Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 357/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Lê Mạnh Hà
Ngày ban hành: 03/11/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 357/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2016

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO.

Ngày 07 tháng 10 năm 2016, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2012 đến năm 2016 và các báo cáo chuyên đề của các cơ quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ý kiến của lãnh đạo các địa phương và ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. Tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2012-2016

Những năm vừa qua, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, các Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã có nhiều cố gắng, tập trung thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước.

Tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với giai đoạn 2008-2011: số lượt công dân đến các cơ quan hành chính khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 4,3%; số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 54,6%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 39,3%. Mặc dù, khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm, nhưng lại gia tăng số vụ việc khiếu nại đông người (tăng 32%), trong đó có nhiều vụ việc phức tạp. Tỷ lệ các vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm gần 70%, trong đó chủ yếu là khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. So với thời điểm trước khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thì khiếu nại đối với quyết định, trình tự, thủ tục thu hồi đất giảm, nhưng lại gia tăng khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết 170.450 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt trên 85,2%), thu hồi về cho Nhà nước gần 373,9 tỷ đồng, 274 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 11.618 công dân với số tiền 512 tỷ đồng và 418,6 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.072 người; chuyển cơ quan điều tra 197 vụ với 183 người; rà soát, kiểm tra, giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Để tập trung giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người gia tăng, làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp giải quyết triệt để, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan mở đợt cao điểm, tập trung giải quyết 50 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp tại 15 tỉnh, thành phố. Qua đợt tập trung giải quyết, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, giảm mạnh số lượng vụ việc và áp lực khiếu kiện lên các cơ quan Trung ương, góp phần chuyển biến tích cực tình hình và kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo là do một số quy định của chính sách, pháp luật còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là về giá bồi thường về đất. Việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa hợp lý, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án còn thiếu công khai, minh bạch, chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn hình thức; không công khai đầy đủ, rõ ràng thông tin về quy hoạch; đánh giá không thấu đáo tác động xã hội khi thực hiện quy hoạch, nhất là giải quyết quyền lợi của người dân trong phạm vi quy hoạch; tính toán không đầy đủ nguồn lực cho thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt dẫn đến quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong phạm vi quy hoạch.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn tại, hạn chế: người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao hoặc chưa quan tâm và thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ và trực tiếp đối thoại để giải quyết các vụ việc phức tạp. Có những cán bộ làm nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thiếu trách nhiệm, thiếu công tâm nên đề xuất xử lý không khách quan, áp dụng chính sách, pháp luật để giải quyết khiếu nại còn máy móc, biện pháp giải quyết không hợp lý, để kéo dài. Chưa tích cực rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, còn tâm lý tránh né, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết lên cấp trên. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và chính quyền địa phương chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là việc tổ chức tiếp công dân và giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật, sự hiểu biết pháp luật của một số người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, có những trường hợp người dân bị kích động, xúi giục khiếu nại, tố cáo kéo dài, chống người thi hành công vụ, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

II. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, không làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, các Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cả bộ máy hành chính phải vào cuộc theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân; xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm cách mạng đối với nhân dân; mọi khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật và từ cấp cơ sở; coi kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền, của người có thẩm quyền và trách nhiệm.

2. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát việc thi hành Luật đất đai năm 2013 và các luật có liên quan, tổng hợp các vướng mắc, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.

3. Chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm và thông báo công khai trước nhân dân. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhà ở theo hướng công khai, minh bạch, đề cao vai trò giám sát của người dân, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nhà ở. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận để người dân đồng tình, ủng hộ.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp và có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng hợp lý. Cán bộ tiếp công dân phải am hiểu chính sách, pháp luật, phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, tôn trọng dân, lắng nghe dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Các địa phương sắp xếp, bố trí Trụ sở tiếp công dân đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân; sớm hoàn thành dự án xây dựng trụ sở tiếp công dân Trung ương; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại Trụ sở tiếp công dân.

Người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại phải kiểm tra toàn diện, xem xét, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc, chia sẻ, đặt mình vào vị trí của người dân để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, khả thi. Khi xảy ra vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải trực tiếp gặp, đối thoại với dân, đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp vê an ninh, trật tự.

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, những địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định, kết luận, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp công dân tập trung khiếu kiện ở các cơ quan Trung ương, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức tiếp dân, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về giải quyết tại địa phương, không để công dân khiếu kiện dài ngày ở các cơ quan Trung ương, nhất là vào thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

5. Tiếp tục tập trung rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của công dân gửi Thủ tướng Chính phủ thuộc trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế, chính sách có tính đột phá để xem xét, giải quyết có hiệu quả đối với loại vụ việc này. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sớm đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; nghiên cứu để thực hiện việc tiếp nhận đơn thư trên cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp.

6. Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, tuyên truyền, vận động với phương châm: “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, phát huy vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và hiểu biết pháp luật của người dân.

7. Bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an địa phương nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, không để bị động, bất ngờ, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền biện pháp xử lý những tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, trật tự. Nhà nước bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, nhưng kiên quyết xử lý những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

8. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan truyền thông cần sắp xếp, tăng thời lượng chuyên đề về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để dư luận hiểu đúng tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo gây tác động tiêu cực tới dư luận, để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị (để b/c);
- Thủ tướng, các PTTg;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng, các Vụ: TH, PL, NC, TCCV, TKBT, QHQT, KGVX, KTTH, KTN, ĐMDN, V.III, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, V.I (3); TS.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 357/TB-VPCP ngày 03/11/2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.156

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.229.217
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!