BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
44/2021/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày
27 tháng 4 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG TUYỂN SINH VÀO CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tiếp cận
thông tin ngày 06 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Công an
nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10
ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế
thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP
ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của
cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8
năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đào tạo;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về
thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về
đối tượng, mục đích, nguyên tắc, cách thức và nội dung thực hiện dân chủ trong
tuyển sinh vào Công an nhân dân.
2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ
quan Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là
Công an các đơn vị, địa phương), học viện, trường Công an nhân dân (sau đây viết
tắt là các trường Công an nhân dân), sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công
dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ,
chiến sĩ) và cơ quan, tổ chức, công dân có liên quan
đến tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Điều 2.
Mục đích thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân
1. Phát huy vai trò chủ động
kiểm tra, giám sát của tổ chức, cán bộ, chiến sĩ và công dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh vào
Công an nhân dân, tạo nguồn tuyển chọn công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào
Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bổ sung, phát triển nguồn nhân lực trong Công
an nhân dân và xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, hiện đại.
2. Bảo đảm quyền và lợi ích
hợp pháp của cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, tổ chức, công dân có nguyện vọng tham
gia hoặc liên quan đến tuyển sinh vào Công an nhân dân; phát huy vai trò, trách
nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân
dân trong thực hiện công khai, minh bạch tuyển sinh vào Công an nhân dân.
3. Phòng ngừa,
phát hiện, ngăn chặn và chống các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong
tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Điều 3.
Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp
luật và các quy định của Bộ Công an về tuyển sinh; thực hiện công khai, minh bạch
trong tuyển sinh vào Công an nhân dân, trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật
nhà nước, bí mật công tác theo quy định của Bộ Công an.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm quản lý, điều hành của Thủ trưởng Công
an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân; bảo đảm nguyên tắc tập
trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm trước
pháp luật, cấp trên về hoạt động của đơn vị.
3. Nghiêm cấm các hành vi
sách nhiễu, gây phiền hà cho cán bộ, chiến sĩ và công dân có nguyện vọng tham
gia tuyển sinh vào Công an nhân dân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi lợi
dụng dân chủ để vi phạm quy định về tuyển sinh hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều
4. Nội dung công khai trong tuyển sinh vào Công an nhân dân
1. Quy định về chỉ
tiêu, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, phương thức tuyển sinh, ngành,
chuyên ngành đào tạo, các môn thi tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu
vào, thủ tục hồ sơ, mức thu dịch vụ tuyển sinh đối với các trình độ, loại hình
đào tạo của các trường Công an nhân dân.
2. Thời gian, địa điểm
tiếp nhận hồ sơ, thời gian thi tuyển, xét tuyển, địa điểm thi tuyển, xét tuyển,
thời gian chiêu sinh, nhập học, thông tin cán bộ tuyển sinh.
3. Kết quả sơ tuyển,
phúc tra sơ tuyển, điểm thi, điểm phúc khảo, điểm xét tuyển cho thí sinh; kết
quả xét tuyển và thí sinh trúng tuyển (theo số báo danh).
4. Các nội dung khác
(nếu có) theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều
5. Hình thức công khai
1. Căn cứ đặc điểm,
tính chất, độ mật, nội dung phải công khai, Công an các đơn vị, địa phương, các
trường Công an nhân dân sử dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai
sau đây:
a) Đăng tải trên Trang
thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân
dân (nếu có);
b) Đăng tải trên các
phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử;
c) Thông báo bằng văn
bản hành chính;
d) Thông báo tại hội
nghị cán bộ chủ chốt; hội nghị, giao ban đơn vị;
đ) Niêm yết tại trụ sở
Công an các đơn vị, địa phương (từ cấp huyện trở lên), các trường Công an nhân
dân;
e) Trực tiếp thông tin
cho cán bộ, chiến sĩ, công dân tham gia tuyển sinh và công dân cư trú trên địa
bàn;
g) Các hình thức khác
theo quy định của pháp luật.
2. Thông tin về tuyển sinh vào Công an nhân dân
được thông báo theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này ít
nhất 30 ngày trước ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Điều
6. Thực hiện dân chủ trong sơ tuyển tuyển sinh
1. Sơ tuyển tuyển sinh
vào Công an nhân dân gồm: tiếp nhận đăng ký dự tuyển; kiểm tra học lực, hạnh kiểm,
phẩm chất đạo đức; kiểm tra sức khoẻ; kiểm tra năng khiếu, các khả năng khác và
thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị hoặc xác minh sơ bộ lý lịch,
hoàn thiện hồ sơ dự tuyển nộp về các trường Công an nhân dân theo quy định về
tuyển sinh của Bộ Công an.
2. Công an đơn vị, địa
phương thành lập Hội đồng sơ tuyển tuyển sinh và các ban chuyên môn (nếu cần
thiết) theo thẩm quyền.
