mẫu thống nhất của Bộ Nội vụ. Bản khai nhân khẩu là tự
thuật của công dân về lý lịch bản thân và là một trong những cơ sở để làm thủ
tục ĐKHK.
Những người không biết chữ hoặc không
tự viết được thì được nhờ người khác viết hộ bản khai nhân khẩu theo lời khai
của mình. Người viết hộ phải ghi trung thành với lời khai của người nhờ viết hộ
và ký tên ghi rõ họ, tên.
Bản khai nhân khẩu mỗi người bắt
đầu tuổi 15 trở lên chỉ phải khai một lần (nếu không thuộc một trong các trường
hợp nói ở điểm 2 dưới đây). Khi có thay đổi những nội dung trong bản khai phải khai
bổ sung bằng "Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu" với cơ quan đăng
ký, quản lý hộ khẩu.
2. Những
người sau đây khi đến đăng ký hộ khẩu phải khai bản khai nhân khẩu.
+ Người từ tỉnh, thành phố khác chuyển
đến;
+ Người ở nước ngoài về;
+ Những người đi tù, đi trường giáo
dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục trở về;
+ Quân đội, Công an ra ĐKHK gia
đình.
B. ĐĂNG KÝ
ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG NHỮNG THAY ĐỔI KHÁC VỀ NHÂN KHẨU, HỘ KHẨU.
Điều 9 của Nghị định quy định việc
đăng ký, bổ sung, điều chỉnh những thay đổi về nhân khẩu, hộ khẩu, thực hiện
như sau:
1. Khi có
những thay đổi sau đây:
- Có người chết, mất tích (theo luật
dân sự biệt tích đã 6 tháng liền).
- Có người đi nghĩa vụ quân sự (kể
cả quân đội và công an).
- Có người được cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền cho phép xuất cảnh từ 12 tháng trở lên (kể cả đi công tác, học tập,
lao động hoặc định cư ở nước ngoài).
- Có người bị thi hành án phạt tù
trong các trại cải tạo, tập trung giáo dục chữa bệnh, đưa vào trường giáo dưỡng,
cơ sở giáo dục.
Chậm nhất không quá 7 ngày (trừ mất
tích) kể từ ngày có thay đổi nói trên thì người có thay đổi hoặc chủ hộ, người
phụ trách nhà ở tập thể phải đến báo cho cơ quan công an nơi ĐKHK thường trú
của mình biết để điều chỉnh sự thay đổi đó và xoá tên người có thay đổi trong
sổ hộ khẩu gốc, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể.
Thủ tục trình báo gồm:
- Xuất trình chứng minh nhân dân,
sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và những giấy tờ
khác liên quan đến việc thay đổi.
- Khai "Phiếu báo thay đổi hộ
khẩu, nhân khẩu".
Công an nơi ĐKHK thường trú căn cứ
vào các giấy tờ đó điều chỉnh trong sổ hộ khẩu và thu giữ chứng minh nhân dân
(trừ người ra nhập CAND và QĐND). Thời gian giải quyết trả cho dân tối đa không
quá 3 ngày.
2. Trường
hợp một hộ tách thành nhiều hộ hoặc nhiều hộ hợp thành một hộ thì chủ hộ hoặc
người trong hộ phải đến cơ quan công an nơi ĐKHK làm thủ tục xin thay đổi gồm:
- Xuất trình chứng minh nhân dân
hoặc chứng minh thư quân đội, công an; Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận
nhân khẩu tập thể.
- Khai "Phiếu báo thay đổi hộ
khẩu, nhân khẩu";
- Nếu tách hộ xuất trình giấy tờ
liên quan đến tách hộ như: Giấy chứng nhận nhà ở hợp pháp, giấy ly hôn...
Cơ quan Công an căn cứ các giấy tờ
trên giải quyết và trả kết quả cho dân tối đa 10 ngày.
3. Khi có
thay đổi như: cải chính họ, tên, chữ đệm hoặc ngày, tháng, năm sinh thì chủ hộ
hoặc người có thay đổi phải đến cơ quan ĐKHK xin đính chính. Thủ tục đính chính
gồm:
- Xuất trình CMND, sổ hộ khẩu gia
đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể.
