ỦY BAN TRUNG
ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/TT-MTTW-BTT
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 9 năm 2020
|
THÔNG TRI
HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị
quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về
tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy chế giám sát, phản biện xã hội của
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban
hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của
Bộ Chính trị); Quy định về việc MTTQ Việt
Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền” (ban hành theo Quyết định số 218-QĐ/TW
12/12/2013 của Bộ Chính trị), Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến giám sát cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức, đại biểu dân cử và công tác cán bộ của MTTQ Việt Nam;
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
ban hành Thông tri hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện giám sát
cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ như sau:
I. GIÁM SÁT CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
1. Đối tượng
và phạm vi giám sát
Thực hiện giám sát cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử (sau đây gọi chung là cán bộ, đảng
viên) tại nơi cư trú và nơi làm việc.
2. Nội dung
giám sát
2.1.
Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
Việc thực hiện nguyên tắc tập
trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; kỷ
luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết, thống nhất. Các biểu hiện, hành vi tham
nhũng, lãng phí, chi tiêu công quỹ sai quy định; dung túng, bao che, tiếp tay
cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chạy chức quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển,
chạy bằng cấp, chạy danh hiệu, chạy kỷ luật, chạy tội; đánh bạc, rượu chè bê
tha, mê tín dị đoan; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền
thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; bệnh
“thành tích”, chạy “thành tích”; quan liêu, xa rời quần chúng, thờ ơ, vô cảm, cục
bộ, bè phái, cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cá
nhân, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc, đòi hỏi chính đáng của
Nhân dân.
2.2.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Thực hiện theo các quy định của Đảng (Quy định số
101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất
là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về một
số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy
định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng
viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về
việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền;
Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản…), trong đó, tập trung
vào một số nội dung sau:
- Bản thân và gia đình (cha, mẹ,
vợ hoặc chồng, con) gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của đoàn thể, quy tắc đạo đức nghề
nghiệp; thực hiện quy ước, hương ước của khu dân cư, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổ chức giỗ, tết,
sinh nhật; tránh lãng phí, xa hoa, gây phản cảm trong xã hội.
-
Gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; khiêm tốn, trung thực,
dũng cảm; chống phô trương hình thức; chống tham nhũng, lãng phí, “tư duy nhiệm
kỳ”, “lợi ích nhóm”, dối trá, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi
đôi với làm, chạy theo danh vọng, địa vị, tư lợi cá nhân, tha hóa quyền lực.
-
Gương mẫu, trung thực trong kê khai lý lịch, bằng cấp, tài sản (nhà đất, thu nhập,
vốn góp…); động viên ông, bà, cha, mẹ, vợ hoặc chồng, anh, chị, em và giáo dục
con cháu giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không xa hoa, không vi phạm pháp
luật; không để người thân lợi dụng vị trí công tác, quyền hạn của mình để trục
lợi.
-
Nêu gương trong việc thực hiện các quy định khi đi công tác tại các cơ quan, cơ
sở trong và ngoài nước.
2.3.
Đạo đức, văn hóa công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ
- Việc thực hiện các chuẩn
mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt
trong việc ban hành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế công
tác; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện công tác vận
động quần chúng; việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa công sở, việc thực hiện
Quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Việc chấp hành và thực
hiện các quy định của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức, tập trung vào các nội dung: cán bộ, công chức,
viên chức phải thực hiện nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nghĩa vụ
trong thi hành công vụ, nghĩa vụ là người đứng đầu; phải thực hiện cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và không được trốn tránh
trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ
việc; sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm
dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi; tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà
nước.
2.4. Về
việc giữ mối liên hệ với Nhân dân
- Các nội dung tại Điều 2 Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị
khoá XII về trách nhiệm của đảng viên đang công
tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú.
- Đối với những người đứng đầu
cấp ủy: giám sát việc thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ
Chính trị về trách nhiệm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và phản ánh kiến
nghị của Nhân dân.
3. Hình thức giám sát
- Thông qua quá trình
tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, đảng viên; qua các hoạt động của MTTQ, đoàn thể,
hội nghị, diễn đàn, tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, phiếu khảo sát, qua hòm thư
góp ý…
- Thông qua tiếp nhận
thông tin báo cáo, kiến nghị của các tổ chức; khiếu nại, tố cáo, phản ánh của
cá nhân, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; qua phản ánh của người có uy tín
trong cộng đồng dân cư, dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng.
- Thông qua hoạt động của
Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn
và Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công
lập, doanh nghiệp nhà nước.
- Thành lập đoàn giám sát của Ủy
ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.
4. Phương pháp tiến hành
4.1. Phương pháp tiến hành
chung
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt
Nam các cấp thực hiện giám sát thường xuyên. Đồng thời, khi nhận được thông tin
phản ánh hoặc phát hiện cán bộ, đảng viên thuộc cấp ủy đảng cùng cấp quản lý có
dấu hiệu, hành vi vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì chủ
động trao đổi với cơ quan kiểm tra, thanh tra cùng cấp, triển khai hoạt động
giám sát cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết liên tịch số
403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ; gửi kiến nghị sau giám sát đến cấp ủy,
cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên (trường hợp phát hiện cán bộ, đảng
viên không thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý có biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống thì báo cáo, phản ánh với cấp có thẩm quyền quản
lý cán bộ, đảng viên).
