BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/2014/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 4 năm 2014
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC CẦU TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ (Nghị định số 11/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP
ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ (Nghị định số 100/2013/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP
ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng (Nghị định
số 114/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP
ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng
(Nghị định số 15/2013/NĐ-CP);
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu
hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao
thông nông thôn.
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Thông tư này hướng dẫn về công tác
quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn.
Việc bảo trì cầu trên đường giao
thông nông thôn được thực hiện theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP,
Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ
(Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT);
b) Đối với cầu khác trên hệ thống đường
ngoài phạm vi điều chỉnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, căn cứ đặc điểm,
quy mô từng cầu có thể tham khảo Thông tư này để quản lý, vận hành khai thác
cho phù hợp.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân có liên quan đến quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông
nông thôn.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Đường giao thông nông thôn bao gồm: đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn; đường trong ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương; đường trục
chính nội đồng.
2. Cầu
trên đường giao thông nông
thôn (sau đây gọi tắt là cầu) bao gồm: cầu treo, cầu có kết cấu nhịp dạng dầm, dàn, khung, vòm được xây dựng trên
các tuyến đường giao thông nông thôn.
3. Cơ quan quản lý
đường bộ là cơ quan thực hiện
chức năng quản lý nhà nước
chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Ủy
ban
nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
4. Chủ quản lý sử dụng cầu là tên gọi chung của tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành khai thác và sử dụng cầu thuộc sở hữu
nhà nước; Chủ sở hữu cầu đối với cầu không thuộc sở hữu nhà nước; cộng đồng dân cư đối với cầu do cộng đồng đóng góp hoặc các
tổ chức,
cá nhân, tư nhân đóng góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và
bảo
trì.
5. Đơn vị trực tiếp
quản lý, vận
hành khai thác cầu (sau đây gọi tắt là Đơn vị quản lý cầu) là tổ chức, cá nhân được Chủ quản lý sử dụng cầu giao nhiệm
vụ,
ký kết hợp đồng thực hiện việc quản lý,
vận hành khai thác cầu,
bảo dưỡng thường xuyên
cầu.
Điều 3. Yêu cầu chung đối với công tác quản
lý, vận hành khai thác cầu
1. Việc quản lý, vận hành khai thác cầu phải bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho
công trình cầu, an toàn cho người, tài sản và công trình
khác
trong phạm vi hành
lang an toàn đường bộ của cầu, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
2. Cầu khi đưa
vào
vận hành khai thác phải bảo đảm chất lượng theo quy định.
3. Mọi tổ chức, cá nhân không được:
a) Tự ý tháo, lắp hoặc có hành vi phá hoại các bộ phận, hạng mục của công
trình cầu và đường hai đầu cầu; viết, vẽ các nội dung không phù hợp hoặc
xóa biển báo hiệu; phá hủy, che
khuất biển báo hiệu;
b) Lấn chiếm, sử dụng trái phép và vi phạm hành lang an toàn đường bộ của cầu;
c) Vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của cầu, tốc độ cho phép khi đi
trên cầu;
d) Vi phạm các
hướng dẫn, quy định về
việc tham gia giao thông trên cầu;
đ) Sử dụng mặt cầu, gầm cầu và các bộ phận cầu, đất của đường bộ trái quy định;
e) Lắp đặt, treo đường ống cấp, thoát nước, dây điện, cáp viễn thông vào cầu, trừ
khi thiết kế
của
cầu có quy định và được phép của Chủ quản lý sử dụng cầu;
g) Vi phạm
các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 4. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
quản lý, vận hành khai thác cầu
1. Xác định Chủ quản lý sử dụng cầu:
a) Đối với cầu thuộc sở hữu nhà nước, Chủ quản lý sử dụng cầu được xác
định
căn cứ vào quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân công, phân cấp cho
Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan trực thuộc
trong việc quản lý, vận hành khai thác cầu
trên địa bàn;
b) Đối với cầu thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư, sở
hữu tư nhân và các
trường hợp không thuộc
sở hữu nhà nước,
Chủ
sở hữu là
Chủ quản lý sử dụng cầu.
Trường hợp cộng đồng dân cư, tư nhân sau khi đầu tư xây
dựng xong không đủ khả năng làm Chủ quản lý sử dụng cầu thì cơ quan được phân công, phân cấp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ quản lý sử dụng cầu;
c) Trường hợp cầu được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư, Nhà nước góp vốn hoặc hỗ trợ,
tài
trợ của tổ chức, cá
nhân thì
các bên góp vốn thống nhất lựa chọn Chủ quản lý sử dụng cầu.
2. Chủ quản lý sử dụng cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp
trên (nếu có) về việc quản lý, vận hành khai thác cầu theo quy
định của Thông tư này và
các quy định của pháp luật
có
liên quan.
3. Chủ quản lý sử dụng cầu
có thể ủy quyền, giao nhiệm vụ, ký kết hợp đồng với Đơn vị quản lý cầu để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc quản lý,
vận
hành khai thác cầu.
