PHỦ
THỦ TƯỚNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1771-PC
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1959
|
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC ĐĂNG CÔNG BÁO VÀ SỬ DỤNG CÔNG BÁO
Kính gửi: - Các Bộ và
cơ quan ngang Bộ
Kiểm điểm tình hình công tác
công báo trong ít lâu nay, Thủ tướng phủ nhận thấy có một số đặc điểm như sau:
1. Có nhiều văn bản cần đăng
công báo mà không được đăng; nhiều văn bản đăng chậm hàng tháng, có văn bản ban
hành từ đầu hoặc giữa năm trước mà đến năm sau mới gửi đăng công báo.
2. Nhiều văn bản có chữ in sai
vì văn bản sao đưa in không đúng bản chính hoặc không đánh dấu rõ ràng.
3. Có nhiều cơ quan nhận được
công báo mà không chú ý phổ biến một cách rộng rãi trong cán bộ và nhân viên cơ
quan; nhiều cơ quan lại để thất lạc công báo, không chú ý giữ gìn cho đủ số,
khi cần tra cứu thì xin cấp thêm.
Các khuyết điểm trên đã hạn chế
một phần tác dụng của công báo. Cho nên, Thủ tướng phủ thấy cần có một chế độ
đăng công báo và sử dụng công báo, và xin đề nghị các Bộ áp dụng thống nhất các
điều tạm thời quy định dưới đây nhằm bảo đảm:
- Công báo đăng được đầy đủ, kịp
thời và chính xác các văn bản cần thiết được đăng;
- Công báo được sử dụng và bảo
quản tốt.
I. VIỆC ĐĂNG
CÁC VĂN BẢN VÀO CÔNG BÁO
A. Những văn bản nào phải
đăng công báo. Thời hạn gửi đăng.
1. Các văn bản thuộc các loại dưới
đây, trừ trường hợp nội dung có những điểm cần giữ bí mật, đều phải được đăng
công báo:
a) Những văn bản có tính chất
pháp quy hoặc có tính chất chỉ đạo công tác của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc
hội, Chủ tịch nước, Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và
Thứ trưởng, các cơ quan ngang Bộ ban hành dưới mọi hình thức như: luật, sắc luật,
sắc lệnh, nghị quyết, điều lệ, quyết định, thông tư, chỉ thị v.v…
b) Những văn bản của các cơ quan
nói trên ban hành những quyết định về những trường hợp cá biệt xét cần công bố
như: thành lập hoặc sửa đổi các đơn vị hành chính, các cơ quan chuyên môn, bổ
nhiệm cán bộ cao cấp, thưởng huân chương, v.v…
c) Thông cáo của Quốc hội, Ban
Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng phủ các Bộ và cơ quan ngang
Bộ.
d) Lời kêu gọi, diễn văn của Quốc
hội, Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trong các buổi
lễ, các hội nghị lớn.
đ) Các biên bản phiên họp của Quốc
hội.
e) Các văn kiện ngoại giao cần
được công bố.
g) Các văn bản lập quy của các Hội
đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính tỉnh, khu, thành phố xét cần được công bố.
2. Để công báo đăng các văn bản
nói trên đây được kịp thời, những bản sao văn bản để đăng công báo phải được gửi
đến Vụ Pháp chế ngay sau khi các bản chính được ký và ban hành.
3. Các Bộ cần đặt chế độ kiểm
soát để tất cả các văn bản cần đăng công báo đều được gửi đăng kịp thời, không
để sót văn bản nào.
4. Văn bản gửi đăng công báo phải
có chữ ghi rõ trên văn bản hay trong phiếu chuyển là “Để đăng công báo”, và phải
do một cán bộ có đủ điều kiện như Chánh, Phó văn phòng Bộ ký chịu trách nhiệm về
sự cần đăng và về tính chất chính xác của văn bản.
5. Khi soạn các văn bản gửi đăng
công báo, nếu Vụ Pháp chế thấy có văn bản nào mà việc đăng xét ra không cần thiết
thì sẽ trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ sở quan về việc cho đăng hay không cho
đăng.
