BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2022/TT-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH KỊCH
BẢN PHIM SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm
2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Điện ảnh;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng
thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tổ chức
và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước
(sau đây gọi là Hội đồng).
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Chủ đầu tư dự án sản xuất
phim sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là chủ đầu tư).
2. Cơ quan, đơn vị quản lý dự
án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là cơ quan quản lý dự
án).
3. Thành viên Hội đồng thẩm định
kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là thành viên Hội đồng).
4. Cơ sở điện ảnh có kịch bản đề
nghị thẩm định để sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là cơ sở
điện ảnh).
5. Các tổ chức, cá nhân có liên
quan đến việc thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG
Điều 3. Chức
năng, nhiệm vụ của Hội đồng
1. Hội đồng có chức năng tư vấn
cho chủ đầu tư trong hoạt động thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước
theo quy định tại Điều 14 Luật Điện ảnh.
2. Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định
để đánh giá chất lượng nội dung tư tưởng nghệ thuật và xếp loại kịch bản phim sử
dụng ngân sách nhà nước.
Điều 4.
Thành lập Hội đồng
1. Hội đồng do chủ đầu tư quyết
định thành lập theo đề nghị của cơ quan quản lý dự án. Chủ đầu tư có quyền cho
thôi, miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp
quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Căn cứ loại hình kịch bản
phim, chủ đầu tư quyết định thành lập Hội đồng, bao gồm:
a) Hội đồng thẩm định kịch bản
phim truyện;
b) Hội đồng thẩm định kịch bản
phim tài liệu và phim khoa học;
c) Hội đồng thẩm định kịch bản
phim hoạt hình.
3. Thành phần của Hội đồng
a) Thành viên Hội đồng:
Hội đồng có ít nhất từ 05 thành
viên trở lên (là số lẻ), gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bao gồm: đại
diện cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, biên kịch, đạo diễn, người có chuyên
môn về từng loại hình phim, có uy tín nghề nghiệp và các chức danh khác phù hợp
do chủ đầu tư lựa chọn;
Trường hợp cần thiết, chủ đầu
tư có thể mời thêm một số chuyên gia để tham khảo ý kiến.
b) Thường trực Hội đồng gồm Chủ
tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký. c) Chủ tịch Hội đồng:
- Đối với Hội đồng do Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch thành lập, Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Điện ảnh;
- Đối với Hội đồng do Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp thành lập,
Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ quan quản lý dự án;
- Đối với Hội đồng do Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh thành lập, Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.
d) Thư ký Hội đồng:
Thư ký Hội đồng do cơ quan quản
lý dự án cử, làm việc theo nhiệm kỳ của Hội đồng. Thư ký Hội đồng có thể là
thành viên Hội đồng.
4. Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng
là 02 năm.
Điều 5.
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng
1. Hội đồng làm việc theo
nguyên tắc tập thể, thảo luận công khai, dân chủ, quyết định theo đa số.
2. Các thành viên Hội đồng làm
việc công tâm, khách quan, trung thực, có quyền bảo lưu ý kiến riêng nhưng phải
tuân thủ kết luận của Hội đồng.
3. Thành viên và Thư ký Hội đồng
phải bảo mật nội dung kịch bản, các ý kiến thảo luận và kết luận của Hội đồng.
4. Thành viên và Thư ký Hội đồng
không được là tác giả của kịch bản đề nghị Hội đồng thẩm định.
5. Hội đồng họp tổng kết để
đánh giá hoạt động ít nhất mỗi năm một lần.
Điều 6. Hoạt
động của Hội đồng
1. Trong thời hạn 05 (năm) ngày
làm việc kể từ ngày tiếp nhận kịch bản do cơ sở điện ảnh đề nghị thẩm định, Thường
trực Hội đồng gửi kịch bản và Phiếu thẩm định kịch bản đến các thành viên Hội đồng.
Phiếu thẩm định kịch bản thực
hiện theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trong thời hạn 10 (mười)
ngày làm việc kể từ ngày nhận được kịch bản do Thường trực Hội đồng gửi, Thành
viên Hội đồng có trách nhiệm thẩm định và gửi Phiếu thẩm định kịch bản đến Thường
trực Hội đồng.
