BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2021/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày
11 tháng 01 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐIỀU LỆNH CÔNG AN
NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Công tác đảng và công tác chính trị;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Thông tư quy định về xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xử lý
vi phạm điều lệnh Công an nhân dân (sau đây gọi chung là vi phạm điều lệnh),
bao gồm: nguyên tắc, căn cứ, thời gian, hình thức, trình tự, thẩm quyền, hồ sơ
xử lý đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh; trường hợp chưa xem xét xử
lý, không xử lý vi phạm điều lệnh; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và
liên đới trách nhiệm trong xử lý vi phạm điều lệnh.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, một số từ ngữ
được hiểu như sau:
1. Hành vi vi phạm điều lệnh
là hành vi do đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các quy định của điều
lệnh Công an nhân dân hoặc các quy định khác liên quan đến điều lệnh Công an
nhân dân.
2. Đơn vị vi phạm điều lệnh
là đơn vị cấp Cục, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương
đương; đơn vị cấp phòng, Công an quận, huyện và tương đương; đơn vị cấp đội,
Công an xã, phường, thị trấn và tương đương vi phạm điều lệnh.
3. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều
lệnh là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an, học
sinh, sinh viên Công an nhân dân vi phạm điều lệnh.
4. Vi phạm nhiều lần là đơn
vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh từ 02 lần trở lên trong năm.
5. Vi phạm nhiều lỗi là đơn
vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh từ 02 lỗi trở lên trong một lượt kiểm
tra.
6. Xử lý vi phạm là quyết định
của người có thẩm quyền xử lý về hành vi vi phạm điều lệnh được quy định trong
Thông tư này.
7. Trường hợp bất khả kháng
là đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh trong trường hợp khách quan không
thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện
pháp cần thiết.
Điều 3. Nguyên
tắc xử lý
1. Mọi hành vi vi phạm điều lệnh của
đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đều phải xử lý theo quy định của Thông tư này và các
quy định khác có liên quan đến điều lệnh Công an nhân dân.
2. Căn cứ nội dung, tính chất, mức
độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, thái độ tiếp thu của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ
vi phạm để quyết định hình thức xử lý phù hợp, bảo đảm tính giáo dục, phòng ngừa
vi phạm.
3. Bảo đảm kịp thời, khách quan,
công khai, dân chủ, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định của Bộ
Công an.
4. Mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý
01 lần. Trường hợp vi phạm nhiều lần với cùng hành vi vi phạm thì xử lý cao hơn
01 bậc so với hình thức xử lý tương ứng với hành vi đó. Trong cùng một thời điểm
vi phạm nhiều lỗi thực hiện như sau: Nếu các hành vi có hình thức xử lý khác
nhau thì áp dụng hình thức xử lý cao hơn một bậc so với hình thức xử lý cao nhất;
nếu các hành vi có cùng một hình thức xử lý thì áp dụng hình thức xử lý cao hơn
01 bậc so với hình thức xử lý tương ứng với một trong các hành vi đó. Trong cùng
một vụ việc có nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì mỗi cán bộ, chiến sĩ đều bị xử
lý về hành vi vi phạm của mình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của cán bộ,
chiến sĩ đó.
Điều 4. Trường
hợp chưa xem xét xử lý, không xử lý vi phạm
1. Chưa xem xét xử lý vi phạm
a) Đang trong thời gian điều trị nội
trú tại bệnh viện, có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
b) Đang trong thời gian bị đình chỉ
công tác;
c) Cán bộ, chiến sĩ nữ đang nghỉ
chế độ thai sản.
2. Không xử lý vi phạm
a) Được cơ quan có thẩm quyền xác
nhận tình trạng mất năng lực hành vi khi vi phạm điều lệnh; được cấp có thẩm
quyền xác nhận vi phạm điều lệnh trong trường hợp bất khả kháng;
b) Phải chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh
của lãnh đạo, chỉ huy mà trước đó đã kiến nghị thay đổi với người ra chỉ thị, mệnh
lệnh nhưng không được chấp nhận.
Điều 5. Căn cứ
xử lý
1. Biên bản kiểm tra điều lệnh do
người có thẩm quyền ký; thông báo bằng văn bản về vi phạm điều lệnh của đơn vị
chức năng.
2. Tin báo của người biết việc,
người làm chứng, đơn thư khiếu nại, tố cáo; tin tức phản ánh trên các phương tiện
thông tin đại chúng; các hình ảnh, hiện vật, âm thanh liên quan đến vi phạm điều
lệnh đã được giám định hoặc xác minh là đúng.
