VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 51/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 02 năm 2019
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO
TỈNH ĐỒNG NAI.
Ngày 08 tháng 01 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ
Vương Đình Huệ đã đi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về tình hình
phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phát triển doanh nghiệp, Chương trình xây
dựng nông thôn mới, thực trạng và định hướng thu hút sử dụng FDI; phương hướng
nhiệm vụ năm 2019 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc với Phó
Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường,
Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Đồng
Nai và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương
và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và những thành tựu đạt được
của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai trong năm qua. Mặc dù có nhiều
khó khăn nhưng nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt Nghị quyết của Tỉnh đề ra. Đồng
Nai là một trong sáu tỉnh thu ngân sách cao nhất của cả nước và là một trong 16
tỉnh điều tiết ngân sách về Trung ương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của
đất nước. Năm 2018, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao (GRDP) đạt 8,1%, GRDP bình
quân đầu người đạt 4.226 USD. Cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng, các ngành dịch
vụ có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Chỉ số sản
xuất công nghiệp (IIP) tăng 9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
tăng 9,16%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,3%. Tổng mức bán lẻ
hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 162,5 ngàn tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ. Công
tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường, nâng
cao chất lượng và phát triển mới các điểm du lịch góp phần tích cực để xây dựng
ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách trên địa
bàn đạt trên 50.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 95%. Khu công nghiệp và cụm
công nghiệp phát triển mạnh (32 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó 31
khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy 77%; 23 cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy 40%). Huy động
vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 90.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so cùng kỳ.
Thu hút đầu tư trong nước đạt trên 27.800 tỷ đồng, đạt 278,5% kế hoạch năm; đầu
tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1.800 triệu USD; thành lập mới 3.500
doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt trên 30.400 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt
18,6 tỷ USD, tăng 11,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 16 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ,
đạt mức suất siêu khoảng 2,6 tỷ USD.
Công tác bảo vệ môi trường và kiểm soát chặt chẽ
các nguồn thải, đặc biệt là các ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát thải
cao. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia (QC02) đạt
70%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong 2
tỉnh đầu tiên đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (133/133 xã); trong đó, 17 xã
đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 08/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn
nông thôn mới.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, chính sách, an sinh xã
hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, giải quyết việc làm cho trên 87.000 lượt
người; tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế đạt trên 84,5%; giảm 0,2% tỷ lệ hộ nghèo, giảm
0,11% tỷ lệ hộ cận nghèo. Công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội được đảm bảo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và giáo dục, đào
tạo thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo được quan tâm;
tích cực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị chính quyền vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đồng Nai vẫn còn
những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đó là:
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến phát triển trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; giá sản phẩm chăn nuôi đã
tăng trở lại nhưng chưa ổn định, ngành chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình
hình lấn chiếm, xây dựng trái phép, khai thác cát lậu còn diễn biến phức tạp;
công tác quản lý xây dựng chưa chặt chẽ; việc triển khai các thủ tục đầu tư các
dự án trong nước, các dự án PPP, xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách
chưa đạt theo kế hoạch; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để,
còn có những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài đã giải quyết nhưng chưa dứt
điểm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nợ lương, nợ bảo hiểm và có dấu
hiệu bỏ trốn.
An ninh trật tự diễn biến phức tạp, các đối tượng
kích động người dân, công nhân tụ tập biểu tình (vào tháng 5, tháng 6 năm
2018) gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp; tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, nhất là vào
các tháng cuối năm.
II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ trong thời
gian tới của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Nai để thực hiện tốt
nhiệm vụ năm 2019. Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
1. Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu
quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP Chính phủ ngày 01
tháng 01 năm 2019 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, quyết
liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm
2019 ngay từ ngày đầu, tháng đầu; tập trung đột phá vào những lĩnh vực trọng
tâm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch nhất là quy hoạch
về đất đai. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05
tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trong đó
chủ động nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập
quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.
3. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn
với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, theo hướng
nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 - 2020 trên
địa bàn, trong đó tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm: Đầu tư
công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Chú trọng nâng cao hiệu quả
kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng quản lý đầu tư công, thu hút tối
đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Tiếp tục triển khai
quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn
với xử lý nợ xấu.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng
cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng nông
thôn mới theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm theo lợi thế địa phương và
nhu cầu thị trường; tập trung phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất với tiêu
thụ nông sản; bổ sung điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, tăng đào tạo lao động
cho nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao thu nhập
trên cùng diện tích. Triển khai có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách khuyến
nông.
Sân bay quốc tế Long Thành là một trong những dự án
ưu tiên hàng đầu của đất nước, hiện nguồn vốn bố trí cho dự án đã sẵn sàng,
không được phép lùi lại hoặc chậm tiến độ. Do đó, Tỉnh tập trung cao độ để triển
khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các hạng mục dự
án sân bay quốc tế Long Thành đã được giao.
4. Tập trung kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường,
các nguồn gây ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, cơ
sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất
là các khu vực gây bức xúc cho người dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu,
phòng tránh thiên tai, bên cạnh phát triển công nghiệp, cần quan tâm hơn đến
phát triển đô thị, phải gắn kết và phát triển hài hòa công nghiệp hóa gắn với
đô thị hóa.
5. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01
năm 2019. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và
hành chính công cấp tỉnh (PAPI)
6. Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn
hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thực hiện
tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ
giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Quan tâm các lĩnh vực giáo
dục đào tạo, y tế. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, dự án về
giảm nghèo. Đặc biệt Đồng Nai là địa phương có dân số ngoại tỉnh hàng năm đến rất
đông nên cần chú trọng quan tâm, giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đảm bảo
trường học, các thiết chế công đoàn, hướng đến phát triển bền vững.
Huy động các nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng
nông thôn mới. Tuy toàn tỉnh đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông
thôn mới nhưng các ngành, các cấp tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, tiêu
chí nông thôn mới xác định, xây dựng nông thôn mới có điểm đầu chứ không có điểm
cuối; rà soát, ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao
thay thế cho Bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh.
Hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt 02 Đề án: Xây dựng huyện
Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô
thị hóa trên địa bàn cấp huyện.
7. Chú trọng làm tốt công tác quốc phòng, an ninh
trật tự và an toàn xã hội. Phải đặc biệt chú trọng hơn nữa các thách thức an
ninh phi truyền thống, không để xảy ra tình trạng diễn biến phức tạp, các đối
tượng kích động người dân, công nhân tụ tập biểu tình; tội phạm, buôn lậu, ma
túy, cờ bạc,... nhất là trong những dịp cuối năm, lễ, tết. Tập trung giải quyết
có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn
xã hội, tín dụng đen.... Tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao
thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông ở địa bàn thành thị, khu vực
đông dân cư. Thực hiện tốt công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại
các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, hộ gia đình.
Quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng người nghèo trong dịp Tết
Nguyên đán cổ truyền của dân tộc không để gia đình không có tết. Thực hiện
nghiêm Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện
pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết
kiệm.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu
tư đối với một số dự án quy mô nhỏ do Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện (thi
hành Luật Đầu tư): Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổng hợp các vướng mắc trong
quá trình thi hành Luật Đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan được giao chủ
trì xây dựng Luật sửa đổi Luật Đầu tư), để tổng hợp các kiến nghị của các địa
phương (trong đó có Đồng Nai) trong quá trình sửa Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
2. Về đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án đầu
tư có sử dụng đất công vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi
đầu tư theo Luật Đầu tư (cho phép được thực hiện như văn bản số
5038/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Về hướng dẫn triển khai thi hành Luật Quy hoạch:
Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương
ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch và Bộ Tài chính
ban hành Thông tư về giá cho hoạt động quy hoạch để các địa phương xây dựng dự
toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo
quy định của Luật Quy hoạch.
Tỉnh tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó chủ động
nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập quy hoạch
tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật quy hoạch.