Trường hợp thành viên Hội đồng
đã gửi Phiếu thẩm định kịch bản tới Thường trực Hội đồng, nhưng sau đó đến trước
phiên họp Hội đồng có ý kiến khác so với Phiếu thẩm định kịch bản đã gửi trước
đó, thì có thể gửi lại Phiếu cho Thường trực Hội đồng tổng hợp tại cuộc họp để
làm căn cứ kết luận của Hội đồng.
3. Cuộc họp của Hội đồng được tổ
chức căn cứ thực tế số lượng kịch bản đề nghị thẩm định.
4. Cuộc họp của Hội đồng phải
có ít nhất trên 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự.
5. Kết luận của Hội đồng phải
được ít nhất 2/3 tổng số ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng tán
thành. Kết luận của Hội đồng phải được ghi vào Biên bản họp Hội đồng.
6. Phiếu thẩm định và ý kiến tại
cuộc họp của thành viên Hội đồng, Kết luận của Hội đồng là cơ sở để cơ quan quản
lý dự án soạn thảo văn bản thẩm định kịch bản.
7. Trong thời hạn 15 (mười lăm)
ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp của Hội đồng, cơ quan quản lý dự án
gửi văn bản thẩm định kịch bản đến cơ sở điện ảnh có kịch bản đề nghị thẩm định.
Điều 7. Quyền
và trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên, Thường trực Hội đồng và Thư
ký Hội đồng
1. Chủ tịch Hội đồng:
a) Chịu trách nhiệm chung về hoạt
động của Hội đồng;
b) Chủ trì và kết luận các cuộc
họp của Hội đồng;
c) Là người phát ngôn của Hội đồng;
d) Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội
đồng chủ trì họp Hội đồng và phân công các công việc cụ thể của cuộc họp trong
trường hợp vắng mặt;
đ) Thực hiện quy định tại khoản
3 Điều này.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng:
a) Thực hiện quy định tại điểm
a, b, c khoản 1 Điều này khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền;
b) Tham gia đầy đủ các cuộc họp
của Hội đồng, trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng;
c) Thực hiện quy định tại khoản
3 Điều này.
3. Ủy viên Hội đồng:
a) Tham gia đầy đủ các cuộc họp
của Hội đồng, trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch hoặc người được ủy quyền;
b) Thực hiện thẩm định kịch bản
và gửi Phiếu thẩm định theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư
này.
4. Thường trực Hội đồng:
a) Tổ chức các cuộc họp Hội đồng,
đảm bảo các điều kiện cần thiết để Hội đồng hoạt động;
b) Thực hiện kết luận của Hội đồng
giao cho Thường trực Hội đồng (nếu có) tại cuộc họp toàn thể Hội đồng.
5. Thư ký Hội đồng:
a) Giúp việc cho Hội đồng và
Thường trực Hội đồng;
b) Gửi kịch bản đề nghị thẩm định
và Phiếu thẩm định kịch bản đến các thành viên Hội đồng theo phân công của Thường
trực Hội đồng;
c) Đọc kịch bản, ghi Biên bản
cuộc họp Hội đồng, soạn thảo văn bản thẩm định kịch bản;
Biên bản họp Hội đồng thực hiện
theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Gửi văn bản thẩm định kịch bản
tới các cơ sở điện ảnh có kịch bản đề nghị thẩm định;
Văn bản thẩm định kịch bản thực
hiện theo Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Cho
thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng
Trong nhiệm kỳ, chủ đầu tư quyết
định cho thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng trong các trường hợp
sau:
1. Thành viên Hội đồng có văn bản
của cá nhân đề nghị xin thôi tham gia Hội đồng.
2. Thành viên Hội đồng vắng mặt
không có lý do chính đáng 03 (ba) buổi họp thẩm định kịch bản liên tiếp của Hội
đồng.
3. Thành viên Hội đồng vi phạm
nguyên tắc làm việc tại Điều 5 và trách nhiệm tại Điều 7 Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên
quan.
