VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017
|
THÔNG
BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI HỌP THƯỜNG TRỰC
CHÍNH PHỦ VỀ GIẢI PHÁP CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 16 tháng 01 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì
buổi họp Thường trực Chính phủ để bàn về chủ trương, giải pháp chống ùn tắc
giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình
Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai
Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Tài chính và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về
thực trạng, giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội và
ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều cố
gắng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế ùn tắc giao thông trên địa
bàn; trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 đã xử lý được 45 điểm ùn tắc giao thông
(từ 89 điểm xuống còn 44 điểm). Trong năm 2016, Thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng bộ nhiều giải
pháp, qua đó đã giải quyết được 20/44
điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hiện nay đã phát sinh trở lại 04 điểm cũ và phát sinh 13 điểm mới, nâng tổng số điểm ùn tắc giao thông lên 41 điểm. Ngoài ra, trên một số
tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe, nhà ga, các tuyến đường đang thi công... có lưu lượng giao thông lớn,
thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và khi có sự cố giao
thông cũng như khi thời tiết xấu...
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên
là do:
- Thành phố Hà Nội tổ chức triển khai
và quản lý quy hoạch xây dựng chưa tốt, việc kiểm soát dân số đô thị còn nhiều
hạn chế, tổ chức không gian đô thị chưa hợp lý; công tác tổ chức giao thông còn
nhiều bất cập;
- Kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhất là các tuyến đường kết nối, đường vành đai;
- Phương tiện giao thông tăng nhanh
(hiện nay có khoảng trên 5 triệu xe mô tô, tăng 7,66%/năm giai đoạn 2010 -
2015; 0,54 triệu xe ô tô các loại, tăng 12,9%/năm giai đoạn 2010 - 2015; trên
10 nghìn xe đạp điện), trong khi đó tốc độ phát triển hạ
tầng giao thông của thành phố chỉ đạt đạt ở mức 3,9%/năm. Sự phát triển mất cân
đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng tăng; cùng với đó là
ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao...
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để giải quyết ùn tắc giao thông trên
địa bàn thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các giải pháp mà Ủy ban nhân dân Thành phố đã đề xuất, trong đó
Thành phố cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính
sách về quản lý đô thị Hà Nội, trong đó có nhiệm vụ hạn chế tăng dân số trong
khu vực nội đô lịch sử.
2. Tập trung rà soát lại toàn bộ quy
hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị Hà Nội; rà soát lại toàn bộ các dự
án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, phải chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao
thông, các nút giao thông xung quanh gần khu vực dự án trước khi đầu tư xây
dựng công trình; thực hiện nghiêm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, các
quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
3. Nghiên cứu xây dựng chương trình, tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ
tầng đô thị, giao thông ngầm, đường trên cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong
Quý I năm 2017.
4. Tập trung đầu tư hoàn thiện khép
kín vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4,
vành đai 5; các trục hướng tâm: Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, Đường 70,
các trục chính đô thị kết nối với các tuyến đường vành đai...
5. Triển khai đầu tư các cầu qua sông
Hồng, sông Đuống theo hệ thống đường vành đai như: cầu Vĩnh Tuy (Giai đoạn 2),
cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần
Hưng Đạo, cầu Đuống 2.
6. Hoàn thành dứt điểm các tuyến
đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), số 3 (Nhổn - ga Hà Nội). Tập trung
triển khai sớm 06 tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch.
7. Đầu tư các bến xe khách, xe tải
đảm bảo kết nối đường bộ, đường sắt; các bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông
tĩnh theo quy hoạch (đặc biệt khu vực trung tâm thành phố để hạn chế đỗ xe dưới
lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông).
8. Trước mắt, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ có
liên quan triển khai ngay các giải pháp để tổ chức giao
thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017 như
sau:
- Kiên quyết xóa bỏ tình trạng xe dù,
bến cóc, nhất là trong các ngày đầu, ngày cuối dịp nghỉ Lễ, Tết.
- Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập tổ công tác để giải quyết trật
tự giao thông tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, hoạt
động của xe taxi..; không để người dân không kịp về quê ăn tết vì lý do
không có xe phương tiện giao thông.
- Rà soát, đánh giá hiệu quả của
tuyến xe buýt nhanh (BRT) để có lịch trình, giá vé phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao
thông gia chấp hành nghiêm quy định về làn đường đối với tuyến xe buýt nhanh;
có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối
với các hành vi vi phạm gây cản trở hoạt động của xe buýt nhanh.
- Phối hợp với các địa phương trong
Vùng Thủ đô tăng cường chỉ đạo tổ chức phân luồng phương
tiện ra vào tại các tuyến giao thông cửa ngõ, chống ùn tắc giao thông trong các
ngày Lễ, Tết.
III. VỀ MỘT SỐ
KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Về phân cấp,
ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội tổ chức thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án nhóm A (Dự án
đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, bao gồm 02 cầu
vượt qua đường Láng Hạ và đường Nguyễn Chí Thanh; Dự án tuyến đường Tây Thăng
Long, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng) gắn với công tác
kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu: Đồng ý về nguyên tắc,
giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
trong tháng 02 năm 2017.
2. Đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối
với 05 dự án cầu qua sông Hồng và khép kín đường vành đai gồm: Dự án cầu chui
Trần Hưng Đạo; Dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội -
Thái Nguyên; chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo
hình thức hợp đồng BT; Dự án nút giao
khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long; xây dựng khép kín đường
vành đai 2,5 và 3,5. Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội xây dựng phương án cụ thể đối với từng dự án, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
3. Về chỉ định
Nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2 đoạn từ cầu
Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (điều chỉnh bổ sung đoạn vành đai 2 dưới thấp thực hiện
đồng thời với đoạn trên cao), dự án Quốc lộ 70 theo hình thức BT: Đồng ý về
nguyên tắc. Ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội có báo cáo cụ thể gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định trên tinh thần công khai minh bạch, không thất thoát tài sản nhà nước.
4. Bộ Kế
hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng ODA cho
các dự án đường sắt đô thị theo tiến độ được duyệt và Hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ, bảo đảm phù hợp với mức vốn được phân bổ trong kế
hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua.
5. Đồng ý Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung kêu gọi các nhà đầu tư
trong và ngoài nước (ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư trong nước) đầu tư các công
trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP (đặc biệt là các tuyến tầu điện ngầm).
6. Đồng ý Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội rà soát lại các nguồn lực của thành phố để đầu tư kết
cấu hạ tầng giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2017.
7. Đồng ý Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng đề án quản lý phương
tiện giao thông cá nhân, xác định lộ trình giảm xe ô tô, xe mô tô cá nhân;
trước mắt rà soát và có cơ chế chính sách để xử
lý các phương tiện xe máy quá niên hạn sử dụng để đảm bảo an toàn giao
thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về thành lập
Ban chỉ đạo đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà
Nội để tập trung chỉ đạo các giải pháp về đầu tư và chống ùn tắc giao thông: Giao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây
dựng, Nội vụ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2017 (theo
hướng thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn
thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng
Ban; các Phó Trưởng Ban gồm: Một Phó Thủ tướng Chính phủ
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các thành viên gồm các Bộ, ngành liên quan).
Văn phòng Chính
phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng CP;
- Các Bộ: CA, GTVT, KHĐT, TC, XD, NV, TNMT;
- TU, HĐND, UBND thành phố Hà Nội;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH,
TKBT, KTTH, NC, NN, QHĐP, QHQT;
- Lưu VT, CN (3) pvc.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|