Trong trường hợp này,
Chủ
quản lý sử
dụng cầu
vẫn
phải chịu trách nhiệm về sự cố hay sự xuống cấp của cầu trong thời gian vận hành khai thác cầu.
4. Đơn vị quản lý cầu chịu trách nhiệm theo ủy quyền, văn bản giao nhiệm vụ,
hợp đồng ký kết với Chủ quản lý sử dụng cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, vận hành khai thác cầu đúng với nội dung được giao và quy định tại Thông tư này.
Chương II
HƯỚNG DẪN LẬP,
THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ SỬ DỤNG QUY TRÌNH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC CẦU
Điều 5. Các loại cầu phải lập quy trình
quản lý, vận hành khai thác
1. Cầu được đầu tư xây
dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp thuộc các trường hợp
sau
phải lập, ban hành quy trình quản lý, vận hành khai thác:
a) Cầu treo có khẩu độ nhịp từ 70m trở lên; cầu dàn thép, cầu dầm
có khẩu độ nhịp từ 50m trở lên và các công trình cầu cấp II trở lên theo quy định của Thông tư
số
10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây
dựng (sau đây
viết
tắt là Thông tư số 10/2013/TT-BXD);
b) Các trường hợp khác do Người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư quyết định.
2. Cầu đang khai thác sử dụng thuộc các trường hợp sau phải lập, ban hành quy trình quản lý, vận hành khai thác:
a) Các cầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Các trường hợp khác do Chủ quản lý sử dụng cầu quyết định.
3. Quy trình quản lý, vận hành khai thác có thể được lập riêng hoặc lập cùng với
quy trình bảo trì cầu.
Điều 6. Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy trình quản lý, vận hành
khai thác cầu
1. Đối với cầu xây dựng mới hoặc cải
tạo, nâng cấp:
a) Tư vấn thiết kế kỹ thuật (đối với
công trình cầu thiết kế ba bước), tư vấn thiết kế bản vẽ thi công (đối với công
trình cầu có thiết kế một bước hoặc hai bước) có trách nhiệm lập quy trình quản
lý, vận hành khai thác cầu.
Trường hợp tư vấn thiết kế không lập
quy trình, Chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn tổ chức khác có đủ năng lực, kinh
nghiệm để lập quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu;
b) Chủ đầu tư có trách nhiệm thẩm định,
phê duyệt quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu.
Trường hợp cần thiết, Chủ đầu tư thuê
tư vấn thẩm tra quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu trước khi phê duyệt.
Tư vấn thẩm tra phải chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung quy trình do
mình thẩm tra;
c) Nhà cung cấp thiết bị (nếu có) có
trách nhiệm bàn giao quy trình quản lý, vận hành khai thác thiết bị do mình
cung cấp cho Chủ đầu tư.
2. Đối với cầu đã đưa vào khai thác:
a) Cầu thuộc sở hữu nhà nước hoặc có
sử dụng vốn nhà nước để quản lý, vận hành khai thác, Chủ quản lý sử dụng cầu tổ
chức lập, thẩm định, phê duyệt quy trình quản lý, vận hành khai thác theo quy định
của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Cầu thuộc sở hữu của cộng đồng dân
cư, sở hữu tư nhân, Chủ quản lý sử dụng cầu có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định
và phê duyệt quy trình quản lý, vận hành khai thác;
c) Việc lập quy trình quản lý, vận
hành khai thác cầu do Chủ quản lý sử dụng cầu tự thực hiện hoặc thuê tư vấn đủ
năng lực kinh nghiệm để thực hiện.
3. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư là Chủ đầu tư, Chủ quản lý sử dụng cầu,
trước khi phê duyệt quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu phải thỏa thuận với
Sở Giao thông vận tải.
Điều 7. Nội dung quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu
Nội dung quy trình quản lý, vận hành
khai thác cầu, bao gồm:
1. Quy định chung, bao gồm:
a) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
của quy trình;
b) Hiệu lực áp dụng quy trình;
c) Các văn bản quy phạm pháp luật do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến việc lập quy trình và tổ
chức quản lý, vận hành khai thác cầu, bao gồm Luật Giao thông đường bộ, các Nghị
định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao thông đường bộ, Thông
tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan;
d) Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
viện dẫn để quản lý, vận hành khai thác cầu, bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật dùng để thiết kế cầu, vật liệu chính sử dụng để xây dựng cầu, tiêu chuẩn,
quy chuẩn thiết kế đường đầu cầu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khác;
đ) Các tài liệu tham khảo, tài liệu
được viện dẫn;
e) Hồ sơ tài liệu về công trình cầu
trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng và bản vẽ hoàn công là tài liệu phục
vụ quản lý, vận hành khai thác cầu. Trong quy trình phải có các thông tin khái
quát về phạm vi cầu, các bộ phận của cầu, đường đầu cầu, hệ thống biển báo hiệu
đường bộ, công trình kè và công trình chống xói lở (nếu có) và các công trình
khác;
g) Các nội dung cần thiết khác.
