VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 319/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 08
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH
PHÚ THỌ
Ngày 09 tháng 8 năm 2013, tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo
tỉnh Phú Thọ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2012, 6 tháng đầu năm
2013, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và một số
kiến nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo tổng hợp ý kiến của các Bộ về xử lý một số kiến nghị của Tỉnh, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu
dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả đã đạt được trong thời
gian qua của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Trong
điều kiện khó khăn chung, Tỉnh đã có những giải pháp tích cực để đạt được những
kết quả khá toàn diện: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2012 đạt 5,8%; 6
tháng đầu năm 2013 đạt 6,48%. Sản xuất công nghiệp dần được phục hồi, năm 2012
tăng 2,6% và 6 tháng đầu năm tăng 6,8%. Ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng,
năm 2012 tăng 5%; các chương trình nông nghiệp trọng điểm và Chương trình xây dựng
nông thôn mới được triển khai tích cực và có kết quả khá. Thu ngân sách nhà nước
năm 2012 vượt dự toán 2,5% và 6 tháng đầu năm tăng 8,9% so cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều
tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn
14,12%, an sinh xã hội được đảm bảo. Hoạt động vinh danh và bảo tồn các di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Hát xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Quốc
phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Phú Thọ vẫn còn nhiều khó
khăn, thách thức: hạ tầng kinh tế, xã hội còn kém phát triển; thu hút đầu tư còn hạn chế, công nghiệp có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ hộ
nghèo còn cao.
II. Về nhiệm vụ trong thời gian tới:
Về cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế -
xã hội những tháng cuối năm 2013 mà Tỉnh đã đề ra, nhấn mạnh thêm một số việc:
1. Tiếp tục phát huy các thành tựu, kết
quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, khai thác tiềm năng, lợi thế để
phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đảm bảo an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất
nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông
thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; tăng cường mối liên kết giữa
nhà nông với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để nâng
cao hiệu quả kinh tế.
Tập trung phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao, đặc biệt là chè, cây nguyên
liệu cho chế biến gỗ, bột giấy. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp,
người dân đầu tư thâm canh, chế biến sâu, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại,
mở rộng thị trường. Thực hiện tốt công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Quan tâm
khôi phục và phát triển các cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương.
3. Tỉnh cần đặc biệt quan tâm đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi,… Phát triển mạnh công nghiệp bằng phát huy lợi thế về hạ tầng và đổi mới
công tác xúc tiến đầu tư; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ
cao, công nghệ sạch, cần rà soát quy hoạch, bố trí hợp lý các nhà máy trong các
khu, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch: Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát
huy giá trị của các di tích lịch sử
văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Có cơ chế thu hút đầu tư cho các chương trình này, tạo
ra các sản phẩm du lịch lễ hội - nghỉ dưỡng có chất lượng cao, mang tính đặc
trưng để thu hút du khách.
5. Quan tâm thực hiện đầy đủ và lồng
ghép hợp lý các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi.
6. Tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết
liệt, thường xuyên và liên tục công tác đảm bảo an toàn giao thông; quyết tâm
giảm thiểu tai nạn giao thông.
III. Về một số đề nghị của Tỉnh:
1. Về “Xây dựng thành phố Việt Trì trở
thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”:
Tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan thực
hiện theo Quyết định số 1063/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt
Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2030; nghiên cứu xây dựng các Đề án, dự án cụ thể,
trong đó tính toán, xác định rõ hình thức đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn,
trình duyệt theo quy định.
Đồng ý chủ trương việc bổ sung thành
phố Việt Trì vào Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình
văn hóa giai đoạn 2012 - 2020 ban hành tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09
tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các cơ quan liên quan để hoàn tất thủ tục và
trình duyệt theo quy định.
2. Về việc bổ sung 3 huyện cận nghèo
(Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn) của tỉnh Phú Thọ được áp dụng
một số cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày
27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ: Giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về việc hỗ trợ vốn thực hiện Dự án
tuyến đường nối từ Đền Hùng đến vườn Quốc gia Xuân Sơn: Tỉnh rà soát, tính toán
quy mô dự án và phân kỳ đầu tư phù hợp. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất của Tỉnh về việc phát hành trái phiếu
chính quyền địa phương, tạo nguồn vốn thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ xem xét, quyết định.
4. Về đề nghị bổ sung vốn trái phiếu
Chính phủ còn thiếu của các dự án: Dự án đập Ngòi Lao và hệ thống dẫn nước; Dự
án tuyến đường trục chính nối Thị xã Phú Thọ với Quốc lộ 2; Dự án đê hữu sông
Thao đoạn Km0 - Km60 (Quốc lộ 32C); Dự án đê tả sông Lô và
xây dựng cầu sông Lô: Trước mắt, Tỉnh sử dụng số vốn trái
phiếu Chính phủ được giao giai đoạn 2012 - 2015 để thực hiện. Đối với số vốn
còn thiếu, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp chung (trong đó có tỉnh Phú Thọ) về nhu cầu bố
trí bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 04 tháng
6 năm 2013 của Chính phủ.
