VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 304/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2008
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH
TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ VỀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG
HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TẠI CÁC TỈNH TRỌNG ĐIỂM
Ngày
6 và 7 tháng 10 năm 2008, tại Quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng
Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng,
chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã chủ trì hội nghị về các giải pháp nâng cao hiệu
quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma tuý tại các tỉnh trọng điểm.
Tham
dự Hội nghị có các Thành viên Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống
tệ nạn ma tuý, mại dâm, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban về
các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng,
chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội,
Y tế, Công an, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Chi Cục trưởng Chi cục
phòng, chống tệ nạn xã hội, Thường trực phòng, chống ma tuý thuộc Công an của
13 tỉnh, thành phố trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý.
Tham
dự Hội nghị còn có đại diện 13 Tổ chức quốc tế và các sứ quán là những nhà tài
trợ chính cho Việt Nam trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma tuý.
Sau
khi nghe báo cáo của các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, ý kiến phát biểu của các đại biểu trong nước và quốc
tế tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
1. Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma
tuý, mại dâm là nhiệm vụ quan trọng, bức thiết đối với cả nước, đặc biệt là ở
các tỉnh trọng điểm. Trong thời gian qua với sự chỉ đạo của Đảng,
Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương,
đoàn thể và toàn thể nhân dân, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý, mại
dâm đã thu được những kết quả bước đầu tích cực: kiềm chế được tốc độ gia tăng
HIV, tệ nạn ma tuý. Đối với các tỉnh trọng điểm cũng đã đạt được những chuyển
biến như sau:
-
Về phòng, chống HIV/AIDS: hình thái dịch nhiễm HIV vẫn đang trong giai đoạn tập
trung, tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm tiêm chích ma tuý, tuy dịch HIV đã có chiều
hướng chững lại nhưng vẫn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch, nếu
không triển khai các biện pháp phòng, chống và can thiệp giảm tác hại một cách
hiệu quả, diễn biến dịch sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới, số người
chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong có xu hướng tăng nhanh (tỷ lệ nhiễm HIV
trong nhóm người nghiện chích ma tuý tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 2000
đến nay tăng rất nhanh, đặc biệt là Thái Nguyên và Điện Biên, Sơn La và Bắc Kạn...).
-
Về phòng, chống ma tuý: đánh giá chung số người nghiện ma tuý giảm; tại
một số tỉnh trọng điểm có số người nghiện ma tuý giảm như: thành phố Hồ Chí
Minh (2.112 người), Sơn La (1.600 người)... ; nhưng tại một số tỉnh
có số người nghiện ma tuý tăng là Quảng Ninh (437 người), Nghệ An
(248 người)...; Hà Nội là địa phương có số người nghiện ma tuý mới được phát hiện
nhiều nhất (868 người).
Công
tác phòng, chống tội phạm ma tuý tại 10 tỉnh trọng điểm đã được đẩy mạnh hơn: 9
tháng đầu năm 2008, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý đã phát hiện,
bắt giữ 5.634 vụ, chiếm 78% số vụ với 8.413 số đối tượng, chiếm 85% số đối tượng
so với cả nước, số lượng ma tuý thu được chiếm 84% so với lượng ma tuý thu được
trong cả nước.
Việc
triệt phá tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa đã thu được những kết
quả: 6 tháng đầu năm 2008, tại địa bàn các tỉnh trọng điểm đã phát hiện và triệt
xóa 96,69 ha cây thuốc phiện, trong đó nhiều nhất là
Sơn La với 35,8 ha, Yên Bái 33 ha, Lai Châu 19,3 ha…
- Ở nhiều tỉnh,
các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và các đoàn thể đã thể hiện tinh thần trách
nhiệm cao, quyết tâm, kiên trì, sáng tạo thực hiện các cơ chế, chính sách, giải
pháp phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, nên đã thu được những kết
quả khả quan.
Tuy
có những chuyển biển tích cực, song đánh giá chung tình hình lây nhiễm
HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý ở các tỉnh trọng điểm vẫn còn rất bức xúc:
-
Các tỉnh trọng điểm có 75.872 trường hợp nhiễm HIV, chiếm 55,5% số trường hợp
nhiễm HIV trong cả nước, số bệnh nhân chuyển giai đoạn AIDS là 18.927 người, số
đã tử vong do AIDS là 20.009 người; tỷ lệ nhiễm HIV trung bình của 13 tỉnh trọng
điểm là 366,84/100.000 dân. Số lây nhiễm HIV/AIDS tại 13 tỉnh, thành phố được
phát hiện qua xét nghiệm từ năm 2006 đến nay là 39.883 trường hợp, chiếm 62,47%
số người nhiễm HIV được phát hiện trong cả nước. Số người nhiễm HIV đang còn sống
tập trung nhiều nhất ở các thành phố lớn là: Hồ Chí Minh: 31.971 người, Hà Nội:
11.990 người, Hải Phòng: 6.161 người...
-
Các tỉnh trọng điểm có 77.891/169.322 tổng số người nghiện ma tuý trong cả nước,
chiếm gần 50% số người nghiện trong cả nước, trong số người nghiện ma tuý có tới
trên 70% có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có tiền án, tiền sự; các tỉnh, thành
phố có nhiều người nghiện ma tuý nhất là: Hà Nội (23.251
người), Sơn La (14.993 người), thành phố Hồ Chí Minh (11.495 người), Thái
Nguyên (5.699 người)…
-
Tỷ lệ lây nhiễm HIV rất cao trong nhóm tiêm chích ma tuý.
-
Tệ nạn và tội phạm ma tuý vẫn còn rất nghiêm trọng.
-
Xuất hiện tình trạng tái trồng cây cần sa ngay tại một số tỉnh đồng bằng, thành
phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hoà Bình... chưa được xử lý nghiêm, triệt
để.