2. Các công việc thực hiện kể từ khi
tiếp nhận đưa cầu vào vận hành khai thác
a) Tiếp nhận cầu hoàn thành đầu tư
xây dựng đưa vào vận hành khai thác;
b) Xác định phạm vi quản lý, bảo vệ cầu;
c) Lập, quản lý sử dụng, lưu trữ hồ
sơ, tài liệu phục vụ quản lý, vận hành khai thác cầu;
d) Cắm biển báo hiệu đường bộ, bảng
hướng dẫn;
đ) Tổ chức giao thông;
e) Tuần tra, theo dõi tình trạng cầu;
g) Kiểm tra kỹ thuật cầu;
h) Sửa chữa, khắc phục các hư hỏng,
khiếm khuyết được phát hiện khi tuần tra theo dõi và kiểm tra kỹ thuật;
i) Xử lý đối với cầu đang khai thác
có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác,
sử dụng; xử lý sự cố công trình;
k) Các quy định cần thiết khác.
3. Các tài liệu khác, bao gồm các bảng
biểu, phụ lục, mẫu biểu, băng ghi hình, ảnh và tài liệu hướng dẫn công tác quản
lý, vận hành khai thác cầu.
4. Ngoài các nội dung quy định tại
các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này, căn cứ quy mô, tính chất, đặc điểm của từng
cầu và các quy định tại Chương III của Thông tư này, tổ chức, cá nhân có trách
nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt phải bổ sung các nội dung cần thiết vào quy
trình quản lý, vận hành khai thác cầu để bảo đảm an toàn và duy trì tuổi thọ
công trình cầu.
Điều 8. Sử dụng quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu và điều chỉnh
quy trình trong thời gian vận hành khai thác cầu
1. Quy trình quản lý, vận hành khai
thác sau khi được ban hành là tài liệu phục vụ cho công tác quản lý, vận hành
khai thác cầu.
2. Đối với các cầu không thuộc trường
hợp phải lập quy trình quản lý, vận hành khai thác thì áp dụng các quy định tại
Chương III của Thông tư này để quản lý, vận hành khai thác. Chủ quản lý sử dụng
cầu phải bổ sung các nội dung cần thiết cho phù hợp với quy mô, tính chất, cấu
tạo, tuổi thọ, điều kiện tự nhiên, điều kiện vận hành khai thác của từng cầu.
3. Đối với cầu có quy trình quản lý,
vận hành khai thác được ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành,
Chủ quản lý sử dụng cầu căn cứ Thông tư này để điều chỉnh, bổ sung các nội dung
cần thiết phục vụ cho quản lý, vận hành khai thác cầu.
4. Trong quá trình thực hiện quản lý,
vận hành khai thác cầu, khi thấy cần thiết, Chủ quản lý sử dụng cầu tổ chức điều
chỉnh, bổ sung quy trình và trình duyệt theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của
Thông tư này.
Chương III
NỘI DUNG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC CẦU
Điều 9. Tiếp nhận
cầu hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào vận hành khai thác
1. Trước khi đưa cầu vào vận hành
khai thác, Chủ đầu tư có trách nhiệm:
a) Hoàn thành các thủ tục về quản lý
đầu tư xây dựng công trình theo quy định;
b) Lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu, bảng
hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu và các công trình an toàn theo quy định
tại Điều 12 của Thông tư này;
c) Bàn giao cho Chủ quản lý sử dụng cầu
hồ sơ tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 11 của Thông tư này;
d) Bàn giao cho Chủ quản lý sử dụng cầu
hệ thống cọc, mốc bồi thường giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới hành lang an toàn
đường bộ thuộc phạm vi cầu.
2. Khi bàn giao cầu, Chủ đầu tư, nhà
thầu thi công xây dựng, tổ chức giám sát thi công xây dựng và các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến giai đoạn xây dựng, Chủ quản lý sử dụng cầu tiến hành kiểm
tra, rà soát các nội dung sau:
a) Các hạng mục công trình (kết cấu
nhịp dầm, dàn, khung, vòm cầu, cáp treo, cột tháp, dây treo, hố neo cáp chủ, hệ
mặt cầu, trụ, mố cầu, đường đầu cầu và các hạng mục công trình khác). Trường hợp
có khiếm khuyết, tồn tại về chất lượng thì phải khắc phục đảm bảo quy định thiết
kế mới được tổ chức bàn giao;
b) Biển báo hiệu, bảng hướng dẫn và hệ
thống an toàn giao thông theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này.
3. Sau khi nhận bàn giao cầu đưa vào
vận hành khai thác, Chủ quản lý sử dụng cầu phải thông báo bằng văn bản đến Sở
Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, chính
quyền thôn về thời gian đưa cầu vào vận hành khai thác, tải trọng, tốc độ cho
phép, khổ giới hạn cho phép và các nội dung cần thiết khác.