4. Về giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì phối
hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện các thủ tục để
triển khai thực hiện Dự án cầu thay phà Cát Lái: Đồng ý giao Tỉnh chủ trì và
làm việc thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí
Minh thực hiện theo quy định hiện hành (xem xét về quy mô, tiến độ, hình thức đầu
tư, phương án đầu tư, nguồn vốn, đơn vị chủ trì, trách nhiệm của các bên có
liên quan: Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban
nhân dân tỉnh Đồng Nai) trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về tăng nguồn vốn đầu tư cân đối ngân sách địa
phương trong giai đoạn 2019-2020; Tỉnh thực hiện theo đúng Nghị quyết số
71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội; giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét, đề xuất, xử lý kiến nghị của Tỉnh, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
6. Về hỗ trợ vốn có mục tiêu từ ngân sách Trung
ương cho ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện Dự án nâng cấp
đường tỉnh 763 (ĐT.763): Đồng ý với đề xuất của Tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh có
văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổng hợp đưa vào kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sau khi có chủ trương và hướng dẫn lập kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về kế hoạch vốn hỗ trợ phát triển chính thức
(ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
a) Đối với dự án đầu tư từ vốn nước ngoài giải ngân
theo cơ chế tài chính trong nước: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề xuất ưu tiên bố trí vốn
cho dự án kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Về bổ sung danh mục Dự án thoát nước và xử lý nước
thải thành phố Biên Hòa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn
ngân sách trung ương cấp phát và giao chỉ tiêu kế hoạch cho địa phương nguồn vốn
trung ương cấp phát từ phần vốn vay ODA của trung ương trong năm 2019: Giao Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương
tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung Dự án nêu trên
vào danh mục Dự án sử dụng vốn ODA theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12
tháng 11 năm 2018 của Quốc hội.
8. Về bổ sung vốn trung hạn 2016-2020 (vốn nước
ngoài và vốn đối ứng) cho Dự án đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai
(từ đường 25B đến đường Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây):
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên
quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về triển khai Dự án đường cao tốc Dầu Giây -
Phan Thiết; Dầu Giây - Đà Lạt: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện các
thủ tục theo quy định để sớm triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng
Nai phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác đền bù, giải
phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ Dự án.
10. Về đầu tư cảng ICD trên địa bàn: Tỉnh làm việc
cụ thể với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm
quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về hướng dẫn việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự
án theo theo hình thức PPP, hợp đồng BT: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính hướng dẫn các tỉnh thực hiện (trong đó có tỉnh Đồng Nai).
12. Về bổ sung vốn vào kế hoạch đầu tư công từ việc
doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn
a) Về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công
ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công
nghiệp: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem
xét, nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh trong quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc
hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại
doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Về dự kiến nguồn thu Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh
nghiệp trong thời gian tới: Khi có nguồn vốn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà
nước tại doanh nghiệp, Tỉnh sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án cấp bách trên địa
bàn Tỉnh cho phù hợp hiệu quả tránh dàn trải.
13. Về bổ sung, điều chỉnh sửa đổi Luật đất đai
(theo hướng bỏ hoặc tăng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp):
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật đất
đai.
14. Về cơ chế đặc thù hỗ trợ vốn đầu tư thực hiện
thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu; ban hành quy định việc xử lý đối với các
địa phương không duy trì giữ vững kết quả sau 05 năm đạt chuẩn nông thôn mới;
hướng dẫn công nhận tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu nông thôn mới: Giao Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương
về Chương trình nông thôn mới) nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung
ương về Chương trình nông thôn mới.
15. Về xử lý Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Tỉnh:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xử
lý Quỹ tín dụng nhân dân đang kiểm soát đặc biệt tại tỉnh Đồng Nai theo quy định
của pháp luật.
16. Về chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình doanh
nghiệp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn để các tỉnh thực hiện.
17. Về thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án
thành phần nghiệm thu công trình xây dựng đối với các dự án thành phần cấp I của
Dự án di dân tái định cư sân bay Long Thành: Giao Bộ Xây dựng xem xét ủy quyền
cho tỉnh Đồng Nai tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán, kiểm
tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với các dự án trên, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh
Đồng Nai và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, CN,
ĐMDN;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Thg
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|