Những người có con, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, anh,
chị, em ruột, người nuôi dưỡng của mình hoặc của vợ hoặc chồng dự tuyển thì
không được tham gia Hội đồng sơ tuyển và các ban
chuyên môn.
3. Hội đồng sơ tuyển bảo
đảm đúng, đủ thành phần theo quy định của Bộ Công an, làm việc công khai, dân
chủ và quyết định theo đa số.
4. Công khai cho người dự tuyển biết kết quả sơ
tuyển, tiếp nhận đề nghị phúc tra kết quả sơ tuyển của người dự tuyển và tổ chức
phúc tra sơ tuyển, thông báo lại kết quả cho người dự tuyển.
5. Công an các đơn vị, địa phương cấp giấy chứng
nhận sơ tuyển theo mẫu quy định của Bộ Công an cho người dự tuyển đạt sơ tuyển.
Điều 7. Thực hiện dân chủ trong thi tuyển, xét tuyển
1. Các trường Công an
nhân dân thành lập Hội đồng tuyển sinh và các ban chuyên môn theo thẩm quyền để
thực hiện công tác tuyển sinh theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Những người có con, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, anh,
chị, em ruột, người nuôi dưỡng của mình hoặc của vợ hoặc chồng dự tuyển thì
không được tham gia Hội đồng tuyển sinh và các ban chuyên môn.
2. Các trường Công an
nhân dân tổ chức tiếp nhận hồ sơ dự tuyển, thi tuyển, xét tuyển phải bảo đảm
đúng đối tượng, tiêu chuẩn, vùng tuyển, trình tự, thủ tục, thời gian; bảo đảm
khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy chế, quy định.
3. Tại các điểm
tổ chức thi tuyển, xét tuyển phải có hòm thư, số điện thoại liên hệ để thí sinh
góp ý về công tác tuyển sinh, phản ánh những hành vi vi phạm quy chế tuyển
sinh.
4. Hội đồng tuyển sinh
có trách nhiệm xử lý nghiêm minh, khách quan đối với cán bộ và thí sinh vi phạm
quy chế tuyển sinh; thực hiện nghiêm chế độ bảo mật về địa điểm, thời gian,
nhân sự tham gia công việc về đề thi, bảo quản bài thi, công tác làm phách, chấm
thi, chấm phúc khảo theo đúng quy chế tuyển sinh. Kết quả chấm thi, chấm phúc
khảo phải được niêm yết công khai tại trường Công an nhân dân hoặc trên trang
thông tin điện tử của trường Công an nhân dân và gửi phiếu
báo điểm thi, điểm phúc khảo đến thí sinh đúng thời gian quy định.
5. Hội đồng
tuyển sinh quyết định phương án điểm xét tuyển; thông báo công khai điểm thi,
điểm xét tuyển, kết quả xét tuyển và thí sinh trúng tuyển (theo số báo danh dự
thi) và gửi danh sách thí sinh trúng tuyển về Công an đơn vị, địa phương để phối
hợp thông báo cho thí sinh theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
6. Các trường Công an
nhân dân gửi thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học và quy định những thủ tục
cần thiết đối với thí sinh khi nhập học, tiếp nhận nhập học cho thí sinh trúng
tuyển trong thời gian quy định.
Điều
8. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trực tiếp tổ chức hoạt động tuyển sinh vào
Công an nhân dân
1. Ban hành và công khai quy định, quy chế, quy
trình tổ chức hoạt động tuyển sinh của đơn vị; phân công nhiệm vụ đối với cấp
phó theo năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực phụ trách và
hướng dẫn của cấp có thẩm quyền (nếu có).
2. Thực hiện đúng các
quy định, quy chế, quy trình công tác tuyển sinh và đề cao trách nhiệm nêu
gương của người đứng đầu đơn vị.
3. Lắng nghe ý kiến phản
ánh, góp ý, phê bình của cán bộ, chiến sĩ và công dân. Khi cán bộ, chiến sĩ và
công dân đăng ký gặp và có nội dung, lý do hợp lý thì bố trí thời gian thích hợp
để gặp. Trường hợp có sự thay đổi lịch tiếp, làm việc vì lý do đột xuất thì phải
thông báo và bố trí lịch tiếp, làm việc vào thời điểm khác.
4. Thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà
cho cán bộ, chiến sĩ và công dân có nguyện vọng tham gia hoặc liên quan đến tuyển
sinh vào Công an nhân dân; xử lý và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền xử lý người có hành vi nêu trên.
5. Kịp thời xử lý người có
hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân và
người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, chiến sĩ, công dân khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Điều
9. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
1. Cán bộ, chiến sĩ
khi thực hiện các quy định về dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân cần
nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp
luật, của Bộ Công an và quy chế làm việc của đơn vị; được quyền hỏi, tìm hiểu
những thông tin có liên quan đến tuyển sinh vào Công an nhân dân (trừ
các thông tin thuộc Danh mục bí mật nhà nước); chịu
trách nhiệm về các ý kiến tham gia, giám sát, kiểm tra của bản thân; không sử dụng
việc thực hiện dân chủ để đưa thông tin, ý kiến không đúng đắn, bè phái, thiếu
khách quan gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị; nghiêm cấm
hành vi tặng tiền, tài sản hoặc lợi ích khác khi giải quyết công việc về tuyển
sinh vào Công an nhân dân.