Điều 6. Thời
gian xử lý
1. Trong thời gian 15 ngày (ngày
làm việc) kể từ khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra điều lệnh, thủ trưởng
đơn vị có tập thể, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh phải tổ chức kiểm điểm,
quyết định hình thức xử lý hoặc đề xuất hình thức xử lý theo quy định của Thông
tư này.
2. Kết quả xử lý vi phạm điều lệnh
phải báo cáo bằng văn bản về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp và đơn vị ra
thông báo, đồng thời thông báo cho đơn vị, người phát hiện vi phạm chậm nhất 20
ngày (ngày làm việc) kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, tài liệu vi phạm. Trường hợp
có nhiều tình tiết cần phải làm rõ khi xử lý, thời gian xem xét xử lý và báo
cáo kết quả xử lý có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 30 ngày (ngày làm
việc).
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
VỀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐIỀU LỆNH
Điều 7. Hình
thức xử lý
1. Đối với đơn vị vi phạm điều lệnh:
a) Phê bình;
b) Hạ bậc danh hiệu thi đua năm;
c) Không xét tặng danh hiệu thi
đua năm.
2. Đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm
điều lệnh:
a) Phê bình;
b) Hạ bậc danh hiệu thi đua năm;
c) Không xét tặng danh hiệu thi
đua năm;
d) Xếp loại không hoàn thành nhiệm
vụ;
đ) Khiển trách;
e) Cảnh cáo;
g) Giáng cấp bậc hàm, hạ bậc
lương;
h) Cách chức, giáng chức;
i) Tước danh hiệu Công an nhân
dân.
Điều 8. Áp dụng
hình thức xử lý đối với đơn vị vi phạm điều lệnh
1. Đơn vị bị xử lý bằng hình thức
phê bình khi vi phạm một trong các hành vi thuộc các nhóm hành vi sau:
a) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về chế độ giao ban, hội họp, hội nghị, buổi lễ, học tập,
huấn luyện, hội thi, hội thao; chế độ nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ và trang trí
khánh tiết hội trường, phòng họp của đơn vị;
b) Bố trí trực chỉ huy, trực ban,
thường trực chiến đấu không đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;
c) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về nội vụ, vệ sinh trụ sở cơ quan, doanh trại; nội vụ, vệ
sinh nơi ăn, ngủ, nghỉ của cán bộ chiến sĩ; nội vụ, vệ sinh nơi sinh hoạt văn
hóa, các trung tâm, cơ sở tập luyện, thi đấu điều lệnh, quân sự, võ thuật, thể
dục, thể thao; nội vụ, vệ sinh nơi tiếp khách; công tác phòng, chống cháy nổ,
thiên tai và bảo vệ môi trường;
d) Tổng số lượt cán bộ, chiến sĩ
vi phạm điều lệnh trong năm có tỉ lệ từ 5% đến dưới 10% so với biên chế của đơn
vị.
2. Đơn vị bị xử lý bằng hình thức
hạ một bậc danh hiệu thi đua trong năm khi vi phạm một trong các hành vi thuộc
các nhóm hành vi sau:
a) Thực hiện không đúng chức
trách, nhiệm vụ được giao;
b) Không tổ chức giao ban; không tổ
chức trực chỉ huy, trực ban, thường trực chiến đấu; không xây dựng chương
trình, kế hoạch công tác tuần, tháng; không tổ chức chào cờ Tổ quốc định kỳ;
c) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về quản lý tài liệu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ
hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ; quản lý vật chứng, phương tiện và đồ vật tạm giữ;
quản lý tài sản, phương tiện của đơn vị; thu hồi trang phục, Công an hiệu, cấp
hiệu, phù hiệu, số hiệu, cành tùng, mũ kê-pi; thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ,
phương tiện nghiệp vụ, các giấy tờ công tác khác;
d) Trụ sở cơ quan, đơn vị không
treo cờ Tổ quốc theo quy định của pháp luật; không tổ chức canh gác hoặc thường
trực bảo vệ, không có nội quy bảo vệ cơ quan; không có kế hoạch, phương án
phòng chống cháy nổ, thiên tai. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong Công
an nhân dân không bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường
theo đúng quy định của pháp luật;
đ) Trong giờ làm việc, giờ trực,
ngày trực tại đơn vị có từ 5% cán bộ chiến sĩ trở lên không mặc trang phục Công
an nhân dân hoặc mặc trang phục không đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Công an
(trừ trường hợp Bộ có quy định khác); lập bàn thờ, để bát hương, thắp hương
trong hội trường, phòng họp, phòng khách, phòng làm việc, phòng ở, nhà kho, nhà
ăn tập thể, nơi để hồ sơ tài liệu thuộc phạm vi trụ sở đơn vị (trừ khi tổ chức
lễ tang);
e) Tổng số lượt cán bộ, chiến sĩ
vi phạm điều lệnh trong năm có tỉ lệ từ 10% đến dưới 20% so với biên chế của
đơn vị.
