UỶ BAN DÂN TỘC
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 04/2007/TT-UBDT
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 06 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THANH TRA CÔNG TÁC DÂN TỘC
Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ Quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 10/2006/NĐ-CP ngày 17/01/2006 của Chính phủ về tổ chức và
hoạt động của thanh tra công tác dân tộc;
Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về thanh tra công tác dân tộc
như sau.
I.
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THANH TRA
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là người Việt Nam làm công tác
dân tộc;
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi
tham gia thực hiện các chính sách dân tộc.
3. Thanh tra hành chính:
Đối tượng thanh tra hành chính của Thanh tra Ủy ban Dân tộc
(Sau đây gọi tắt là Thanh tra Ủy ban) là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền
quản lý trực tiếp của Ủy ban Dân tộc được quy định tại nghị định số
51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Cơ quan Thanh tra công tác dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, đối tượng thanh tra hành chính là cơ quan, tổ chức, cá nhân được
quy định tại Điểm 1.1, Mục I; Điểm 1.1, Mục II, Thông tư liên tịch số
246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 6/5/2004 của Ủy ban Dân tộc – Bộ Nội vụ hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 53/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Thanh tra chuyên ngành:
Thanh tra Ủy ban Dân tộc tiến hành thanh tra việc thực hiện
chính sách dân tộc của cơ quan, tổ chức, cá nhân về lĩnh vực công tác dân tộc
trong phạm vi cả nước;
Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến
hành thanh tra việc thực hiện chính sách dân tộc của cơ quan, tổ chức, cá nhân
thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN
THANH TRA CÔNG TÁC DÂN TỘC
1. Nội
dung thanh tra:
1.1. Thanh tra Ủy ban thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 10/2006 NĐ-CP của Chính phủ:
a. Căn cứ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc để
quyết định thanh tra một hoặc một số nội dung ở các cơ quan quản lý nhà nước về
công tác dân tộc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách dân tộc,
bao gồm: Thanh tra việc xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức thực hiện các
chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục
– đào tạo, khoa học công nghệ; các dự án mô hình thí điểm, chính sách ưu đãi ở
vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn do Chính phủ hoặc Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt; Thanh tra hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, các
nguồn lực huy động đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế – xã hội đặc
biệt khó khăn; việc thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân
tộc thiểu số…;
Ví dụ: tổ chức cuộc thanh tra để thanh tra một số nội dung thực
hiện chính sách dân tộc như: Chương trình 134; chương trình 135; chương trình
trợ giá, trợ cước mặt hàng chính sách, ... ở địa phương A; hoặc khi tổ chức một
cuộc thanh tra thực hiện Chương trình trợ giá, trợ cước mặt hàng chính sách ở địa
phương B chỉ thanh tra một nội dung về trợ cước vận chuyển vật tư, phân bón phục
vụ sản xuất nông nghiệp, hoặc thanh tra một nội dung trợ giá thu mua các mặt
hàng nông sản, hàng hóa vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của nhà nước…
b. Thanh tra việc quản lý tài chính, tài sản công do Ủy ban
Dân tộc trực tiếp quản lý;
c. Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tổ chức tiếp công
dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định
của pháp luật;
d. Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ
sung cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc khi phát hiện những
cơ quan, tổ chức ban hành các cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tiễn và
pháp luật.
1.2. Thanh tra Ban Dân tộc thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại
Điều 12 của Nghị định số 10/2006 NĐ-CP của Chính phủ:
a. Căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế –
xã hội của địa phương để quyết định thanh tra một hoặc một số nội dung trong việc
thực hiện chính sách dân tộc ở các cơ quan, đơn vị do địa phương quản lý, bao gồm:
Thanh tra các tổ chức cá nhân trong việc xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức
thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế,
giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; Thanh tra hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
của Nhà nước, các nguồn lực huy động đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, vùng
kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; việc thực hiện công tác định canh, định cư
đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thanh tra một hoặc một số nội dung, áp
dụng theo ví dụ ở tiết a, điểm này;
b. Thanh tra việc quản lý tài chính, tài sản công do Ban Dân tộc
trực tiếp quản lý;
c. Giúp Trưởng ban Dân tộc tổ chức tiếp công dân, tham mưu giải
quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật;
d. Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương
và Ủy ban Dân tộc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực
công tác dân tộc ở địa phương.
Trường hợp thanh tra các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan Trung
ương thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc đóng trên địa bàn tỉnh, phải có quyết
định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ủy quyền của
cơ quan Thanh tra cấp trên.
2. Việc
tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo Quy chế hoạt động của
đoàn thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày
10/11/2006 của Thanh tra Chính phủ.
3. Giải
quyết khiếu nại, tố cáo về thanh tra
3.1. Khiếu nại của đối tượng thanh tra với quyết định xử lý và
nhiệm vụ của Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, Thành viên Đoàn thanh tra
công tác dân tộc được thực hiện theo quy định tại Điều 49 Nghị định
số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
một số Điều của Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật về khiếu nại,
tố cáo.
