BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2009/TT-BCA-V19
|
Hà Nội, ngày
28 tháng 5 năm 2009
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ
CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG, HUẤN LUYỆN ĐỐI VỚI CÔNG AN XÃ
Căn cứ Pháp lệnh
Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 ngày 21-11-2008;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày
14-11-2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Công an;
Bộ Công an quy định cụ thể về Chương trình bồi
dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nội dung chương trình;
thời gian bồi dưỡng, huấn luyện Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã, Công
an viên và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc biên soạn chương trình, tổ
chức bồi dưỡng, huấn luyện Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an
viên.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Trưởng Công an xã,
Phó trưởng Công an xã, Công an viên; các cơ quan, đơn vị có chức năng xây dựng
chương trình bồi dưỡng, huấn luyện và tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện đối với
Công an xã; cơ quan, đơn vị khác có liên quan.
3. Mục đích, yêu cầu
a) Thống nhất chương trình bồi dưỡng, huấn luyện
nhằm trang bị cho Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã, Công an viên những
kiến thức cơ bản, thiết thực về quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực an
ninh, trật tự ở cơ sở; về pháp luật có liên quan trực tiếp đến công tác của
Công an xã; một số kiến thức nghiệp vụ cơ bản và phương pháp hoạt động của Công
an xã; nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong và năng lực công tác cho
Công an xã, góp phần xây dựng, củng cố lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh,
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở trong tình
hình mới.
b) Chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với
Công an xã phải bảo đảm yêu cầu giúp đối tượng này nắm vững quy định của pháp luật
về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã; biết tổ chức phòng ngừa, phát
hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phạm tội và những hành vi vi phạm pháp luật
khác, giải quyết và xử lý những vụ việc xẩy ra ở cơ sở theo đúng đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Đối tượng, thời gian bồi dưỡng, huấn luyện
a) Đối tượng bồi dưỡng, huấn luyện
Hàng năm, Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an
xã, Công an viên phải được bồi dưỡng, huấn luyện theo nội dung chương trình quy
định trong Thông tư này.
b) Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện
Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện 1 khoá là 15
ngày; cụ thể như sau:
Nội dung
|
Thời gian
|
1. Nghe giảng các chuyên đề:
|
11 ngày
|
2. Nghe báo cáo thực tế các chuyên đề:
|
2 ngày
|
3. Ôn tập:
|
1 ngày
|
4. Kiểm tra:
|
1/2 ngày
|
5. Khai giảng, bế giảng:
|
1/2 ngày
|
2. Nội dung chương trình bồi dưỡng, huấn luyện
a) Một số vấn đề cơ bản của công tác quản lý nhà
nước về an ninh, trật tự
Chuyên đề 1: Khái quát lịch sử hình thành và
phát triển của lực lượng Công an nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của Công an
nhân dân (1/2 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Khái quát về lịch sử hình thành và phát triển
của lực lượng Công an nhân dân;
- Chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân; quan
điểm chỉ đạo, yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh;
- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an
phụ trách về an ninh, trật tự.
Chuyên đề 2: Một số vấn đề cơ bản về tổ
chức và hoạt động của chính quyền cơ sở (1/2 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền
xã, thị trấn;
- Tổ chức và hoạt động của chính quyền xã, thị
trấn;
- Yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của chính
quyền xã, thị trấn;
- Biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của
chính quyền xã, thị trấn.
Chuyên đề 3: Tổ chức và hoạt động của
Công an xã (1,5 ngày)
* Nội dung cơ bản (1 ngày):
- Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
Công an xã;
- Tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc của Công
an xã;
- Quan hệ công tác, phối hợp lực lượng của Công
an xã;
- Trang bị, chế độ, chính sách đối với Công an
xã;
- Công tác xây dựng lực lượng Công an xã.
* Báo cáo thực tế điển hình về xây dựng lực lượng
Công an xã (1/2 ngày)
Chuyên đề 4: Một số vấn đề cơ bản về
pháp luật, pháp chế và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ
sở (1 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Một số vấn đề đại cương về nhà nước và pháp luật;
- Hệ thống pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam;
- Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục
pháp luật trong nhân dân;
- Giới thiệu khái quát nội dung một số văn bản
quy phạm pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, xử lý
vi phạm hành chính.
Chuyên đề 5: Phát huy quyền làm chủ và
thực hiện quy chế dân chủ ở xã, thị trấn (1,5 ngày)
* Nội dung cơ bản (1 ngày):
- Bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa;
- Nội dung và biện pháp để phát huy quyền làm chủ
của nhân dân;
- Công an xã với việc thực hiện quy chế dân chủ ở
xã, thị trấn;
- Giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật về
thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
* Báo cáo thực tế về kết quả thực hiện tốt quy
chế dân chủ ở xã, thị trấn (1/2 ngày)
b) Một số vấn đề cơ bản về công tác nghiệp vụ của
Công an xã
Chuyên đề 6: Công tác điều tra cơ bản
nắm tình hình về an ninh, trật tự ở xã, thị trấn (1 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Tầm quan trọng của công tác điều tra cơ bản nắm
tình hình ở xã;
- Nôi dung, yêu cầu về điều tra cơ bản, nắm tình
hình;
- Phương pháp điều tra, nghiên cứu nắm tình
hình;
- Chế độ thông tin báo cáo của Công an xã.