3. Đơn vị bị xử lý bằng hình thức
không xét tặng danh hiệu thi đua năm khi vi phạm một trong các hành vi thuộc
các nhóm hành vi sau:
a) Không xây dựng chương trình, kế
hoạch công tác quý, 06 tháng, năm; không tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm
các chuyên đề công tác lớn, dài hạn, 06 tháng, 01 năm;
b) Không phổ biến, không tổ chức
thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định, quy trình, quy chế, quy định của cấp
trên; bao che, xử lý không đúng quy định hoặc không xử lý vi phạm điều lệnh;
c) Không xây dựng, triển khai kế
hoạch công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật; không quán triệt đầy đủ, kịp thời
các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật;
d) Dùng trụ sở cơ quan, đơn vị cho
thuê, cho mượn trái quy định của Bộ Công an;
đ) Tổng số lượt cán bộ, chiến sĩ
vi phạm điều lệnh trong năm có tỉ lệ từ 20% trở lên so với biên chế của đơn vị.
Điều 9. Áp dụng
hình thức xử lý đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh
1. Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng
hình thức phê bình khi vi phạm một trong các hành vi trong các nhóm hành vi
sau:
a) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về xưng hô khi giao tiếp, chào, chào báo cáo; ứng xử khi
giao tiếp trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; ứng xử khi giao tiếp qua
các phương tiện thông tin; khi làm nhiệm vụ tư thế, tác phong không nghiêm túc,
để tay vào túi quần hoặc túi áo; đeo kính màu đen khi trực tiếp giải quyết công
việc với người khác;
b) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về kỷ luật công tác; kỷ luật khi hội họp, buổi lễ, học tập,
giao ban; kỷ luật khi huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, thể thao;
c) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về sử dụng trang phục Công an nhân dân;
d) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về nội vụ, vệ sinh trụ sở cơ quan, doanh trại; nội vụ, vệ
sinh nơi ăn, ngủ, nghỉ của cán bộ chiến sĩ; nội vụ, vệ sinh nơi sinh hoạt văn
hóa, các trung tâm, cơ sở tập luyện, thi đấu điều lệnh, quân sự, võ thuật, thể
dục, thể thao; nội vụ, vệ sinh nơi tiếp khách; công tác phòng, chống cháy nổ,
thiên tai và bảo vệ môi trường;
đ) Thực hiện không đúng các quy định
về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng điện, nước, điện thoại,
internet, văn phòng phẩm của đơn vị;
e) Nhuộm tóc khác màu đen và
thực hiện không đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về mẫu tóc cán bộ, chiến
sĩ Công an nhân dân; móng tay để dài, sơn màu, gắn đá, đồ trang sức; cán bộ,
chiến sĩ nam để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt.
2. Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng
hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm khi vi phạm một trong các hành vi
trong các nhóm hành vi sau:
a) Không tham gia chào cờ Tổ quốc
theo quy định; khi làm nhiệm vụ trực ban, trực tiếp dân không ghi chép nội dung
liên quan trong ca trực vào sổ, không đeo băng trực ban, không ký nhận, bàn
giao hoặc giao, nhận không đầy đủ với ca trước hoặc sau ca trực của mình;
b) Trong giờ làm việc, hội họp, học
tập không mặc trang phục theo quy định, vắng mặt không có lý do, mang phương tiện
có tính năng thông tin liên lạc vào phòng họp khi đã có quy định cấm; thực hiện
không đúng các quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về quy tắc ứng xử của Công an
nhân dân;
c) Trong giờ làm việc, mặc trang
phục Công an nhân dân ăn, uống ở hàng quán; hút thuốc
trong khi làm nhiệm vụ, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường và ở những
nơi có quy định cấm; lập bàn thờ, để bát hương, thắp hương trong hội trường,
phòng họp, phòng khách, phòng làm việc, phòng ở, nhà kho, nhà ăn tập thể, nơi để
hồ sơ tài liệu thuộc phạm vi trụ sở đơn vị (trừ khi tổ chức lễ tang);
d) Không nắm vững quy định của Bộ
trưởng Bộ Công an về chức trách, nhiệm vụ và các mối quan hệ công tác; làm việc
không có chương trình kế hoạch; không xây dựng chương trình, kế hoạch công tác
tuần; báo cáo không đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ; vi phạm chế độ
nghỉ dưỡng, nghỉ phép;
đ) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về quản lý tài liệu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ
hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ; quản lý vật chứng, phương tiện và đồ vật tạm giữ;
quản lý tài sản, phương tiện của đơn vị; thu hồi trang phục, Công an hiệu, cấp
hiệu, phù hiệu, số hiệu, cành tùng, mũ kêpi; thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ,
phương tiện nghiệp vụ, các giấy tờ công tác khác;
e) Thực hiện không đúng các quy định
về trật tự an toàn giao thông, can thiệp trái phép vào việc xử lý vi phạm, kéo
dài thời hạn hoặc trì hoãn việc xử lý vi phạm điều lệnh.
3. Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng
hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm khi vi phạm một trong các hành
vi trong các nhóm hành vi sau:
a) Không xử lý vi phạm điều lệnh
hoặc áp dụng các hình thức xử lý vi phạm không đúng quy định, không thông báo xử
lý vi phạm cho đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm biết; lợi dụng chức vụ, quyền hạn
để sách nhiễu, đòi tiền, nhận quà của người vi phạm điều lệnh; không chấp hành
hoặc cản trở việc kiểm tra điều lệnh;
b) Uống rượu, bia và các chất có cồn
trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực, giờ trực;
vi phạm chế độ trực chỉ huy, trực ban, thường trực chiến đấu;
c) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về việc ra chỉ thị, mệnh lệnh và thực hiện chỉ thị mệnh lệnh;
d) Vi phạm các quy định về nếp sống
văn minh, gia đình văn hóa; quy tắc, quy ước của chính quyền địa phương nơi
công tác hoặc nơi cư trú.
4. Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng
hình thức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm khi vi phạm một trong
các hành vi trong các nhóm hành vi sau:
a) Khi phát hiện vụ việc liên quan
đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cần phải giải quyết nhưng không giải quyết
hoặc không báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền;
b) Gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng
đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và uy tín của lực lượng Công an nhân dân.
5. Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng
hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các hành vi thuộc các nhóm hành vi
sau:
a) Khi chuyển sang đơn vị khác, lực
lượng khác trong Công an nhân dân cố ý không nộp lại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật
liệu nổ, phương tiện nghiệp vụ, tài liệu và các giấy tờ có liên quan (do lực lượng
Công an cấp) cho đơn vị cũ;
b) Làm mất giấy tờ do lực lượng
Công an cấp (thẻ điều tra viên, thẻ tuần tra kiểm soát, giấy kiểm tra điều lệnh)
nhưng không kịp thời báo cáo để người khác lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm
pháp luật.
6. Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng
hình thức cảnh cáo khi vi phạm một trong các hành vi thuộc các nhóm hành vi
sau:
a) Có hành vi mua, bán, tàng trữ
trái phép trang phục Công an nhân dân;
b) Thực hiện không đúng quy định của
Bộ trưởng Bộ Công an về kỷ luật khi công tác biệt phái, xã hội hóa;
c) Khi gặp tình huống khẩn cấp, đột
xuất, bất ngờ có nguy cơ đe dọa, xâm phạm đến an ninh, trật tự, nhưng không
tham gia giải quyết, không tìm cách ngăn chặn hậu quả xảy ra, không báo ngay
cho đơn vị Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để giải quyết.