3.2. Tố cáo hành vi của Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên,
Thành viên đoàn thanh tra công tác dân tộc được thực hiện theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thanh tra và các quy định
khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Giải
quyết khiếu nại, tố cáo
Cơ quan Thanh tra công tác dân tộc các cấp tham mưu giúp Thủ
trưởng cơ quan công tác dân tộc cùng cấp giải quyết khiếu nại tố cáo trong phạm
vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Cụ thể là:
4.1. Thanh tra Ủy ban tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy
ban tiếp nhận xử lý phân loại đơn khiếu nại, tố cáo; những đơn thuộc thẩm quyền
giải quyết của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thì tham mưu, thẩm tra, xác
minh, kết luận khi được giao và trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban quyết định giải
quyết;
4.2. Thanh tra Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương tham mưu giúp Trưởng ban Ban Dân tộc tiếp nhận xử lý phân loại đơn
khiếu nại, tố cáo; những đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng ban thì
tham mưu, thẩm tra, xác minh, kết luật khi được giao và trình Trưởng ban Ban
Dân tộc quyết định giải quyết;
4.3. Trường hợp đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết
của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (ở Trung ương), Trưởng ban Dân tộc (ở địa
phương) thì hướng dẫn đối tượng gửi đơn đến cơ quan, tổ chức khác để giải quyết
theo thẩm quyền. Ví dụ: Đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá
nhân, giữa cá nhân với tổ chức, cơ quan nhà nước… thì hướng dẫn công dân gửi
đơn đến cơ quan quản lý đất đai hoặc Ủy ban nhân dân địa phương nơi phát sinh
tranh chấp để giải quyết, đơn khiếu nại về đền bù, giải phóng mặt bằng thì hướng
dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan quản lý tài chính hoặc Ủy ban nhân dân địa
phương để giải quyết theo thẩm quyền…
4.4. Đối với đơn tố cáo không thẩm quyền thì tham mưu trình Thủ
trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức khác
giải quyết theo thẩm quyền.
III. THANH TRA VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN THANH
TRA CÔNG TÁC DÂN TỘC
1. Thanh tra viên công tác dân tộc là công chức nhà nước được
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ và thực hiện theo quy định tại điều
13 Nghị định số 10/2006/NĐ-CP ngày 17/01/2006 của Chính phủ, Điều
31, Điều 40, Điều 50 của Luật Thanh tra, các nhiệm vụ quyền hạn khác theo
quy định của pháp luật về Thanh tra viên.
2. Cộng tác viên Thanh tra công tác dân tộc là công dân Việt
Nam, được cơ quan Thanh tra công tác dân tộc hoặc cơ quan Nhà nước quản lý lĩnh
vực công tác dân tộc quyết định trưng tập tham gia Đoàn thanh tra là cán bộ
công chức, viên chức đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc
tổ chức Thanh tra Nhà nước;
2.1. Người được trưng tập vào Đoàn thanh tra phải có phẩm chất
đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra được giao
và phải hiểu biết về nghiệp vụ lĩnh vực công tác dân tộc;
2.2. Cộng tác viên tham gia Đoàn thanh tra được thực hiện nhiệm
vụ quyền hạn do Trưởng đoàn thanh tra giao và chịu trách nhiệm trước Trưởng
đoàn, người ra quyết định trưng tập và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
Việc trưng tập, thông trưng tập phải đảm bảo thủ tục hành chính để xác định
trách nhiệm với cơ quan trưng tập, người được trưng tập được đảm bảo các chế độ
đãi ngộ khác theo quy định của nhà nước.
IV. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
1. Mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Ủy ban với Thanh tra
các bộ, ngành, thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là mối quan
hệ phối hợp; khi tổ chức cuộc thanh tra thực hiện chính sách dân tộc do Thanh
tra Ủy ban Dân tộc chủ trì thì Thanh tra các bộ, ngành, thanh tra các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan phối hợp; trường hợp cuộc thanh tra
có liên quan đến thực hiện chính sách dân tộc do Thanh tra các bộ, ngành, thanh
tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thì Thanh tra Ủy ban Dân
tộc là cơ quan phối hợp.
1.1. Thanh tra Ủy ban thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định
kỳ, báo cáo theo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo quy định của Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ;
1.2. Hàng năm Thanh tra Ủy ban có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp
vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Hướng dẫn hoặc chủ trì phối hợp với Thanh tra Ban Dân tộc tổ chức
các cuộc thanh tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
2. Mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Ban Dân tộc với Thanh
tra các sở, ngành, thanh tra huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh là mối quan
hệ phối hợp; khi tổ chức cuộc thanh tra thực hiện chính sách dân tôc do Thanh
tra Ban Dân tộc chủ trì thì Thanh tra các sở, ngành, thanh tra huyện, thành phố
trực thuộc tỉnh là cơ quan phối hợp; trường hợp cuộc thanh tra có liên quan đến
thực hiện chính sách dân tộc do Thanh tra các sở, ngành, thanh tra huyện thị,
thành phố trực thuộc tỉnh chủ trì thì Thanh tra Dân tộc là cơ quan phối hợp.
2.1. Chánh thanh tra Ban Dân tộc có trách nhiệm cử cán bộ,
công chức, Thanh tra viên tham gia các Đoàn thanh tra do Thanh tra Ủy ban Dân tộc,
Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thanh tra chủ
trì hoặc tổ chức các cuộc thanh tra liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc
theo yêu cầu của Chánh thanh tra Ủy ban Dân tộc và Chánh thanh tra tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương;
2.2. Thanh tra Ban Dân tộc chịu sự chỉ đạo về tổ chức, hướng dẫn
nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công tác dân tộc
của Thanh tra Ủy ban Dân tộc;
2.3. Thanh tra Ban Dân tộc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo
định kỳ, báo cáo theo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo quy định của Thủ trưởng
cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Thanh tra Ủy ban Dân tộc.
3. Các cơ quan Thanh tra công tác dân tộc trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan để thanh tra, kiểm tra phòng ngừa, phát hiện và xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
V. HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày
đăng công báo; các quy định trước đây trái với hướng dẫn tại Thông tư này đều bị
bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng
mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ để kịp
thời giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Thủ trưởng các cơ quan đơn vị trực thuộc UBDT;
- Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Ban Dân tộc – Tôn giáo hoặc Ban Tôn giáo, Dân tộc các tỉnh, thành phố
trực thuộc TƯ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VP, Vụ PC, TTr.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Ksor Phước
|