Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 353/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành: 13/09/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 353/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2018

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH TÂY NINH

Ngày 21 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã nỗ lực cố gắng, đoàn kết, khắc phục khó khăn và đạt kết quả khá toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2018 là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,7% so cùng kỳ (cao hơn bình quân cả nước); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7%; xuất khẩu tăng 14%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện. Phát huy tốt thế mạnh nông nghiệp và làm giàu bằng nông nghiệp, đặc biệt có những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, công khai dân chủ, phát huy đa dạng nguồn lực xã hội đã tạo chuyển biến tích cực, nhất là các xã biên giới Tây Ninh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển rõ nét, an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm; người có công và các đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (xếp vị trí 5/63 tỉnh, thành).

Cải cách hành chính tiếp tục được duy trì, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết công việc tổ chức, cá nhân. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được nâng lên. Quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh còn những khó khăn và hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; doanh nghiệp địa phương còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải ngân các nguồn vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân rất thấp. Hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng. Quản lý hoạt động khai thác cát còn nhiều bất cập, tình trạng khai thác cát trái phép có chiều hướng gia tăng; việc xử lý những cơ sở sản xuất, cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường còn chậm. Tình hình tội phạm, buôn lậu, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Còn một số vụ việc khiếu nại tranh chấp phức tạp, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phương hướng phát triển tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy trí tuệ, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên và làm giàu bằng nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Tây Ninh tự cân đối được chi thường xuyên.

1. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế, trong đó tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư công trình thủy lợi đầu mối mang tính chiến lược phục vụ tưới tiêu phát triển nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do hạn hán. Nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh tế sáng tạo, hiệu quả, ứng dụng công nghệ tiên tiến tự động hóa cao, không gây ô nhiễm môi trường. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp và cán bộ quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn.

- Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững. Quy hoạch, điều chỉnh diện tích đất nhất là đất dọc biên giới phù hợp với mô hình nông nghiệp công nghệ cao; tích cực triển khai các mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ để gia tăng giá trị hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

2. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cửa khẩu biên giới; các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP), xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, hấp dẫn với những nét riêng, thu hút người hiền tài về sống và làm việc.

3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi; kiên quyết xử lý dứt điểm những điểm nóng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực giáp ranh. Phát triển kinh tế gắn liền với giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái bền vững. Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý rác thải, nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề truyền thống, cơ sở y tế... Đối với những cơ sở sản xuất, y tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tiếp tục giám sát, yêu cầu đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất, công nghệ xả thải, xử lý rác thải... không để tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

4. Định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Tây Ninh. Thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tinh thần sáng tạo, tiên phong, có năng lực tài chính, tầm nhìn dài hạn và ý tưởng phong phú để xây dựng khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch sinh thái - tâm linh - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí độc đáo mang tầm quốc gia và quốc tế; gắn với bảo vệ giữ gìn rừng tự nhiên, phát triển, tái tạo rừng để phục vụ các mục tiêu lâu dài và bảo vệ môi trường của địa phương. Nâng cao chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn địa phương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế, tăng cường công tác truyền thông quảng bá du lịch, phấn đấu đến năm 2020 thu hút 4-5 triệu khách du lịch.

5. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp 4.0. Thúc đẩy khởi nghiệp, động viên người dân khởi nghiệp sáng tạo, làm kinh tế, nhất là trong lớp trẻ để có nhiều doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân địa phương (kinh tế hộ, kinh tế gia đình, thành lập doanh nghiệp). Coi kinh tế tư nhân là động lực chính thúc đẩy phát triển địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp lên khoảng 10 nghìn doanh nghiệp.

6. Xây dựng Chính quyền điện tử, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến kết nối từ tỉnh đến huyện, xã; đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền Tỉnh phải đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, làm tốt các mặt công tác theo chủ đề Chính phủ đã xác định trong năm 2018 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để nâng cao niềm tin của xã hội, của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thu hẹp khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh với các địa phương, tạo nên sự hấp dẫn của vùng đất Tây Ninh trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

7. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo (đặc biệt là di dân tự do từ Campuchia về Tây Ninh). Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, du lịch gắn với giữ vững an ninh quốc phòng, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, làm tốt công tác đối ngoại, ngoại giao.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2018.

2. Về Dự án đường cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát: Đồng ý giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư đường cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát theo hình thức đối tác công tư (PPP) sau khi Quy hoạch điều chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh lập Đề án theo quy định, gửi Bộ Giao thông vận tải để chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài chính tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách Tỉnh theo quy định để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng để dự án sớm được triển khai.

