VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
85/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU PHỐI, PHÁT
TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
Ngày 16 tháng 3 năm 2010, tại tỉnh
Đồng Nai, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ
đạo điều phối, phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm. Tham dự Hội nghị có lãnh
đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Giao
thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường,
Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính
phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc các Vùng Kinh tế trọng điểm. Sau khi
nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về kết quả thực hiện công tác điều
phối năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động điều phối năm 2010 và ý kiến
các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến
kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Tình hình kinh tế – xã hội của các
địa phương thuộc các Vùng kinh tế trọng điểm thời gian qua đã có bước phát
triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục phát huy vai trò động
lực của nền kinh tế đất nước, bảo đảm mục tiêu quan trọng là đầu tàu dẫn dắt và
có sức lan tỏa đến các địa phương khác.
Năm 2009, trong điều kiện khó khăn
do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước do thiên
tai, dịch bệnh, … nhưng các Vùng kinh tế trọng điểm đã đạt được kết quả khá
toàn diện: tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 11,1% (cả nước 5,3%), trong
đó, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 80%, nông nghiệp 45%, dịch vụ 75%, giá
trị xuất khẩu 91% và thu ngân sách của các địa phương trong Vùng chiếm 88,9%
của cả nước.
Đạt được các kết quả nêu trên, có
sự đóng góp quan trọng của công tác điều phối, phát triển các Vùng kinh tế
trọng điểm. Công tác điều phối đã đi vào ổn định, thu được một số kết quả tốt;
tạo điều kiện cho các địa phương khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế
trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác điều phối, phát
triển các Vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn một số tồn tại, yếu kém, cụ thể là
một số Bộ, ngành, địa phương còn bị động, chưa nhận thức rõ công tác điều phối
và hoạt động điều phối, chưa chủ động tham mưu, đề xuất và chưa có kế hoạch
điều phối cụ thể. Việc nhận thức chưa thống nhất giữa công tác điều phối của Tổ
chức điều phối với công tác điều hành của hệ thống hành chính, dẫn đến kết quả
hoạt động điều phối còn hạn chế, chưa phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của công
tác điều phối, phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI
GIAN TỚI
Để công tác điều phối, phát triển
các Vùng kinh tế trọng điểm đạt kết quả cao trong năm 2010, các Bộ, ngành và
địa phương cần tập trung, chỉ đạo thực hiện tốt các công việc sau:
1. Về phát triển sản xuất:
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến
phục hồi của nền kinh tế thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, giảm nhập
siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại danh mục hàng hóa xuất khẩu đi
đôi với phát triển thị trường trong nước; sản xuất hàng hóa phải đáp ứng ngày
càng cao nhu cầu thị trường nội địa, theo phương châm “người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam”.
- Nghiên cứu mở rộng thị trường
đúng hướng để tạo nhu cầu cho phát triển sản xuất ổn định. Ưu tiên cân đối các
nguồn vốn kịp thời cho sản xuất. Tình trạng thiếu lao động của một số ngành sản
xuất cần được tháo gỡ bằng chính sách thu hút lao động như đào tạo và kết hợp
đào tạo lại ở các trung tâm của các đô thị lớn, xây nhà ở cho công nhân, cải
thiện điều kiện làm việc và quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Chuyển
dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công
nghiệp, dịch vụ.
- Việc ổn định giá cả, kìm chế lạm phát
cao trở lại là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trong đó đối với Vùng kinh tế
trọng điểm lại càng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến cả nước, do vậy các địa
phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
2. Về phát triển dịch vụ: đây là
ngành tăng trưởng nhanh trong những năm qua, nhưng tiềm năng còn rất lớn, không
đòi hỏi nhiều vốn, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm cần tiếp tục
đầu tư đẩy mạnh phát triển lĩnh vực dịch vụ phù hợp với lợi thế, tiềm năng của
địa phương mình.
3. Về đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh
tế - xã hội: Trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch phát
triển Vùng. Dựa trên định hướng phát triển kinh tế từng Vùng, mỗi địa phương
xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch giai đoạn 2011 – 2020, làm cơ sở
cho xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm. Ưu tiên đảm bảo vốn cho công tác chuẩn
bị đầu tư.
Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ mọi
thành phần kinh tế trong nước và vốn ODA, FDI phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Các dự án đầu tư công nghiệp cần phải được xem xét, chọn lọc theo hướng ưu tiên
thu hút đầu tư những dự án có hệ số sử dụng vốn lớn, công nghệ sạch, không gây
ô nhiễm môi trường và hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Để đảm bảo nguồn nước cho phát
triển kinh tế - xã hội bền vững, các địa phương khẩn trương triển khai các quy
hoạch cấp, thoát nước. Trong Quy hoạch thủy lợi, cần tính toán kỹ quy mô, hiệu
quả của việc xây dựng các tuyến đê biển, gắn với các dự báo về biến đổi khí hậu
và nước biển dâng.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương triển khai ngay việc lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã
hội các Vùng kinh tế trọng điểm trong năm 2010; đồng thời, đôn đốc các địa
phương tập trung vào công tác trọng tâm trước mắt là rà soát, điều chỉnh quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, phù hợp với
quy hoạch phát triển Vùng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Tích cực tìm các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Ưu tiên vốn ODA
cho các địa phương xây dựng hệ thống cấp nước công suất lớn có thể đáp ứng nhu
cầu liên tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan và các địa phương liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các
Vùng kinh tế trọng điểm, báo cáo Ban Chỉ đạo điều phối, phát triển các Vùng
kinh tế trọng điểm để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp
với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức các Hội nghị chuyên đề, giải quyết các
vấn đề cụ thể theo kế hoạch; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành
và địa phương báo cáo lên Ban Chỉ đạo. Phát hành Bản tin Vùng kinh tế trọng
điểm, nhằm cung cấp thông tin, số liệu, giúp các Bộ, cơ quan và địa phương liên
quan trong hoạt động điều phối.