4. Trong thời gian bảo hành, Chủ đầu
tư và nhà thầu thi công xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện sửa chữa các hư hỏng,
khiếm khuyết, thay thế bộ phận, hạng mục bị hư hỏng và thực hiện các nghĩa vụ của
mình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Điều 10. Xác định phạm vi quản lý, bảo vệ cầu
1. Các hạng mục, bộ phận kết cấu thuộc
công trình cầu:
a) Mố, trụ và các bộ phận khác thuộc
kết cấu phần dưới;
b) Dầm (hoặc dàn, khung, vòm), mặt cầu,
lan can tay vịn, gờ chắn bánh và các bộ phận kết cấu phần trên của cầu;
c) Trụ tháp treo cáp chủ, cáp chủ,
thanh treo hoặc dây treo (gọi chung là thanh treo), mố neo (hố neo) cáp chủ,
cáp chống lật, chống lắc ngang; tăng đơ, cóc cáp và các bộ phận khác của cầu
treo;
d) Các biển báo và các hạng mục khác
thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Đường hai đầu cầu.
3. Các công trình tường, kè và các
công trình phòng hộ khác (nếu có).
4. Phạm vi đất dành cho đường bộ theo
quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định
số 100/2013/NĐ-CP.
5. Hệ thống đèn chiếu sáng (nếu có).
Điều 11. Lập, bảo
quản, lưu trữ hồ sơ quản lý, vận hành khai thác cầu
1. Trước khi bàn giao đưa cầu vào vận
hành khai thác ít nhất 10 ngày, Chủ đầu tư phải bàn giao cho Chủ quản lý sử dụng
cầu các hồ sơ tài liệu sau:
a) Quy trình bảo trì, trừ các trường
hợp không phải lập quy trình bảo trì theo quy định tại Khoản 4 Điều
6 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.
Trường hợp sử dụng tiêu chuẩn bảo trì
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sử dụng quy trình bảo trì của
cầu tương tự, Chủ đầu tư và tư vấn thiết kế phải điều chỉnh, bổ sung các nội
dung cần thiết để phù hợp với công trình cầu do mình quản lý trước khi bàn giao
cho Chủ quản lý sử dụng cầu;
b) Quy trình quản lý, vận hành khai
thác đối với các cầu phải có quy trình riêng quy định tại Khoản 1 Điều 5 của
Thông tư này;
c) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, bản
vẽ hoàn công, hồ sơ cọc mốc đền bù giải phóng mặt bằng thực tế, mốc hành lang
an toàn đường bộ thuộc phạm vi cầu, các tài liệu có liên quan tới việc quản lý,
vận hành khai thác cầu;
d) Danh mục thiết bị, phụ tùng, vật
tư dự trữ chưa lắp đặt hoặc chưa sử dụng trong giai đoạn đầu tư xây dựng cầu (nếu
có);
đ) Hồ sơ thẩm tra an toàn giao thông
và hồ sơ trạng thái ban đầu của cầu (nếu có);
e) Mốc cao độ, tọa độ xây dựng cầu và
các mốc phục vụ quan trắc cầu (nếu có);
2. Trong quá trình quản lý, vận hành
khai thác, Chủ quản lý sử dụng cầu, Đơn vị quản lý cầu có trách nhiệm lập các hồ
sơ tài liệu sau:
a) Lập và ghi nhật ký theo dõi tình
trạng cầu;
b) Lập hồ sơ lý lịch cầu;
c) Các hồ sơ tài liệu biên bản, văn bản
kiểm tra kỹ thuật, đánh giá tình trạng cầu;
d) Hồ sơ tài liệu liên quan đến sửa
chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, kết quả kiểm định chất lượng, thử tải cầu (nếu
có);
đ) Văn bản, biên bản xử lý các hành
vi vi phạm đối với công trình cầu, hành lang an toàn đường bộ thuộc phạm vi cầu
và đường hai đầu cầu;
e) Các văn bản liên quan đến an toàn
giao thông;
g) Số liệu đếm xe (nếu có);
h) Các văn bản khác có liên quan.
3. Các hồ sơ, tài liệu quy định tại
Khoản 1 và Khoản 2 Điều này là tài liệu phục vụ công tác quản lý, vận hành khai
thác cầu và được lưu trữ, bảo quản tại: Chủ quản lý sử dụng cầu (trừ nhật ký
theo dõi tình trạng cầu) và Đơn vị quản lý cầu.
4. Thời gian lưu trữ hồ sơ quản lý cầu
thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, nhưng không ít hơn thời hạn
quản lý, vận hành khai thác và tuổi thọ cầu.
Điều 12. Biển báo hiệu, bảng hướng dẫn quản
lý, vận hành khai thác cầu
Cầu đưa vào khai thác phải được cắm
các
loại biển báo hiệu đường bộ, lắp đặt bảng hướng dẫn và các biện pháp bảo đảm an toàn khác, bao gồm:
1. Đối với cầu
cho
phép ô tô đi
qua, cắm các
biển sau:
a) Biển
“tên
cầu”;
b) Biển “hạn chế tải trọng xe”; trường hợp có quy định hạn chế trọng lượng trên 01 trục xe
thì
cắm thêm biển “hạn chế trọng lượng trên trục xe”;
c) Biển báo hiệu “tốc
độ
cho phép tối đa” khi đi qua cầu
(nếu có quy định).