3. Về hỗ trợ vốn thực hiện Dự án nâng cấp đường Tuần tra biên giới (đoạn từ cầu Sài Gòn 2 - giáp tỉnh Bình Phước đến cửa khẩu Quốc tế Xa Mát): Đồng ý với ý kiến của Bộ Quốc phòng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Quốc phòng đề xuất sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án khi có chủ trương sử dụng nguồn vốn này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về nâng cấp Quốc lộ 22 đoạn từ Suối Sâu đến cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư dự án, tỉnh chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo quy định; Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Tỉnh trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

5. Về nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 B và 22 B kéo dài: Giao Bộ Giao thông vận tải lập dự án đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

6. Về đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Tây Ninh: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để triển khai dự án theo quy định.

7. Về hỗ trợ vốn thực hiện Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây Sông Vàm Cỏ: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đê hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án khi có chủ trương sử dụng nguồn vốn này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Về sử dụng nguồn vốn sau khi thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc tỉnh Tây Ninh: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của Tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ.

9. Về cơ chế, chính sách đầu tư dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia:; Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực biên giới, cho doanh nghiệp đầu tư khu vực biên giới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2018.

10. Về việc ủy quyền cho Tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có quy mô đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề nghị của các địa phương trong đó có tỉnh Tây Ninh khi sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng nâng mức vốn dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh phân cấp, tạo chủ động cho các địa phương, giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân.

11. Về việc hướng dẫn, phối hợp giải quyết những vấn đề tồn đọng trong giải quyết hộ tịch, hộ khẩu cho dân di cư tự do từ Campuchia về nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh:

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện giải quyết vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương trong đó có tỉnh Tây Ninh thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư từ Campuchia về Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ”Đề án tổng thể đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam”.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

12. Về một số kiến nghị của tỉnh Tây Ninh đối với những bất cập trong cơ chế, chính sách: Giao các Bộ: Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ được giao, xử lý các kiến nghị của tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Tây Ninh nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, có văn bản trả lời địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2018 (kiến nghị gửi kèm theo).

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công an, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh HTX Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH, NN, CN, QHQT, TH, NC, KGVX;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Lê Huyền

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

PHỤ LỤC

CÁC KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH LIÊN QUAN ĐẾN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CÁC BỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 353/TB-VPCP ngày 13 tháng 9 năm 2018)

I. Giao Bộ Công Thương trả lời câu số 1, 2, 3, 4.

Câu số 1: Về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu

Theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương quy định “Bô Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cửa hàng xăng dầu thống nhất trong cả nước”. Tuy nhiên, đến nay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cửa hàng xăng dầu chưa được ban hành, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ đôn đốc Bộ Công Thương và Bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng, ban hành Quy chuẩn để thực hiện.

Câu số 2: Về lĩnh vực an toàn thực phẩm

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 39 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương:

- “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý quy định tại Điều 64 Luật An toàn thực phẩm và các nhóm sản phẩm trong Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này”.

- “Xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành quy định về mức giới hạn an toàn đối với các sản phẩm trong Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này”.

Tuy nhiên, đến nay các quy định nêu trên chưa được ban hành. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ đôn đốc Bộ Công Thương và Bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn, quy định để thực hiện.

Câu số 3: Về lĩnh vực xúc tiến thương mại

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, tổ chức bán hàng lưu động kèm bán hàng và tặng quà khuyến mại. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, tổ chức bán hàng lưu động kèm bán hàng và tặng quà khuyến mại để bán các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng.

UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, tổ chức bán hàng lưu động kèm bán hàng và tặng quà khuyến mại để thuận lợi trong việc quản lý.

Câu số 4: Về lĩnh vực quản lý thị trường

4.1 Khó khăn thực hiện áp dụng xử phạt giữa các Nghị định

Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý nhà Nước khác nhau có quy định xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm, tuy nhiên hình thức, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả,... lại khác nhau. Dẫn đến tình trạng áp dụng luật không thống nhất, dễ dẫn đến khiếu nại, khởi kiện đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính gây khó khăn, lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt khi áp dụng Nghị định để xử phạt vi phạm hành chính. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tham mưu điều chỉnh khung tiền phạt hợp lý tại các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau có quy định xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm để dễ dàng áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:

a) Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 50/2016/NĐ-CP

- Tại Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định".

- Tại Điểm c Khoản 4 Điều 128 Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp".

Cùng một hành vi vi phạm nhưng tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định mức phạt tiền cao hơn so với Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP .

b) Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 99/2013/NĐ-CP

- Tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định: "buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa"; Tại Điều 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định: "sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa".

- Tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định: "sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý".