Nguyên
nhân của những tình hình trên do khách quan và chủ quan. Song trước hết
phải thấy rằng ở một số tỉnh trọng điểm sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa thật kiên quyết, chưa thường xuyên,
triệt để, một số tỉnh mới dừng lại chủ yếu ở việc ban hành các văn bản chỉ đạo; Ban chỉ đạo các cấp (từ tỉnh
trở xuống) chưa chỉ đạo sâu sát xuống cơ sở, chưa nắm chắc tình hình, chưa từ
thực tiễn của tỉnh mình để đề ra các giải pháp có hiệu quả; công tác chỉ đạo phối
hợp liên ngành tại một số địa phương, một số cấp chưa tốt; nguồn lực của nhà nước
đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý tuy được
quan tâm tăng lên năm sau cao hơn năm trước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, việc
phân bổ, sử dụng có nơi có lúc chưa hiệu quả; công tác tổ chức, huy động các
nguồn lực, các lực lượng xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý
tại một số địa phương (nhất là ở cấp cơ sở) chưa tốt.
Với
những lý do trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý tại một số
tỉnh trọng điểm chưa có sự chuyển biến mạnh.
2. Các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, các Thành viên Uỷ
ban Quốc gia cũng đã có cố gắng quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh trọng điểm
trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo triển khai thực hiện, hỗ trợ
nguồn lực. .. Tuy nhiên còn chậm trong việc phối hợp với các địa phương
tổng kết các mô hình có hiệu quả, trong việc theo dõi đánh giá các giải pháp,
các loại thuốc trong phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý, giảm tác hại…
Công
tác tuyên truyền cả ở cấp Trung ương và tại các địa phương tuy có nhiều cố gắng,
nhưng còn nhiều hạn chế và hiệu quả chưa cao.
3. Nhiệm vụ trong thời gian tới:
Để
nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma tuý tại các
tỉnh trọng điểm và trong cả nước, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số
công việc sau:
a) Các
Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cần tổ chức quán triệt sâu rộng xuống tận cơ sở
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục
tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong
tình hình mới"
b) Bộ
Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du
lịch, Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, các
cơ quan liên quan, các tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý nghiên cứu, đề xuất
các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về tác
hại và các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và ma tuý, đổi mới về hình thức và nội
dung tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng từng địa bàn dân cư; báo cáo Phó
Thủ tướng - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia trong tháng 11 năm 2008.
c) Các
Bộ chủ trì Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2010,
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy
hiểm và HIV/AIDS, cùng các Bộ chủ trì thực hiện các đề án, dự án của chương
trình và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có trách nhiệm xây dựng tiêu chí
ưu tiên định hướng phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ các tỉnh, thành phố
trọng điểm và chỉ đạo điểm của Chính phủ thực hiện có hiệu quả công tác
phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma tuý trong thời gian tới; đưa ra các
tiêu chí cụ thể để phấn đấu thực hiện, kiểm tra và đánh giá theo định
kỳ; báo cáo Phó Thủ tướng - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia trước ngày 15 tháng
11 năm 2008.
d) Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố trọng điểm chỉ đạo đánh giá nghiêm túc
diễn biến, thực trạng tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý trên địa bàn;
đánh giá nghiêm túc công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành; tổng kết
đánh giá sâu các mô hình, các giải pháp đã và đang thực hiện nhằm rút ra
những kinh nghiệm, bài học cần thiết, có hiệu quả. Trên cơ sở đó xây dựng nhiệm
vụ , kế hoạch và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý, mại dâm
năm 2009, báo cáo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, đồng thời gửi báo cáo Thủ tướng
Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia và các Bộ, ngành liên quan trước ngày 30 tháng 12
năm 2008.
Yêu cầu
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của tỉnh khẩn trương hoàn thiện cơ chế chỉ
đạo, Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; củng cố về mặt tổ chức, đảm bảo
sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành có hiệu quả ở từng cấp, trước hết là sự phối hợp
đồng bộ giữa các ngành Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội
và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức trên địa
bàn.
đ)
Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý, mại dâm các Bộ,
ngành, địa phương cần nhận thức rõ mối quan hệ giữa lây nhiễm HIV với tệ nạn ma
tuý, mại dâm, để từ đó có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các ngành. Thực
hiện có hiệu quả phương châm: đẩy mạnh giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; kết
hợp giữa chữa trị với giáo dục thay đổi hành vi và tạo lập môi trường lành mạnh.
Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển), Bộ Tài chính (Tổng Cục
Hải quan) cần có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trọng điểm, phức tạp về ma
tuý để đẩy mạnh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý tại các tỉnh này.
Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trọng
điểm để tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá tổng kết các mô hình, các giải
pháp, các bài thuốc… có hiệu quả, trong đó có vấn đề thí điểm sử dụng
Methadone, để đề xuất mở rộng việc ứng dụng.
Các Bộ,
ngành, cơ quan thành viên Uỷ ban Quốc gia với chức năng và trách nhiệm của mình
cần chủ động hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng,
chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý, mại dâm.
e) Văn
phòng Chính phủ chủ trì cùng các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và
Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan
nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của 13 tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS và
ma tuý, đề xuất các giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn
phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, các Thành viên Uỷ ban Quốc gia
phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng (để
báo cáo);
- TTg CP,
các PTTg CP;
- Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Các thành viên UBQG phòng, chống AIDS và phòng,
chống tệ nạn ma tuý, mại dâm;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Thường trực phòng, chống ma tuý, Bộ
Công an; .
- Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế;
- Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, BLĐTBXH;
- VPCP: BTCN, các PCN, Các Vụ: NC, TH, PL, TTĐT,
- Lưu: VT, KGVX(5), Hh 120
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Trần Quốc Toản
|