2. Đối với cầu chỉ cho phép xe thô sơ và người đi bộ đi qua thì cắm biển “tên cầu”,
biển “cấm ô tô”
và
biển “cấm xe
súc
vật
kéo”.
3. Đối với cầu chỉ cho phép người đi bộ đi qua thì cắm các biển như quy định tại khoản 2 Điều
này
và biển “cấm người kéo, đẩy”.
4. Các biển báo hiệu đường bộ phù hợp khác theo quy định.
5. Bảng hướng dẫn về tổ chức giao thông qua cầu và quy định về quản lý, vận hành
khai thác cầu phải lắp đặt ở hai đầu cầu. Trên
bảng hướng dẫn, ghi một hoặc
một số nội dung sau:
a) Người tham gia giao thông chấp hành báo hiệu đường bộ;
b) Đối với cầu cho phép phương tiện giao thông (xe) đi qua, trên bảng hướng dẫn phải có nội dung quy định tải trọng, tốc độ, khoảng cách phương tiện tham gia giao thông qua cầu (nếu có quy định); quy định cấm dừng, đỗ, quay đầu xe trên cầu;
c) Tải trọng đoàn người đi bộ, mật độ người đi bộ trên
1m² mặt cầu, khoảng cách người đi trên cầu;
d) Không
tụ
tập đông người
trên cầu;
đ) Không được vi phạm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này;
e) Số điện thoại của Chủ quản lý sử dụng cầu, Đơn vị quản lý cầu;
g) Cầu treo bị hạn chế giao thông hoặc cấm
khai
thác khi có bão, lốc xoáy, gió mạnh, động đất;
h) Các nội dung cần hướng dẫn khác.
6. Đối với các khu vực có đồng bào dân tộc ít người sinh sống, các điểm
tham quan, du lịch, ngoài việc cắm biển báo theo quy định hiện hành và bảng hướng dẫn
bằng tiếng Việt, phải thực hiện
các
nội dung sau:
a) Tổ chức tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào dân
tộc ít người để đồng bào
hiểu, chấp hành khi tham gia giao thông qua cầu và các hành vi không được thực hiện; Bổ sung hướng dẫn bằng chữ viết của đồng bào dân tộc (nếu có chữ viết riêng) vào bảng hướng dẫn;
b) Bổ sung hướng dẫn bằng tiếng Anh và tiếng nước ngoài nếu cần thiết tại các điểm
tham quan, du lịch.
7. Các biện pháp khống chế tĩnh không đối với các phương tiện tham
gia giao thông (khi cần thiết).
Điều 13. Tổ chức giao thông
1. Người, phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành quy định của Luật
Giao thông đường bộ, biển báo hiệu và
bảng hướng dẫn của cầu.
2. Chủ quản lý sử dụng cầu, Đơn vị quản lý cầu
có trách nhiệm:
a) Tổ chức, hướng dẫn người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân hiểu và chấp hành đúng các quy
định khi
tham gia giao thông và quy định về quản lý, vận hành khai thác
cầu.
Điều 14. Tuần tra, theo dõi tình trạng cầu
1. Công tác tuần tra, theo dõi tình trạng
cầu do Chủ quản lý sử dụng cầu tổ chức thực hiện thông qua các hình thức sau:
a) Chủ quản lý sử dụng cầu trực tiếp
tổ chức thực hiện công tác tuần tra, theo dõi tình trạng cầu;
b) Chủ quản lý sử dụng cầu giao nhiệm
vụ, ký hợp đồng để Đơn vị quản lý cầu thực hiện một phần hoặc toàn bộ công tác
tuần tra, theo dõi tình trạng cầu; giám sát, kiểm tra Đơn vị quản lý cầu thực
hiện tuần tra, theo dõi tình trạng cầu.
2. Nội dung tuần tra, theo dõi tình
trạng cầu bao gồm:
a) Đối với cầu kết cấu nhịp dầm, dàn,
khung và vòm, việc tuần tra, theo dõi tình trạng làm việc, phát hiện các hư hỏng
(nếu có) của các hạng mục sau: Kết cấu nhịp dầm, dàn, khung, vòm cầu; Mặt cầu,
lan can tay vịn, gờ chắn bánh, ống thoát nước, gối cầu, khe co giãn; Mố, trụ cầu
và các công trình phòng chống xói lở; Đường đầu cầu và hệ thống rãnh dọc thuộc
đường hai đầu cầu; Biển báo hiệu, bảng hướng dẫn và các công trình an toàn giao
thông khác; Các hạng mục công trình khác;
b) Đối với cầu treo, việc tuần tra,
theo dõi tình trạng làm việc, phát hiện các hư hỏng (nếu có) của các hạng mục
sau: Các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; Trụ tháp đỡ cáp chủ;
Các mối liên kết ở chân trụ tháp với mố, trụ cầu; Các bộ phận cáp chủ, cóc cáp;
các bu lông đai ốc ở các vị trí liên kết, thanh treo (hoặc dây treo) kết cấu nhịp
lên cáp chủ, bộ phận liên kết thanh treo với kết cấu nhịp cầu, hố neo cáp chủ,
tăng đơ, ắc neo, gối đỡ cáp chủ trên trụ tháp và các hạng mục khác; Các bộ phận
dây văng, khu vực liên kết dây văng với mặt cầu; khu vực neo giữ dây văng với
trụ tháp và các hạng mục khác.