5. Về việc hỗ trợ vốn cho các dự án
thủy lợi, giao thông: Dự án hồ ngòi Giành; Dự án tuyến đê
hữu sông Thao từ xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông đến cầu Trung
Hà; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Âu Cơ: Tỉnh lựa chọn các đoạn xung yếu, cấp
bách để ưu tiên bố trí vốn làm trước; giao Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất việc hỗ trợ cho Tỉnh, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ. Trước mắt, Tỉnh chủ động cân đối vốn hỗ trợ từ
ngân sách Trung ương thuộc Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông trong kế hoạch
năm 2014 - 2015, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực
hiện.
Đối với Dự án đê tả sông Thao đoạn Km0
- Km17, huyện Hạ Hòa: Tỉnh và các Bộ liên
quan thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
tại Công văn số 6660/VPCP-KTN ngày 12 tháng 8 năm 2013.
6. Về bố trí vốn
đầu tư xây dựng mới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ: Tỉnh thực hiện theo ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6688/VPCP-KTTH ngày 13 tháng 8
năm 2013.
7. Về việc nâng mức hỗ trợ có mục
tiêu từ ngân sách Trung ương cho dự án Trường Đại học Hùng Vương: Giao các Bộ:
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, đề xuất việc hỗ trợ
cho Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, Tỉnh rà soát lại nội dung Dự
án, phân kỳ đầu tư hợp lý, chủ động sử dụng vốn hỗ trợ
từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động các
nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
8. Về việc bố trí vốn cho dự án Khu
di tích lịch sử Đền Hùng: Thực hiện theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế,
chính sách đặc thù cho các dự án đầu tư tại Khu di tích lịch
sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xem xét, đề xuất việc hỗ trợ cho Tỉnh tiếp tục đầu tư dự án
Quảng trường Hùng Vương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, Tỉnh rà soát,
tính toán quy mô và phân kỳ đầu tư hợp lý, chủ động sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân
sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp
khác để thực hiện.
Về hoàn trả khoản ứng trước của ngân
sách Trung ương: Tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành.
9. Về đầu tư dự án “Phát triển hạ tầng
kinh tế - xã hội huyện Phù Ninh và các vùng phụ cận” bằng nguồn vốn ODA: Tỉnh
hoàn thiện Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung vào Danh mục các dự án
kêu gọi đầu tư sử dụng vốn ODA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới:
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất cân đối từ nguồn
vốn xử lý khẩn cấp cầu đường sắt và đường bộ chung nhau và các nguồn vốn khác để
thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về dự án đầu tư xây dựng đập dâng
kết hợp cầu Việt Trì - Ba Vì: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng
dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh tiếp tục nghiên cứu,
hoàn chỉnh dự án và trình duyệt theo quy định; nếu dự án khả thi và hiệu quả, sẽ
xem xét bổ sung vào Danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt.
12. Về việc hỗ trợ vốn ngân sách
Trung ương cho Dự án xây dựng cầu Đồng Quang: Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại công văn số 5911/VPCP-KTN ngày 07 tháng 8 năm 2012.
13. Về đầu tư 13 km còn lại của Dự án
điều chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì: Đồng ý về chủ trương. Trước mắt, Tỉnh sử dụng số vốn trái phiếu
Chính phủ đã được bố trí năm 2014 - 2015 để thực hiện. Đối với số vốn còn thiếu,
giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư
xem xét khả năng bố trí từ nguồn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 -
2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
14. Về chủ trương đầu tư xây dựng Nhà
máy chế biến gỗ (giai đoạn II Nhà máy giấy Bãi Bằng): Giao Bộ Công thương chỉ đạo
Tổng Công ty giấy Việt Nam rà soát, tính toán kỹ phương án tài chính, hiệu quả đầu tư của dự án để xem xét, quyết định và tự chịu
trách nhiệm việc đầu tư.
15. Về đầu tư Nhà máy xi măng sông
Thao giai đoạn 2: Giao Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
16. Về Dự án nhà máy sản xuất nhiên
liệu sinh học Ethanol Phú Thọ: Giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc cụ thể với
Chủ đầu tư để xử lý dứt điểm, khắc phục tình trạng lãng phí trong đầu tư và có văn bản trả lời cho Tỉnh.
17. Về kêu gọi một số doanh nghiệp sản
xuất cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ đầu tư vào tỉnh
Phú Thọ: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên
quan hướng dẫn, hỗ trợ Tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tạo động
lực cho tỉnh Phú Thọ phát triển trong
thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các Bộ, cơ
quan liên quan biết, thực hiện./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương
binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục
và Đào tạo;
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội;
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
- Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam;
- Tổng công ty Giấy Việt Nam;
- Công ty CP Tập đoàn XD và Du lịch Bình Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT; Các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, KGVX;
- Lưu: VT, V.III (3b).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|