VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
86/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN VỀ
CÔNG TÁC ỨNG PHÓ HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 27 và 28 tháng 4 năm 2016, Phó
Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn
tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và dự Hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn
hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng dự có đồng chí Cao Đức
Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng chống thiên tai, đồng chí Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy
Sóc Trăng, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài
nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân dân 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng
sông Cửu Long. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Từ năm 2014 đến nay tình hình thiên
tai diễn biến bất thường, đặc biệt từ đầu năm 2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long
đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sâu, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất,
đời sống của người dân, trong đó trên 200.000 hộ bị thiếu nước ngọt, đặc biệt
thiên tai đã ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế
nông nghiệp của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có
các Nghị quyết, Chỉ thị, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ
trực tiếp kiểm tra, thị sát, làm việc với các địa phương và có các Thông báo để
tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống, khắc
phục hạn hán, xâm nhập mặn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ: Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Y tế, các tổ chức
chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp,... đặc biệt là các địa phương trong vùng đã vào cuộc rất quyết liệt,
triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao,
cùng với sự chủ động vào cuộc của người dân, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại
do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, góp phần tháo gỡ khó khăn
cho sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của người dân.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ
tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của các Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng chống thiên tai,
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các cấp ủy đảng,
chính quyền và nhân dân các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn để vừa
duy trì sản xuất và quan tâm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời
chia sẻ những khó khăn của các địa phương, đặc biệt là của người dân vùng Đồng
bằng sông Cửu Long trong giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn
kéo dài.
II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI:
Từ đầu tháng 4 năm 2016 lượng dòng chảy
từ đầu nguồn sông Cửu Long đã bắt đầu được cải thiện, góp phần đẩy mặn, tạo điều
kiện lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng hạn
hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến hết sức phức tạp
và gay gắt, nhất là thời gian đầu tháng 5 năm 2016. Dự báo, tình hình biến đổi
khí hậu diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn và diễn biến cực đoan hơn. Do đó, những
giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cần phải tiếp tục được triển khai
thực hiện quyết liệt, căn cơ và hiệu quả hơn.
1. Nhiệm vụ trước mắt:
a) Các Bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi
sát diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động chỉ đạo và
phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải
pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn được nêu trong các Nghị quyết, Chỉ thị của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông báo ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh
đạo Chính phủ, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Hội nghị; tiếp
tục huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, đặc biệt là vai trò của
người dân trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương đảm bảo đủ nước
sinh hoạt cho người dân; tiếp tục rà soát, hỗ trợ kịp thời các hộ khó khăn, hộ
gia đình chính sách về nguồn nước sinh hoạt để người dân có cuộc sống ổn định,
không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục
theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo nguồn nước, đặc biệt là diễn biến dòng chảy
từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn để kịp thời
thông tin cho các cơ quan, các địa phương và người dân biết để chủ động ứng
phó, tích trữ nước, khai thác nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, kinh doanh và
sinh hoạt, cũng như chủ động sản xuất mùa vụ phù hợp.
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với các địa phương tiếp tục chỉ đạo vận hành các công trình để lấy
nước, tích trữ nước ngọt vào hệ thống kênh rạch, hồ ao, vùng trũng; chỉ đạo các
địa phương tăng cường liên kết vùng để huy động, khai thác các nguồn lực hiệu
quả nhất cho ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
đ) Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố
khẩn trương thực hiện và giải ngân các nguồn kinh phí được bố trí, hỗ trợ từ
ngân sách trung ương, đồng thời huy động các nguồn lực hợp
pháp khác để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động bổ sung các trạm bơm dã
chiến để lấy nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; cơ cấu lại mùa vụ, chỉ đạo
thời vụ sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước; triển khai có hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng, kiên quyết không để
xảy ra cháy lớn, nếu xảy ra cháy phải kịp thời cô lập, dập
tắt đám cháy, không để cháy lan rộng.
2. Nhiệm vụ dài hạn:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm cập
nhật, bổ sung kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đến cấp xã, làm cơ sở để tổ
chức lập, điều chỉnh các quy hoạch (cuối cùng là quy hoạch
sử dụng đất). Tăng cường năng lực giám sát, dự báo khí tượng
thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với
từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Tiếp tục hoàn chỉnh bản đồ phân bổ nguồn
nước mặt, nước dưới đất làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân đầu
tư khai thác đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
b) Các Bộ, ngành trung ương tập trung
xây dựng, rà soát điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu,
nước biển dâng, trong đó có quy hoạch tổng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch
phát triển nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, quy hoạch xây dựng
vùng, quy hoạch giao thông vùng, cấp nước
vùng, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt
là quy hoạch trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô phù
hợp với phát triển sản xuất, trên cơ sở đó điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với các địa phương tập trung điều chỉnh sản xuất nông, lâm nghiệp,
thủy sản, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật
nuôi phù hợp, chủ động thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.
d) Trên cơ sở các quy hoạch ngành, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế
hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn và hàng năm, trong đó lựa chọn các dự án cấp
bách ưu tiên để đầu tư trước trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn chế nhằm bảo
đảm hiệu quả đầu tư.
đ) Về cơ chế
chính sách:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan có liên quan
rà soát, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết
kiệm nước để giảm đầu tư,
đồng thời có các biện pháp hành chính, kinh tế nhằm nâng cao ý thức của doanh
nghiệp, tổ chức, người dân trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn
trương nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ
nghèo, hộ chính sách, khó khăn ở vùng thường xuyên thiếu nguồn nước ngọt (như
vùng bãi ngang) để bảo đảm cuộc sống.
- Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách huy động nguồn lực cho đầu
tư phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, phát triển hạ tầng
tại các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó tập trung ưu tiên vốn ngân
sách, vốn ODA đầu tư các công trình này.
e) Các địa phương tăng cường quản lý
khai thác cát trên sông và vùng ven biển; chủ động bảo vệ diện tích rừng hiện
có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn
ven biển, góp phần phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững
cho người dân.
g) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm
tranh thủ nguồn vốn ODA cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực dự báo thiên tai, biến
đổi khí hậu, điều tiết, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn
nước sông Mê Công, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tập hợp các kiến nghị của các địa phương, các Bộ, ngành, sắp xếp ưu tiên,
chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
2. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền
liên quan đến các công trình cấp bách cần đầu tư, sửa chữa ngay nhằm ứng phó với
hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan rà soát lại danh mục các dự
án cấp bách cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trong kế hoạch đầu tư công
trung hạn giai đoạn tới, trên cơ sở khả năng cân đối nguồn vốn để báo cáo cấp
thẩm quyền theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng chống
thiên tai;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, XD, LĐ-TB&XH, YT, KH&ĐT, TC;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre,
Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh
Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
các vụ: TH, KTTH, V.III, TGĐ
Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|