2. Đối với cán bộ trực
tiếp thực hiện công tác tuyển sinh
a) Chấp hành nghiêm
quy chế, lề lối làm việc, điều lệnh Công an nhân dân và quy định của Bộ trưởng
Bộ Công an về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân;
b) Phải chịu trách nhiệm
về tính đúng đắn của các văn bản do mình soạn thảo và kết quả giải quyết công
việc được giao;
c) Nghiêm cấm việc lợi
dụng chức trách, nhiệm vụ công tác của mình để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho
cán bộ, chiến sĩ và công dân có liên quan. Nghiêm cấm hành vi nhận tiền, tài sản
hoặc lợi ích khác khi giải quyết công việc về tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Điều
10. Trách nhiệm của công dân
Công dân tham gia tuyển sinh
hoặc có liên quan đến tuyển sinh vào Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện
các quy định tại Thông tư này; được quyền hỏi, tìm hiểu những thông tin có liên
quan đến tuyển sinh vào Công an nhân dân (trừ các thông tin thuộc Danh mục
bí mật nhà nước); chịu trách nhiệm về các ý kiến tham
gia, giám sát, kiểm tra của bản thân; không sử dụng việc thực hiện dân chủ để
đưa thông tin, ý kiến không đúng đắn, thiếu khách quan gây ảnh hưởng đến quyền
và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyển sinh vào Công
an nhân dân; nghiêm cấm hành vi tặng tiền, tài sản hoặc lợi ích khác khi giải
quyết công việc về tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Điều
11. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong tuyển sinh
1. Cán bộ, chiến sĩ
Công an nhân dân và công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
khi phát hiện những sai phạm trong tuyển sinh vào Công an nhân dân. Đơn, thư
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tuyển sinh vào Công an nhân dân gửi đến
Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân phải được Thủ trưởng
đơn vị tiếp nhận, xem xét, xử lý, giải quyết kịp thời và trả lời theo quy định
của pháp luật. Trường hợp cần thiết, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết
theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Các sai sót về công tác
tuyển sinh của Công an đơn vị, địa phương, trường Công an nhân dân phải được giải
quyết, xử lý, khắc phục kịp thời để bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, chiến sĩ
và công dân tham gia tuyển sinh.
2. Trường hợp đã xác
minh có kết luận người dự thi, dự tuyển vi phạm các quy định, không bảo đảm các
điều kiện, tiêu chuẩn thì căn cứ quy định hiện hành, đơn vị tuyển sinh xem xét
ra quyết định hủy bỏ quyết định đã tuyển sinh theo thẩm quyền và báo cáo Cục
Đào tạo, đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ có sai phạm
trong công tác tuyển sinh theo đúng quy chế, quy định và thông báo công khai
trong nội bộ Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng
6 năm 2021 và thay thế quy định về thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công
an nhân dân tại Thông tư số 03/2010/TT-BCA
ngày 14 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác tuyển sinh, tuyển chọn
công dân vào Công an nhân dân.
Điều 13. Trách nhiệm thi
hành
1. Cục Đào tạo chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải
cách hành chính, tư pháp tham mưu giúp lãnh đạo Bộ tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực
hiện Thông tư này. Khi phát hiện Công an đơn vị, địa
phương, trường Công an nhân dân không thực hiện đúng các nội dung về dân chủ
quy định tại Thông tư này, vi phạm quy chế, quy định về tuyển sinh, Cục Đào tạo
báo cáo lãnh đạo Bộ yêu cầu chấn chỉnh hoặc hủy bỏ kết quả tuyển sinh và xử lý
nghiêm đối với đơn vị, cá nhân sai phạm.
2. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương và các
trường Công an nhân dân có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Thông tư này đến
toàn thể cán bộ, chiến sĩ và tổ chức thực hiện. Thông tư này được công bố công
khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an và trang thông tin điện tử Công an
các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân (nếu có) để cơ quan, tổ chức
và công dân thực hiện.
3. Định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo
thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương và các
trường Công an nhân dân tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này và
báo cáo về Cục Đào tạo để tập hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở
của Bộ Công an.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc,
Công an đơn vị, địa phương, trường Công an nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, cơ quan,
tổ chức, công dân phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Đào tạo và Cục Pháp chế và cải
cách hành chính, tư pháp) để được hướng dẫn, giải đáp./.
Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy
chế dân chủ ở cơ sở (để theo dõi);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở
của Bộ Công an (để theo dõi, chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ(để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Học viện, trường Công an nhân dân (để thực hiện);
- Công báo (để đăng tải);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (để đăng tải);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (để đăng tải);
- Lưu: VT, V03, X02(P2).T.180.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm
|