Điều 9.
Tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại kịch bản
1. Thành viên Hội đồng nhận
xét, đánh giá từng kịch bản, ghi vào Phiếu thẩm định kịch bản, chấm điểm theo
thang điểm 10, khoảng cách chấm giữa các điểm là 0,5. Kết quả đánh giá kịch bản
được tính điểm từ cao xuống thấp, cụ thể như sau:
a) Kịch bản Xuất sắc: Chấm các
điểm từ 9,0 đến 10 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng sâu sắc, giá trị nhân
văn cao, khái quát được những vấn đề lớn của đời sống xã hội, có phát hiện độc
đáo; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; kịch
bản có kỹ thuật viết với trình độ chuyên môn cao, có ngôn ngữ điện ảnh, đặc sắc,
sáng tạo;
b) Kịch bản Tốt: Chấm các điểm
từ 7,5 đến 8,5 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng tốt, có tính nhân văn và
giá trị xã hội; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh;
kịch bản có kỹ thuật viết với trình độ chuyên môn tốt, có ngôn ngữ điện ảnh, tạo
được sức hấp dẫn;
c) Kịch bản Khá: Chấm các điểm
từ 6,0 đến 7,0 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng tốt, có tính nhân văn và
giá trị xã hội; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh;
kịch bản có kỹ thuật viết với trình độ chuyên môn khá, có thể chỉnh sửa để nâng
cao chất lượng;
d) Kịch bản Trung bình: Chấm
các điểm từ 5,5 trở xuống đối với kịch bản có nội dung, hình thức thể hiện chưa
đạt yêu cầu.
2. Điểm số của từng thành viên
Hội đồng chấm cho kịch bản là cơ sở để tính điểm trung bình cộng của kịch bản.
3. Điểm trung bình cộng của kịch
bản là cơ sở để cơ quan quản lý dự án tham mưu cho chủ đầu tư tuyển chọn kịch bản
sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Xếp loại kịch bản căn cứ vào
điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng, cụ thể:
a) Kịch bản có điểm trung bình
cộng từ 9,0 đến 10 điểm: xếp loại Bậc I - Xuất sắc;
b) Kịch bản có điểm trung bình
cộng từ 7,5 đến 8,5 điểm: xếp loại Bậc II - Tốt;
c) Kịch bản có điểm trung bình
cộng từ 6,0 điểm đến 7,0 điểm: xếp loại Bậc III - Khá;
d) Không xếp loại kịch bản đối
với các kịch bản có điểm trung bình cộng từ 5,5 trở xuống.
5. Điều kiện để kịch bản được lựa
chọn để sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải là kịch bản được xếp loại
từ bậc II - Tốt trở lên.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ
chức thực hiện
1. Cục Điện ảnh chịu trách nhiệm
hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức
thực hiện Thông tư này.
Điều 11.
Điều khoản chuyển tiếp
Các Hội đồng thẩm định kịch bản
văn học đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước đã thành lập trước ngày Thông
tư này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến khi hết nhiệm kỳ của Hội đồng
theo quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BVHTTDL
ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban
hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản văn học đối với
phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Điều 12.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2023.
2. Thông tư số 15/2016/TT-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của Hội đồng thẩm định kịch bản văn học đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước
hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Điện ảnh) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
- Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Cổng TTĐT Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, ĐA, NT (300).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Hùng
|
Phụ lục 1
(Kèm
theo Thông tư số 19/2022/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Văn
hóa, Thể thao và Du lịch)
HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH
KỊCH BẢN PHIM
(truyện/tài liệu, khoa học/ hoạt hình)
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
PHIẾU THẨM ĐỊNH KỊCH BẢN
Họ và tên thành viên Hội đồng:
................................................................................
Tên kịch bản
phim:....................................................................................................
Thể loại: (truyện/tài liệu/khoa
học/hoạt hình).............................................................
Tên tác giả kịch bản:
.................................................................................................
Tên cơ sở điện ảnh đề nghị thẩm
định: ....................................................................