Qua các văn bản của các Bộ gửi đến
Vụ Pháp chế để theo dõi, nếu Vụ Pháp chế xét thấy có văn bản nào cần được đăng
mà Bộ lại không đề nghị đăng thì Vụ Pháp chế cũng sẽ trao đổi ý kiến với Bộ sở
quan để cùng quyết định về việc cho đăng hay không cho đăng.
Trong hai trường hợp trên, nếu Vụ
Pháp chế và Bộ không thống nhất ý kiến thì Vụ Pháp chế báo cáo lên Bộ trưởng Thủ
tướng phủ quyết định.
B. Những việc cần phải làm để
bảo đảm công báo đăng các văn bản được chính xác:
1. Để việc in được chính xác,
các bản sao văn bản gửi đăng công báo phải theo đúng các điều quy định dưới
đây:
a) Bản sao đánh máy hoặc in
ronéo phải rõ ràng, dễ đọc, có đánh dấu (đặc biệt các tên người, tên địa
phương, danh từ chuyên môn phải đánh dấu thật rõ).
b) Bản sao phải thật đúng với bản
chính và do người cán bộ có trách nhiệm, có đủ tư cách ký sao lục. Bản sao phải
ghi rõ số, ngày tháng của văn bản, họ tên và chức vụ người ký bản chính và người
ký sao lục.
c) Các chỗ thêm bớt, sửa chữa phải
thật rõ ràng, nếu sửa chữa nhiều thì nên đánh máy lại.
d) Theo yêu cầu về chuyên môn của
nhà in, để việc xếp chữ được nhanh chóng, văn bản đưa in chỉ đánh máy hoặc in
ronéo một mặt giấy; nếu đánh máy hoặc in ronéo hai mặt thì phải gửi 2 bản.
Đối với những văn bản gửi đăng
công báo không đáp ứng các yêu cầu nói trên, Vụ Pháp chế có thể hoãn việc đăng
và gửi trả lại Bộ để sửa chữa.
2. Khi đưa in công báo, Vụ
Pháp chế có nhiệm vụ soát lại và sửa chữa các bản in thử để công báo in đúng
các văn bản gửi đăng.
Khi công báo in sai văn bản gửi
đăng thì phải có đính chính ngay
Nhận được công báo mới gửi đến,
cơ quan có văn bản đăng trong công báo cần soát lại những văn bản của mình, nếu
thấy còn có chỗ in sai thì báo ngay cho Vụ Pháp chế biết để làm đính chính vào
số công báo gần nhất.
II. VIỆC SỬ DỤNG
CÔNG BÁO
1. Các cơ quan được cấp công báo
có nhiệm vụ phổ biến công báo trong nhân viên và công báo. Công báo cần được
luân chuyển ở các phòng hoặc để ở phòng đọc sách hay thư viện của cơ quan để mọi
người có thể xem và tra cứu khi cần thiết.
2. Khi nào thấy có đăng đính
chính, cơ quan hoặc người sử dụng công báo cần sửa chữa ngay vào văn bản đã in
sai để sau dùng được đúng.
3. Vì công báo là những tập tài
liệu rất cần thiết để giúp cán bộ, nhân viên cơ quan tìm hiểu đường lối chính
sách, luật lệ của Nhà nước và của Chính phủ, cho nên cần được giữ đủ số, không
để rách, nát. Sau khi nhận được số mục lục cả năm, toàn bộ công báo về mỗi năm
cần được đóng lại thành tập có bìa cứng để giữ được lâu bền.
4. Công báo của các cơ quan thuộc
tài sản quốc gia. Mọi người có nhiệm vụ bảo vệ nó, không để hư hỏng, không lấy
làm của riêng.
Ở các cơ quan nếu có những số
công báo lẻ tẻ thừa không dùng đến thì gửi trả lại Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ để
cấp cho những nơi thiếu.
Thủ tướng phủ đề nghị các Bộ
trong khi thi hành những điều quy định như trên, nếu thấy có chỗ nào chưa hợp
lý hoặc còn thiếu sót thì gửi ý kiến đến Thủ tướng phủ (Vụ Pháp chế) để nghiên
cứu sửa chữa bổ sung.
|
K.T.
BỘ TRƯỞNG THỦ TƯỚNG PHỦ
THỨ TRƯỞNG
Phạm Văn Bạch
|