7. Ngoài các trường hợp xử lý vi
phạm trên, cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các hành vi liên quan đến bảo vệ
bí mật nhà nước; thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, quy trình công tác,
quy chế làm việc; chế độ thông tin báo báo, ra chỉ thị, mệnh lệnh và thực hiện
chỉ thị, mệnh lệnh; thanh tra, kiểm tra; trật tự an toàn giao thông; sản xuất
trái phép, làm giả trang phục, cấp hiệu, số hiệu Công an nhân dân; sử dụng giấy
chứng nhận Công an nhân dân, giấy chứng minh Công an nhân dân, số hiệu Công an
nhân dân và giấy tờ được cấp khác để phục vụ công tác; sử dụng chất gây nghiện trái
phép, đánh bạc, hoạt động mê tín, dị đoan, sử dụng rượu, bia, chất có cồn; văn
hóa ứng xử; quản lý, sử dụng tài liệu, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật
chứng, phương tiện nghiệp vụ, tài sản đến mức phải xử lý kỷ luật từ hình thức
Khiển trách đến Tước danh hiệu Công an nhân dân, thực hiện theo quy định của Bộ
trưởng Bộ Công an về xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Điều 10. Tình
tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ
1. Những tình tiết tăng nặng:
a) Có hành vi, lời nói gây cản trở,
đối phó hoặc không chấp hành việc kiểm tra theo yêu cầu của Tổ kiểm tra điều lệnh;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
vi phạm hoặc bao che, không xử lý vi phạm hoặc xử lý không đúng hành vi vi phạm
theo quy định;
c) Vi phạm nhiều lần trong năm;
d) Không tự giác nhận khuyết điểm,
có hành vi né tránh, che giấu vi phạm; khai báo không trung thực, ngăn cản người
khác cung cấp chứng cứ vi phạm, cản trở việc xác minh, xử lý vi phạm hoặc có
hành vi đe dọa, trù dập người tố cáo.
2. Những tình tiết giảm nhẹ:
a) Chủ động báo cáo hành vi vi phạm
của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, thành khẩn, nhận thức rõ sai phạm;
b) Có hành động ngăn chặn, làm giảm
bớt hậu quả của việc vi phạm; kịp thời khắc phục, sửa chữa;
c) Vi phạm do nguyên nhân khách
quan;
d) Tích cực tham gia vào các tổ chức,
hoạt động phong trào của đơn vị, có thành tích được khen thưởng.
3. Tình tiết tăng nặng, tình tiết
giảm nhẹ là một trong những căn cứ để đề nghị tăng hoặc giảm mức xử lý. Trường
hợp tình tiết tăng nặng nhiều hơn tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng hình thức xử
lý cao hơn một bậc so với hình thức xử lý của hành vi đó; trường hợp tình tiết
tăng nặng ít hơn tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng hình thức xử lý thấp hơn một bậc
so với hình thức xử lý của hành vi đó.
Điều 11.
Trình tự, thẩm quyền, hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh
1. Trình tự xử lý
a) Đối với đơn vị vi phạm điều lệnh:
Đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp
yêu cầu đơn vị vi phạm kiểm điểm, báo cáo về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức
xử lý; tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi vi phạm, nếu vi phạm đã
rõ thì không cần xác minh;
Căn cứ nội dung vi phạm để tổ chức
họp xét cho phù hợp: Nếu xử lý bằng hình thức phê bình thì tổ chức họp đơn vị
hoặc cán bộ chủ chốt (thành phần do thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp quyết
định), sau đó ra thông báo bằng văn bản; nếu xử lý bằng hình thức hạ bậc danh
hiệu thi đua trong năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua trong năm thì tổ
chức họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp trên trực tiếp (nếu không tổ chức họp
thì xin ý kiến bằng văn bản);
Sau khi xử lý, báo cáo bằng văn bản
về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp hoặc đơn vị ra thông báo.
b) Đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm
điều lệnh:
Lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản
lý yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm viết bản tự kiểm điểm về hành vi vi phạm và
tự nhận hình thức xử lý vi phạm; tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành
vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ; nếu vi phạm đã rõ thì không cần xác minh. Căn
cứ nội dung tự kiểm điểm của cán bộ, chiến sĩ và kết quả xác minh, tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm, xét thấy cần thiết phải tạm đình chỉ công tác của
cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra
quyết định;
Căn cứ nội dung vi phạm để tổ chức
họp xét cho phù hợp: Nếu xử lý bằng hình thức phê bình thì tổ chức họp đơn vị
hoặc cán bộ chủ chốt (thành phần do thủ trưởng đơn vị quyết định), sau đó ra
thông báo bằng văn bản; nếu xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua năm
hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua năm thì tổ chức họp Hội đồng thi đua,
khen thưởng cùng cấp (nếu không tổ chức họp thì xin ý kiến bằng văn bản); nếu xử
lý bằng hình thức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện theo quy định
của Bộ trưởng Bộ Công an về nhận xét, đánh giá và xếp loại cán bộ trong Công an
nhân dân; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật từ khiển trách đến tước danh
hiệu Công an nhân dân thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về xử
lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân;
Sau khi xử lý, báo cáo bằng văn bản
về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp hoặc đơn vị ra thông báo. Trường hợp
cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo cấp có thẩm quyền
chuyển tài liệu cho cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền xử lý
a) Trường hợp có căn cứ xử lý bằng
hình thức phê bình thì do thủ trưởng đơn vị (đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm
điều lệnh) hoặc thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp (đối với đơn vị vi phạm điều
lệnh) quyết định;
b) Trường hợp có căn cứ xử lý bằng
hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua
năm thì do Hội đồng thi đua, khen thưởng cùng cấp hoặc Hội đồng Thi đua, khen
thưởng cấp trên trực tiếp quyết định;
c) Trường hợp có căn cứ xử lý bằng
hình thức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện theo quy định của Bộ
trưởng Bộ Công an về nhận xét, đánh giá và xếp loại cán bộ trong Công an nhân
dân;
d) Trường hợp có căn cứ xử lý bằng
hình thức từ Khiển trách trở lên thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ
Công an về xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
3. Hồ sơ xử lý, bao gồm:
a) Biên bản kiểm tra điều lệnh hoặc
biên bản vi phạm điều lệnh; biên bản xác minh, các tài liệu chứng cứ khác (nếu
có);
b) Báo cáo kiểm điểm của đơn vị vi
phạm điều lệnh; bản tự kiểm điểm, tường trình của cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều
lệnh;
c) Biên bản họp xét, đề nghị xử lý
vi phạm; biên bản kiểm phiếu (nếu có);
d) Quyết định xử lý, thông báo kết
quả xử lý vi phạm.
4. Hồ sơ tài liệu xử lý vi phạm điều
lệnh do cơ quan tham mưu đề xuất xử lý vi phạm lưu trữ. Việc lưu trữ hồ sơ thực
hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác văn thư hành chính, hồ
sơ lưu trữ văn bản quản lý nhà nước trong Công an nhân dân.
Điều 12.
Xử lý liên đới trách nhiệm
1. Đối với đơn vị vi phạm điều
lệnh:
a) Trường hợp đơn vị vi phạm
bị xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức phê bình; trường hợp đơn vị vi phạm nhiều lần,
thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực
tiếp bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua
năm;
b) Trường hợp đơn vị vi phạm
bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua
năm, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách
trực tiếp bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi
đua năm; trường hợp đơn vị vi phạm nhiều lần, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử
lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm.
2. Đối với cán bộ, chiến sĩ
vi phạm điều lệnh:
a) Trường hợp cán bộ, chiến
sĩ vi phạm bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm, thủ trưởng
đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức phê
bình;
b) Trường hợp cán bộ, chiến
sĩ vi phạm bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm đến xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, thủ trưởng
đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức hạ một
bậc danh hiệu thi đua năm;
c) Trường hợp cán bộ, chiến
sĩ vi phạm bị xử lý kỷ luật từ hình thức Khiển trách đến Tước danh hiệu Công an
nhân dân, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng
hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm. Trường hợp
lãnh đạo, chỉ huy có liên quan trực tiếp đến hành vi
vi phạm của cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật, thực hiện theo quy định của Bộ
Công an về kỷ luật cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.
3. Thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo,
chỉ huy phụ trách trực tiếp chịu trách nhiệm liên đới nếu để đơn vị, cán bộ,
chiến sĩ vi phạm điều lệnh hoặc để quá thời hạn xử lý vi phạm điều lệnh. Trường
hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm nhiều lần mà trước đó thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo,
chỉ huy phụ trách trực tiếp đã nhắc nhở, chấn chỉnh bằng văn bản hoặc nhắc nhở,
chấn chỉnh trong cuộc họp, giao ban của đơn vị (nội dung chấn chỉnh, nhắc nhở
được ghi trong biên bản họp, giao ban của đơn vị), đồng thời có văn bản báo cáo
lãnh đạo cấp trên trực tiếp thì thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ
trách trực tiếp không phải chịu trách nhiệm liên đới.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 13.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2021, thay thế Thông tư số 10/2010/TT-BCA ngày 25 tháng 02 năm 2010 của Bộ
trưởng Bộ Công an quy định xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.
Điều 14.
Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc
Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc học viện,
Hiệu trưởng trường Công an nhân dân chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư
này.
2. Cục Công tác đảng và công tác
chính trị chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị có liên quan đôn đốc, theo
dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có vướng mắc, Công an đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Bộ (qua Cục
Công tác đảng và công tác chính trị) để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Các Thứ trưởng (để chỉ
đạo thực hiện);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật);
- Công báo;
- Lưu: VT, V03, X03 (P8). 170
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm
|