1. Ý KIẾN THẨM ĐỊNH
Ưu điểm:
……………………………………………………………………………..…..…
Hạn chế:
……………………………………………………………………….….…………
Nội dung, đề xuất sửa chữa:
………………………………………………….…………..
2. CHẤM ĐIỂM VÀ XẾP LOẠI
(Chấm điểm, ghi bằng số và bằng
chữ; đánh dấu (x) vào ô xếp loại tương ứng))
Điểm …
|
Bằng chữ:……………
|
Xuất sắc
|
□
|
Điểm …
|
Bằng chữ:……………
|
Tốt
|
□
|
Điểm …
|
Bằng chữ:……………
|
Khá
|
□
|
Điểm …
|
Bằng chữ:……………
|
Trung bình
|
□
|
Nơi nhận:
-
|
…, ngày … tháng
… năm …
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
Phụ lục 2
(Kèm
theo Thông tư số 19/2022/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Văn
hóa, Thể thao và Du lịch)
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BIÊN BẢN HỌP
Hội đồng thẩm định kịch bản phim (truyện/tài liệu,
khoa học/ hoạt hình)
Thời gian họp: ... ngày...
tháng... năm 20...,
Địa điểm họp:
……………………………………………………………………
I. THÀNH PHẦN DỰ HỌP
- Tổng số thành viên theo Quyết
định số .../QĐ-... về việc thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng
ngân sách nhà nước: ... người
- Tổng số thành viên có mặt:...
người
Gồm các ông/bà sau:
1.
.............................................................................................................................
2.
.............................................................................................................................
3. .............................................................................................................................
.................................................................................................................................
- Vắng mặt:
..............................................................................................................
Lý do vắng mặt:.......................................................................................................
II. NỘI DUNG CUỘC HỌP
1. Chủ tịch Hội đồng phổ biến
nguyên tắc làm việc, hoạt động của Hội đồng;
Tóm tắt nội dung kịch bản, đề
tài, kế hoạch sản xuất phim dự kiến lựa chọn.
2. Thư ký Hội đồng báo cáo tiến
độ, kết quả tiếp nhận và thẩm định kịch bản.
3. Các thành viên Hội đồng thảo
luận và cho ý kiến đối với các kịch bản. Cụ thể như sau:
a) Ý kiến thứ …:... (ghi rõ họ
tên thành viên và ý kiến của thành viên)
b) Ý kiến thứ …:… (ghi rõ họ
tên thành viên và ý kiến của thành viên)
c) Ý kiến thứ …:… (ghi rõ họ
tên thành viên và ý kiến của thành viên)
4. Chủ tịch Hội đồng thông báo
điểm của các thành viên Hội đồng, điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng,
xếp loại kịch bản.
III. KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG
Sau khi xem xét, thảo luận, Hội
đồng thống nhất kết luận như sau:
…………………………………………………………………………………..
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ quan quản lý dự án)
|
…, ngày … tháng … năm …
THƯ KÝ HỘI ĐỒNG
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
Phụ lục 3
(Kèm
theo Thông tư số 19/2022/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
…………………….
…………1
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/...
V/v …...………..
|
....., ngày …
tháng … năm…
|
Kính
gửi:
...................................................................................
3
…2 có ý kiến về kịch
bản phim … của tác giả … , do …3 đề nghị thẩm định như sau:
1. Đề tài, nội dung, chủ đề:
.............................................................................
2. Ưu điểm:......................................................................................................
3. Hạn chế:
......................................................................................................
4. Yêu cầu sửa chữa (nếu có):
.........................................................................
5. Kết luận:
......................................................................................................
Nơi nhận:
- Như trên;
- ................;
- Lưu: VT, ....
|
THỦ TRƯỞNG CƠ
QUAN,
ĐƠN VỊ QUẢN LÝ DỰ ÁN
(Ký tên và đóng dấu)
|
__________________________
Ghi chú:
1 Tên cơ quan, đơn vị
là chủ đầu tư dự án.
2 Tên cơ quan, đơn vị
quản lý dự án.
3 Tên cơ sở điện ảnh
đề nghị thẩm định kịch bản.