Cả hai Nghị định này quy định mức phạt tiền tương đương với giá trị tang vật vi phạm nhưng mức phạt lại khác nhau. Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền cao hơn với Nghị định 185/2013/NĐ-CP , gây khó khăn trong việc áp dụng quy định nào để xử lý vi phạm hành chính.

c) Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 176/2013/NĐ-CP

Tại Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định mức xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với nhiều mức giá trị hàng hóa vi phạm nhưng tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ quy định chỉ 02 (hai) mức giá trị hàng hóa vi phạm và 02 (hai) mức phạt tiền: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trị giá hàng hóa vi phạm có trị giá dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có trị giá từ 20.000.000 đồng trở lên". Hai (02) Nghị định này quy định phạt tiền tương đương với trị giá tang vật vi phạm nhưng mức phạt tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP cao hơn so với Nghị định 185/2013/NĐ-CP gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính.

4.2 Xử lý hàng hóa bị thu, giữ

- Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tồn hàng hóa bị tịch thu xử lý mặt hàng vỏ bình gas loại 12kg là: 332 vỏ bình.

- Gas là mặt hàng đặc biệt nguy hiểm do nguy cơ cháy nổ cao, đe dọa an toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc giải quyết số vỏ bình gas lại khác nhau: trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp theo quy định tại Nghị định 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có quy định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; tịch thu theo Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; bị tịch thu sung công quỹ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Các bất cập, chồng chéo của quy định pháp luật hiện hành đang gây lúng túng cho các cơ quan chức năng khi xử lý vụ việc.

II. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời câu số 5 và câu số 6

Câu số 5. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật không bán vé thu tiền (Hội chợ)

Đây là loại hình đã có từ lâu ở các tỉnh Nam bộ. Hoạt động này góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của quần chúng nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, các tổ chức, cá nhân còn kết hợp tổ chức nhiều loại hình vui chơi giải trí truyền thống như: thải vòng, chọi lon, bắn súng, kêu xổ số (thường gọi lô tô)...phục vụ nhân dân. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng các trò chơi lành mạnh này để thực hiện một số hình thức tặng thưởng cho người chơi, dẫn đến trò chơi cờ bạc trá hình.

Vấn đề là hiện nay chưa có quy định về thủ tục hành chính đối với loại hình này. Do đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Câu số 6. Dịch vụ âm thanh di động (là dịch vụ cho thuê dàn âm thanh di động, dàn karaoke di động, loa kẹo kéo)

Loại hình dịch vụ này hiện nay phát triển mạnh tại nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, loại hình này gây nhiều phiền toái đến sinh hoạt hàng ngày của người dân bởi tiếng ồn của âm thanh gây ra vào mọi thời điểm trong ngày. Hiện nay nhiều địa phương còn lúng túng trong việc quản lý, lập lại trật tự trong hoạt động của loại hình này. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ đưa nội dung này vào Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng để có cơ sở quản lý.

III. Giao Bộ Công an trả lời câu số 7

Câu số 7. Về dịch vụ trò chơi điện tử offline (máy bắn cá)

Loại hình này hiện nay phát triển mạnh tại nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Tuy nhiên hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiến hành hoạt động kinh doanh. Do vậy các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh gặp khó khăn về nội dung này. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ đưa nội dung này vào Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cần quy định thủ tục hành chính đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này.

IV. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp trả lời câu số 8

Câu số 8. Phân loại dự án tu bổ di tích cấp quốc gia đặc biệt và thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích cấp quốc gia đặc biệt

Căn cứ Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ: dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt không phân biệt tổng mức đầu tư được xếp vào Dự án nhóm A.

Căn cứ Khoản 4, Điều 1 của Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 59/2015/NĐ-CP: cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định các dự án Nhóm A.

Như vậy, hiện nay có tình trạng các dự án tu bổ di tích có quy mô nhỏ, sửa chữa nhỏ phục vụ phát huy tôn tạo di tích cấp quốc gia đặc biệt vẫn được xếp vào Dự án nhóm A và Chủ đầu tư phải trình Bộ Xây dựng thẩm định.

UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng quy định quy mô, các dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt:

- Tổng mức đầu tư trên 800 tỷ được xếp vào Nhóm A.

- Tổng mức đầu tư từ 45 đến dưới 800 tỷ xếp vào nhóm B.

- Tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ xếp vào nhóm C.

V. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời câu số 9

9. Công tác lập, thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án tu bổ di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt

Căn cứ Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định Dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; dự án có sử dụng từ 1 ha đất trở lên của khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; từ 5 ha của khu di sản thế giới hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia; từ 10 ha đất trở lên của khu dự trữ sinh quyển.

UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu quy định cụ thể hơn về quy mô, tổng mức đầu tư của dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: Dự án từ nhóm B trở lên có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; dự án có sử dụng từ 1 ha đất trở lên của khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thuộc thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 353/TB-VPCP ngày 13/09/2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.342

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.105.85
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!