4.2. Đối
với cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú
* Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp xã
Thực hiện giám sát như đã nêu tại
mục 4.1, tuy nhiên, chỉ triển khai giám sát đối với cán bộ, đảng viên ở nơi cư
trú và chỉ thành lập đoàn giám sát khi xét thấy cần thiết. Nhiệm vụ trọng tâm
là:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch
giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú.
- Phân công, chỉ đạo, hướng
dẫn Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư, Ban Thanh tra nhân dân thực hiện giám
sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú trên cơ sở danh sách cán bộ, đảng
viên sinh hoạt tại nơi cư trú theo từng địa bàn dân cư (Danh sách cần ghi rõ
người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên).
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Công
tác Mặt trận ở các khu dân cư phối hợp với Chi ủy trong đánh giá, nhận xét đối
với cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú.
- Ban hành báo cáo giám sát,
trong đó nêu rõ các đề xuất, kiến nghị, phản ánh với cấp ủy cùng cấp và Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện.
- Báo cáo định kỳ 06
tháng, 01 năm và báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất khi được yêu cầu với cấp ủy
cùng cấp và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện.
* Ban Công tác Mặt trận ở
khu dân cư
- Căn cứ số lượng, danh sách
cán bộ, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú để phối hợp với chi đoàn, chi hội các
đoàn thể chính trị - xã hội phân công các thành viên giám sát đối với từng cán
bộ, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú.
- Tổng hợp kết quả giám
sát, báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc khi có yêu cầu của chi bộ khu dân cư
và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.
- Phối hợp với chi ủy nhận xét
cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú theo định kỳ và khi có đề nghị, yêu
cầu thực hiện liên quan đến hồ sơ về công tác cán bộ, đảng viên.
* Ban Thanh tra nhân dân
Căn cứ vào chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã để tổ chức các hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên
ở nơi cư trú đối với các nội dung nêu trên theo quy định của pháp luật về Thanh
tra nhân dân.
* Nhân dân
Thực hiện quyền giám sát bằng
cách theo dõi, phát hiện, phản ảnh, kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cơ quan có thẩm quyền
theo những nội dung và biểu hiện có liên quan quy định tại mục I.2 văn bản này (nội
dung giám sát) thông qua phản ánh trực tiếp, bằng văn bản, hòm thư góp ý,
thư điện tử…
4.3. Đối
với cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp và
đề nghị công đoàn cùng cấp chủ trì, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn công đoàn các
cơ quan, đơn vị triển khai giám sát thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên tại
nơi làm việc thông qua phương pháp giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (tổ chức công
đoàn định hướng nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp: công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở,
công đoàn cơ sở và công đoàn bộ phận, tổ công đoàn).
Tổ chức MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp cùng tổ
chức công đoàn cùng cấp theo dõi, nắm bắt, trao đổi thông tin, các ý kiến góp
ý, phản ánh và tổng hợp tình hình liên quan, báo cáo cấp ủy cùng cấp, Ủy ban
MTTQ Việt Nam, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp (định kỳ 06 tháng, 1 năm hoặc
đột xuất).
II. GIÁM SÁT CÔNG TÁC CÁN BỘ
1. Đối tượng
và phạm vi giám sát
Tập thể cấp ủy các cấp, các tổ
chức cơ sở Đảng, các cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ
quan, tổ chức về công tác cán bộ thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý trở xuống (đối
tượng cấp ủy quản lý thực hiện theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ
Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và
các quy định về phân cấp, quản lý cán bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương).
2. Nội
dung giám sát
2.1.
Giám sát việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ
- Giám sát
công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về xây dựng
đội ngũ cán bộ.
- Giám sát việc
công khai và thực hiện quy trình các khâu trong quản lý cán bộ:
+ Tuyển chọn, bố
trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ.
+ Đánh giá cán bộ.
+ Quy hoạch, đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ.
+ Bổ nhiệm, giới
thiệu cán bộ ứng cử; miễn nhiệm cán bộ.
+ Khen thưởng, kỷ
luật cán bộ.
+ Thực hiện chế độ,
chính sách cán bộ.
+ Kiểm tra, giám
sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ.
- Giám sát việc
thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn,
quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự lãnh đạo của từng cấp theo quy định; việc
cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; trách nhiệm của tập
thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Căn cứ tình
hình thực tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp lựa chọn các khâu để giám sát cho
phù hợp với từng thời điểm cụ thể; thường xuyên, đột xuất, định kỳ tổng hợp,
phản ánh ý kiến của Nhân dân, người uy tín tiêu biểu về công tác cán bộ đến cấp
ủy, chính quyền, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp (người đứng
đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền).