3. Khi phát hiện các hư hỏng công
trình, bộ phận công trình cầu, tổ chức, cá nhân tuần tra theo dõi cầu phải tổ
chức sửa chữa, khắc phục ngay để đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo Chủ quản
lý sử dụng cầu, Ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng công an đối với các hành vi
vi phạm quy định tại Thông tư này.
Trường hợp không đủ điều kiện sửa chữa
ngay thì thực hiện theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Thông tư này.
4. Trường hợp khi tuần tra phát hiện
mất an toàn giao thông thì thực hiện các công việc sau:
a) Thực hiện ngay các biện pháp giảm
tải trọng khai thác cầu; tổ chức hướng dẫn cho người, xe đi qua theo khoảng
cách phù hợp hoặc các biện pháp hạn chế giao thông khác để bảo đảm an toàn;
b) Tạm dừng giao thông qua cầu khi thấy
nguy hiểm và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ quản lý sử dụng cầu để
quyết định phân luồng giao thông;
c) Các công việc cần thiết khác.
5. Ghi nhật ký khi tuần tra theo dõi
tình trạng cầu. Nội dung nhật ký bao gồm :
a) Thời gian tuần tra;
b) Người thực hiện;
c) Các hư hỏng được phát hiện; các hư
hỏng được sửa chữa khi tuần tra, các hư hỏng chưa đủ điều kiện sửa chữa khi tuần
tra và kiến nghị chuyển sang bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ hoặc đột
xuất và các xử lý cần thiết khác;
d) Các vi phạm đã được khắc phục, các
vi phạm chưa được khắc phục, kiến nghị xử lý;
đ) Nhận xét về khả năng đảm bảo giao
thông; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tồn tại. Người tuần tra
cầu sau khi ghi nhật ký phải ký và ghi rõ họ tên.
Mẫu nhật ký tuần tra theo dõi tình trạng
cầu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Số lần tuần tra cầu, việc kết hợp
giữa tuần tra với bảo dưỡng cầu:
a) Số lần thực hiện tuần tra theo dõi
tình trạng cầu được thực hiện theo yêu cầu của từng cầu, nhưng không ít hơn: 01
lần/tuần đối với cầu đưa vào khai thác dưới 05 năm; 02 lần/tuần đối với cầu đã
đưa vào khai thác từ 05 năm trở lên; 01 lần/ngày đối với tất cả các cầu trong
những ngày có bão, lũ, lụt. Các trường hợp khác theo yêu cầu của Chủ quản lý sử
dụng cầu hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi cầu xuống cấp có
nguy cơ mất an toàn;
b) Công việc tuần tra theo dõi, tình
trạng cầu được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với công tác bảo dưỡng thường
xuyên cầu.
Điều 15. Kiểm tra kỹ thuật cầu
1. Kiểm tra kỹ thuật cầu là việc xem
xét bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng để đánh giá hiện trạng công
trình nhằm phát hiện các dấu hiệu hư hỏng của cầu.
2. Kiểm tra kỹ thuật bao gồm một, một
số hoặc toàn bộ các công việc sau:
a) Kiểm tra kỹ thuật các bộ phận
riêng của cầu treo dây võng: Kiểm tra đánh giá tổng thể tình trạng của cầu; Kiểm
tra tình trạng làm việc của trụ tháp đỡ cáp chủ; Kiểm tra đánh giá tình trạng của
cáp chủ của cầu thông qua kiểm tra bề mặt cáp chủ, các khiếm khuyết trên bề mặt
cáp chủ, hiện tượng nổ, đứt sợi cáp, tao cáp, bẹp, gãy cáp, dầu chảy trên mặt
cáp (đối với cáp có lõi tẩm dầu); Kiểm tra vị trí gối đỡ cáp chủ trên đỉnh trụ
tháp; Kiểm tra tình trạng làm việc của mố neo (hố neo) cáp chủ, sự chuyển vị, dấu
hiệu nứt vỡ bê tông hoặc đá xây của hố neo; Kiểm tra tình trạng làm việc của
tăng đơ, ắc neo (hoặc pu ly cáp nếu có), các dấu hiệu nứt, tình trạng mối hàn,
bu lông liên kết của khu vực này; Kiểm tra thanh treo và vị trí liên kết thanh
treo với kết cấu nhịp và trụ tháp; Kiểm tra các vị trí bắt cóc cáp chủ; Các
công việc cần thiết khác;
b) Đối với cầu treo dây văng: kiểm
tra đánh giá các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và tình trạng
làm việc của dây văng (độ căng, trùng, tần số dao động);
c) Kiểm tra kỹ thuật kết cấu nhịp dầm,
dàn, khung, vòm
Kiểm tra đánh giá sự làm việc dầm,
dàn, khung, vòm bằng thép, bê tông cốt thép, đá xây (nếu có đối với cầu vòm) và
dầm gỗ, thông qua đo đạc, thử tải, lập hồ sơ theo dõi vết nứt và các hoạt động
khác để đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu dầm, dàn, khung, vòm cầu;
d) Kiểm tra kỹ thuật đối với mố, trụ
cầu: kiểm tra đánh giá xói lở của dòng chảy tác động đến mố, trụ cầu; kiểm tra,
theo dõi hiện tượng lún, hiện tượng nghiêng lệch, chuyển vị của bệ móng, thân,
đỉnh mố, trụ cầu; kiểm tra, theo dõi hiện tượng nứt xuất hiện trên mố, trụ bằng
bê tông, bê tông cốt thép, đá xây;
đ) Kiểm tra kỹ thuật đối với các hạng
mục khác.