- Xuất trình quyết định được phép
thay đổi của UBND tỉnh, thành phố.
- Khai "Phiếu báo thay đổi hộ
khẩu, nhân khẩu".
Cơ quan Công an căn cứ các giấy tờ
trên để đính chính những thay đổi cho đương sự. Thời gian giải quyết việc này
tối đa 7 ngày.
C. KIỂM TRA,
XỬ LÝ VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ QUẢN LÝ HỘ KHẨU
1. Thẩm
quyền kiểm tra việc thực hiện các quy định về ĐKQLHK và xử lý vi phạm.
a. Bộ trưởng Bộ Nội vụ:
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện ĐKQLHK ở các Bộ, ngành và các địa phương.
- Đình chỉ hoặc kiến nghị lên Thủ
tướng Chính phủ ra quyết định bãi bỏ những quy định của cơ quan, tổ chức, dịa
phương trái với Nghị định 51/CP và Thông tư này.
b. Tổng cục trưởng Tổng cục CSND:
Thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ
hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, địa phương,
công an các cấp và công dân trong công tác ĐKQLHK. Các trường hợp làm sai được
đình chỉ hoặc báo cáo Bộ trưởng quyết định.
Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành
chính về trật tự xã hội giúp Tổng cục trưởng Tổng cục CSND:
- Có kế hoạch và trực tiếp kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các quy định về ĐKQLHK của các cơ quan, tổ chức, địa
phương, công an các cấp và công dân;
- Đình chỉ, yêu cầu bãi bỏ hoặc báo
cáo Tổng cục trưởng khi cơ quan, tổ chức, địa phương, công dân vi phạm những
quy định về ĐKQLHK.
- Giải quyết các trường hợp khiếu
nại, tố cáo của công dân và xử phạt các trường hợp vi phạm về ĐKQLHK theo quy
định của pháp luật.
c. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐKQLHK ở địa
phương; Đình chỉ, huỷ bỏ, báo cáo lên Bộ các trưởng hợp làm trái các quy định
về ĐKQLHK của các cơ quan, tổ chức, công dân đóng trên địa phương mình; Giải
quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo và xử phạt các trường hợp vi phạm về
ĐKQLHK theo quy định.
Trưởng phòng PC13 giúp Giám đốc kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ĐKQLHK ở địa phương mình; đình chỉ
hoặc kiến nghị lên Giám đốc những trường hợp cơ quan, tổ chức, công dân ở địa
phương mình vi phạm những quy định về ĐKQLHK; giải quyết khiếu nại, tố cáo và
xử phạt các trường hợp vi phạm về ĐKQLHK theo quy định của pháp luật.
đ. Trưởng Công an cấp quận, huyện:
- Kiểm tra giám sát việc thực hiện
các quy định về ĐKQLHK của cơ quan, tổ chức, công dân trong địa phương mình;
- Đình chỉ hoặc kiến nghị lên Giám
đốc Công an quyết định những trường hợp vi phạm về ĐKQLHK;
- Thu sổ hộ khẩu hoặc các giấy chứng
nhận về hộ khẩu và xoá tên đối với các trường hợp vi phạm theo quy định;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của
công dân và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
đ. Trưởng Công an phường, xã, thị
trấn, CSKV, CSPT xã, Công an xã, cán bộ chuyên trách công tác ĐKHK được:
- Kiểm tra việc chấp hành các quy
định về ĐKHK các hộ gia đình, các nhà ở tập thể, các khách sạn, nhà trọ, nhà khách,
nhà cho thuê trong khu vực mình phụ trách;
- Được xử phạt vi phạm hành chính
theo quy định của pháp luật về lĩnh vực này đối với các trường hợp vi phạm
trong địa bàn phụ trách và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy
định;
- Trưởng, Phó Ban: Bảo vệ dân phố,
Bảo vệ cơ quan, xí nghiệp đã được Công an phường giới thiệu thành phần, chức
danh với nhân dân khi cần cũng được kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy
định trong các hộ gia đình, nhà ở tập thể trong phạm vi quản lý của mình, nhưng
có CSKV hoặc CSPT xã cùng đi.