Trong thời gian tới công tác điều
phối có trọng điểm: phân tích, đánh giá, định hướng cho mỗi ngành sản xuất, mỗi
sản phẩm chủ lực của từng Vùng, từng địa phương; qua đó giúp địa phương đưa vào
quy hoạch phát triển.
Xây dựng, triển khai kế hoạch họp
giao ban và kiểm tra việc thực hiện công tác điều phối của các Bộ, ngành, địa
phương trong từng Vùng kinh tế trọng điểm, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo điều
phối, phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm.
5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã
hội: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phối hợp với
Văn phòng Ban Chỉ đạo và các địa phương tổ chức các Hội nghị chuyên đề nhằm
hoàn thiện các chính sách về lao động, việc làm; đáp ứng nhu cầu lao động của
các địa phương, doanh nghiệp tại 4 Vùng kinh tế trọng điểm, phù hợp với sự phát
triển kinh tế trong nước và tình hình phục hồi của kinh tế thế giới.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành xây dựng Quy hoạch thủy lợi cho
4 vùng kinh tế trọng điểm, Quy hoạch xây dựng các tuyến đê ven biển kết hợp với
tổ chức giao thông, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đó
lập các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư.
7. Bộ Xây dựng: Khẩn trương hoàn
thành xây dựng Quy hoạch cấp, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải cho Vùng
kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng cơ chế, chính sách
thực hiện Quy hoạch xử lý chất thải rắn của các Vùng kinh tế trọng điểm và cơ
chế, chính sách cho việc xử lý rác, chất thải ở các vùng nông thôn, theo các
cấp độ: xã và liên xã, cụm huyện và liên huyện, cấp vùng.
8. Bộ Giao thông vận tải: Khẩn
trương hoàn thành, trình duyệt trong quý II năm 2010 Quy hoạch mạng lưới giao
thông cho 4 Vùng kinh tế trọng điểm.
9. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch các
lưu vực sông và hoàn thiện Chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
và nước biển dâng, trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các
dự án cụ thể.
10. Bộ Công Thương: Chủ trì, phối
hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết mô hình thí điểm Khu công nghiệp hỗ trợ
tại tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách để áp dụng chung
cho các địa phương khác, trình Thủ tướng Chính phủ.
11. Bộ Thông tin và Truyền thông:
Khẩn trương lập Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Vùng
kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và hướng dẫn các địa phương xây
dựng Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và bưu chính, viễn thông. Khẩn
trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án xây dựng mạng thông
tin liên kết Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
12. Đối với các địa phương thuộc
các Vùng kinh tế trọng điểm: Chủ động đề xuất lên Ban Chỉ đạo điều phối những
vấn đề cần điều phối tại địa phương mình; phối hợp với các địa phương trong
Vùng và Văn phòng Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động chuyên đề gắn với đặc điểm,
tình hình địa phương.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA CÁC
TỈNH:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp
kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị này (vấn đề xử lý chất thải rắn, đào
tạo nguồn nhân lực, phân bổ và thanh toán vốn đầu tư của Trung ương cho địa
phương, tìm nguồn vốn giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng tạo quỹ đất
sạch thu hút đầu tư nước ngoài), đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao
nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo quy định.
2. Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối
làm việc cụ thể và thống nhất với các địa phương để lựa chọn các chuyên đề cấp
thiết, quan trọng để thực hiện công tác điều phối, phát triển có hiệu quả.
3. Về việc đầu tư tuyến đường liên
cảng của tỉnh Đồng Nai và nối với các cảng trong Vùng: giao Bộ Giao thông vận
tải hướng dẫn Tỉnh hoàn tất thủ tục đầu tư dự án và tìm nguồn vốn thực hiện,
trình duyệt theo quy định.
4. Thành phố Đà Nẵng làm việc với
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan về Dự án đường hành lang
kinh tế Đông – Tây 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Giao Bộ Công Thương chủ trì,
phối hợp với các Bộ và địa phương liên quan xem xét toàn diện Dự án thủy điện
Đắc Mi 4 trên sông Bung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ Giao thông vận tải phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thống nhất với nhà tài trợ về nguồn vốn
để đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi và tìm
nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh Quảng Nam đầu tư tuyến đường Đà Nẵng – Hội An. Đồng thời
chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh Quảng Nam hoàn tất thủ tục đầu tư dự án khai thông sông
Cổ Cò và trình duyệt theo quy định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc các Vùng kinh tế
trọng điểm biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài
nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh
và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thuộc 4 Vùng kinh tế trọng điểm;
- Văn phòng BCĐ điều phối các Vùng KTTĐ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX;
- Lưu: VT, ĐP (5).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Văn Phượng
|