BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/2009/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày
02 tháng 10 năm 2009
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC CỦA CẢNH SÁT
MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày
08-9-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của
cơ quan;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày
14-11-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công an,
Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ
trong công tác của Cảnh sát môi trường như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc và nội
dung thực hiện dân chủ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các
hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường của Cảnh sát môi trường và
được áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an
nhân dân; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ
liên quan đến hoạt động của Cảnh sát môi trường.
Điều 2. Mục đích thực hiện
dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường
Thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát
môi trường nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi
phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân
dân tham gia công tác bảo vệ môi trường; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát
môi trường trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, chống các biểu hiện cửa
quyền, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của
cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường
1. Thực hiện dân chủ trong công tác đấu tranh
phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải
trong khuôn khổ Hiến pháp pháp luật và các quy định của Bộ Công an.
2. Nghiêm cấm lợi dụng dân chủ xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cản trở hoạt động của
Cảnh sát môi trường.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Những việc Cảnh sát
môi trường phải thông báo công khai
1. Trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường;
số điện thoại trực ban đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin
báo của các tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
2. Chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ
môi trường thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường có liên quan đến các cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ Cảnh
sát môi trường phải thông báo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đối
tượng làm việc biết để họ chấp hành (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật
nhà nước hoặc bí mật công tác).
4. Các đơn vị của Cảnh sát môi trường phải có
hòm thư góp ý công khai, đặt ở nơi thuận tiện để tiếp nhận đơn, thư góp ý kiến
xây dựng đơn vị hoặc khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường.
5. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường và hậu quả (nếu có) mà Cảnh sát môi trường thu thập được trong quá trình
thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Điều 5. Trách nhiệm của Cảnh
sát môi trường
1. Cảnh sát môi trường có trách nhiệm phối hợp với
cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối
với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt
Nam theo chức năng nhiệm vụ của mình; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
và cá nhân giải trình những vấn đề liên quan khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật
về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin, tài liệu làm rõ các hành vi vi phạm
pháp luật về môi trường.
2. Cảnh sát môi trường có trách nhiệm sử dụng
các lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và
của Bộ Công an để đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác
về bảo vệ môi trường; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp để có kế
hoạch, biện pháp phòng ngừa, khắc phục.
3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi thực
hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ
đúng quy định của pháp luật, của Bộ Công an và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng
đơn vị về công việc mình đã tiến hành.
4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi làm
việc với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải có kế hoạch công tác,
chuẩn bị kỹ nội dung làm việc; dự kiến các tình huống đột xuất và phương án giải
quyết các tình huống đó. Nội dung, kế hoạch công tác phải được sự phê duyệt của
lãnh đạo đơn vị.
5. Khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp và cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng lễ tiết
tác phong, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, lắng nghe
ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân. Phải giữ bí mật
nghiệp vụ; sau khi kết thúc buổi tiếp xúc, làm việc phải báo cáo kết quả với
lãnh đạo có thẩm quyền để quyết định.
Điều 6. Những việc cán bộ,
chiến sĩ Cảnh sát môi trường không được làm
1. Không được tiết lộ bí mật, tin tức, tài liệu,
vụ việc đang điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai đối với những người
không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp nhận được yêu cầu
cung cấp tin tức, tài liệu của các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan
khác có liên quan về nội dung vụ việc do mình được giao nhiệm vụ tiến hành điều
tra, xác minh thì phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
2. Không được lợi dụng danh nghĩa công tác đến
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc gặp riêng cá nhân để sách nhiễu, móc
ngoặc, tiêu cực, không được nhận quà biếu dưới mọi hình thức.
3. Không được tuỳ tiện tiếp xúc với đối tượng
đang bị điều tra và những người có liên quan đến các vụ việc đang điều tra. Trường
hợp đối tượng tự ý tìm gặp thì phải báo ngay cho lãnh đạo đơn vị biết để có hướng
xử lý. Chỉ được tìm hiểu, xác minh những nguồn tin, đơn, thư tố giác tội phạm
và các hành vi vi phạm khác về bảo vệ môi trường của các cơ quan tổ chức, doanh
nghiệp và cá nhân khi được lãnh đạo phân công.
4. Không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được
giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Điều 7. Quyền, trách nhiệm của
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân
1. Được thông tin về chủ trương, chính sách,
pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; những vụ, việc vi phạm pháp luật bảo
vệ môi trường xảy ra trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của mình đã được cơ
quan có thẩm quyền kết luận.
2. Tham gia ý kiến với lãnh đạo cơ quan Công an
nói chung và Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát môi trường về hoạt động của cán bộ, chiến
sĩ Cảnh sát môi trường, phát hiện những hành vi sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền
hà đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường.
3. Phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu về tội
phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường cho Cảnh sát
môi trường hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất. Nguồn tin và người phát hiện,
cung cấp thông tin được đảm bảo giữ bí mật theo quy định của pháp luật.
4. Báo cáo, giải trình đầy đủ, chính xác thông
tin, tài liệu có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
theo yêu cầu của Cảnh sát môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về
tính chính xác, trung thực của nội dung đã báo cáo, giải trình.
5. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp
luật về bảo vệ môi trường, hợp tác và giúp đỡ Cảnh sát môi trường trong khi thi
hành nhiệm vụ.
Điều 8. Công tác tiếp nhận
và giải quyết đơn, thư góp ý, khiếu nại, tố cáo
1. Cơ quan Cảnh sát môi trường phải bố trí nơi
tiếp công dân ở địa điểm thuận lợi và bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ trong ngày
để tiếp nhận tin báo, đơn, thư tố giác về tội phạm; tại nơi tiếp công dân phải
có hòm thư góp ý để nhận đơn, thư tham gia ý kiến xây dựng cơ quan hoặc đơn,
thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá
nhân. Phải phân công cán bộ theo dõi việc giải quyết, trả lời cho người gửi
đơn, thư.
2. Mọi tin báo, đơn, thư tố giác về tội phạm;
đơn, thư tham gia ý kiến; khiếu nại, tố cáo đều phải được ghi vào sổ theo quy định
và chuyển ngay tới lãnh đạo có thẩm quyền để chỉ đạo bộ phận có trách nhiệm xử
lý theo quy định của pháp luật.
3. Đối với những đơn, thư không liên quan đến
công tác của Cảnh sát môi trường hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ
quan Cảnh sát môi trường thì trả lại và giải thích rõ cho người gửi hoặc chuyển
ngay tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời thông báo lại bằng văn bản
cho người có đơn, thư biết.
4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường
không được nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho công dân tại nhà
riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan, trừ trường hợp cấp bách công
dân đến báo tin về tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
5. Cán bộ trực ban tại Cơ quan Cảnh sát môi trường
phải mặc trang phục theo đúng điều lệnh Công an nhân dân; có thái độ tôn trọng,
lịch sự, đúng mực, tận tâm giải quyết những yêu cầu chính đáng của công dân;
không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không được sách nhiễu công dân.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
16-11-2009.
Điều 10. Trách nhiệm thi
hành
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực
thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc
Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phổ biến,
quán triệt Thông tư này đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và tổ chức
thực hiện. Thông tư này được công bố cho toàn thể nhân dân và các cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp biết để thực hiện.
2. Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Hàng năm, Cục Cảnh sát môi trường và Công an
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sơ kết việc thực hiện Thông tư này và
báo cáo kết quả bằng văn bản về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế) để tổng
hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
4. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng
mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản
ảnh về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn, giải
quyết./.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Lê Hồng Anh
|