- Cán bộ công an cấp trên nếu cần
đi kiểm tra hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng phải có công an cơ sở cùng đi.
Ngoài những người được quyền kiểm
tra hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng quy định như trên, không ai có quyền vào kiểm
tra hộ khẩu tại nơi ở của công dân.
2. Nội dung
và hình thức kiểm tra:
- Kiểm tra việc thực hiện các quy
định về ĐKQLHK của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, nhà ở tập thể, các cơ sở
chứa trọ, công dân...
- Kiểm tra việc chấp hành các nguyên
tắc, thủ tục trong ĐKQLHK, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý của công
an các cấp.
- Việc kiểm tra hộ khẩu có thể tiến
hành theo định kỳ hoặc đột xuất do yêu cầu giữ gìn ANCT và TTATXH hoặc các yêu
cầu khác.
- Riêng về giờ kiểm tra hộ khẩu,
tạm trú, tạm vắng, tuỳ tình hình thực tế ở địa phương và yêu cầu nhiệm vụ để quy
định giờ kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú cho phù hợp tránh gây phiền hà cho
dân.
3. Việc xử
lý vi phạm:
Khi cơ quan, tổ chức, công dân vi
phạm các quy định về ĐKQLHK, tuỳ từng mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc
xử lý hình sự theo pháp luật.
VI. PHÂN
CÔNG TRONG CƠ QUAN ĐKQLHK
1. Bộ Nội vụ:
- Là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, việc thực hiện các quy định về ĐKQLHK thống nhất trong toàn quốc.
- Phối hợp với các ngành có liên
quan xây dựng những chủ trưởng chính sách liên quan đến công tác này.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết,
xử lý các trường hợp khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức và công dân theo
quy định.
- Giải quyết các trường hợp
ngoại lệ xin ĐKHK vào thành phố, thị xã khi Công an các tỉnh, thành phố báo cáo.
- Đề xuất lên Chính phủ đề ra những
chủ trương, chính sách về ĐKQLHK và có liên quan đến công tác ĐKQLHK.
2. Công an
địa phương:
a. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố,
trực thuộc Trung ương:
- Chịu trách nhiệm trước Bộ Nội vụ
và UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về ĐKQLHK trong
địa phương mình:
+ Có kế hoạch triển khai thực hiện
các quy định và hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ về ĐKQLHK.
+ Phối hợp với các Ban ngành ở địa
phương, tổ chức tuyên truyền phổ biến thực hiện công tác này và các công tác
liên quan đến ĐKQLHK. - Xác minh báo cáo đề xuất lên Bộ Nội vụ các trường hợp
đặc biệt khác (nếu có) xin chuyển đến ĐKHK thường trú ở thành phố thị xã như
quy định tại điểm 3 mục B phần II Thông tư này và những vướng mắc trong quá trình
thực hiện ĐKQLHK.
- Giải quyết khiếu nại tố cáo của
công dân hoặc của cơ quan, tổ chức theo quy định.
- Tổng hợp số liệu, tình hình về
nhân khẩu, hộ khẩu báo cáo lên Bộ theo quy định.
b. Trưởng Công an cấp quận, huyện:
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy
định về ĐKQLHK ở địa phương bao gồm:
- Đăng ký lập và quản lý các loại
sổ và giấy chứng nhận hộ khẩu cho những nhân khẩu, hộ khẩu ở địa phương mình.
- Trưởng Công an quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh và Công an huyện của các thành phố trực thuộc Trung ương,
trực tiếp xét duyệt cho ĐKHK thường trú đối với các trường hợp xin chuyển đến
thành phố, thị xã thuộc các tiêu chuẩn quy định tại Điều 12 Nghị định 51/CP và
hướng dẫn tại điểm 2 mục B phần III Thông tư này. Hàng tháng phải báo cáo danh
sách các trường hợp được ĐKHK ở thành phố, thị xã lên Công an tỉnh, thành phố.
