BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/2024/TT-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 11 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ
NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính
phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm
2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển
dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng
hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển
nông thôn.
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu
chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành
nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Thông tư này áp dụng đối với
viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc trong các
đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2.
Tiêu chuẩn, điều kiện chung
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều
kiện quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP
ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng,
sử dụng và quản lý viên chức.
2. Có vị trí việc làm còn
thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dự xét thăng hạng.
3. Được cơ quan, đơn vị quản lý
viên chức có nhu cầu và cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
4. Về chứng chỉ bồi dưỡng
chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Viên chức đã có chứng chỉ bồi
dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức chuyên ngành
nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật trước ngày
30 tháng 6 năm 2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng
theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn; đồng thời được sử dụng khi dự xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Điều 3.
Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng viên chức chuyên ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn từ hạng III lên hạng II
1. Viên chức dự xét thăng hạng
từ hạng III lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định
tại Điều 2 Thông tư này và trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III
và tương đương đạt một trong những tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có 01 lần chủ trì hoặc
có 02 lần tham gia: Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia hoặc quy trình quy phạm hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên
quan lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, được cấp có
thẩm quyền ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị giao thực hiện và
xác nhận.
b) Có 01 lần chủ trì nhiệm vụ
khoa học công nghệ cấp bộ, tỉnh trở lên hoặc có 02 lần tham gia thực hiện
nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, tỉnh trở lên hoặc có 03 lần chủ trì
nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở trở lên thuộc lĩnh vực chuyên ngành
nông nghiệp và phát triển nông thôn được nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở
lên và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị giao thực hiện và xác nhận.
c) Được tặng Bằng khen Bộ
trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên hoặc danh hiệu Chiến sĩ
thi đua cấp bộ, tỉnh trở lên do có thành tích xuất sắc trong hoạt động
nghề nghiệp chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Đối với viên chức chuyên
ngành quản lý bảo vệ rừng dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II khi
đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại Điều 2 Thông tư này và
trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng hạng
III và tương đương đạt một trong những tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có 02 lần chủ trì hoặc
có 03 lần tham gia xây dựng: Phương án quản lý rừng bền vững; quy hoạch,
đề án, dự án về quản lý bảo vệ rừng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc
nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị
giao thực hiện và xác nhận.
b) Đạt thành tích quy định tại
điểm c khoản 1 Điều này.
3. Viên chức dự xét thăng hạng
có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn hạng III và tương đương từ đủ 09 năm trở nên (không
kể thời gian tập sự, thử việc). Trong đó, thời gian gần nhất giữ chức
danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hạng
III tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ
đăng ký dự xét thăng hạng.
Điều 4.
Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng viên chức chuyên ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn từ hạng IV lên hạng III
1. Viên chức dự xét thăng hạng
từ hạng IV lên hạng III khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định
tại Điều 2 Thông tư này.
2. Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hạng
IV và tương đương, như sau:
a) Đối với trường hợp khi
tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian
giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không
kể thời gian tập sự, thử việc) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ
đăng ký dự xét thăng hạng.
b) Đối với trường hợp khi
tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian
giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không
kể thời gian tập sự, thử việc) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ
đăng ký dự xét thăng hạng.
Điều 5. Điều
khoản chuyển tiếp
Đối với các cơ quan, đơn vị
đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức xét
thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát
triển nông thôn trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp
tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt trong thời hạn 06
tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu
không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 6. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2025.
2. Thông tư này bãi bỏ Thông
tư số 02/2023/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2023 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chuẩn, điều
kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người
trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức
chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Trường hợp các văn bản quy
phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này thay đổi thì thực hiện theo
quy định tại các văn bản thay đổi đó.
Điều 7.
Trách nhiệm thi hành
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị,
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện,
nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên cứu, sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- HĐND, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TW;
- Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản QPPL;
- Bộ NN & PTNT: Bộ trưởng, Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ; Cổng
thông tin điện tử Bộ NN & PTNT;
- Lưu: VT, Vụ TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Minh Hoan
|