Chuyên đề 7: Vấn đề an ninh nông thôn
và Công an xã với công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở xã, thị trấn (1 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Vị trí, đặc điểm địa bàn nông thôn liên quan đến
công tác an ninh, trật tự;
- Một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân;
- Những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến khiếu kiện
phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại nông thôn;
- Phương châm, nguyên tắc xử lý vấn đề an ninh
nông thôn;
- Công tác Công an xã đối với nhiệm vụ đảm bảo
an ninh nông thôn.
Chuyên đề 8: Xây dựng phong trào toàn
dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (1,5 ngày)
* Nội dung cơ bản (1 ngày):
- Vị trí, vai trò của phong trào toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc;
- Vận dụng quan điểm lấy dân làm gốc của Đảng
trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng
phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới;
- Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến của
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
- Xây dựng mô hình, lực lượng nòng cốt của phong
trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở xã, thị trấn.
* Báo cáo thực tế về xây dựng lá cờ đầu trong
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương (1/2 ngày).
Chuyên đề 9: Công tác quản lý hành
chính về trật tự xã hội ở cơ sở (1 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Khái niệm, vị trí, mục đích, đặc điểm đối tượng
của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.
- Những nội dung cơ bản của công tác quản lý
hành chính về trật tự xã hội ở xã, thị trấn gồm:
+ Công tác đăng ký, quản lý cư trú theo Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành;
công tác cấp, phát, quản lý chứng minh nhân dân và một số giấy tờ đi lại khác của
công dân;
+ Công tác quản lý nghề kinh doanh có điều kiện
về an ninh, trật tự;
+ Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ
hỗ trợ, chất độc, chất cháy;
+ Công tác quản lý trật tự an toàn giao thông,
trật tự công cộng;
+ Công tác phòng cháy, chữa cháy; quản lý môi
trường ở cơ sở.
Chuyên đề 10: Công tác phân loại, giải
quyết các vi phạm pháp luật xẩy ra ở địa bàn xã, thị trấn (1,5 ngày)
* Nội dung cơ bản (1 ngày):
- Công tác phân loại vụ việc phạm pháp xẩy ra ở
xã, thị trấn.
+ Vụ việc có dấu hiệu tội phạm;
+ Vụ việc vi phạm pháp luật hành chính;
+ Vụ việc vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, đất
đai, hôn nhân và gia đình.
- Phương pháp giải quyết những vụ việc vi phạm
pháp luật ở xã, thị trấn.
* Báo cáo thực tế về kinh nghiệm giải quyết,
phân loại vụ việc vi phạm pháp luật tại địa phương (1/2 ngày).
Chuyên đề 11: Công tác quản lý đối tượng
và giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật tại xã, thị trấn (1 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã,
thị trấn;
- Công tác giáo dục những người có hành vi vi phạm
pháp luật tại xã, thị trấn;
- Giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở, như: đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục
tại xã, phường, thị trấn; đối tượng bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ
v.v..
c) Chương trình huấn luyện sử dụng vũ khí, công
cụ hỗ trợ
Chuyên đề 12: Sử dụng vũ khí, công cụ
hỗ trợ (1 ngày)
* Nội dung cơ bản:
- Tính năng của một số loại vũ khí, công cụ hỗ
trợ trang bị cho Công an xã;
- Cách sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ;
- Tình huống (trường hợp) sử dụng vũ khí, công cụ
hỗ trợ;
- Giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
3. Phương pháp bồi dưỡng, huấn luyện
Phương pháp bồi dưỡng, huấn luyện là kết hợp giữa
giảng lý thuyết với giải đáp những thắc mắc của học viên; bố trí thời gian hợp
lý để học viên vận dụng kiến thức lý luận vào giải quyết một số tình huống thực
tế xảy ra tại địa phương.
4. Biên soạn chương trình và tổ chức bồi dưỡng,
huấn luyện
a) Căn cứ vào Chương trình khung được quy định tại
Thông tư này, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân chủ trì phối hợp với
các đơn vị liên quan tổ chức việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng, huấn luyện đối
với Công an xã và hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ
chức bồi dưỡng, huấn luyện theo quy định tại Thông tư này.
b) Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng, huấn luyện Công
an xã; lựa chọn, mời giảng viên phù hợp với từng chuyên đề trong chương trình
này để thực hiện. Trong quá trình bồi dưỡng, huấn luyện một số nội dung khác
cho phù hợp với đặc điểm và tình hình của địa phương, nhưng không làm thay đổi
tổng thời gian của khoá học.
5. Kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện
a) Kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện cho Trưởng
Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được bố trí trong dự toán
ngân sách chi an ninh thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương được Bộ
Công an giao hàng năm.
b) Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm
lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện
này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm thi hành
a) Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông
tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
b) Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân
chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện Thông tư này.
2. Hiệu lực thi hành
a) Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45
ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 554/1998/BCA(V28) ngày 08-9-1998
của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chương trình huấn luyện Trưởng, Phó trưởng
Công an xã.
b) Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng
mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương cần phản ánh về Bộ (qua Tổng cục
Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) bằng văn bản để có hướng dẫn kịp thời./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn
|