3. Trách nhiệm thực hiện kiểm tra kỹ
thuật
a) Chủ quản lý sử dụng cầu tự thực hiện
kiểm tra kỹ thuật nếu đủ năng lực và điều kiện. Trường hợp không đủ năng lực và
điều kiện, Chủ quản lý sử dụng cầu phải thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực thực
hiện kiểm tra theo định kỳ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư
này;
b) Đối với các cầu có hư hỏng, xuống
cấp có nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn và không phân biệt nguồn vốn
đầu tư, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp
xã phải phối hợp với Chủ quản lý sử dụng cầu kiểm tra xác định khả năng khai
thác. Trường hợp mất an toàn phải tạm dừng khai thác để khắc phục và tổ chức
phân luồng giao thông.
4. Kết thúc kiểm tra kỹ thuật, các tổ
chức, cá nhân tham gia thực hiện phải lập báo cáo kiểm tra với các nội dung
sau:
a) Tên cầu được kiểm tra;
b) Ngày tháng năm tiến hành kiểm tra;
c) Tên tổ chức, cá nhân, chuyên gia,
tư vấn thực hiện kiểm tra;
d) Kết quả kiểm tra các hạng mục;
đ) Nhận xét, đánh giá về tình trạng
khai thác của cầu tại thời điểm kiểm tra; so sánh với các lần kiểm tra trước,
trong đó có so sánh độ mở rộng vết nứt của kết cấu bê tông, sự chuyển vị của
các kết cấu, độ vồng, độ võng của dầm, dàn, khung và trụ tháp, cáp chủ, độ căng
của dây văng so với các lần trước;
e) Kiến nghị các công việc sửa chữa,
khắc phục hoặc kiến nghị khác.
Điều 16. Sửa chữa,
khắc phục các hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không đủ điều kiện thực hiện ở bước
tuần tra theo dõi và kiểm tra kỹ thuật
1. Các khiếm khuyết, hư hỏng của công
trình cầu được phát hiện, nhưng không đủ điều kiện sửa chữa ngay khi tuần tra,
theo dõi cầu và kiểm tra kỹ thuật, Đơn vị quản lý cầu phải lập kế hoạch sửa chữa
công trình báo cáo Chủ quản lý sử dụng cầu.
2. Chủ quản lý sử dụng cầu có trách
nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất công trình
cầu theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và các quy định khác có liên
quan.
Điều 17. Xử lý đối
với cầu đang khai thác có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không bảo đảm an
toàn cho việc khai thác, xử lý sự cố công trình
1. Khi phát hiện hoặc nhận được thông
báo cầu có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc
khai thác, Chủ quản lý sử dụng cầu phải thực hiện ngay các quy định sau:
a) Kiểm tra cầu, kiểm định chất lượng
cầu;
b) Tạm ngừng khai thác cầu trong trường
hợp việc khai thác nguy hiểm và tổ chức bảo vệ ở hai đầu cầu; phân luồng giao
thông;
Trường hợp phải hạn chế giao thông,
phải thực hiện các biện pháp cắm biển báo hạn chế tải trọng, tốc độ, khoảng
cách, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông;
c) Thông báo trên các phương tiện
thông tin đại chúng địa phương cho người tham gia giao thông, cộng đồng dân cư
về việc tạm ngừng khai thác cầu hoặc hạn chế giao thông, đồng thời tổ chức hướng
dẫn người tham gia giao thông; cử người gác cầu;
d) Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi có công trình cầu và cơ quan cấp trên của mình (nếu có);
đ) Trong vòng 24 giờ phải báo cáo bằng
văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với công
trình cầu cấp đặc biệt, cấp I và cấp II có hư hỏng xuống cấp không bảo đảm an
toàn khi khai thác hoặc công trình cầu khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa thì
phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng theo quy định.
Cấp công trình quy định tại Điểm này
thực hiện theo Phụ lục I Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ trưởng
Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình
xây dựng;
e) Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ
làm ảnh hưởng đến an toàn khi vận hành khai thác cầu thực hiện theo quy định tại
Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;
g) Thực hiện các biện pháp phòng hộ để
bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ sập đổ công trình cầu gây sự cố nghiêm trọng.