- Đăng ký chuyển đi, chuyển đến,
cấp giấy tạm trú có thời hạn và đính chính những thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu
theo quy định của Nghị định 51/CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Tiếp nhận hồ sơ, xác minh, đề xuất
lên Công an tỉnh, thành phố những trường hợp đặc biệt khác theo quy định tại
điểm 3 mục B phần II Thông tư này đối với những người xin đến thành phố, thị
xã. Trong thời hạn không quá 20 ngày, Công an nơi nhận hồ sơ phải xác minh xong
và báo cáo lên Công an tỉnh, thành phố.
- Tổ chức lập, quản lý, sử dụng,
khai thác tàng thư hồ sơ hộ khẩu; điều chỉnh kịp thời các biến động về hộ khẩu,
nhân khẩu vào sổ hộ khẩu và tàng thư hộ khẩu; Trả lời xác minh hộ khẩu, nhân khẩu
của địa phương mình theo yêu cầu của các cấp, các ngành và các địa phương.
- Giải quyết các trường hợp khiếu
nại, tố cáo theo quy định.
- Tập hợp tình hình số liệu nhân
khẩu, hộ khẩu báo cáo lên công an cấp trên theo quy định.
c) Trưởng Công an phường, xã, thị
trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định về ĐKQLHK ở địa phương:
- Lập các loại sổ và giấy chứng nhận
hộ khẩu cho các hộ trong xã, thị trấn mình (trừ công an xã, thị trấn ở các thành
phố trực thuộc TW).
- Thực hiện việc đăng ký chuyển đi,
chuyển đến, điều chỉnh những thay đổi khác theo quy định tại Thông tư này.
- Tổ chức đăng ký, quản lý tạm trú,
tạm vắng và cấp giấy tạm trú có thời hạn.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của
công dân hoặc cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi phụ trách theo quy định.
- Thông báo những thay đổi về hộ
khẩu, nhân khẩu cho tàng thư hồ sơ hộ khẩu và báo cáo thống kê số liệu, tình hình
lên công an cấp trên.
- Được xử phạt vi phạm hành chính
trên lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.
VII- TỔ
CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH
1- Bộ trưởng
Bộ Nội vụ giao Tổng cục trưởng Tổng cục CSND:
- Có kế hoạch và tổ chức triển khai
Nghị định 51/CP và Thông tư này;
- Theo dõi, hướng dẫn chi tiết địa
phương triển khai thực hiện;
- Hướng dẫn thủ tục, biểu mẫu, sổ
sách về ĐKQLHK thống nhất trong toàn quốc.
- Giải quyết những trường hợp đặc
biệt xin ĐKHK thường trú vào thành phố, thị xã và những vướng mắc khác khi các
cơ quan, tổ chức hoặc địa phương đề nghị.
- Giải quyết các trường hợp khiếu
nại tố cáo của công dân gửi lên Bộ theo Pháp lệnh khiếu nại tố cáo.
- Tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm
công tác này trong toàn quốc; đồng thời phối hợp với Ban ngành có liên quan ứng
dụng công nghệ tiên tiến vào cải cách thủ tục hành chính trong ĐKQLHK và xây dựng
cơ sở dữ liệu công dân.
2. Các Tổng
cục, Vụ, Cục, Bộ Tư lệnh, Viện trưởng thuộc Bộ Nội vụ theo chức năng của mình
tổ chức triển khai quán triệt Nghị định 51 và Thông tư này.
3. Giám đốc
Công an các địa phương:
- Có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các
cấp, các ngành ở địa phương mình triển khai nghiêm túc Nghị định và Thông tư.
- Niêm yết công khai những thủ tục,
nguyên tắc, điều kiện về ĐKQLHK tại trụ sở tiếp dân.
- Bố trí đủ cán bộ trực tiếp làm
nhiệm vụ tiếp dân giải quyết ĐKQLHK.
4. Bộ Nội vụ
đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các
tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai Nghị định, Thông tư theo chức năng, phạm vi
của mình.
5. Thông tư
này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 1997.
Các quy định và hướng dẫn trước đây
của Bộ Nội vụ trái với Nghị định và Thông tư này đều bãi bỏ.