2.2. Giám sát việc thực
hiện các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức,
chạy quyền theo Quy định số 205- QĐ/TW của Bộ Chính trị
- Ủy ban MTTQ Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực
hiện việc theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực
trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; lắng nghe ý kiến Nhân dân;
phản ánh, cung cấp thông tin với cấp ủy, chính quyền những trường hợp cán bộ
thiếu tiêu chuẩn, không trung thực, biểu hiện lợi dụng công tác cán bộ, vi phạm
nguyên tắc, quy định, có các biểu hiện tiêu cực, hành vi chạy chức, chạy quyền,
bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
- Giám sát việc
thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền đối với
cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm
vụ, quyền hạn được giao đối với cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng đội
ngũ cán bộ.
2.3. Giám sát việc thực hiện trách nhiệm của
cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện góp ý, giám sát cán bộ, đảng viên và
công tác cán bộ
- Giám
sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định
số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị) và Quy định về việc MTTQ Việt
Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền (Ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW,
ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị);
- Giám sát việc thực hiện Quyết
định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành “Hướng
dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy
vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/2/2018
của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống
của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” và các quy định
liên quan đến việc thực hiện góp ý, giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán
bộ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tại địa phương.
3. Hình
thức giám sát
- Thông qua quá trình tìm hiểu,
theo dõi việc thực hiện quy trình về công tác cán bộ, việc kiểm điểm, đánh giá,
góp ý, nhận xét định kỳ, nhiệm kỳ của đối tượng giám sát.
- Thông qua tiếp nhận thông tin
báo cáo, phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân, đoàn
viên, hội viên và Nhân dân; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng, ý
kiến của các cá nhân uy tín tiêu biểu từ khu dân cư.
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ
Việt Nam các cấp thực hiện các hình thức góp ý, góp ý trực tiếp cho cán bộ để cán
bộ tự soi, tự nhận trách nhiệm, tự sửa. Nếu cán bộ không tự soi, tự sửa, tự khắc
phục thì phản ánh với cấp ủy cùng cấp và báo cáo với Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp trên.
4. Phương
pháp tiến hành
- Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp tỉnh phối hợp và đề nghị công đoàn cùng cấp chủ
trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn công đoàn các cơ quan, đơn vị giám sát thường
xuyên đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ tại
các cơ quan, đơn vị.
- Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với công đoàn cùng cấp tổ
chức đoàn giám sát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có yêu cầu. Quy
trình thực hiện giám sát theo đoàn được thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số
403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ; Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT ngày
21/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó,
chú ý các nội dung:
+ Ban hành Quyết định thành lập
Đoàn giám sát (MTTQ Việt Nam chủ trì, đại diện lãnh đạo là Trưởng Đoàn, thành
viên là thư ký; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và mời đại diện cơ quan
Kiểm tra, Tổ chức, Nội chính của Đảng, cơ quan Nội vụ cùng cấp ở địa phương là
thành viên).
+ Ban hành đề cương nội dung
giám sát gửi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giám
sát (nội dung giám sát như đã nêu ở mục II.2) để chuẩn bị báo cáo.
+ Thu thập, tổng hợp tài liệu,
thông tin liên quan; nghiên cứu, đối chiếu, so sánh với báo cáo mà đối tượng được
giám sát đã cung cấp cho đoàn giám sát.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam phối hợp với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan giám sát cán bộ, đảng
viên và công tác cán bộ ở Trung ương và các tỉnh, thành phố theo quy định; hướng
dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố triển khai giám sát cán bộ, đảng
viên và công tác cán bộ ở địa phương.
2. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam
các địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai
giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của cấp ủy
cùng cấp và các cấp dưới.
3. Đề
nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, ban hành hướng
dẫn đối với công đoàn các cấp giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc và thực
hiện giám sát thường xuyên đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến công tác
tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, đơn vị.
4. Đề
nghị các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương thực hiện giám sát theo Chương
trình phối hợp số 30/CTPH-MTTW-TCTV ngày 30/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam,
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về phối hợp giám sát, phản biện
xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân theo Nghị
quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; hướng dẫn tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai giám sát.
5. Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển
khai thực hiện. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6), 01 năm (trước ngày 15/12) tổng
hợp kết quả, gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam để tổng hợp kết quả chung. Trong quá trình thực hiện Thông tri này, nếu
có những vấn đề khó khăn, vướng mắc, báo cáo với Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam để kịp thời hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- UBTV Quốc hội; Chính phủ;
- Các ban xây dựng Đảng; Văn phòng TW Đảng;
Bộ, ngành Trung ương;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Các vị Ủy viên, tổ chức thành viên MTTQ VN;
các vị trong các HĐTV;
- Các tỉnh, thành ủy;
- Ủy ban MTTQ các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các ban, đơn vị trong cơ quan;
- Lưu VT, DCPL.
|
TM. BAN THƯỜNG
TRỰC
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|