Trong trường hợp Chủ quản lý sử dụng
cầu không đủ năng lực và khả năng chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng hộ,
Chủ quản lý sử dụng cầu đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các
cấp hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng hộ cho công trình cầu.
2. Khi nhận được báo cáo hoặc khi
phát hiện cầu có biểu hiện xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác sử
dụng, Cơ quan quản lý nhà nước nhận được báo cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều
này có trách nhiệm:
a) Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu
và hướng dẫn Chủ quản lý sử dụng cầu tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng,
đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình,
công trình nếu cần thiết;
b) Quyết định áp dụng các biện pháp tại
các điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều này nếu Chủ quản lý sử dụng cầu không có
khả năng thực hiện;
c) Xử lý trách nhiệm Chủ quản lý sử dụng
cầu khi không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Điểm
a và Điểm b Khoản này.
3. Mọi tổ chức, cá nhân đều có trách
nhiệm thông báo cho Chủ quản lý sử dụng cầu, Đơn vị quản lý cầu, cơ quan quản
lý nhà nước, chính quyền các cấp khi phát hiện sự cố hay xuống cấp về chất lượng
của công trình cầu, không bảo đảm an toàn để kịp thời xử lý theo các quy định tại
Thông tư này.
4. Việc xử lý khi có sự cố công trình
hoặc nguy cơ sự cố sập đổ công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định số
15/2013/NĐ-CP và quy định tại Khoản 3 Điều 30 và Điều 31 của
Thông tư số 10/2013/TT-BXD và các quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trên cơ sở quy định tại Thông tư
này, ban hành quy định phân công, phân cấp và trách nhiệm về quản lý, vận hành
khai thác cầu; quy định việc phê duyệt quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu
thuộc phạm vi quản lý.
2. Chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân
các cấp, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan trực thuộc trong việc thực hiện
trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành khai thác cầu theo quy định của
Thông tư này.
3. Xử lý đối với các kiến nghị của Ủy
ban nhân dân các cấp, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan trực thuộc đối với
các cầu trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm an toàn.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức quản lý, vận hành khai
thác cầu trên địa bàn theo phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và
quy định của pháp luật.
2. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Ủy
ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư và các cơ quan trực thuộc trong việc thực
hiện các trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành khai thác các cầu trên địa
bàn theo quy định của Thông tư này.
3. Tổng hợp tình hình quản lý, vận
hành khai thác các cầu, danh sách các cầu trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp
không đủ điều kiện khai thác an toàn để báo cáo và kiến nghị xử lý với Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh và gửi Sở Giao thông vận tải.
Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức quản lý, vận hành khai
thác các cầu trên địa bàn theo phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp trên
và quy định của pháp luật.
2. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cộng
đồng dân cư trong việc thực hiện trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành
khai thác cầu thuộc quyền sở hữu của cộng đồng dân cư theo quy định của Thông
tư này.
3. Tổng hợp tình hình quản lý, vận
hành khai thác các cầu, danh sách các cầu trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp
không đủ điều kiện khai thác an toàn để báo cáo và kiến nghị xử lý với Ủy ban
nhân dân cấp huyện.
Điều 21. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thực hiện các quy định tại Điều 18 của Thông tư này.
2. Hướng dẫn, kiểm tra theo thẩm quyền
việc thực hiện các quy định về quản lý, vận hành khai thác cầu trên địa bàn.
3. Rà soát và tổng hợp tình hình quản
lý, vận hành khai thác toàn bộ các cầu trên địa bàn, danh sách các cầu hư hỏng,
xuống cấp không đủ điều kiện khai thác an toàn để báo cáo, kiến nghị Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh xử lý.
Điều 22. Trách nhiệm của cộng đồng dân cư sở hữu
cầu
1. Tổ chức quản lý, vận hành khai
thác cầu do cộng đồng làm Chủ quản lý sử dụng cầu.
2. Thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn
của Ủy ban nhân dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp trong quản lý, vận
hành khai thác cầu để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho công trình, phòng
chống tai nạn; báo cáo khó khăn vướng mắc trong quản lý, vận hành khai thác cầu
cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Phát hiện và ngăn chặn các tổ chức,
cá nhân phá hoại công trình cầu, phá hoại các công trình giao thông khác, xâm
phạm hành lang an toàn đường bộ và các hành vi vi phạm các nội dung bị nghiêm cấm.
Điều 23. Xử lý chuyển tiếp
Đối với các cầu đã đưa vào khai thác
phải có quy trình quản lý, vận hành khai thác theo quy định tại Khoản 2 Điều 5
Thông tư này, chậm nhất đến ngày 31/12/2014, Chủ quản lý sử dụng cầu phải hoàn
thành việc xây dựng, ban hành quy trình quản lý, vận hành khai thác cầu. Trong
thời gian chưa ban hành quy trình riêng, việc quản lý, vận hành khai thác cầu
phải thực hiện theo các quy định tại Chương III của Thông tư này.
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ
ngày 15 tháng 6 năm 2014.
Điều 25. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị thuộc
Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.